Header image
 
 

Susila Budhi Dharma

Vũ Huy Minh Châu dịch 1972

 
     
 
Nội Dung
  °         Mấy lời mở đầu
  ° 01 - SINOM
  ° 02 - DANDANGGULA
  ° 03 - KINANTI
  ° 04 - PANGKUR
  ° 05 - MÉGATRUH
  ° 06 - SMARANDANA
  ° 07 - ANDANGGULA
  ° 08 - KINANTI
  ° 09 - SINOM
  ° 10 - PUTJUNG
  ° 11 - ASMARANDANA
  ° 12 - PANGKUR
  ° 13 - DANDANGGULA
  ° 14 - KINANTI
  ° 15 - MIDJIL
  ° 16 - SINOM
  ° 17 - PANG KUR
  ° 18 - PUNTJUNG
  ° 19 - MÉGATRUH
  ° 20 - DANDANGGULA
 
 
Minh Châu Vũ Huy Hiền
Cử nhân Luật khoa
Cựu Chánh án tòa Thượng thẩm Saigon
Phụ tá đầu tiên của Subud Việt Nam 1961
Hội trưởng 2 nhiệm kỳ trước 1975 Subud Việt Nam
 
 

 

 

7. ANDANGGULA

  1. Trên đây là số phận của những người thôn quê, vì ảnh hưởng của sức mạnh thực-vật đã tạo thành thân thể họ và đã định cho họ một trạng thái nội-cảm như nói trên, nên họ dễ tin vào những người tìm cách lấy lòng họ bằng những lời hứa hẹn. Tất cả những cái đó chẳng qua chỉ là những mưu mô xảo trá để kìm hãm tinh thần họ trong vòng nô lệ, nên họ không biết được ngón lừa gạt ấy.
  2. Những anh chàng xảo trá ấy bề ngoài hành-động có vẻ như người ân nhân, nhất là đối với con mắt người thôn quê, đến nỗi những người này có cảm tưởng rằng họ thực sự được giúp đỡ trong những cơn khốn khó. Vậy nên thực ra sự giúp đỡ ấy chính là dây xiềng xích mà lâu ngày họ tự buộc chân tay họ.
  3. Chung qui số phận của họ hoàn toàn lệ thuộc vào các người xảo quyệt như thế, trong tay các người này họ chỉ là những khí cụ mà thôi. Họ không còn được tự do trong công việc của họ, cũng không còn có những cảm tưởng độc lập tối cần thiết cho một đời sống thực sự, thế nên đời sống của họ trên thế gian tưởng như vô giá trị. Đó là kết-quả cho những người nào không chăm chú tới địa vị tạo vật cao quý của mình, một địa vị uy quyền của Đức Thượng-Đế Duy-Nhất Toàn- Năng bao bọc và họ có thể tiếp nhận được sự hướng dẫn của Ngài, chỉ cho họ con đường sống thích hợp.
  4. Người dân thành phố thường ăn cả gạo lẫn rau. Vả lại ở thành phố có đủ các thức ăn, nên họ còn dùng  nhiều loại thực phẩm khác nữa.
  5. Ngay khi người ta không ăn thịt súc vật thì cũng còn có nhiều món thực-vật. Tóm lại ở thành phố, người ta dễ tìm đủ loại thức ăn.
  6. Như thế ta không cần diễn-tả về chi tiết các ảnh hưởng của sức mạnh thực-vật đã nhập vào trong thân thể người ở thành thị. Nhưng ta có thể góp nhặt được một vài kết luận về cách thức các sức mạnh thực-vật ấy ảnh hưởng vào con người như thế nào.
  7. Vì ảnh hưởng sức mạnh của rất nhiều món ăn thực-vật khác nhau, nên thường thường người dân ở tỉnh có rất nhiều loại tình cảm khác nhau; thường thì họ quanh quẩn giữa sự sân giận và sự sút kém tinh thần, như vậy có nghĩa là cách ăn uống của họ đã làm trí óc bị xáo trộn.
  8. Và chắc chắn là vì trí óc bị xáo trộn, nên họ tưởng không cần săn sóc tới vấn đề con người-thực của họ. Tuy vậy chính do từ con người-thực đó mới phát ra sự chỉ dẫn cần thiết về cách sinh-sống cho người ta, mà khi nhận thức được sự chỉ dẫn ấy thì người ta sẽ tìm thấy con đường thích hợp thật sự.
  9. Ta đừng lấy làm lạ về trạng thái trên đây, vì họ chưa có đủ sức mạnh nội-ngã để chống lại với áp lực của tất cả các sức mạnh nói trên. Như vậy ta thấy rõ một người chỉ cam chịu số phận mình, không còn có thể cảm thấy sức mạnh con người (Forces humaines) ở trong mình, vì cái phần chuyên để nhận thức các sức mạnh ấy đã bị bao nhiêu thứ sức mạnh khác xâm chiếm từ lâu rồi, thành ra họ khó lòng có thể đạt tới chỗ thấy lại được cái chứng nghiệm nguyên thủy sáng suốt kia, trừ phi sau này họ gặp được một người khả dĩ giúp họ làm tiêu tan các chướng ngại vật ở trong con người họ.
  10. Nhưng nếu không gặp được người giúp đỡ ấy thì con người dần dần trở thành không còn muốn biết tới sự gì xảy ra ở trong người mình nữa. Hơn nữa tình cảm của họ trở nên càng ngày càng mơ hồ, hỗn độn; trí-nghĩ và trí tưởng tượng của họ lại phụ thêm vào đó, rồi tất cả ở trong con người họ giống như một tổ ong bù vẽ với những ý-nghĩ và ảo tuởng lộn xộn.
  11. Trong số những người như thế có thể có người tự lực tìm kiếm được những gì cần thiết cho đời họ và một vài người còn thực hiện được những lợi lộc đáng kể. Do đó thường có những người khác bắt chước họ hy vọng rằng sự cố gắng của mình cũng có thể sinh được một số lời thỏa đáng như của họ.
  12. Ta thấy rõ những lối thử bắt chước như kiểu đó thường không có thể mang lại kết-quả mong muốn, vì cách hành-động như thế không thích hợp với tình trạng nội ngã của mình. Vả lại nếu người bắt chước này không nhận thấy sự sai lầm trong hành-động của mình, nghĩa là nếu họ không chấm dứt việc cố gắng bắt chước thì chắc chắn họ sẽ đau khổ vì các lầm lỗi mà họ không ngừng tự gây ra cho họ.
  13. Rất nhiều người làm việc để sinh-sống, mà chỉ là theo bạn bè xúi giục hoặc chỉ là vì thấy những người khác kinh doanh trong mọi ngành một cách thật vô cùng chăm chỉ. Một lối làm việc như thế có tính cách không khác gì một cái máy, chỉ khi nào người ta mở máy thì máy mới chạy. Thực ra những người như thế thật không hiểu gì về ý-nghĩa của sự làm việc đối với con người.
  14. Hậu quả là khi họ làm một công việc gì thì họ không có khả năng để hiểu được rằng con người phải làm việc trong những giới hạn nào, thí dụ như họ không nhận biết được rằng tính-chất công việc của họ làm phải tương xứng với sức mạnh nội ngã và năng-lượng trí-óc của họ. Rất nhiều trong số những người này đã bị đau ốm vì làm việc quá sức mạnh nội ngã và trí-óc của họ.
  15. Lại có những người khác ganh tị với người đồng nghiệp vì công việc của mình làm chậm hơn, hoặc vì sự tiến triển của mình không được chú ý bằng của bạn, cho nên xảy ra cãi cọ giữa đôi bên. Lại cũng có nhiều người chủ vì luôn luôn lỗ-vốn trong công việc, nên dùng những biện-pháp không hay để gỡ-gạc.
  16. Tất cả những cái đó là do ảnh hưởng của các sức mạnh đủ thứ đã xâm chiếm nội-cảm và trí-thức làm cho nó trở thành khí-cụ của các sức mạnh hạ-đẳng hoành hành trong con người.
  17. Đó là sự-thực về cách thức các sức mạnh vật-chất cũng như thú-vật ảnh hưởng vào con người như thế nào. Con người chỉ còn cách chấp nhận  tình trạng ấy, vì vậy họ sao lãng bổn phận  làm người và ưa thích con đường xấu hơn. Kết-quả là mọi sự ước muốn của họ thực ra không phải là của con người mà đều do sức mạnh hạ-đẳng xúi nên.
  18. Con ơi, để tránh điều đó, không bao giờ con được sao lãng bổn phận làm người. Con hãy tập Latihan một cách trung thực, mặc dầu từ lâu rồi con có bị ảnh hưởng của sức mạnh nói trên. Nếu con tập Latihan đúng cách thì sự dao-động rối loạn của các sức mạnh ấy sẽ tự nó bớt dần và sự sinh-hoạt nội ngã của con sẽ lắng xuống như nước trộn với dầu.
  19. Khi tới được trình-độ ấy, con sẽ tự nhận biết đâu là con đường-chính của con trong đời và cũng sẽ có khả năng để hoạt-động cho hợp với mục-đích của con. Khi ấy, con sẽ nhận thấy được các sức mạnh ấy và cả sức mạnh của chính con đương hoạt-động ở trong người con như thế nào và kết-quả sau cùng là sự hợp-tác giữa sức mạnh con người (Force humaine) của con với các sức mạnh phụ trợ (Forces auxiliaries).
  20. Thật ra phải khởi sự và chăm lo điều ấy ngay từ đời sống hiện tại. Không nên để cho vấn đề này chỉ là một dự định mơ-hồ, hoặc là những lời nói trôi đi. Cần xét xem phải đi thẳng vào vấn đề bằng cách nào ngay bây giờ và cố gắng thực hiện  được chừng nào hay chừng nấy, ngay khi mình còn sống đây để được thật sớm giải thoát những phiền não về sau.
  21. Không làm như vậy, thì tất cả đều sẽ chỉ ở trong vòng lý-thuyết và ngay như có được trình bày bằng những câu văn hoa-lệ cầu kỳ đi nữa, thì nhiều lắm lời nói cũng chỉ như làn sóng trôi đi không kết-quả gì.
  22. Trong những cảnh huống như thế, thật là không thể hiểu được sự-thực của trạng thái ấy. Vậy nên việc tập Latihan đúng cách như đã chỉ dẫn ở trên sẽ rất lợi ích cho con, vì nhờ đó con sẽ nhận thấy dễ dàng những điều gì cần phải hiểu biết trong các vấn đề liên quan đến sự phải trái (la verite rt l’erreur) và hơn nữa con sẽ bắt đầu hiểu rõ những vấn đề khác nói ở trong các sách.
  23. Đó là kết-quả của Latihan nếu con tập đều và đúng phép. Vì vậy trước hết đừng bao giờ con sao lãng việc tập của con và bất cứ trong trường hợp nào con cũng đừng đem việc tập Latihan ra làm câu chuyện cãi-cọ, hoàn toàn không có căn bản và ý nghĩa gì. Một sự sao lãng như thế rất có hại cho con, vì sự chứng nghiệm nội ngã của con rốt cuộc sẽ bị lung lay bởi những lời nói văn hoa mà con tưởng là đúng chân-lý và đáng tin.
  24. Con ơi, con phải nhận thấy rằng sự hiểu biết bởi Latihan không có gì đặc biệt tế nhị hoặc khó nhận xét. Sự hiểu biết ấy còn dễ thâu nhập hơn là sự hiểu biết bằng trí-thức, vì trong trường hợp này người học-giả nghiên cứu vấn đề luôn luôn bằng trí-óc, còn như trong trường hợp của chúng ta thì trí-nghĩ chỉ là một sức mạnh phụ trợ không bao giờ được đi trước, mà trái lại phải ở sau nội-cảm. Chỉ khi nào trí-thức con người thực-sự ở sau nội-cảm và chỉ dùng làm sức nâng đỡ hoặc sức phụ trợ, thì người ta mới có thể thật có được một sự thâm-tín rõ rệt về vấn đề nghiên-cứu.
  25. Con cần phải hiểu điều trên đây để cho trong Latihan của con, con luôn luôn “tiếp nhận” được sự hướng dẫn thích hợp với linh-hồn con. Rốt cuộc con sẽ nhận thấy rõ đâu là chân đâu là giả trong tất cả các truyện kể trong sách. Hơn nữa, khi con đã có được năng khiếu ấy rồi, con sẽ cảm thấy năng-lực (énergie) tăng thêm trong khi con tập Latihan cũng như trong khi con làm việc hàng ngày.
  26. Điều quan trọng hơn hết là khi đã đạt tới trình-độ trên đây thì con không còn là một người đi bắt chước kẻ khác và tin vào những câu chuyện kể bằng một giọng văn cao đẹp. Vì con ơi, con phải biết rằng sự-thực trong những truyện như thế, thật còn khác xa với những lời hoa-mỹ mà người ta dùng để trình bày và thường khi người ta cố ý viết những truyện ấy dưới hình thức truyện ngụ-ngôn (allégaries) tượng trưng cho đường đời của con người.
  27. Trên đây khi bàn đến ảnh hưởng của sức mạnh thực-vật, người ta có lẽ khó lòng mà tin được rằng, ảnh hưởng này có thể tác động vào người sung-sướng cũng như vào người khổ sở quá đến nỗi thù ghét bất cứ cái gì đến gần mình.
  28. Hết thảy những truyện người ta kể cũng đều như thế cả. Trong những truyện ấy chẳng bao lâu, con sẽ phân biệt được chân và giả và trong các sách con sẽ nhận thấy rõ sách nào thật đúng với sự-thực và sách nào chỉ là truyện tưởng tượng. Vì con phải biết rằng tri-thức người ta vô cùng khôn khéo trong việc lựa chọn lời nói để lừa dối đọc giả.
  29. Lại nữa có một số truyện, văn hay đến nỗi độc giả cảm động thâm sâu và tin chắc là truyện thực. Thường khi đó chỉ là kết-quả của lời văn hoa mỹ, không có gì đáng  phàn nàn, vì thói thường con người hay suy luận theo cách đó.
  30. Vậy con ơi, con đừng lo ngại mặc dầu con có ở nơi thành phố, vì lẽ nếu con không sao lãng tập Latihan như đã giải thích trước đây, thì không một sức mạnh nào đã kể trên (sức mạnh vật-chất, sức mạnh thực-vật) có thể còn làm chướng ngại vật cho đời con được nữa.
  31. Trái lại nếu con có khả năng làm được như vậy, thì các sức mạnh nói trên sẽ có đường lối để lại tìm thấy dễ dàng các sức mạnh tương-ứng với nó và nó sẽ trung thành đền ơn con về điều đó, nghĩa là con sẽ luôn luôn tìm thấy những thức ăn mong muốn và con sẽ không thiếu thứ gì trong đời con.
  32. Bây giờ đã đến lúc giải thích với nhiều chi-tiết hơn ý nghĩa của sức mạnh thú-vật (Forces animales), nghĩa là đặc tính các món ăn bằng thịt súc vật.
  33. Ảnh hưởng các sức mạnh này càng thấm sâu vào trong con người thì nó lại càng lớn mạnh nhiều hơn ảnh hưởng sức mạnh thực-vật. Hậu quả là năng-lực (energies) trong con người hầu như chỉ do sức mạnh thú-vật làm cho linh-lợi và hoạt-động mà thôi.
  34. Sự kiện trên đây tỏ cho người ta phải hiểu rằng: con người không dễ gì mà có thể luôn luôn phân biệt được trong tâm-tính nội-ngã mình, tính nào bắt nguồn từ chính mình, tính nào là do sức mạnh thú-vật khêu gợi ra.
  35. Con ơi, vì vậy bất cứ trường hợp nào con không được sao lãng tập Latihan, vì lẽ nhờ nó, chẳng bao lâu, con sẽ có thể cảm thấy thực sự và hiểu được khuynh hướng của các sức mạnh ở trong con và con có thể phân biệt riêng từng sức mạnh ấy. Trình độ này không thể đạt tới được bằng cách chỉ dùng trí-nghĩ mà thôi, vì như đã giải nghĩa ở trên, các sức mạnh này thấu-hợp thâm-sâu với con người đến nỗi hơi có một chút khích động gì từ các sức mạnh ấy phát ra là nó làm cho con cảm thấy một cái gì, và có lẽ khi ấy con lại vội lầm tưởng là khích động ấy xuất phát từ các sức mạnh của con người-thực thanh-tịnh và trong suốt.
  36. Vì có nhiều điều có thể xảy ra như vậy, nên rất nhiều người suy nghĩ để tìm hiểu các vấn đề này, đã tự mình từ bỏ không ăn thịt súc-vật. Mục-đích của họ là muốn mau đạt tới kết-quả mong muốn, nghĩa là mau có khả năng phân biệt, trong các khích động nội-ngã, cái nào là của con người-thực phát ra và cái nào là ảnh hưởng của sức mạnh thú-vật tạo nên. Vả lại, họ cũng muốn khám phá ra đâu là nơi ở vĩnh-cửu của họ và muốn hiểu biết rõ hơn về đời sống viên-mãn.
  37. Thực ra không ăn thịt thú vật như thế không phải là sai lầm, mặc dầu không phải là luôn luôn dễ dàng và cũng ít khi nhờ đó mà tiến lên được trình độ cao hơn.
  38. Rất nhiều trong số những người đó đã đạt tới mức thấy thịt thú-vật không còn mùi vị gì đối với họ, và tự vui lòng chỉ ăn rau cỏ mà thôi.
  39. Tuy nhiên đối với những người tuyệt nhiên không làm gì khác hơn là chỉ để ý suy nghĩ đến vấn đề này mà thôi, thì vấn đề này chẳng qua chỉ là một cớ để nói chuyện tầm-phào. Vì vậy nên con đã được nhắc nhở nhiều lần rằng đừng bao giờ sao lãng tập Latihan, vì chỉ có nhờ Latihan con mới tấn tới thực sự và hữu hiệu .
  40. Với một phương pháp như vừa nói trên, dù con có bớt ăn thịt hay không cũng không quan hệ gì. Vậy con cứ giữ nguyên các thói quen của con, cứ tiếp tục ăn những món ăn gì thường dùng cho người ta trong đời sống thế gian; rồi rốt cuộc thế nào một ngày kia con cũng có khả năng cảm thấy các sức mạnh nói trên và hiểu rõ nó hoạt-động ở trong con như thế nào; khi đó tâm con chỉ còn đóng vai một người chứng kiến mà thôi. Nếu được như thế rồi không còn một áp lực nào khả dĩ gây hại hoặc sinh ra bệnh-hoạn, mà lại còn có thể ảnh hưởng vào các cơ quan và sự hoạt-động của nó ở trong người con được nữa.
  41. Đó là kết-quả của Latihan, một phương pháp mà căn bản khác hẳn với tất cả các phương pháp dựa vào ý-chí và khắc-kỷ. Vậy nên con phải coi chừng chớ có lựa chọn một trong các phương pháp khắc-kỷ ấy, vì lẽ như vừa nói trên, các phương pháp ấy không có căn bản nào khác hơn là dùng ý-muốn của cái tâm, mà cái tâm thì lại chỉ có thể đem ý-muốn của nó phụng sự cho vô số các sức mạnh mà con không biết được nguồn gốc. Vả lại có thể bất trắc con lọt vào một con đường không thích thú gì lắm.
  42. Đấy là sự nguy hiểm, nếu trong công việc tâm linh của con, con khởi sự sai lầm. Trước khi nhận thấy được sự sai lầm của con, chắc chắn con sẽ cho là hành-động và việc làm của con đều do con người-thực sai khiến, trong khi thực ra gần như hoàn toàn là do các sức mạnh thú-vật và sức mạnh khác nữa. Tự nhiên con nghĩ rằng: tất cả những cái đó đều tùy ở con mà phát ra vì bản-ngã của con đã bị các sức mạnh thú-vật chi phối hoàn toàn.
  43. Vậy nên tình trạng của con hãy còn có tính cách một điều bí ẩn: cái gì là chủ thực-sự ở trong con? Tình trạng của con là tình trạng của một  người mặc dầu đã hết sức cố gắng mà chưa đạt tới trình-độ có thể thấy rõ được sự khác-biệt giữa những gì phát xuất từ con người-thực  của họ và những gì phát xuất từ sức mạnh thú-vật .
  44. Đó là lý do tại sao số đông trong chúng ta hành-động không được hòa hợp đúng với bản-chất thật của con người. Các người này còn lấy làm thích thú ngay cả sự làm tổn thương cho người khác, kỳ cho tới khi những người bị họ làm hại cuộc đời phải rơi vào cảnh khốn khổ.
  45. Đôi khi, người đã hành động như thế bị quả báo trở lại, nhưng mặc dầu vậy họ không hề nhận ra đó là một hình phạt và một cảnh cáo về cái hại mà họ đã gây ra. Người ta có thể coi họ như một kẻ thua bạc không còn muốn và cũng không có thể ngừng lại được nữa và càng lúc càng hăng say thêm, nên người ta có thể nói rằng họ đã hoàn toàn mất trí.
  46. Cảnh tượng trên đây xảy ra khi toàn cả thân-thể người ta bị sức mạnh thú-vật xâm chiếm và trở thành một trò chơi của nó. Thế là con người, mặc dầu bản-chất vốn dĩ tốt đẹp hoàn toàn, nay chỉ còn là một dụng cụ của các sức mạnh thú-vật và sức mạnh hạ-đẳng khác nữa.
  47. Hậu-quả không những chỉ giới hạn ở con người ấy mà thôi, nó còn theo mãi cả đến con cháu, gây hại lớn lao cho đời sống của những người này như nó đã gây ra cho đời họ.
  48. Tuy nhiên mặc dầu sự việc là như thế, nhưng số đông trong chúng ta không hiểu và cũng không muốn hiểu sự-thực về chính mình. Vậy nên ngay như sự liên-lạc giữa vợ chồng cũng chỉ căn cứ vào khoái-cảm của cái tâm mà thôi.
  49. Do đó, sinh ra những hậu-quả khủng khiếp: rất nhiều người hành động một cách trái hẳn với địa vị con người, và không có một chút nhân đạo gì cả. Vậy nên ta có thể nói họ đã mất hồn người của họ, thế mà lại chính cái hồn người này phải làm cột trụ và nền tảng cho đời sống của họ.
  50. Nếu có ai trong số những người đó muốn đi sâu vào và hiểu rõ con người-thực của họ (tâm linh của họ) thì sự tiến-triển của họ tất nhiên sẽ phải rất chậm.  


 
     
 
  © 2014 góc nhỏ