Header image
 
 

Hành trình ra ngoài thiên hà

Minh Thần dịch 2018

 
     
 
 
Mục lục
  Ch00 - Trang 1
              Trang 2: địa dư
              Trang 3: Bapak
  Ch01 - Chương 1 - Childhood Journey
  Ch02 - Chương 2
  Ch03 - Chương 3
  Ch04 - Chương 4
  Ch05 - Chương 5
  Ch06 - Chương 6
  Ch07 - Chương 7
  Ch08 - Chương 8
  Ch09 - Chương 9 - Journey of A Young Man
  Ch10 - Chương 10
  Ch11 - Chương 11
  Ch12 - Chương 12
  Ch13 - Chương 13
  Ch14 - Chương 14
  Ch15 - Chương 15
  Ch16 - Chương 16
  Ch17 - Chương 17 - Journey Beyond The Stars
  Ch18 - Chương 18
  Ch19 - Chương 19
  Ch20 - Chương 20
  Ch21 - Chương 21
  Ch22 - Chương 22
  Ch23 - Chương 23
  Ch24 - Chương 24
  Ch25 - Chương 25
  Ch26 - Chương 26 - Across Java
  Ch27 - Chương 27
  Ch28 - Chương 28
  Ch29 - Chương cuối: Lời bạt
  Ch30 - Thuật ngữ
 

 

 

CHƯƠNG 27

Cách Semarang không bao xa có một cặp vợ chồng tên là Yasin. Nhà họ gần nhà Suwarno, một kẻ theo tập latihan kedjiwaan.

Cả Ibu lẫn Pak Yasin đều hay biết Suwarno là một người thích tìm hiểu những vấn đề  tâm linh, và thỉnh thoảng họ trò chuyện về điều đó trong lúc nhâm nhi cà phê.

Một buổi tối nọ, trong lúc vợ chồng Yasin và Suwarno đang tranh luận về chuyện những giấc mơ có ý nghĩa gì, thì có một người em gái của Pak Yasin tới thăm.

Siti Sumari, tên người em gái đó, là một góa phụ mà người chồng là một sĩ quan; Warnati, con gái bà, đi chung với bà – một cô gái trầm lặng 17 tuổi.

Đêm hôm đó, trong lúc Siti Sumari ngủ chung với Warnati trên chiếc giường sắt rộng lớn trong phòng khách, Ibu Yasin chợt thức dậy.

Bà đi ngang qua cánh cửa phòng khách, thì thấy nó hé nở. Điều khiến bà ngạc nhiên là trông thấy hai nguồn ánh sáng – như hai trăng tròn đang chiếu sáng – rớt xuống từ trên  trời.

Một trăng tròn đặt trên đầu Siti Sumari, trăng tròn kia trên đầu Warnati.

Ibu Yasin sửng sốt tới nỗi bà phải kêu gọi cô em dâu mình thức dậy. Bà cho cô hay những gì mình đã trông thấy; cả hai người đều không chớp mắt ngủ được suốt đêm kể từ lúc đó.

Suốt lúc ban ngày, họ nóng lòng chờ đợi Suwarno về nhà sau khi tan sở.

''Chắc chắn là anh ấy biết điều đó có nghĩa gì,'' Ibu Yasin nói.

Siti Sumari nghĩ tới điều mà bà chị dâu mình đã nhìn thấy. Bà cũng nhớ tới những gì mà một người minh triết như cụ Pak Sosrokartono đã khuyên mình tại Bandung.

''Ibu, cô không cần phải lo nghĩ về tương lai mình, về việc như thế nào chăm lo cho con trai và con gái mình. Hạnh phúc của cô đã ngay bên cạnh cô mà cô không hay. Nói cho đúng, bản chất cô là của một phụ nữ thánh thiện – như vậy thì chắc chắn cô sẽ gặp một người chồng với một bản chất thánh thiện. Cô hãy nghe theo lời khuyên của tôi là về ngay nhà mình tại Wolodono, rồi thì từ nơi đó sẽ có những biến chuyển.''

Ngay sau khi trở về Wolodono, Siti Sumari quyết định tới thăm người anh mình tại Semarang...

Đêm hôm đó, Suwarno nghe Ibu Yasin thuật lại chuyện hai trăng tròn rơi xuống.

''Tôi ngại là chuyện này ngoài sức hiểu biết của tôi,'' ông nói với Siti Sumari và Ibu Yasin.

Mặt Ibu Yasin xịu xuống.

''Nhưng có một người có thể cho các chị biết được,'' ông nói. Nhân tiện, ông lần đầu thú nhận mình là kẻ đang theo tập latihan kedjiwaan mà Bapak Muhammed Subuh là người đầu tiên tiếp nhận được.

''Này chị,'' ông nói với Siti Sumari, ''nếu chị thích, tôi sẽ sắp xếp cho chị gặp Pak Subuh.''

Siti Sumari đồng ý. Ngay sau đó, bà tới thăm Subuh, như điều nhiều người thường làm: họ mong rằng sẽ được chỉ điểm cho điều gì đó theo đó cuộc sống mình được cải thiện.

Bà ngạc nhiên nhận thấy Bapak Subuh vẫn còn trẻ. Ông chỉ 40, cao lớn, phong cách cởi mở.  Ông khiến bà nhớ tới một người mình đã nhìn thấy trước kia – nhưng bà không biết người đó là ai.

Bà hỏi điều chánh yếu muốn hỏi: ''Tôi phải làm công việc gì thích hợp để nuôi ăn con trai và con gái mình?''

Subuh lặng thinh trong một lúc.

''Thành thật xin lỗi, điều tôi nói sẽ không khiến bà hài lòng: tôi thấy công việc duy nhất bà có thể làm là công việc cho chồng mình.''

''Ông muốn nói là tôi phải tái giá?'' bà hỏi.

''Đúng là vậy,'' Subuh đáp.

Ngay lúc đó, Siti Sumari nhớ lại người mình đã nhìn thấy: nhà ái quốc Sukarno – những diễn thuyết về chính trị của ông đã khiến cho nhà cầm quyền phải lo ngại.

Ba ngày sau đó, Muhammed Subuh và Siti Sumari thành hôn trong ngày 15 tháng 11 năm 1941, lúc có tin trên đài phát thanh và báo chí là Nhật đánh phá Pearl Harbor.

Như sự tiên tri của cuốn sách thứ hai mà Subuh đã tiếp nhận, thế chiến đã lan tràn tới Á Châu.

Tuy tình hình ở Java trở nên nghiêm trọng hầu như ngay sau đó, nhưng Subuh vẫn duy trì được công việc buôn bán bắt đầu cách đó 4 năm, để cấp dưỡng cho gia đình bây giờ gồm nhiều người hơn của mình.

Siti Sumari đem theo người con trai là Warnoto cùng với người con gái mình là Warnati, nên gia đình ở Kalisari gồm 9 người – cho tới khi Warnoto trở về sinh sống ở Wolodono một thời gian sau đó.

Cuộc chiến giữa người Hà Lan và người Nhật bắt đầu làm tan nát cuộc sống của người Java. Subuh không dính líu tới điều đó và cũng không khiến cho latihan kedjiwaan thuộc phe phái nào. Khi người Nhật bắt đầu chiếm đóng đất nước mình trong năm 1942, ông đã có những biện pháp quyết liệt để tránh bị phiền phức.

''Tôi sẽ không khai mở cho bất cứ ai,'' Subuh cho những ai đang theo tập latihan kedjiwaan ở Semarang hay. ''Nếu không thì người ta sẽ nghĩ là tôi xúi giục kháng cự. Tốt hơn là tránh né và cứ để cho xảy ra những gì không thể tránh được. Chúng ta chờ đợi thời cơ và mỗi người hãy latihan của riêng mình.''

Subuh và Siti Sumari theo dõi tin tức trong radio và nghe những bài diễn thuyết của Sukarno trong đó ông tán thành sự chiếm đóng của người Nhật với những đoạn hùng hổ về tự do và định mệnh của Java, về khái niệm một quốc gia là một quần đảo.

Những cuộc hội họp tại nhà Subuh, một điều quen thuộc, hoàn toàn không còn nữa. Nhưng dựa vào ban đêm hay lấy cớ là đi làm ăn, một người nam hay nữ hay một cặp vợ chồng thường ghé tới.

Subuh có thể tập chung latihan với người chồng, trong khi Siti Sumari trò chuyện với người vợ. Sau khi những người nam tập xong latihan thì tới phiên những người nữ.

Có một người khách vừa mới tới từ Jogyakarta. Subuh cho là người đó muốn nói về tình trạng bấp bênh của bất cứ ai có một năng khiếu gì đó – việc người Nhật cưỡng bách mọi người làm việc cho nền hành chánh của họ. Nhưng người khách đó lại nói tới một chuyện khác.

''Bapak,'' người khách trẻ tuổi là Wijaya nói ''giới tâm linh ở Java đồn đại rất nhiều về những tiên tri trước kia. Có người nói đó là của Nostradamus. Người khác thì nói là của kinh thư cổ xưa thời Majapahit tìm thấy ở kraton.

''Nói tóm lại thì theo những tiên tri đó trong năm 1901 sẽ sinh 4 ông hoàng. Có 3 ông hoàng của 3 quốc gia là những hòn đảo – một quốc gia của người da trắng, một quốc gia của người da vàng và một quốc gia của người da nâu là Java.

''Ông hoàng thứ 4 không thuộc một quốc gia nào. Ông là vua của thế giới tâm linh.

''Mọi người đều nghĩ họ biết được 2 ông hoàng đó là ai: Anh hoàng và Nhật hoàng. Sukarno thì nghĩ mình là ông hoàng của Java.

''Nhưng lúc này thì mọi người đều tìm xem ông hoàng tâm linh kia là ai.''

Subuh uống một ngụm trà. Ông không nói với những người mà mình đã khai mở về những tiên tri trong cuốn sách thứ hai, và đương nhiên là cũng không nói về những gì mình đã đọc được.

''Rồi thì sao nữa?'' ông nói ngay sau đó.

''Như thế này, người ta cho ông hoàng của Java và ông hoàng của cõi tâm linh cùng sinh ra trong tháng 6 năm 1901.

''Tên ông hoàng tâm linh là 'bình minh' – bởi ông đến cái thế giới này đúng vào lúc bắt đầu một thời đại mới.''

''Một thời đại mới?'' Cụm từ đó khiến Subuh chú ý. Nó cũng y như cụm từ ông đã đọc được trong cuốn sách thứ hai.

''Thực sự là vậy, người đó sẽ mở màn cho thời đại của bằng chứng.

''Một thời đại trong đó con người không còn chỉ tin sự hiện hữu của Thượng Đế là sự thật, mà còn tự mình nghiệm thấy bằng chứng.

''Người đó là một người từ phương Đông; ông sẽ tới những nước phương Tây, để đem Thiên Chúa giáo trả lại cho người Thiên Chúa giáo – nhưng chính mình thì lại không là một người Thiên Chúa giáo.

''Cầm ông ấy nhẵn nhụi không râu, ông không mặc áo choàng như những nhà tu hành, là một người bình thường về mọi phương diện với vợ con.''

Subuh nhận thấy cô gái trẻ Warnati đang đứng nghe dưới bóng cánh  cửa nhà.

''Nak Wijaya, tất cả những chuyện đó đều nằm dưới sự định đoạt của Thượng Đế. Chúng ta không thể hiểu những Thiên Chỉ với trí óc mình.

''Nhưng Bapak,'' Wijaya thành khẩn nói, ''bác sinh tháng 6 năm 1901; tên bác là 'Subuh'...''

''Nak, cháu đến đây là để phụng thờ Thượng Đế. Chúng ta hãy cùng nhau quy thuận trong latihan kedjiwwan,'' Bapak mỉm cười. Ông và anh bạn trẻ từ Jogya vào phòng học  để phụng thờ Thượng Đế.

Warnati suy nghiệm về những gì cô đã nghe thấy, và kể lại cho mẹ mình nghe một vài điều.

 
     
 
góc sách  
  © 2018 góc nhỏ