Header image
 
 

Susila Budhi Dharma

Vũ Huy Minh Châu dịch 1972

 
     
 
Nội Dung
  °         Mấy lời mở đầu
  ° 01 - SINOM
  ° 02 - DANDANGGULA
  ° 03 - KINANTI
  ° 04 - PANGKUR
  ° 05 - MÉGATRUH
  ° 06 - SMARANDANA
  ° 07 - ANDANGGULA
  ° 08 - KINANTI
  ° 09 - SINOM
  ° 10 - PUTJUNG
  ° 11 - ASMARANDANA
  ° 12 - PANGKUR
  ° 13 - DANDANGGULA
  ° 14 - KINANTI
  ° 15 - MIDJIL
  ° 16 - SINOM
  ° 17 - PANG KUR
  ° 18 - PUNTJUNG
  ° 19 - MÉGATRUH
  ° 20 - DANDANGGULA
 
 
Minh Châu Vũ Huy Hiền
Cử nhân Luật khoa
Cựu Chánh án tòa Thượng thẩm Saigon
Phụ tá đầu tiên của Subud Việt Nam 1961
Hội trưởng 2 nhiệm kỳ trước 1975 Subud Việt Nam
 
 

 

 

4-Pangkur

  1. Trong khi „tiếp nhận“ tất cả trí nghĩ đều phải dẹp hết, để cho những phản ứng bên trong con người con có thể được thanh tịnh và sinh sáng sủa. Trí nghĩ thật là trở ngại chính yếu trong sự tiến triển của con, bởi lẽ do bản chất của nó, nó hay thiên về những chuyện tưởng tượng và thích thú với những ảo ảnh vô căn bản.
  2. Bây giờ ta hãy xét đến những dụng cụ dùng để viết và có dự phần vào việc phát triển khả năng tinh thần trong các trường học và trung tâm giáo dục khác.
  3. Tất cả dụng cụ ấy đều chứa đầy sức mạnh vật chất hoặc chịu ảnh hưởng của sức mạnh này. Vì vậy thật là rất đúng khi ta nói rằng: những người trí thức kể từ những người nhân viên tầm thường cho đến các nhà đại thông thái tột bực, trong khi làm việc cũng đều dùng sự học thức mà nội dung là kết quả của sức mạnh vật chất.
  4. Vậy nên trí hiểu biết của con người và cả công việc mà họ làm bằng trí nghĩ, đều đã bị sức mạnh vật chất thấm nhập vào.
  5. Con người không ngờ tới và cũng không thể tưởng được rằng sức mạnh vật chất chi phối trí thức của họ đến mức ấy, vì yên trí rằng những đồ vật chất chỉ là những đồ do kỹ thuật của họ tạo ra. Thật vậy họ không hay biết rằng, chính cái trung khu tri thức (centre rationel) của họ, cũng do sức mạnh vật chất làm động lực.
  6. Phần nhiều người ta không thể nào ước đoán được có một tình trạng như thế, vì lẽ cái khí cụ phân tích (khí cụ có công dụng phân tách bản chất của các sức mạnh ấy) đã được cấu tạo một cách, làm cho họ hoàn toàn không thể nào nhận rõ được sự khác biệt giữa những cái gì do „con người thật“ phát ra, và những cái gì bắt nguồn từ những sức mạnh vật chất. Vì vậy, cái tâm không được lúc nào cũng cứ tin vào sự khích thich của nó và làm theo sự khích thích ấy. Dĩ nhiên là không bắt buộc phải nhất thiết dồn ép tâm mình, nhưng người ta phải tìm cách khám phá cho ra nguồn gốc của sự khích thích, vì rốt cuộc nó sẽ phát hiện thành ham muốn.
  7. Con đừng có lầm mà kết luận rằng, phải vứt bỏ công việc bằng trí thức, vì vứt bỏ như thế con chỉ có thể bị sút kém trong việc tìm kiếm cách sống lý tưởng trên thế gian này. Ý nghĩa thâm sâu trong câu chuyện này là, chúng ta phải học phân biệt tính chất của các sức mạnh phụ trợ, phụ giúp sức mạnh phát xuất từ con người thực (chân ngã). Một khi người ta hiểu biết được sự tổ hợp các sức mạnh thường liên quan đến đời sống của con người, thì người ta sẽ biết tổ chức đời sống của chính mình sao cho xứng đáng với con người, nghĩa là xứng đáng với một tạo vật cao quí.
  8. Sự hoạt động của tri thức không có gì đáng chê trách. Mà cũng lại còn là một điều cần thiết cho con người và họ phải cố gắng đạt tới một mức tri thức cao hết sức mình, miễn là kiến thức của mình thực sự giúp cho đời người, miễn là mình phải tuân theo luật trời và làm tăng sự thịnh vượng của đồng loại. Một người như thế có thể đạt tới một mức sinh sống trong đó phẩm hạnh của mình có ảnh hưởng tốt đẹp ngay cả vào toàn thể khối xã hội của mình.
  9. Đó là giá trị của người có tri thức rộng lớn. Nhờ những điều hiểu biết của họ, họ có thể làm cho thế gian có thêm đủ mọi thứ phát minh và sáng tạo, để gây hạnh phúc cho xã hội, khi ấy có thể thịnh vượng rực rỡ và có đủ điều kiện sinh sống thanh bình yên ổn.
  10. Con ơi, hoàn cảnh trên đây sẽ thể hiện được, khi người ta hiểu thấu được giá trị của tri thức. Vậy thì khi người ta cố gắng để mở tri thức, người ta không có lỗi gì cả. Mà điều đó lại còn là đáng ao ước, nếu người ta coi nó là một phương tiện để hoàn thiện. Ta có thể ví với sự liên hệ giữa chủ và người làm công. Người chủ có thể có một người làm công ngu dốt, nhưng tốt hơn là nên có người làm công khôn ngoan và chăm chỉ. Tuy nhiên không nên quên rằng, người chủ không được trở thành một người máy do người làm công giật dây.
  11. Vì vậy, nên người chủ phải biết rõ năng lực người làm công được tới đâu, nghĩa là biết rõ giới hạn tri thức của mình tới đâu. Và người chủ phải biết đích xác cách thức làm việc của người làm công (tức là tri thức của mình). Nếu không biết rõ như vậy thì người chủ có thể dễ trở thành một trò chơi trong tay người làm công và bị sa ngã vào vực thẳm khổ cực đau đớn.
  12. Vậy nên có nhiều người khi đời họ gần tàn, họ cảm thấy hối hận về kết quả của các hành động của mình. Nguyên nhân chẳng phải gì khác hơn là sự ăn ở sai lầm của họ, vì họ đã chỉ tin vào những sự tin, vào những sự khích động của tâm họ, mặc dù họ không có thể tìm thấy nguồn gốc của sự khích động ấy. Họ không hay biết rằng, những sự khích động ấy phát ra từ một sức mạnh không phải thuộc về con người thực của họ.
  13. Lúc ấy họ mới cay đắng tự trách, hoặc là họ còn đổ ngay những lỗi ấy cho bà con thân thuộc của họ, buộc tội cho những người này đã một phần nào gây ra những sự khích động nói trên. Đó là thái độ của người không hiểu biết cái ý nghĩa cao quí của con người và không bao giờ có thể nhận thấy được ở trong linh hồn họ, sự hướng dẫn cuộc đời của họ.
  14. Đối với người đã nhận thức được cái ý nghĩa xác thực về sự cao quí của con người, thì lại khác hẳn. Người này có thể nhận thấy sự chỉ dẫn, cho họ biết rõ về cái thực chất của các cảm giác thể chất của họ và về sự đối xử của tâm họ, đối với các khí cụ phụ thuộc của nó. Kết quả là tất cả những gì họ làm đều mang lại cho họ thịnh vượng và hạnh phúc.
  15. Đó là dấu hiệu để nhận ra con đường chánh, và đời sống của một người như thế sẽ theo con đường họ mong muốn. Tuy nhiên vẫn còn biết bao nhiêu người chưa theo con đường chân lý ấy. Riêng đối với những người sống trong sự giàu có và có tri thức cao rộng thì họ ít để ý tới vấn đề con người thực (le problème de la personnalite). Tâm họ luôn luôn hướng về việc tăng cường và khuếch trương các sức mạnh vật chất, vì họ không hiểu biết hoặc ít hiểu biết về chân lý.
  16. Thời gian trôi qua thì càng ngày quan niệm về đời sống và hoạt động về tri thức của họ, càng bị lôi cuốn vào con đường vật chất, cho tới khi đời họ trở nên giống như một cái vỏ hạt dẻ trôi nổi ở giữa đại dương sóng dập gió vùi. Người ta có thể nói rằng, một đời sống như vậy là nô lệ cho vật chất, lúc sinh thời cũng như khi đã chết.
  17. Đó là một khía cạnh của ảnh hưởng các sức mạnh vật chất. Vậy không lấy gì làm lạ, rằng biết bao nhiêu người đã sinh sống hoàn toàn khác hẳn với cách sinh sống mà đáng lý họ phải theo. Nếu những người như thế ấy không làm chủ nổi được tri thức của họ, thì sẽ xảy ra một sự lật ngược là họ sẽ trở thành nô lệ của tri thức họ.
  18. Đứng về quan điểm riêng của họ cảm nghĩ, thì một người như thế không chịu nhận lỗi nào trong cách ăn ở của họ. Mặc dù cách ăn ở đó rõ ràng là sai lầm, vậy mà có khi họ còn coi đó là một dấu hiệu cao quí hoặc hơn người và dám phủ nhận tất cả mọi sự phẩm bình dù là chính đáng. 
  19. Đó là vòng cương tỏa của sức mạnh vật chất đối với một người nhu nhược, vì các sức mạnh này có thể thấm nhập vào trí tưởng tượng của họ bằng cách đã trình bày trên đây. Vậy thì con nên hiểu rằng, con phải làm sao cho có đủ khả năng nhận chân được tất cả mọi hành-động của con để có thể tìm ra được một cách sinh sống thích hợp với con.
  20. Làm như vậy, trong nội ngã của con sẽ có một thế thăng bằng, nhờ thế thăng bằng này mọi sự khích động của lương tri sẽ có thể ảnh hưởng tới trung khu tri thức và như thế tri thức sẽ có thể làm tròn được phận sự của nó. Xem đó thì sự liên hệ giữa lương tri và tri thức giống như giữa người chủ sai khiến và người làm công thi hành công việc thuộc về phận sự của mình. Trong trường hợp này thì một sự tri thức rộng mở sẽ ích lợi hơn là một tri thức hẹp hòi.
  21. Khi con đã có thể sinh-sống được theo cách trên đây, thì đời con sẽ được an ổn và trong khi con làm phận sự hàng ngày con sẽ được Quyền Năng Cao Cả của Thượng-Đế luôn luôn thấm nhập vào con.
  22. Bất cứ lúc nào khi con làm việc, con cũng sẽ thấy có cảm nghĩ tôn thờ Quyền Năng Cao Cả của Thượng Đế, cho nên trong tất cả mọi hành động của con, con sẽ được hướng dẫn một cách thích đáng. Đó là điều hạnh phúc của người nào được tràn đầy Ân Huệ Thiêng Liêng và nhờ đó, họ lại càng thêm quy thuận trong mọi việc vào Đức Thượng Đế Toàn Năng.
  23. Bây giờ, ta xét đến tình trạng của những người kém trí thức hơn, những người có địa vị giống như nhân viên văn phòng chỉ có mục đích kiếm kế sinh nhai.
  24. Nếu những người này chưa có thể tiếp nhận được sự chỉ dẫn của bản ngã mình thì cảm nghĩ riêng của họ càng trở thành mờ tối, và sẽ thúc đẩy họ coi nơi làm việc của họ là khu vực sinh sống duy nhất của mình và cũng không nghĩ tới một sự đổi chỗ có thể hữu ích cho mình.
  25. Khi đó, họ không có cố gắng chút nào để tìm kiếm một lãnh vực hoạt động khác, nhất là nếu trong công việc của họ người chủ mướn lại đối xử với họ tử tế và thường cho họ tăng lương. Điều này khiến họ càng thêm trung thành với chủ, cho nên họ thực không còn muốn sống chết ở nơi nào khác nữa.
  26. Đó là tâm trạng của một người bị sức mạnh vật chất chi phối hoàn toàn. Họ chưa được cảm thấy linh hồn thức tỉnh  để hướng dẫn họ theo một đời sống thực thích hợp, và tâm họ cũng chưa khai mở để đón nhận lời khuyên nhủ của những người khả dĩ chỉ cho họ con đường sống chính đáng và phóng khoáng bảo đảm cho họ được thật sự thịnh vượng.
  27. Cách sinh sống như trên đây cũng là do ảnh hưởng của sức mạnh vật chất tạo ra. Nếu một ngày kia người đó gặp sự khó khăn trong đời, thí dụ như bị mất việc, thì trong tâm họ bắt đầu nhận thấy rằng công việc của họ không bảo đảm sự an toàn lâu dài.
  28. Kết quả là tâm họ tràn đầy những cảm nghĩ u buồn, nên họ không thể nghĩ tới được những hoàn cảnh sinh sống vượt lên phạm vi tư tưởng hiện tại của họ. Họ sẽ mất hết tự ái và sẵn sàng làm việc cho tất cả ai có vẻ là người khả dĩ bảo đảm một phần nào đời sống an toàn cho họ.
  29. Đó là sự nô lệ tất nhiên của người bị sức mạnh vật chất chi phối hoàn toàn đời sống. Họ không ngờ rằng ở thâm tâm họ luôn luôn vốn có một Vị Hướng Đạo để hướng dẫn họ trong đời và tham dự vào tất cả mọi hoạt động của họ.
  30. Nói về Vị Hướng Đạo nội tâm chắc chắn luôn luôn hiện diện này, thì thực ra đó chỉ là một điều rất giản dị, còn giản dị nhiều hơn tất cả mọi hình thức do ý nghĩ tưởng ra, nhưng Vị ấy chỉ phát hiện ra khi nào dòng tư tưởng được yên lặng. Mặc dầu là việc ấy rất giản dị, nhưng người ta không phải dễ dàng mà làm cho tâm được an tịnh, vì tâm này còn chịu ảnh hưởng vô cùng mãnh liệt của sức mạnh vật chất. Mỗi người chúng ta phải cố sức đạt tới sự an tịnh tâm trí trước khi gặp các sự khó khăn và thử thách xảy tới. Nhưng phần đông người ta, chừng nào họ còn sống trong sự giàu có, thì họ không cảm thấy cần phải nhận thức được con người thực của mình. Họ đặt tin tưởng của họ vào con đường vật chất vì từ lâu rồi tâm họ đã chịu quy phục dưới quyền hành của sức mạnh vật-chất.
 
     
 
  © 2014 góc nhỏ