Header image
 
 

Sự thức tỉnh của hướng đạo nội tâm

Minh Thần dịch 4.2022

 
     
 
    MỤC LỤC
   1. Trước lúc vào Subud
   2. Được khai mở (1959)
   3. Nhà tôi được khai mở
   4. Pierre được khai mở
   5. Chuyển tới Ariege
   6. Quan hệ với Bapak
   7. Lễ cưới tại nhà thờ
   8. Quan hệ với giáo hội
   9. Là phụ tá của Bapak
   10. Được dẫn vào Subud như thế nào?
   11. Nơi công sở
   12. Cái tên Renaud
   13. Ông cụ tôi
   14. Monique
   15. Robert em trai tôi
   16. Chúng nghiệm và ánh sáng
   17. Sự đổi mới của chứng nghiệm
   18. Tái sinh
   19. Subud và bệnh tật
   20. Những giấc mơ
   21. Bapak giải nghĩa về các thiên sứ và..
   22. Bí ẩn của cội nguồn
   23. Thượng Đế vả khoa học
   24. Chân không trở nên lớn hơn
   25. Tràng hạt nội tâm
   26. Đạo đức và tôn giáo
   27. Nghĩa lý đời người
   28. Trở về cội nguồn
   29. Cái cười
   30. Phép mầu
   31. Thượng Đế nào?
   32. Cầu nguyện
   33. Sự xuất hiện của Subud
   34. Subud đã được báo trước
   35. Bí mật Fatima
 
 
Tác giả: Richard Milles
(1920 - 2019)

 

 

Trước lúc vào Subud

Trong 40 năm đầu tiên của đời mình, tôi bị dằn vặt giữa những sức mạnh đối nghịch nhau, khiến có vô số những xung đột trong tâm hồn, và đó là điều ảnh hưởng tới những quan hệ ngoài đời của tôi với mọi người. Tôi thường chống đối vì kiêu ngạo, vì những ý kiến và tín ngưỡng bất khả xâm phạm, vì cái Tôi của mình.

Tới tuổi tự nhận thức được mình, (lúc đó tôi ở Villenauxe-la-Grande, cách Paris 80km) tôi thắc mắc về ý nghĩa cuộc sống của chính mình: con người là gi? Thế nào là yêu thương?  Yêu thương, được yêu thương, không được  yêu thương? Vui hay buồn trong lao động? Muốn, không muốn; tôi, không là tôi?  Tôi không vui sướng theo nghĩa đen của từ đó. Tôi cảm thấy có những xung động trong tâm hồn, những kinh hoàng làm tôi thức đêm. Làm cách nào tiếp cận những bí mật của hạnh phúc? Có một Thượng Đế? Nếu có thì đâu là bằng chứng?

Từ năm 1939, những thắc mắc không giải đáp đó khiến tôi chống đối và là biểu hiện đầu tiên tinh thần độc lập của mình: tôi không chịu học cách giết người; đoán trước mình sẽ bị gọi thi hành nghĩa vụ quân sự, tôi tình nguyện vào đoàn cứu hỏa của Paris, trong đó người ta không học cách giết mà là cứu những sinh mạng. Sau khi vào doanh trại Port Royal, tôi thuyên chuyển tới doanh trại Grenelle, nơi được huấn luyện cực nhọc, nhưng để phục vụ cho tha nhân.

Tôi vui mừng trong đoàn ngũ đó, hãnh diện vì đứng thứ 3 sau khi thi ra trường. Nhưng trong một cuộc khám nghiệm sức khỏe người ta phát hiện một tràn dịch áo tinh (hydrocele) nơi tinh hoàn. Điều khiến tôi rất thất vọng là Hội Đồng phục viên tuyên bố tôi bị loại thải. Tôi đã khóc khi giã từ đoàn ngũ đó.

Để không là một gánh nặng cho bố mẹ mình (tôi là anh cả trong 4 anh em) tôi kiếm được một việc làm trong một hãng xưởng tại đại lộ Kellerman ở Paris, nơi tôi làm thợ tôi thép. Công việc đó không thích hợp với mình, tôi không lấy đó làm vui.

Xảy ra cuộc chiến 1939-1945: Pháp thua trận bị Đức chiếm đóng. Bị trưng tập lao động bởi cục STO (Service du Travail Obligatoire: ban trưng tập lao động bắt buộc) tôi lên xe lửa qua Đức lao động tại những nhà máy sản xuất vũ khí cho Đức Quốc Xã. Tôi tới Munich, rồi bị đưa vào trại Lugelfeld. Tôi nghĩ mình ra đi chỉ có vài tháng. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng!  Tôi chết dí trong 3 năm nơi nhà máy BMW, một nhà máy lớn che giấu trong một khu rừng, mục tiêu của những trận dội bom thường xuyên. Tôi làm thợ tiện liên tiếp trong 12 tiếng đồng hồ, một tuần làm ca sáng (từ 6 tới 18 giờ) và một tuần làm ca đêm (từ 18 tới 6 giờ), dưới sự đe dọa của những trận dội bom. Thường cô  đơn, tránh mình trong những hầm trú ẩn, tôi có thể lâu dài suy tư về nghĩa lí đời người, về cái chết, về việc thế nào là một con người. May mắn là tôi đã vô sự thoát khỏi cảnh địa ngục đó.

Sau chiến tranh, tôi trở về Pháp trên một xe vận tải của quân đội. Khi tôi tới biên giới ở Strasbourg, một anh lính kêu gọi tôi (chúng tôi là dân cùng làng): ‘‘Mày từ đâu tới, tại sao lại có mặt nơi đây?‘‘ Tôi nói mình về từ Pháp, về làng mạc  bố mẹ mình. ‘‘Mày có thể giúp tao, tao đưa cho mày một bức thư cho em gái tao, mày có thể đưa cho nó.‘‘  Tôi chịu mình là kẻ đưa thơ; nhưng tôi không quen biết em gái y, bởi khi qua Đức tôi đã 22 tuổi, còn cô ta chỉ 13 tuổi, cô không thuộc đám bạn bè mình hồi đó.

Sau nhiều sự đột biến, tôi đã về quê...Thật là một cú sốc: căn nhà chúng tôi đã bị bom đạn phá hủy. Sau khi hỏi han mọi người, tôi hay được nơi cư trú của gia đình mình cách đó 200m. Sau một vài ngày, tôi hỏi mẹ mình cô em gái thằng bạn mình ở đâu. Bà chỉ cho tôi nơi chốn, tôi đến đó đưa thư cho cô. Cô không có mặt trong nhà, người ta cho tôi hay cô đang ở nơi giặt công cộng của một ngòi nước. Tôi tìm thấy cô, đôi mắt chúng tôi gặp nhau; như điều người ta nói, đó là một „bột hứng“. Tôi xúc động vì cái nghị lực và sự quyết tâm giặt quần áo của cô. Tôi đưa cho cô bức thư của anh cô. Sau đó, chúng tôi gặp nhau trong cùng một nhóm chơi bát két; thể thao làm cho chúng tôi xích lại gần nhau, và quan hệ đôi bên trở nên thân thiện.

Bởi thích thể thao nên tôi đến Ban Thể Thao ở Paris để hỏi xem mình có thể thành giáo viên thể thao và thể dục. Sau khi hay được những gì phải làm, tôi theo những khóa đào tạo nghề nghiệp ở Trung Tâm Bagatelle, rồi Trung Tâm  Roubaix, tôi đứng nhất trong kỳ thi chuẩn bị. Kỳ thi cấp bằng xảy ra tại Paris trong một tuần lễ. Công lao học hành cực nhọc của tôi được đền bù, bởi trong 400 thí sinh lấy bằng giáo viên thể dục (cho 40 chỗ làm việc) , tôi đứng thứ 30! Tôi vui mừng vô cùng  vì có một nghề nghiệp thích hợp. Hơn nữa, tôi thích làm việc chung với giới trẻ, để truyền thụ cho họ những cách được mạnh khỏe nhờ thể thao.

Quan hệ của tôi với cô gái mà tôi quen biết do những hoàn cảnh kỳ ngộ, trở nên thân mật hơn. Tôi xin cha cô cho tôi cưới cô, và ông đã chấp thuận, sau khi bắt tôi chờ đợi 2 năm. Trong năm 1948, lễ cưới xảy ra theo thủ tục dân sự, và điều đó làm phật lòng nhiều người của gia tộc tôi. Năm sau, đứa con trai Gerard sinh ra.

Năm 1950, trong lúc tôi đang dạy tại sân vận động Montereau, hai nhân vật – ăn mặc tươm tắt – bất ngờ đến quan sát. Cuối buổi học, họ tự giới thiệu là đại diện cho trường EDF của Gurcy-le-Chatel. Họ nói  họ rất phục lối dạy học của tôi, và đề nghị cho tôi lầm giáo viên thể dục và thể thao tại trung tâm  Gurcy của họ.  Họ chấp nhận mọi điều kiện, và thúc bách tôi cho họ nhanh chóng biết tôi chịu hay không. Ngạc nhiên vì đề nghị hấp dẫn đó (miễn trả tiền nhà trong 13 tháng), tôi yêu cầu cho mình một thời gian suy nghĩ để bàn luận với bà xã. Renee đồng ý, tôi đạp xe tới Gurcy, một trung tâm nằm ngay giữa thiên nhiên, để cho hay mình đã chịu. Chúng tôi dọn nhà từ Montereau tới Montigy-Lencoup là nơi chúng tôi ở trong 10 năm. Các học sinh từ 17 tới 20 tuổi đều mến tôi.

Luôn thích được ngay bên cạnh thiên nhiên và sau khi đọc về những thành tích của những kẻ leo tới đỉnh núi Alpes và Himalaya, tôi muốn tìm hiểu xem những truyện đó hư thực ra sao. Tôi dự những khóa học tại núi Alpes để trở thành một hướng dẫn viên leo núi. Đó là lúc tôi trải qua những giây phút vô cùng thích thú.
Nhưng công cuộc tìm hiểu nội tâm vẫn chưa được toại nguyện. Tôi thực sự là một người như thế nào?

Từ lúc trở về nước từ Đức, tôi quan tâm tới chính trị, hoạt động cho đảng Cộng sản, nhưng điều đó cũng không cho tôi một giải đáp hài lòng. Trong một tập san của Bộ Thể Dục Thể Thao, tôi đọc một bài viết môn Hatha Yoga. Tôi tự tập môn thể dục hồn nhiên đó, một môn bắt đầu bành trướng ở Pháp trong năm 1950. Tôi may mắn tìm thấy một vị chính cống dạy môn Yoga từ Ấn Độ. Tôi đến gặp ông một hay hai lần mỗi tháng, để ông truyền cho mình lối thể dục mới lạ đó. Tôi nhanh chóng tiến bộ, điều khiển và làm được cho cơ thể mình trở nên dẻo dai, và đó là điều khiến cho nghề nghiệp thể dục và thể thao của tôi trở nên khá hơn. Tôi rất vui mừng.

Ngoài ra, tôi còn được khuyên tập thiền sau một buổi Hatha-Yoga. Nhưng thiền để làm gì? Tôi đặt câu hỏi đó cho ông thầy mình, và ông khuyên tôi đến gặp một Swami (đại đức) tài một ashram (tu viện) ở Gretz, cách 80km nơi chúng tôi ở.

Sau khi xin gặp ông, tôi đi xe đến gặp. Ông niềm nở đón tiếp tôi, nghe tôi nói mình mong ước theo một tôn giáo, bởi kể từ lúc rửa tội, tôi đã không một lần nào đi nhà thờ: tôi là một kẻ vô thần. Sau khi nghe tôi nói trong một lúc lâu, ông nói: ‘‘Ở đây, chúng tôi không truyền thụ một tôn giáo nào, mà chỉ là truyền thống Vedanta.‘‘

Ông bắt đầu truyền cho tôi môn pranayama, một lối thiền định, dạy cho tôi một thần chú và khuyên tôi đọc một vài cuốn sách, nhất là cuốn về cuộc đời Thánh Ramakrishna, cuốn Madukya Upanishad và một số thánh thư khác. Vui mừng vì cuộc gặp gỡ đó, tôi tu tập theo giáo lý mới đó. Trong 7 năm, mỗi tháng, tôi thức dậy sớm để tập hatha-yoga và những cách hô hấp, rồi tọa thiền và đọc các thánh thư. Tôi xây cất nơi tầng trên cùng của nhà cho mình một nhà thờ nhỏ bé, nơi mình phải khó khăn leo thang lên.

Nếu trước kia đọc những tác phẩm chính trị, thì bây giờ tôi đổi hướng: tôi chuyên đọc về cuộc đời những vị thánh các đạo Hindu, Thiên Chúa, Phật vv...Đồng thới tôi nghiên cứu Upanishads, triết học Vedanta, Lão giáo, Phật giáo…

Nhờ vậy mà trí óc tôi hiểu được những giáo lý của Đông phương. Tôi cũng bắt đầu thoáng nhìn thấy có một sự an vui mà Thượng Đế ban cho những ai phó thác cho Thượng Đế. Nhưng tất cả những cái đó vẫn còn là lý thuyết; tôi vẫn còn đang đi tìm một sự thức tỉnh của nội tâm, một sự „khai thông“ trong những sách mình đọc, nhất là về cuộc đời của Ramakrishna, của Thánh Jean de la Croix, của Thầy Dòng Laurent de la Reurection và nhiều vị khác.

Nhưng lối sống đó thường khiến tôi phải tách xa vợ con. Do nghề nghiệp mình tôi cũng tập nhu đạo (để đạt được đai đen trong năm 1954). Do đó tôi đã lạm dụng sức khỏe mình. Tôi phải định đoạt.

Trong cuộc khám nghiệm sức khỏe hàng năm cho giáo viên, sự việc chụp tia X cho thấy tôi có một hang phổi. Tôi bắt buộc phải ngưng tập nhu đạo, hatha-yoga và pranayama, vì đã tập quá sức mình, bất chấp sự cảnh báo của Swami. Lòng kiêu ngạo của tôi bị trừng phạt nặng. Bác sĩ Kanoni muốn tôi vào bệnh viện Melin; tôi không chịu,  hứa với ông là mình sẽ dưỡng sức để tự săn sóc mình, bằng cách nằm nghỉ 18 tiếng trong 24, mà không dùng thuốc men. Tôi còn cho ông biết là mình ăn chay; nhà tôi hỏi ông đó có là nguyên nhân cái hang phổi của tôi hay không. Ông mỉm cười nói chế độ ăn uống đó không liên quan gì tới hang phổi. Tuy nhiên, ông khuyên tôi mỗi tuần nên ăn một miếng thịt ngựa.

Triết học Vedanta giúp rất nhiều cho tôi chấp nhận căn bệnh đó. Ai có tin hay không thì tùy: ‘‘Phổi mắc bệnh, chứ không là Tôi.‘‘ Đó là  bệnh của phổi, chứ không là bệnh của TÔI; tôi không muốn dính líu gì tới, tôi thản nhiên, điều làm cho nhà tôi ngạc nhiên. Tôi làm mọi cách để lành bệnh, tức là nằm nghỉ 18 tiếng trong 24, và không bi thảm hóa.

Trong lúc tôi nghỉ ngơi, một ông thầy hatha-yoga ở Gretz tới thăm; ông chỉ cho tôi những thế yoga nguy hiểm cho tình trạng tôi mà tôi không nên tập. Ngoài ra, mỗi sáng, tôi đều xoa bóp bụng mình trong lúc tắm nước lạnh. Ông nói với tôi là không nên quá khắt khe với mình, và nên làm cho nước ấm hơn. Chính ông, lúc 20 tuổi, cùng đã bị bệnh phổi và đã lành bệnh nhờ phương pháp này: tức là không dùng thuốc men, mà chỉ là một muỗng cà phê gồm đất xét xanh lá cây (phơi ánh mặt trời) trong một ly nước. Ông đã làm như vậy trong 21 ngày, nghỉ làm trong 9 ngày, rồi lại làm tiếp.

Ông bác sĩ theo dõi bệnh tình tôi lấy làm ngạc nhiên vì tinh thần của tôi. Đến thăm tôi, ông bảo tôi biểu diễn cho ông vài thế „asanas“. Ông nói :‘‘Nếu tất cả các bệnh nhân đều như ông đây, thì bảo hiểm xã hội bớt bị thâm thủng công quỹ, và các y sĩ bớt phải làm việc.‘‘ Chúng tôi vui cười bàn luận về triết học. Mỗi tháng, tôi đi bác sĩ và nói với ông: ‘‘Hang phổi đã đóng lại.‘‘ Thực vậy, chụp tia X cho thấy điều đó. Tôi không hề dùng bất cứ thuốc nào, mà chỉ dựa vào quyết tâm lành bệnh. Sau vài tháng, tôi lành mạnh.

Tôi tiếp tục tu tập, trừ việc tập những thế hatha-yoga không được tập trong lúc bệnh. Đứa cháu gái Monique sinh ra trong năm 1954.

Một người bạn khiến tôi liên lạc được với một nhà sư Phật giáo từ Tích Lan. Ông dạy cho tôi những nguyên tắc của đạo Phật, cách hành lễ và hành đạo.

Swami Sidhesvarananda đặt cho tôi cái tên là Dharmadas, nghĩa là đệ tử của Dharma, hay dưới sự phục vụ của Dharma. Cái tên đó tôi không mang ra ngoài, mà là khắc sâu trong tâm mình. Tôi chỉ hiểu được ý nghĩa đích thực của nó một vài năm sau.

Năm 1957 Swami qua đời. Đó là một cú sốc với tất cả những ai là đệ tử của ông. Đến Gretz thấy áo quan ông, tôi đứng dài lâu nhìn khuôn mặt thản nhiên của ông, cảm thấy mình mất đi một người thân. Mỗi sáng, sau khi thiền định, tôi xin cho mình có một hướng đạo tâm linh mới. Tôi hoàn toàn không còn hoạt động chính trị nữa, bởi đó không là điều hợp với tư duy mới của mình về cuộc sống. Tôi bắt đầu tin ở Thượng Đế, nhưng đó chỉ là một niềm tin không bằng chứng. Một buổi sáng nọ, tôi nhận thấy một sự tĩnh lặng của nội tâm, nhưng là một sự tĩnh lặng thiếu Sức Sống. Đối diện sự yên tĩnh đó, tôi cảm thấy mình thiếu một cái gì đó.

Tháng 8 1959, một anh bạn Phật giáo, một đệ tử của Swami Sidhesvarananda và là người truyền cho tôi một vài phép thiền, cũng như tôi đang đi tìm một hướng đạo tâm linh khác. Anh phấn khởi viết thư cho tôi: ‘‘Tôi có một cuốn sách anh sẽ thích đọc,  về một chân sư Đông phương, và đó là điều chúng ta cần.‘‘ Chủ Nhật hôm sau, tôi đạp xe tới gặp anh ở Gretz, để đọc cuốn sách đó, cuốn „Nguồn Đại Lực“ của John Bennett. Tôi đọc xong trong một đêm; sáng hôm sau, tôi nói với anh: ‘‘Đúng vậy! Đó là điều chúng ta cần! Làm cách nào nhận được sự giao tiếp mà cuốn sách bàn tới? Tôi muốn gặp ông Subuh Sumohadiwidjojo.‘‘ Anh khuyên tôi viết thư cho một nhân vật có liên hệ với ông Bennett, vì người đó biết khi nào Bapak đến Paris. Tôi tức khắc viết thư. Vài ngày sau đó, tôi nhận được một bức thư cho hay Bapak Subuh sẽ ghé qua Pháp vào tháng 11 1959. Tôi viết thêm một bức thư yêu cầu cho mình nhận được sự giao tiếp của Bapak. Không biết Subud thực sự là gì, tôi chờ đợi, nóng lòng nhận được Nguồn Đại Lực đó. Tôi phải kiên nhẫn và chờ đợi 4 tháng.

Tháng 10 1959, một bức thư của Hubert. A báo tin cho tôi hay ông Subuh sẽ đến Paris những ngày 21 và 22 tháng 11. Tôi vô cùng vui mừng!

 
     
 
   
  © 2023 góc nhỏ