Header image
 
 

Định hướng

Minh Thần dịch 2018

 
     
 
 
Mục lục
  A - Subud là gì ?
  B - Arifin Konrad
       1 - Arifin
       2 - Arifin
  C - Leilah Armstrong
       1 - Leilah
       2 - Leilah
  D - Richard Engels
       1 - Richard
       2 - Richard
 

 

 

Lailah Armstrong

Tôi lần đầu gặp chị Lailah Armtrong trong năm 1988 khi tình cờ chúng tôi ở chung một khách sạn trong lúc đi dự Hội Nghị Subud ở Bali năm đó.

Trường hợp của chị quả thực là một chuyện kì quái nhất về mời người vào Subud mà tôi chưa từng nghe nói tới. Như chính chị đã nói, đó là một ‘chuyện giựt gân’. Tôi đưa chuyện đó vào đây vì 3 lí do chánh yếu.

Thứ nhất, đó là một lô những khó khăn độc đáo mà chị phải vượt qua để có thể vào Subud. Đó là một truyện phiêu lưu, một truyện ’li kì" với những biến chuyển kì quái.

Thứ hai, đó là những gì chị tả thuật lại về cái thời kì ‘xưng tội’ và được ‘thanh lọc’ xảy ra trong nhiều năm sau khi vào Subud. Những thanh lọc mãnh liệt đó không phải là bất cứ ai trong Subud cũng nghiệm thấy, nhưng cũng không phải là những gì không thường xảy ra.

Những ai vào Subud phải ý thức được điều này là họ đang trên đường trong một cuộc hành trình rất nghiêm trọng. Họ sẽ tiếp xúc với một quyền lực mạnh nhất trong Vũ Trụ, và sự gặp gỡ đó có thể tạo ra những gì sâu sắc làm thay đổi cuộc đời mình. Họ sẽ bị thử thách tới mức tối đa theo sự phát triển của mình trong Subud.

Thứ ba, đó là một trường hợp cảm động và đáng nói tới về việc như thế nào chị đã thoát khỏi được tình trạng ‘bản ngã mất chỗ đứng’ để tìm thấy hướng đi của đời mình, một hướng đi không những đã phát huy được tất cả khả năng mình, mà còn khiến và còn là phúc lành cho hàng ngàn đứa trẻ và sự nghiệp của chúng.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Yougoslavia. Bố tôi là một người Serb, tổ tiên bên ngoại là người Pháp và Đức; còn mẹ tôi thì sinh ra ở Italy, mẹ là người Nga và bố là người Italy.

Bố tôi là một luật gia quốc tế thành đạt và nổi tiếng, nhưng ông không theo cộng sản. Lúc còn trẻ, ông là bạn thân của Thái Tử Peter II, người thừa kế ngôi vua Serbia của Yougoslavia xưa kia.

Tất cả những điều đó đã tạo nên khó khăn. Có những cuộc thăm viếng bất ngờ, với những kẻ trông khó ưa tra hỏi bố tôi và 'kiểm tra' nhà cửa chúng tôi và văn phòng ông.

Tất cả bạn bè mẹ tôi đều là người Nga, nhưng đã chạy trốn sau cách mạng. Mẹ tôi thuộc thành phần thượng lưu ở Italy. Ông già bả xuất thân từ một gia đình quý tộc của tỉnh Venetia. Bà nội tôi là một người có đức tin thâm sâu. Tại một đất nước như Yougoslavia trong đó tôi lớn lên thì không có một chỗ đứng cho những người thuộc thành phần như của tôi và cho Thượng Đế.

Tìm Thấy Subud
 Tôi luôn mãnh liệt cảm nhận được Thượng Đế. Tôi thường cầu nguyện, đối thoại riêng tư với Thượng Đế, và đó là lúc tôi nghiệm thấy tình trạng thoát tục của tâm thức mình.

 Điều đó khiến tôi đi tìm Thượng Đế, bởi tôi muốn duy trì cái tình trạng tốt đẹp đó. Tôi bắt đầu đi tìm trong Giáo Hội Chính Thống giáo, nhưng đó không là gì có đủ sự sống.

Khi tôi tình cờ gặp Subud, tuổi tôi là 16. Tôi đến nước Anh để học tiếng Anh, và tại đó tôi gặp những người Subud. Người khiến tôi làm quen với Subud là anh Matthew, một người sau này là ông xã tôi. Anh thường chơi chung với những sinh viên nước ngoài, hỏi chuyện những cô gái nước ngoài, theo tôi biết.

Anh nghe nói tôi học môn cổ ngữ Hy Lạp, nên hỏi tôi Kinh Lạy Cha bằng tiếng Hy Lạp đọc như thế nào. Như vậy, chúng tôi đã quen biết nhau. Tôi lập tức cảm thấy sức hấp dẫn của Subud, nhưng lúc đó tôi còn quá trẻ.
Một năm sau đó thì có một trại hè của Subud tại Kenfield Hall, và tuy chưa trong Subud nhưng tôi cũng đã có thể đi dự, nhờ anh Matthew. Thật tuyệt vời. Tôi gặp tất cả các bạn trẻ trong Subud nhưng chưa thể được khai mở, vì còn quá trẻ.

Khi về nước, tôi liền nói nhiều về Subud, và đó là lúc bắt đầu tôi gặp tất cả những khó khăn của mình. Bố mẹ tôi không muốn tôi dính líu gì tới Subud, nhưng đối với tôi thì đó là điều hệ trọng hơn bất cứ gì khác.

Vào Subud
Tôi quyết định bỏ nhà ra đi. Tôi có được đủ tiền để mua một vé tới London. Dự tính của tôi là gia nhập Subud và làm bất cứ công việc nào kiếm được để sinh tồn. Nhưng lỗi lầm của tôi là nói điều đó cho chị bạn thân nhất của mình biết, và chị đã đi mách bố tôi.

Hai mươi năm sau, tôi gặp lại chị bạn đó, và chị đã hỏi tôi về Subud, nhưng không có một nhóm Subud nào để giúp chị.

Trốn nhà ra đi, tôi đã nhảy xuống đất từ lầu hai của căn nhà bố mẹ tôi ở Belgrad, khiến gần bị gãy chân. Lúc đó trời tối như mực. Tôi xin Thượng Đế tha thứ cho mình vì đã gây đau khổ cho bố mẹ mình, nhưng 'đó là cách duy nhất, xin Chúa giúp con.'

Tôi sợ hãi đi trong đêm tối tới hơn hai cây số mà không có đến ngay cả đồng hồ đeo tay. Tôi đem theo một đồng hồ treo tường to lớn và một chiếc túi nhỏ bé. Người ta tìm thấy tôi khi tôi đến căn nhà của người bạn mình - bố tôi đến đó 5 phút sau đó. Tôi nói: 'Con không muốn về nhà.' Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng chịu đi về.

Tôi không nói chuyện với bất cứ ai trong một tuần. Nhận thấy sự không vui vẻ của tôi, nên bố tôi muốn tôi đi coi một y sĩ về bệnh tâm thần. Người ta cam đoan với bố tôi là không hề gì.

Người ta cũng nói tôi là một cô gái lanh lợi, chỉ có điều là hơi quá say mê về Thượng Đế. Bố tôi rất vui mừng, và chúng tôi cùng thỏa ước với nhau. Nếu ở nhà học hết trung học thì cuối năm – mùa hè kế tiếp – tôi có thể đến New York với mẹ mình để được khai mở. Tôi được khai mở tại New York lúc tuổi 18.

Tôi rất lạc quan và mong rằng mẹ mình cũng sẽ gia nhập. Lúc đó là năm 1974. Cùng tôi tới trụ sở Subud bả nói rằng mình trông thấy quá nhiều những khuôn mặt buồn thiu và nghe thấy quá nhiều những chuyện buồn chán.

Trong lúc khai mở tôi cảm thấy bàn tay mình rung động. Không có gì là ấn tượng sâu sắc, nhưng cái latihan thứ nhì thì có. Tôi la hét suốt lúc latihan. Đó là sự giải tỏa của tất cả những căng thẳng mà tôi đã trải qua với bố mẹ mình, với sự chống đối của họ.

Sau khi được khai mở, tôi tức khắc trở thành một con người khác. Điều này như là tôi có vài lông tuyến bén nhậy khiến mình ý thức được rõ hơn cái không khi trước kia của mình. Có điều thú vị này là trước kia tôi khét tiếng là một kẻ không thích ăn uống nhưng bây giờ thì thèm khát các thức ăn.

Tôi trở về Yougoslavia, và tuy bố mẹ tôi đã chấp thuận cho tôi được khai mở, nhưng mọi việc không được tốt đẹp. Họ luôn dò xét tôi, có lẽ để coi xem có triệu chứng nào của bệnh tâm thần hay không. Tôi không còn quan hệ gì với họ nữa. Tôi luôn là một đứa 'con ngoan,' là niềm hãnh diện và vui sướng của họ, nhưng bây giờ thì tôi là một 'vấn đề.'

Các phụ tá ở New York nói với tôi là không nên tập latihan một mình, nhưng một đêm nọ tôi thức dậy lúc 2 giờ sáng trong một trạng thái latihan, và kể từ đó tôi tập đều đặn, hai lần mỗi tuần, khi bố mẹ tôi đi đánh bài. Mọi chuyện đều tốt đẹp, trừ một điều này ra là có lúc bố mẹ tôi đã bắt gặp tôi ăn mặc đầy đủ mà nằm ngủ trên sàn nhà.

Tôi bắt đầu hết sức chân thành nói về Subud cho mọi người hay, và đã khiến cho tất cả các bạn bè mình đều xa lánh mình. Họ đã hiểu lầm và thấy không còn liên hệ gì với tôi nữa. Người bạn thân nhất của tôi đã hoàn toàn khiếp sợ yêu cầu tôi đừng nói gì về chuyện đó nữa.

Đối với tôi thì đó là tìm lại được cách làm theo ý Thượng Đế, cách được hướng dẫn và phó thác ý chí mình. Đó là điều thiên hạ không thể chấp nhận – tại sao phải phó thác ý chí mình cho Thượng Đế? Đó là vấn đề trong gia đình tôi. 'Làm sao có thể biết được ý Thượng Đế?' Và tất nhiên hỏi như vậy là thích đáng.

Tôi đã quá ngây thơ. Tôi đã nói tới hạnh phúc tuyệt vời nhưng những luận cứ của mình không được khôn khéo. Trong một xã hội cộng sản, người ta không biết gì nhiều về những chuyện tôn giáo và tâm linh.

Tôi chỉ có một người bạn duy nhất hiểu được mình. Ông là một người ngưỡng mộ Thánh Gandhi nên chúng tôi gọi ông là Gandhi. Ông thường trai giới và thích nghe tôi nói chuyện. Sau này, khi tôi bỏ trốn một lần nữa, ông cho tôi một số tiền mang theo.

Tôi học xong năm đầu đại học ở Belgrade, và nhận được giải thưởng cho sinh viên xuất sắc nhất về văn học cổ điển tại Serbia. Người ta đề nghị cho tôi học tại Oxford hay King's College ở London. Bố tôi đồng ý trả chi phí học cho tôi và tôi đã chọn King's College.

Các giáo sư của tôi đều hài lòng vì tôi. Tôi kết bạn với nhiều người trong Subud, và không chịu ở nội trú để sống chung với những bạn bè Subud.

Bắt đầu có thay đổi
Nhưng bắt đầu có những thay đổi. Tôi nhận thấy mình không thể học hành. Tôi ngồi bên bàn tìm cách dịch một văn bản mà cảm thấy vô cùng chán nản. Tôi đọc một câu văn, nhưng tất cả các chữ đều không có ý nghĩa gì. Tôi thường chăm chăm nhìn bài viết của mình mà không thể tập trung trí óc.

Tôi khiến cho mình phải chăm chú nhiều hơn nữa – nhưng như vậy lại chỉ làm cho đầu óc và cơ thể mình bị căng thẳng thêm. Tôi đã phải bỏ bê sách vở để chạy nhảy đây đó làm cho mình có sức hoạt động. Điều này thật khiến lo lắng và tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Tôi làm trắc nghiệm với một vài phụ tá, và hình như đó là quá trình không đáng ngại của latihan.

Họ khuyến khích tôi cứ tiếp tục học, nhưng tôi lại bị bế tắc và thấy buồn ngủ trong những lúc nghe giảng bài. Tôi chỉ muốn một điều duy nhất là ngủ.
Tôi không thể làm ăn gì được. Thật đáng sợ. Cuối cùng tôi không còn học hành gì được.

Tôi làm thân với anh Matthew – không phải là một đôi đào và kép – mà là những người bạn thân. Anh chăm lo cho tôi và tình bạn giữa chúng tôi trở thành một cái gì còn hơn thế nữa, nhưng rất trong trắng, và sau đó chúng tôi tiếp nhận được là mình nên kết hôn.

Tôi viết thư cho bố mẹ mình nói việc mình lấy chồng là ý Thượng Đế, và đề cập tới chuyện học hành của mình có vấn đề, có lẽ mình sẽ phải bỏ học. Tôi đến gặp ông giáo sư của mình để nói về Subud, nhưng một lần nữa tôi đã không khôn khéo mà chỉ làm cho ông lo lắng thêm.

Ông viết thư cho bố mẹ tôi về những khó khăn của tôi, và trách cứ điều đó là do Subud. Tôi từng là một sinh viên xuất sắc. Bố mẹ tôi nhận được thư của tôi và của ông giáo sư, và tất nhiên là họ rất lo lắng.

Họ phái một người anh em của tôi tới để đem tôi và anh Matthew về Belgrade. Họ nói như vậy chúng tôi sẽ được sự chấp thuận của bố cho hôn lễ. Nhưng khi tôi trở về belgrade, họ lấy mất hộ chiếu tôi, và tôi hoàn toàn thành một tù nhân. Tôi còn biết là mình sẽ không còn được cho qua Anh học nữa, sẽ không có hôn lễ, không có hộ chiếu.

''Tao sẽ tài trợ cho mày học hành ở đây,'' bố tôi nói, ''và khi học xong thì mày có thể lấy chồng.'' Ông đề nghị tặng tiền cho anh Matthew để anh trở về nước, hay ở lại Belgrade để học hành cùng tôi. Như vậy mà không xong thì ông hăm dọa bỏ tù anh Matthew, và điều đó thì thật đáng ngại vì bố tôi là một người có quyền thế.

Ông nói: ''Được thôi, nếu cậu không muốn bất cứ gì, thì cứ việc đi về. Nhưng con gái tôi thì phải ở lại đây.'' Nên anh Matthew đã phải ra đi. Tôi thành một tù nhân – một tù nhân của tình thương và sự lo lắng cho mình của bố mẹ. Tôi không hiểu được tại sao tất cả những điều đó đã xảy ra, vì những gì mình tìm cách làm chỉ là vâng theo Ý Thượng Đế.

Được cứu thoát
Tôi đến Milan trong những lúc nghỉ hè và có thể nói chuyện với anh Matthew qua điện thoại: anh quyết định đến cứu thoát tôi. Công cuộc cứu thoát được dự tính sẽ xảy ra tại một khu vườn. Điều khôi hài là những ngươì đến cứu đã khiến cho mình bị chú ý – bằng cách không làm cho người ta chú ý tới mình.
Anh Matthew đội một chiếc nón lớn rộng vành, mang quần sóoc và để tóc dài. Một người chị hay em gái của anh thì đang pha trà trên bãi cỏ – ở Milan không ai uống trà – một nhân vật khác thì mang quần áo lót đi vòng quanh trong vườn, bởi anh muốn tắm trong hồ bơi của khu vườn nhưng lại không đem theo đồ tắm.

Do một phép mầu nào đó, người anh em ruột thịt cũng như người anh em họ của tôi đã không nhận thấy họ, khi trên xe hơi chúng tôi chạy ngang qua căn phòng người anh em họ của tôi, bởi họ đang bận nghe nhạc. Tôi nói:

''Chán quá đi. Tao về nhà bà dì,'' rồi đi ra vườn để chạy trốn.

Xe chúng tôi đi qua biên giới nước Pháp, tôi trùm chăn nằm trong ngăn để hành lí. Không ai hỏi han bất cứ gì. Nằm như vậy tôi khó khăn lắm mới hít thở được, và khi chúng tôi tới Dover, nhân viên quan thuế hỏi: 'Có gì phải khai không?' Ngăn để hành lí đằng sau xe bị khám xét.

''Cái gì đây?'' nhân viên quan thuế hỏi khi giật mạnh tấm chăn.

Điều kế tiếp tôi cảm thấy là có một bàn tay đặt trên bắp đùi mình. Nhân viên quan thuế nói: ''Mấy người đã bắt được một con chó. Bộ muốn buôn lậu chó hay sao?''

Hắn trông thấy, thôi như thế là hết. Chúng tôi bị bắt giữ để thẩm vấn. Có một đám người đứng chung quanh chỉ trỏ về phía tôi. Những kẻ viết báo cũng đến. Tôi kể cho họ nghe sự thật, và người ta đem chúng tôi tới một trạm cảnh sát, nhốt mỗi người chúng tôi vào một xà-lim khác nhau. Thật khủng khiếp. Tôi luôn tự hỏi mình: 'Mình có làm gì bậy không, khiến cho bị xui xẻo như vậy?'

Hôm đó tôi hết mình quy thuận. 'Nếu phải về Yougoslavia, mình sẽ về. Mình chịu bị mất mát tất cả.'

Nhưng có một biến chuyển bất ngờ. Tôi nghĩ là mình sẽ bị trả về nước, nhưng tòa án xét xử vụ đó tỏ ra hết sức nhân đạo. Chúng tôi kể cho họ nghe tình cảnh của mình, và bởi là công dân một quốc gia cộng sản, tôi đoán là mình sẽ bị xét xử nghiêm khắc, nhưng quan tòa mỉm cười nói rằng tôi chỉ việc tới trình diện nơi quan thuế để cho hay tại tôi không mang theo hộ chiếu. Tôi là một người đã tới tuổi thành niên, nên có thể được đối xử theo quy ché tỵ nạn một cách thích đáng.

Chúng tôi phải trả một số tiền phạt và tôi bị giam giữ tại một trung tâm cho người tỵ nạn. Người ta đem tôi tới trung tâm giam giữ Heathrow. Tôi là người Âu Châu duy nhất tại đó, những người kia là các thuyền nhân Việt Nam – nghe họ kể chuyện thì thấy tình cảnh của họ còn bi thảm hơn của tôi.

Tôi không thể ăn bất cứ gì ngoài bánh bột ngô nướng bởi quá căng thẳng. Anh Matthew đem chuyện của chúng đăng trên tờ The Daily Mirror, và báo chí đã chú ý tới chúng tôi. Hình ảnh chúng tôi có trên trang đầu các tờ báo, ngay cả những tờ báo báo ngoại quốc, nên bố tôi đã biết được trên một tờ báo tiếng Đức.

Tờ Mirror mời mẹ tôi tới Paris để phỏng vấn. Bả đến mang theo hộ chiếu của tôi, đưa nó cho tôi rồi nói: ''Đây là hộ chiếu của con, nhưng bố mẹ đã cắt đứt quan hệ với con, vì con đã không tôn trọng sự thỏa hiệp giữa chúng ta.''

Báo chí đã biến chuyện của chúng tôi thành một chuyện tình mà thực sự không là vậy. Các nhà báo mua hoa cho anh Matthew để anh đem cắm trên hàng rào trại giam, rồi chụp hình cái quảng cảnh khiến cảm động đó.

Nhưng họ chỉ nghe tôi kể những gì thích ứng với chuyện tình họ muốn kể. Tôi cố gắng nói cho họ biết điều mình làm là tuân theo Ý Thượng Đế, nhưng trên báo chí chuyện của tôi là về một cô gái giàu sang yêu một anh chàng nghèo kém – hồi đó anh Matthew làm công việc của một thợ nề.

Mẹ tôi tuyên bố vấn đề không là anh Matthew, mà là Subud. Điều đó đã khiến mọi người trong Subud phải hết hồn bặt vía. Họ sợ báo chí sẽ đưa ra những tin xấu về Subud, nên không mấy thông cảm sự thử thách mà tôi phải trải qua. Gia đình anh Matthew cũng phải lo lắng mà ngán báo chí. Chẳng ai ưa chúng tôi.

Cuối cùng tờ Daily Mirror sắp xếp cho chúng tôi thành hôn. Họ thuê một taxi nhanh chóng đem chúng tôi tới phòng hộ tịch, rồi chụp hình lia lịa. Một nhân viên tờ Daily Mirror chùm một chiếc mền lên đầu tôi, khiến không ai có thể chụp hình.

Họ hầu như đẩy tôi vào một chiếc taxi, xe chạy rất nhanh xuyên qua London để tới một quán nước, rồi họ nói: 'Thế là xong! Anh chị đã thành vợ chồng.' Thù lao mà họ trả cho chúng tôi là chúng tôi được hưởng đêm tân hôn tại khách sạn Hilton.

 

 
     
 
  © 2018 góc nhỏ