Header image
 
 

Susila Budhi Dharma

Vũ Huy Minh Châu dịch 1972

 
     
 
Nội Dung
  °         Mấy lời mở đầu
  ° 01 - SINOM
  ° 02 - DANDANGGULA
  ° 03 - KINANTI
  ° 04 - PANGKUR
  ° 05 - MÉGATRUH
  ° 06 - SMARANDANA
  ° 07 - ANDANGGULA
  ° 08 - KINANTI
  ° 09 - SINOM
  ° 10 - PUTJUNG
  ° 11 - ASMARANDANA
  ° 12 - PANGKUR
  ° 13 - DANDANGGULA
  ° 14 - KINANTI
  ° 15 - MIDJIL
  ° 16 - SINOM
  ° 17 - PANG KUR
  ° 18 - PUNTJUNG
  ° 19 - MÉGATRUH
  ° 20 - DANDANGGULA
 
 
Minh Châu Vũ Huy Hiền
Cử nhân Luật khoa
Cựu Chánh án tòa Thượng thẩm Saigon
Phụ tá đầu tiên của Subud Việt Nam 1961
Hội trưởng 2 nhiệm kỳ trước 1975 Subud Việt Nam
 
 

 

 

16-SINOM

  1. Vì có tiến bộ trong việc tổ chức đời sống hàng ngày nên người thời nay không cần phải theo những phương pháp thời xưa để luyện tập nội cảm. Sự tiến bộ nói trên, ví dụ như những nơi khi xưa là rừng rậm, bây giờ đã trở thành làng xóm, đô thị; những thung lũng khi xưa không qua lại được thì bây giờ đã có đường lưu thông chỉnh tề và sáng sủa; những hải cảng và nơi nghỉ mát đã được thiết lập ở bờ biển mà khi xưa chỉ thấy sóng đổ và nghe tiếng vỗ ầm ầm vào núi đá.
  2. Vả lại những câu nói ám chỉ nơi nào người ta có thể đến để thanh lọc nội cảm, thực ra không phải là những nơi cư ngụ thật, theo như nghĩa đen. Thí dụ như khi nói đến núi non thì không phải là núi non thật bằng đất đá mà ta vẫn trông thấy ở mọi nơi, nhưng mà là núi non tình cảm (la montagne des sentiments) ở trong ngực ta tức là nơi mà người ta gọi là trung khu tình cảm (le centre émotionnel).
  3. Khi người ta nói “rừng rú và đồng ruộng” thì ta đừng hiểu theo nghĩa đen vì nó có nghĩa là trung khu trí thức (le centre rationnel) ở trong đầu ta tức là khối óc. Ý nghĩa của chữ “Đại Dương” thật ra là nói về toàn thể sự cảm giác của xác thân con người, còn như chữ “sông ngòi” có ý  nghĩa liên quan đến nguồn cảm giác lưu chuyển ở trong cơ quan sinh dục. Khi ta thấy dạy rằng: con người phải tập khổ hạnh ở những nơi nói trên, thí dụ như ở núi non, thì thực sự đó là  nói về núi non tình cảm (trung khu tình cảm), vậy lời dạy này chỉ có nghĩa là con người phải tập chủ trị trí tưởng tượng của mình, có sức mạnh thường khuynh hướng về sự lừa dối mình mà cho là mình thấy những sự vật giả tạo. Rồi ta lại thấy nói đến “rừng rú” thì  thật ra đó chỉ có nghĩa là trung khu trí thức (khối óc). Con người cần phải kìm hãm sức mạnh của tư tưởng luôn luôn hay chìm vào mơ mộng. Và sau nữa lại thấy nói đến “bờ biển” và “ven sông” thì những chữ này có nghĩa là sự cảm-giác của toàn thể xác thân và nguồn cảm giác lưu chuyển trong cơ quan sinh dục, lời dạy như thế là ám chỉ bảo ta cần phải chủ trị nội cảm có sức mạnh như sóng cả đổ tràn tứ phía và chủ trị dục-tình luôn luôn thúc đẩy người ta giao hợp.
  4. Đó là ý nghĩa chính thực của những câu nói bóng ấy, Vậy đã rõ ràng đó chỉ là những câu nói ngụ ý (allégories) có một ý nghĩa thật kín đáo và bí mật. Nhưng cách nói ngụ ý như thế cũng có điều lợi, vì nếu những vấn đề ấy chỉ được trình bày một cách giản dị và không có che đậy, thì thường người ta không quan tâm đến và coi như chuyện rất tầm thường. Khi các vấn đề ấy được trình bày dưới hình thức ngụ ý thì người ta sẽ có thái độ khác hẳn. Nếu ta bảo con người muốn thanh lọc nội cảm thì phải lên núi, xuống bể hay vào rừng, họ sẽ chú ý hơn và họ sẽ thực sự hành động ít nhiều. Nhưng chung qui kết quả cũng chẳng khác gì như họ luyện tập ở nhà. Cũng có những chuyện mà tác giả cố tình viết sao cho độc-giả hiểu hoặc có ý hiểu rằng, một cuộc đời hạnh phúc chỉ có thể là phần thưởng cho người nào ăn ở đứng đắn theo đúng với con người thực của họ. Mặt khác con người sẽ không tránh khỏi xuống dốc và sẽ tự chuốc lấy họa trong đời nếu chỉ cứ chiều theo bẩm tính liều lĩnh và hung bạo của mình hoặc không ăn ở đứng đắn và đúng theo con người thực của mình.
  5. Vậy nên dầu các chuyện có ngụ ý bí mật nói trên được diễn tả bằng thi ca hay văn xuôi, thì cách hay nhất cho độc giả là phải ngẫm-nghĩ thâm trầm để thấu triệt được ý nghĩa sâu xa trong những chuyện ấy. Nếu như vậy mà độc giả còn thấy khó cảm thông và khó hiểu ý nghĩa trong những chuyện ấy, thì phải tìm hỏi một người bạn hiểu biết về vấn đề để giảng giải cho mình. Như thế lâu dần không những độc giả có thể xem hiểu được hoặc tụng đọc được mà còn hoàn toàn thấu triệt được ý nghĩa, mặc dầu là dấu kín dưới những câu văn cầu kỳ hoa mỹ.
  6. Vả lại, trong phần nhiều các chuyện nói trên các nhân vật và  các địa điểm xảy ra sự việc, thực ra, không phải là dựa theo những truyện có thật mà chỉ là những hình ảnh do trí-nghĩ bày đặt ra. Nhưng nhờ tài khôn khéo của tác giả nhiều độc giả tin tưởng rằng những sự việc xảy ra và những nhân vật trong chuyện đều là có thực.
  7. Vậy nên trong số độc giả, đôi khi có người bắt chước hành động của một nhân vật nào đó trong loại chuyện nói trên, bèn đem thực hành phương pháp tìm chân lý diễn tả ở trong chuyện ấy, rồi cũng đi lánh cư, đi tìm sự an tịnh nội ngã ở nơi rừng rú, trên núi non hoặc ngoài bờ biển hay ở ven sông, vả lại có lẽ họ mơ tưởng rằng chính thực những nơi ấy đã trở thành nơi thánh địa, ở đấy khả dĩ được thiên khải đại giác (illumination) và sẽ gặp được một vị thiên thần quang minh vô lượng nào đó có thể chỉ cho họ con đường ở đời.
  8. Mà họ cũng còn tin tưởng rằng công cuộc của họ trong thực tế cũng sẽ có kết quả giống như trong chuyện họ đã đọc và thấy chỗ nào cũng nói đến đủ thứ hiệp sĩ gặp được những sứ giả từ thượng thiên hạ xuống trần gian.
  9. Những người chưa có khả năng hiểu được ý nghĩa chính thức trong các sách họ đã đọc, thì họ bị lầm lẫn như thế. Đối với những người đã nhận thức được ý-nghĩa chính-thực thì không xảy ra như thế, vì họ nhận biết được những chuyện ấy chỉ là biểu hiệu tượng-trưng, còn như muốn biết được sự thực về con người thực của mình thì chỉ cần luyện tập một cách hoàn toàn tự nhiên ở tại nhà mình là đủ, mà chỉ cần điều kiện là tất cả thị dục, tư tưởng và trí tưởng tượng phải được thanh lọc một cách thích ứng.
  10. Như vậy con người trở thành có khả năng nhận định được rõ cái gì là thực, cái gì là giả ở trong loại chuyện nói trên và có thể nhận biết được, khi viết các chuyện ấy, tác giả có ở trong trạng thái loại trừ được ảnh hưởng của sức mạnh hạ-đẳng hay không.
  11. Bởi vì các sức mạnh hạ đẳng này cứ lần lượt kế tiếp nhau thúc đẩy sức mạnh của chính tác giả dồn về các trung khu thị dục, tư tưởng và tưởng tượng của tác giả, nên chính ngay tác giả có thể bị mù quáng thực sự. Và nếu tác giả không đủ thận trọng cảnh giác thì sẽ dễ bị ảnh hưởng của sức mạnh hạ đẳng, thành ra họ không biết ảnh hưởng này đã làm sai lạc nội dung những chuyện mà họ diễn tả, nghĩa là những cảnh không có thực lại được diễn tả là có thực và vấn đề hư thực cũng không còn nữa.
  12. Vì lẽ trên đây nên có nhiều người sáng suốt sinh nghi ngờ về nội dung các chuyện nói trên. Đặc biệt là khi những chuyện ấy được cố tình diễn tả bằng những câu đại ngôn hoa mỹ, thì người ta có thể lầm tưởng đó là chuyện phù phiếm trống rỗng, mặc dầu thực ra trong đó cũng có nhiều đoạn đầy ý nghĩa thâm sâu.
  13. Thật thế có nhiều chuyện nội dung không đúng với sự thực. Đó có thể chỉ là một mánh khóe của tác giả để độc giả không thể thấy rõ hết được tất cả những điều bí mật dấu kín ở trong chuyện, hoặc tác giả chỉ cố ý che dấu sự bí mật của nhân vật mà tác giả kể chuyện.
  14. Khi đó độc giả hiểu lầm ý nghĩa chính thực của câu chuyện. Đối với những người đã có kinh nghiệm nhiều về tâm linh, thì họ không lấy làm ngạc nhiên và cũng không thấy có gì khó khăn, nhưng độc-giả không có kinh nghiệm sẽ dễ bị ảnh hưởng, thành thử không những họ sẽ coi câu chuyện là có thực mà trong lòng họ còn nẩy ra ý muốn bắt chước người trong chuyện.
  15. Chính sự không rõ nghĩa thúc đẩy người này thực hành việc diễn-tả trong chuyện. Nhưng những cố gắng bắt chước người hùng trong chuyện thần thoại có thể đưa tới kết quả gì chăng? Dĩ nhiên không đến nỗi tất cả những gì mà độc giả này đã cố gắng với bao sự khổ cực để thực hiện đều hoàn toàn vô ý nghĩa. Vậy nên, con ơi, tốt hơn là con thực hành cách tập luyện nội cảm theo như đã diễn tả nhiều lần tức là Latihan, thì không phải tìm đến nơi vắng vẻ, cũng không phải vứt bỏ bổn phận hàng ngày.
  16. Vả lại, việc tập Latihan dễ dàng và nhờ nó con có thể tiến vào một lãnh vực chân lý, trong đó sức mạnh hạ đẳng tự nó lắng xuống. Cũng như trước kia đã giảng giải đầy đủ chi tiết, con người có thể tiếp nhận được phép luyện (Latihan) nội cảm vì Nguồn Đại-Sinh-Lực (La Grande Force de Vie) đã hóa thân vào nội ngã của họ, kể từ khi sinh lực này tới gần họ, nhờ ở một người khác đã có tiếp nhận Nguồn Đại-Sinh-Lực này trong chính bản thân họ từ trước rồi. Khi đó, như đã nói, con người chứng-nghiệm được rằng nội-cảm của họ không còn bị ảnh hưởng của tâm trí và óc tưởng-tượng.
  17. Hơn nữa, Latihan không phải là một phương pháp căn cứ ở chỗ học làm theo người khác, tác dụng cùa nó là tự chính nó phát ra và thích hợp thật đúng với thân thể và cân xứng với sức mạnh của thân thể.
  18. Vậy nên trong khi tập Latihan không một cử động nào gây hại hoặc làm tổn thương các cơ quan trong thân thể, trái lại những cử động ấy lập lại sức mạnh cho toàn thể con người, ngay chỉ một điều này thôi cũng đã không phải là vô giá trị. Những gì người ta cảm thấy trong Latihan tuyệt nhiên không phải là một hiện tượng phi thường và kỳ dị, đó là một hiện tượng tự nhiên, nhưng thực ra nó thuộc về con người bất diệt.
  19. Nếu ta nhận xét trạng thái của ta khi ta tiếp-nhận, thì ta cảm thấy một cái gì thật sự lạ lùng: một sự rung động phát ra trong thân thể rồi biến thành những cử động, có thể trở thành rất mạnh mà ta không ngờ tới.
  20. Lúc ấy ta không còn cảm thấy tư tưởng hoạt động luôn luôn như trước nữa, thành thử ta có cảm giác không còn có thị dục và chủ đích gì nữa. Trái lại ta cảm thấy sự an tịnh, sự an tịnh này chắc chắn không phải gì khác hơn là sự quy thuận Quyền-Năng của Thượng-Đế.
  21. Như vậy đã hiển nhiên là các cử động phát ra ở toàn thân thể đều không phải là do tâm và  trí gây ra. Hơn nữa theo như trên đây thì đã rõ ràng là muốn tiếp nhận được những cử động như thế, con người phải làm sao tìm cách chận đứng hoàn toàn sức mạnh của tư tưởng trong nội cảm mình.
  22. Dưới dây ta tiếp tục các điều giảng giải ở trên. Ngay khi các cử động của thân thể bắt đầu phát khởi thì nó liên quan đến tất cả bản thể con người, thành ra nó làm thức tỉnh thân thể y như họ vừa mới ngủ dậy. Đó là sự diễn tiến nếu con người chưa phạm lỗi gì trong đời sống và có một sự di truyền tốt đẹp.
  23. Trong trường hợp ấy, họ sẽ có nhiều thứ cử động giống như họ tập thể thao. Có người làm như nhảy múa, hoặc như cầu nguyện, lại có người cử động như trẻ em. Những người có các chứng nghiệm trên đây cảm thấy đó là một sự vô cùng kỳ dị.
  24. Tuy nhiên họ có cảm giác khoan khoái và ý thức họ vẫn hoàn toàn sáng suốt. Lâu dần họ sẽ cảm thấy và nhận biết ý nghĩa thật sự của những cử động cứ diễn đi diễn lại nhiều lần và làm cho họ thấy được những căn tính chính thực của cá nhân họ.
  25. Như vậy rõ ràng đó không phải là những kích động và cử động vô ý nghĩa và không ích lợi, vì lẽ chính những cái đó cho ta thấy rõ các khả năng chính thực của cá nhân mỗi người. Nhờ nó sau này con người có thể tìm ra được cách sinh nhai hợp với khả năng mình. Các khích động và cử động trên đây khác hẳn với những khích động và cử động mà người ta làm được do sự tập trung tư tưởng hay sự học hỏi.
  26. Sự khác biệt trên đây thật là lớn lao, vì các cử động nói trên kia chỉ phát ra khi ta đã thật sự loại trừ được sức mạnh của tư tưởng, còn các cử động khác thì phải nhờ sự tập trung tư tưởng hoặc phải học tập mới làm được. Sự kiện này cho ta hiểu rằng các cử động và khích động trong Latihan không bao giờ lệ thuộc vào tư tưởng, mà trái lại cần phải làm cho nội cảm không bị ảnh hưởng của trí óc và tâm cảm. Điều này cần thiết để cho ta có thể đem tất cả những gì ở trong con người ra quy thuận vào Thượng-Đế Cao-Cả Toàn-Năng.
  27. Bây giờ ta xét đến sự phát-triển của Latihan trong các người tập khác nhau. Trong những người tập, cũng có những người Latihan đối với họ không thấy tốt bằng đối với những người bạn cùng tập mà ta vừa nói ở trên. Một trong những lý do về sự khác biệt ấy là trước khi biết cách tập luyện nội cảm này, nhiều người đã phạm lỗi lầm và do đó đã làm tổn hại cho sức khỏe của họ. Sự chậm tiến của họ cũng có thể do lỗi lầm của cha mẹ họ.
  28. Những lỗi lầm ấy, thực ra cũng có thể do tổ tiên họ, rồi lại tái diễn từ đời này sang đời khác, mãi cho tới đời họ là làm nguyên nhân cho sự chậm tiến và sự đau khổ trong nội ngã họ.
  29. Vậy họ phải hiểu rằng họ cần phải tập Latihan mà không biết chán và cũng không được thêm vào đó những phương pháp khác, thí dụ như phép tham thiền ở nơi vắng vẻ có kèm theo sự nhịn ăn và nhịn ngủ.
  30. Đôi khi người ta cảm thấy bị các phương pháp như loại vừa nói trên thu hút mạnh mẽ, vì nghĩ rằng nó giúp cho mau đến kết quả mong muốn. Nhưng dùng các phương pháp này, ít khi họ đạt tới mục đích mà họ đã ấn định, vì lẽ rõ ràng là các phương pháp ấy chỉ do sức mạnh tư tưởng của họ gây ra. Như trước đây đã trình bày đầy đủ chi tiết, thì khả năng tư tưởng trong con người chẳng qua chỉ là một khí cụ. Vậy thì nếu con người nhận biết được trạng thái chính thức của mình thì tất cả hành vi của mình sẽ được lựa chọn một cách đích đáng thích hợp với linh hồn của mình, nếu không thì sự lựa chọn của mình chẳng sẽ làm cho mình đi lạc mục tiêu và chủ đích của mình hay sao? Thực ra điều này tỏ cho ta thấy đó chỉ là kết quả cuối cùng của sự hoạt động do những dục vọng sôi nổi tạo ra mà thôi. Vậy nên tốt hơn là trước khi dự định làm bất cứ việc gì ta phải suy xét một cách kỹ càng thâm sâu.
  31. Trước đây, thân thể con người, các sức mạnh hoạt động ở trong đó và khả năng của tư tưởng đã được ví với cây đèn, với dầu ở trong đèn và  ngọn đèn. Dĩ nhiên tính chất của ngọn đèn to hay nhỏ, sáng hay mờ, phải hoàn toàn lệ thuộc vào phẩm chất của dầu ở trong đèn. Cũng thế, khả năng của tư tưởng cao cả hay thấp hèn dĩ nhiên không phải không lệ thuộc vào tính chất của các sức mạnh ở trong con người.
  32. Vậy nên điều quan trọng trước hết là con người đừng nhẹ dạ chìu theo khuynh hướng của lòng mình. Vì con phải tin chắc rằng nếu con người cứ dễ dàng nghe theo lòng mình, mà lòng mình thực ra bị sức mạnh hạ đẳng xúi bẩy thì chẳng khác gì như tự đem sự quy thuận của mình hiến dâng cho các sức mạnh ấy mặc tình sử dụng mình và sai khiến mình theo sở thích riêng của nó.
  33. Và điều đó lại càng tệ hơn nếu nội cảm và trí nghĩ tràn đầy sức mạnh hạ đẳng. Tai họa chỉ thêm phần trầm trọng hơn vì do đó từ nay về sau đời sống của họ sẽ đồng tính chất với các đồ vật chất và họ sẽ không còn liêm sỉ chút nào, khi chỉ vì một cớ hết sức nhỏ mọn, mà họ hành động giống như một đồ vật tầm thường.
  34. Do tình trạng trên đây đưa đẩy, khi họ đã tới mức không còn ý thức được bổn phận làm người, thì con người của họ càng bị phá hoại ở bên trong và ở bên ngoài bao nhiêu, họ sẽ gặp nhiều phiền não và khổ cực trong đời họ bấy nhiêu.
  35. Vậy nên tốt hơn, con phải tiếp tục tập Latihan mà đã học được, mặc dù sự tiến bộ hãy còn chậm chạp. Nếu con có nhận thấy sự chậm tiến này thì đó không phải con thiếu sự may mắn, mà trái lại đó là điều cần thiết, vì nhờ sự chậm tiến ấy các cơ quan rất tinh tế trong thân thể con sẽ không bị tổn thương. Thực ra chính linh hồn con muốn như vậy, vì nó biết hơn con sức mạnh trong người con hiện ở mức độ nào.
  36. Thật sự nó cũng biết hơn người ta, cần phải dùng cách nào để sửa lại nội cảm cho tốt, nên trong Latihan thường khi người ta thấy các sự phát triển ngưng lại không phát ra nữa rồi, trong một thời gian ngắn lại phát hiện, cũng có khi các cử động tái diễn hoài mà không có tiến bộ.
  37. Để khỏi hiểu lầm, cũng rất cần biết rằng trong Latihan thường khi người ta có cảm giác đau một bệnh gì. Hơn nữa bệnh này không những phát hiện ra bằng một chứng hay hai chứng mà bằng nhiều chứng khác nhau và thay đổi luôn.
  38. Các cảm giác này phát hiện ra vì lẽ trước khi biết tập Latihan, người ta đã thường bị đau ốm, và mặc dù sức khỏe đã hoàn toàn trở lại trong những buổi tập đầu, nhưng một vài di tích của bệnh ấy có thể hãy còn, nên phát hiện ra trong Latihan dưới hình thức chứng bệnh cũ. Tuy nhiên dù ta có cảm thấy các chứng của bệnh cũ thì nó cũng không gây tổn hại gì mới cho ta. Trái lại, chính là do cách trên đây mà di tích các bệnh sẽ tiêu tan hẳn và nội cảm sẽ trở thành lành mạnh và thanh tịnh (saine et pure).
  39. Vậy nên trong khi tập Latihan có cảm giác bệnh thì cũng đừng lo ngại. Trái lại ta phải ca ngợi và biết ơn đức Từ-Bi của Thượng-Đế, vì nhờ đó mà thân thể được trở lại mạnh khỏe, nội cảm được thanh tịnh và trong sáng cho tới mức sau này ta có thể hoạt động một cách hòa hợp với linh hồn ta.
  40. Vậy nên Latihan mà các con quy thuận tập chung với nhau đúng thật như một ngọn suối, trong đó nội cảm được thanh lọc hết tất cả những gì là ô trược, là lỗi lầm, là bệnh tật. Đối với những người thật sự đau ốm, thì Latihan là một cái gì vượt qua cả mọi ước vọng, cả mọi lý luận, vì lẽ chỉ nhờ một phương pháp có vẻ rất giản dị, mà họ có thể lập lại được sự lành mạnh cả về thân thể lẫn linh hồn. Tuy nhiên đừng nên quên rằng cũng giống trường hợp các người bạn của họ đã kể trên, họ sẽ cảm thấy đau bệnh của họ trong khi tập Latihan, mà họ còn thấy đau mạnh hơn vì họ có bệnh thật sự.


 
     
 
  © 2014 góc nhỏ