Header image
 
 

Những bước đầu của Subud ở Nam Dương

Minh Thần viết năm 2009 dựa theo Subud History của Harlinah Longcroft

 
     
 
 
Mục lục
  A - Giai đoạn 1933 - 1939
        Phần 1
        Phần 2
        Phần 3
        Phần 4
        Phần 5
        Phần 6
  B - Giai đoạn 1939 - 1945
        Phần 1
        Phần 2
        Phần 3
  B - Giai đoạn 1946 - 1957
        Phần 1
        Phần 2
        Phần cuối
 

 

 

Thời kì đầu tiên của Subud là từ 1933 cho tới 1957, lúc latihan lần đầu được truyền cho người khác tới lúc Hussein Rofe đến Nam Dương. Thời kì này có thể chia thành 3 giai đoạn là trước, trong lúc và sau thế chiến: đó là những khoảng thời gian 1933-1939, 1939-1945 và 1946-1957.

Giai đoạn 1933-1939

Phần 1

Bapak nhận được latihan vào năm 1925 và ai đã đọc những bài nói chuyện hay tự truyện của Bapak thì đều biết Bapak đã nhận được như tế nào. Trước đó Bapak đã đi tầm sư học đạo, nhưng không có ai chịu nhận người làm đệ tử, vì tất cả các tôn sư mà người đến gặp đều nói rằng người chẳng cần phải học hỏi gì thêm nữa. Vị tôn sư cuối cùng mà Bapak đến diện kiến là Kyai Abdurachman

Trong một buổi nói chuyện ở Cilandak 1980, Bapak vạch cho thấy sự khác biệt giữa Subud và giáo lí của Kyai Abdurachman .

“Nguồn gốc giáo lí của Kyai Abdurachman là Sunan Ngampel Dento ở Surabaya. Sunan Ngampel Dento là sư phụ của các walis, các vị thánh, và ông đã sống trước khi có bất cứ vị walis nào. Giáo lí của Sunan Ngampel Dento hầu như y hệt latihan kedjiwaan Subud, nhưng chỗ khác nhau là về phương pháp. Đó là điều mà tiếng Hà Lan gọi là hệ thống (system), điều được gọi là tarekh.Người ta nói nó là cái tarekh của Naqsbandi, đó là cái tarekh cao đẹp nhất, nhưng vẫn còn là một giáo lí, vẫn còn là điều gì từ một nguồn là con người, vì người ta nói rằng nguồn gốc của nó là Sunan Ngampel Dento. Nên nó vẫn có cái cơ cấu được chia thành từng phần: cái này ở đây, cái nọ ở chỗ kia, cái này được gọi là như thế này, cái kia như thế kia, cái này là thế này, cái kia là thế kia, cuối cùng thì ta được dẫn đến Thượng Đế. Nhưng đó có thực sự là Thượng Đế, hay chỉ là một trong các thần thánh? Tôi không biết, vì Thượng Đế thực sự là Thượng Đế thì không thể cho thấy được. Thượng Đế không thể cho thấy được, vì trước khi có tôi thì đã có Thượng Đế, trước khi có bất cứ những gì được cho thấy, thì trước đó đã có Thượng Đế. Làm sao có thể cho thấy được Thượng Đế? Đo là chỗ khác biệt giữa giáo lí và latihan kedjiwaan Subud. Do đó mà Bapak nói rằng trong Subud không có lí thuyết. Không có lí thuyết và tất cả những gì các bạn tiếp nhận được là sự hướng dẫn của Thượng Đế...’’

Sự tiếp nhận của Bapak kéo dài 1000 ngày và kết thúc vào năm 1928. Trong khoảng thời gian này Bapak không còn đến học đạo của Kyai Abdurachman nữa, nhưng vẫn còn gặp những đệ tử của ông. Mỗi đêm mọi người đều tụ tập nơi nhà Bapak để đàm đạo.

Theo những gì Bapak kể, những người đến gặp mình không chỉ là những kẻ cùng tuổi với mình, mà còn có cả những kẻ lớn tuổi hơn mình và là đệ tử lâu đời của Kyai Abdurachman. Dù họ là ai đi nữa, Bapak cũng cảm thấy mình có thể giúp đỡ họ.

Nhưng có những lúc Bapak cảm thấy quả thực không được vui cho lắm, bởi tuy đã tiếp nhận được điều gì phi thường, nhưng mình lại không thể chia sẻ với người khác. Nếu nói chuyện với họ về sự tiếp nhận của mình, Bapak không thể làm cho họ hiểu được, vì họ không có những chứng nghiệm tương tự. Latihan khiến Bapak cảm thấy mình khác biệt với bạn bè mình, nhưng đó lại là điều người không hề muốn chút nào.

Các đệ tử của Kyai Abdurachman lấy làm lạ về thái độ của Bapak. Người hầu như không còn đến thăm sư phụ nữa, tuy trên danh nghĩa mình vẫn còn là một môn đồ. Hơn nữa, Bapak hiển nhiên có ‘cái gì đó’ đặc biệt, tuy tuổi vẫn còn trẻ và có vẻ như không theo một đường lối nào khác ngoài việc làm lễ theo Hồi giáo. Nhiều lần họ hỏi sư phụ mình về Bapak. Thường thường ông đáp lại rằng Bapak đã nhận được tất cả những gì cần thiết cho mình, và một ngày nào đó sẽ trực tiệp nhận được của sứ giả Thượng Đế là Muhammed. Điều này ông cũng nhiều lần nói cho Bapak hay, và đó có thể là một điều khiến Bapak không còn đến học hỏi của ông nữa. Một điều khác là Bapak không còn thấy hứng thú làm việc đó nữa.

Một số những đệ tử của Kyai Abdurachman sau này sẽ là những người đầu tiên nhận được latihan. Hình như có hai lần các đệ tử đã hỏi là sau khi ông qua đời, ai sẽ là người kế vị, vì tuổi ông đã cao. Ông đã không thể hay không muốn trực tiếp trả lời. Họ liền kiếm cách khác, để dụ ông nói ra. Họ hỏi về trình độ mà linh hồn đã đạt được, và nếu ông xác nhận ai đó có linh hồn cao, thì tất nhiên họ biết được kẻ đó sẽ kế vị. Họ hỏi trong các đệ tử ai là người đạt được linh hồn rohanicủa con người toàn thiện. Ông đáp là ‘chưa thể được. Chỉ tới trình độ thực vật hay thú vật là cùng.’ Nhân tiện họ liền đề cập tới anh chàng Subuh. Họ nói rằng không thấy anh chàng thường đến học...nhưng ông liền đáp là họ không được so sánh Subuh với những đệ tử khác, vì anh chàng đó không thuộc cùng một hạng người như họ, và chính ông cũng không thể so sánh với anh được. Điều này tất nhiên càng khiến họ tò mò thêm, nên họ hỏi tiếp là như vậy Subuh đã có linh hồn của con người toàn thiện? Câu trả lời là ‘Không. Còn cao hơn nữa.’ Trình độ rabbani của thiên thần? ‘Cao hơn nữa.’ Trình độ Roh Ilofi, nghĩa là trình độ của Chúa Thánh Thần, Subuh đã đạt tới trình độ đó? Khi được hỏi như thế, Kyai Abdurachman đáp: ‘Có thể vậy.’

Một đêm nọ, Kyai Abdurachman có mặt tại nhà một người bạn của Bapak, không xa nơi Bapak ở. Các đệ tử của ông cũng có nơi đó, để nghe một buổi nói chuyện, và một vài người khác thì ngồi bên ngoài. Những người đó chợt giật mình trông thấy một trái banh là ánh sáng rớt thẳng xuống nhà của Bapak.

Raden Sudarmo Hadiprojo là một trong những người đã trông thấy. Cùng với một hay hai người bạn, anh vội chạy đến nhà Bapak, nhưng lúc đó đã khuya, cửa đã đóng và Bapak sắp đi ngủ. Họ đập cửa, và tỏ vẻ ngạc nhiên, Bapak ra mở. Sudarmo nhanh nhẹn bước vào, cầm tay Bapak hôn và nói: ‘Tạ ơn Chúa, anh đã nhận được ân huệ của Chúa.’ Sudarmo và bạn bè mình trở về nơi Kyai Abdurachman đang có buổi nói chuyện, kể cho ông cùng mọi người nghe về cái biến cố lạ lùng đó. Kyai Abdurachman nói: ‘Phải là như vậy. Lúc này là lúc cậu Subuh tiếp nhận được như vậy.’

Theo Tự Truyện của Bapak, biến cố đó xảy ra trong năm 1928, và đã làm cho các đệ tử của Kyai Abdurachman xúc động. Họ đã yêu cầu Bapak làm thầy chỉ dẫn cho mình, nhưng trên thực tế Bapak vẫn chỉ coi họ là những đồng môn cùng đi tìm đạo. Nên hầu như đêm nào họ cũng đến nhà Bapak. Rất có thể là trong lúc Bapak trò chuyện với họ, latihan đã tác động tới họ.

Bapak thường nói rằng khi truyền latihan cho người khác, mình đã truyền y hệt như cách tất cả các phụ tá Subud đã làm. Nhưng lần đầu tiên nhận được latihan và trong thời kì 1000 ngày tiếp theo đó, Bapak đã không thể trực tiếp truyền latihan. Khi xảy ra biến cố cục ánh sáng rớt xuống nhà mình trong năm 1928 và cho tới năm 1932, Bapak hình như đã không ý thức được có điều gì đó trọng đại đang xảy ra, tuy vẫn tiếp tục tập latihan và đón tiếp những đệ tử của Kyai Abdurachman vẫn coi mình là đồng môn. Khi được họ hỏi về những điều này nọ, Bapak trả lời theo sự tiếp nhận của mình, và như vậy làm cho họ được tiếp xúc với latihan, mặc dù chưa có ai được khai mở ai. Người vẫn còn thấy mình chưa đủ khả năng khai mở người khác, nhưng hình như lúc đó người đã cầu nguyện : ‘Xin đừng để cái đó chỉ cho con thôi. Xin để cho cả toàn thể nhân loại.’

Hình như khi tiếp nhận được những cuốn sách kì diệu cho thấy những điều này nọ, người đã được chỉ cho cách khai mở cho người khác, nhưng thời cơ chưa đến. Tuy trong thời kì 1932-1933 một vài người bạn đã tự động nhận được latihan mà không do ý muốn của mình, nhưng chỉ đến cuối năm 1933 Bapak mới bắt đầu khai mở cho người khác, và tiếp theo là cho một nhóm nam ở Semarang. Từ nơi đó latihan bành trướng tới những nơi khác ở Java.

Trong thời kì 1932-1933 có hai biến cố tâm linh quan trọng. Điều thứ nhất xảy ra buổi tối nơi nhà Bapak ở Bergota Kalisari. Những đồng môn của Bapak thường tụ tập nơi đó, và một vài kẻ đứng bên ngoài. Lúc đó trời trong mát và trăng tròn. Chợt nhiên bầu trời trở nên đen tối, có nhiều đám mây xoáy như trong cơn lốc, và giữa đám mây một luồng ánh sáng xuất hiện như một chiếc dù sáng chói bằng vàng của vua chúa. Tiếp theo là một trận mưa lớn và những cơn gió mạnh. Ngay lúc đó đất lở rất nhiều nơi sườn núi Tolomayu làm vỡ đê một hồ nước, khiến cho khu vực chung quanh bị ngập lụt. Cách đó không xa, ngọn Núi Merapi nổ và phun ra những dung nham gây nhiều thiệt hại.

Theo những gì Bapak kể lại, đó là lúc có 3 người đang đứng giữa căn phòng trong nhà mình là Pak Wignyo- supartono, Pak Sumantri và bản thân Bapak, còn những người khác thì đứng chung quanh. Mọi người đều quy thuận Thượng Đế và làm dzikir (1). Một luồng ánh sáng chiếu xuống, và lan tràn tới nơi 3 người đang đứng giữa phòng.

Bapak và hai người kia trong lúc đó đều ý thức được sự hiện diện của quyền năng Thượng Đế, nhưng tất nhiên Bapak đã hiểu rõ hơn ai hết ý nghĩa của sự việc đó. Vì Pak Wignyosupartono và Pak Sumantri đều lớn tuổi hơn Bapak và điều đó tuy xảy ra trong nhà Bapak, nhưng là trong lúc họ có mặt, nên họ cho là thiên ân được chia cho 3 người, có thể là mỗi người nhận được 1/3.

Sau này Bapak thường nói rằng quả thực Pak Wignyosupartono đã nhận được chút gì đó trong lúc đó, và điều đó đã khiến ông có thể truyền latihan cho các môn đồ của mình, tuy ông đã dung hợp nó với những đường lối tu tập khác. Pak Sumantri cũng có những môn đồ của mình, và trong những năm sau đó ông đi theo con đường của chính mình. Nhưng sự khác biệt giữa hai người đó và Bapak ở chỗ là kể từ đó, họ không còn nhận được thiên khải nữa, trong khi Bapak vẫn còn được cho tới cuối đời mình.

Hồi đó ngoài những người là đồng môn của Bapak đã gián tiếp được tiếp xúc với latihan, còn có một người khác nữa tên là Semantri Hatmowidjojo, một thanh niên 24 tuổi ở trọ nơi nhà Bapak. Cho tới nay Pak Semantri Hatmowidjojo vẫn còn là một hội viên Subud thuần thành, và ông luôn nói rằng mình đã không được khai mở, mà là đã tiếp nhận được latihan bằng cách nhìn xem Bapak tập latihan.

Tháng 3 năm 1933 Bapak bỏ công ăn việc làm của mình, và về chuyện này Bapak nói: ‘...có điều gì đó kì lạ đã xảy ra, ngoài sự mong đợi của Bapak, khiến tâm trí mình mất đi khả năng làm việc; cho nên, Bapak chỉ có thể yên tĩnh để cho sự việc xảy ra trong lòng mình, tùy theo thực chất của sự tiếp nhận...’ Nên Bapak xin nghỉ việc làm cho chính quyền thành phố, một công việc mình đã làm được 14 năm, và có thể sẽ được trợ cấp khi về hưu. Ngoài ra, Bapak còn bỏ tất cả những việc làm khác đã khiến mình kiếm được thêm tiền.

Kể từ đó thì thật khó khăn. Bapak không chỉ là người chủ gia đình kiếm tiền để nuôi vợ con, mà còn cả mẹ mình nữa, có thể còn cả một vài thân nhân khác nữa. Không phải người thân nào cũng coi Bapak có cái gì đó đặc biệt. Em trai mình, Pak Paat, chỉ vào Subud 50 năm sau, khi ông về hưu. Một vài người thân đã tìm cách thuyết phục Bapak đừng bỏ công ăn việc làm. Thấy không có kết quả gì, họ bảo bà vợ Bapak là Ibu Roemindah nói chuyện với chồng mình về việc đó. Trong cuốn ThePath of Subud, Husein Rofe thuật lại Bapak đã nói lại với vợ mình như thế nào.

‘’Việc tôi không còn được nhận công ăn việc làm của loài người là lệnh của Thượng Đế, và việc lo cho hạnh phúc chúng ta hoàn toàn là trách nhiệm của Thượng Đế. Bà cứ vững tin thì sẽ thấy chúng ta được cấp dưỡng đầy đủ; chúng ta sẽ không thiếu những thứ nhu yếu. Nhưng nếu bà ép buộc tôi phải chọn giữa bà và Thượng Đế, thì chúng ta sẽ phải chia tay.’’

Biến cố trọng đại thứ hai xảy ra giữa năm 1933, lúc Bapak được 32 tuổi. Đó là lúc Bapak nghiệm được sự thăng thiên, và điều này đã được người kể lại trong tự truyện, và nhắc lại nhiều lần trong những buổi nói chuyện. Chỉ kể từ lúc đó Bapak mới khai mở cho người khác, và latihan bắt đầu bành trướng trước hết tại Java, và 20 năm sau trên khắp thế giới.

________

(1) tụng niệm câu La Ilaha Illala (Không có Thượng Đế nào ngoài Allah

 

 
     
 
  © 2020 góc nhỏ