Header image
 
 

Java huyền bí

Minh Thần dịch 2004
   
Nguyên tác THE MYSTICAL WORLD OF JAVA của Dr. Prio Hartono

 
     
 
 
Mục lục
  01 - Woronoto
  02 - Tinh thần duy linh ở Java
  03 - Một bậc lão thành
  04 - Thế giới vô hình
  05 - Sự sống sau khi chết
  06 - Con mắt tâm linh
  07 - Nogosora ông vua của các kris
  08 - Thờ cúng tổ tiên
  09 - Năm đức tính của người Java
  10 - Đạo Phật ở Java
  11 - Những trải nghiệm cá nhân
  12 - Đạo Hindu ở Java và sự tăng trưởng
         của linh hồn
  13 - Wayang Kulit
  14 - Lời bạt
 

 

 

Woronoto


Tôi sinh ngày 24 tháng 6 năm 1930 tại Jakarta, thủ đô của Cộng Hòa Indonesia. Jakarta nằm gần bờ biển phía bắc của miền Tây Java. Tuy nhiên, song thân tôi ban đầu là những người gốc gác ở miền Trung Java. Phụ thân sinh ở Jogjakarta và mẫu thân quê quán ở Purwojero, một thành phố cách phía tây Jogjakarta khoảng 40 dặm. Song thân đến Jogjakarta ở, khi phụ thân nhận một việc làm công chức tại Bộ Nội Vụ.

Tuy được nuôi nấng và cho ăn học ở Jakarta, nhưng những kỳ nghỉ hè những đứa nhỏ như chúng tôi được đưa về nhà của mẫu thân tại miền Trung Java. Nhờ vậy mà chúng tôi duy trì được mối liên hệ với quê hương gốc của mình cùng với nền văn hóa của nó.

Căn nhà ông bà tôi nằm trong một thôn xã nhỏ bé và khá hẻo lánh tên Woronoto là nơi cách phía ngoài Purwojero khoảng 3 dặm. Sau khi đi trên một con đường dài có bóng cây, ta cảm thấy hoan hỉ được bước vào thôn xã. Phong cảnh mênh mông của ruộng lúa khiến cảm thấy được khuây khỏa và vui sướng. Những thôn xóm lưa thưa trông như những hòn đảo nhỏ bé dưới ánh mặt trời, những cây dừa cao lớn lắc lư dưới nền trời, tất cả đều tỏa ra một sự chào đón nồng ấm cho kẻ trở về cố hương.

 

Tôi luôn vui mừng được ở nơi thôn xã của ông bà. Đối với tôi đó là một thiên đàng của vùng nhiệt đới. Lúc sáng tinh mơ, tôi thường được tiếng gáy của gà trống đánh thức. Một cảnh mặt trời mọc đẹp đẽ thường tươi cười với mình, khi tôi mở cửa sổ.

Thiên nhiên thật yên lặng và an hòa. Trên những cánh đồng trồng lúa, hết đoàn chuồn chuồn này tới đoàn chuồn chuồn khác, nhỏ bé đủ cỡ và màu sắc khác nhau, thỉnh thoảng nhanh chóng đâm bổ xuống để bắt mồi là những côn trùng nhỏ xíu. Khi mặt trời mọc cao trên đầu, một làn gió nhẹ mát mẻ và dịu dàng vuốt ve tôi. Cảnh mặt trời lặn có nhiều màu sắc với những bầy chim bay về tổ, khiến cho cảnh vật buổi chiều được phong phú. Những đêm có trăng, đi dạo chút ít với thân nhân và bạn bè tự nó là thú vui. Những đêm thiếu ánh trăng, hàng ngàn con chuồn chuồn này tới hàng ngàn con khác lấp lánh rực rỡ hơn trong đêm u tối. Cơn mưa luôn được đón mừng trong một ngày nóng cháy. Ban đêm âm thanh cơn mưa và không khí mát mẻ luôn khiến tôi cảm thấy ấm cúng, khi được ngồi trên một chiếc ghế dài bằng tre, bên cạnh ánh đèn dầu lửa lung linh, hay khi ngủ trên giường dưới chiếc sarong của mình.

Tôi lấy làm vui thích được tắm trong nước cạn trong tươi của một dòng sông chảy trên một đáy có những hòn đả của núi lửa. Đôi khi tôi đi chăn trâu cùng với những đứa trẻ của thôn xã chỉ vì vui thích, nhưng thú tiêu khiển mà tôi thích nhất là ngồi trên lưng một con trâu, khi nó đang ăn cỏ.

Dân quê gắn bó với nhau như một đại gia đình. Có nhiều dịp để giải trí. Thôn xã có dàn nhạc gamelan (một nhạc cụ 5 thanh âm) riêng biệt. Ngay khi còn nhỏ, những đứa trẻ của thôn xã đã bắt đầu tập chơi nhạc. Chúng cũng học những lối múa cổ truyền của Java. Khi lớn tuổi hơn, chúng có thể tham dự vào đoàn wayang wong là những người diễn mộtvở kịch cổ truyền tả thuật lại những truyền thuyết thời xưa của RamayanaMahabaratha, bằng cách vừa ca hát và chơi nhạc, vừa nhảy múa, kể truyện và diễn xuất. Những trang phục sặc sỡ làm cho cuộc diễn xuất được huy hoàng thêm.

 

Sự cố long trọng hơn là những selematans. Gốc của selematan là từ selemat có nghĩa là an toàn. Mt selematan là một dịp tụ họp theo đó chủ nhà mời người ta đến ăn uống và cầu nguyện. Đó là một vấn đề cộng đồng. Thân nhân, hàng xóm và bạn bè đến giúp làm thức ăn. Khi mọi người đã đến, thường là khoảng 7 giờ chiều, và ngồi khoanh chân trên những chiếc chiếu trên sàn nhà, người chủ lễ, thường là một người lớn tuổi thông thạo đạo lí và những tập tục cổ truyền, điều khiển buổi lễ cầu nguyện cho sự an toàn, hạnh phúc và thịnh vượng của người được làm selematan cho. Sau lễ cầu nguyện thì có một thời gian trong đó giới trẻ đưa thức ăn cho buổi lễ. Người chủ lễ giải thích ý nghĩa của những món ăn tượng trưng cho điều này điều nọ.

Một selematan được làm, khi một đứa bé sinh ra, khi vết thương trên lỗ rốn của đứa bé được lành lặn, và có một selematan khác vào ngày thứ 35 sau khi sinh ra, đó là cái chu kì theo đó mình lọt lòng mẹ. Ngày của một tuần lễ 7 ngày trùng hợp với ngày của tuần lễ 5 ngày thuộc lịch Java.

Ngoài tuần lễ gồm chủ nhật, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ bảy, như của Âu Tây, người Java còn có tuần lễ 5 ngày theo âm lịch, và những ngày đó được gọi là Legi, Pahon, Pon, WageKliwon. Nếu ai đó sinh vào ngày Thứ Ba-Pon, thì điều này được coi là ngày sinh đích thực, là điều định đoạt định mệnh của mình, tính tình trong số tử vì và những ảnh hưởng của trời đất. Cứ 35 ngày là có một sinh nhật Thứ Ba-Pon. Người Java không ăn mừng ngày tháng mình sinh ra, mà là những ngày tháng wetonan hay wyosan (theo tiếng Java thượng lưu), nghĩa là ngày mình lọt lòng mẹ.

Selematan của ngày thứ 35 cũng được dành cho người mẹ của đứa bé mới sinh ra. Sau cái selematan đó, bà được quyền tiếp nối lại những quan hệ nhục dục với chồng mình. Khi đứa bé lần đầu tiên đụng chạm mặt đất, nghĩa là khi nó bắt đầu bò, một selematan được làm. Một selematan khác được làm, khi tới tuổi cắt bao quy đầu. Công phu nhất là những loạt selamatan cho lễ cưới kéo dài nhiều ngày. Cũng có một selematan, khi cô dâu mang bầu được 7 tháng và đang chờ đợi đứa con đầu tiên của mình được sinh ra.

Ngoài những selematan riêng tư còn có những selematan công cng. Chng hn như mt selematan cho ngày chào đời của ngôn sứ Muhammed. Có một selematan cho tháng Suro, một tháng năm long trọng trong đó những của gia truyền được lau chùi, rửa sạch và bôi dầu. Và việc ăn mừng lễ Lebaran hay Idul Fitri, khi trai giới Ramadhan xong xuôi.

Selematan không chỉ để cho người sống. Cũng có những cái cho linh hồn của những người đã chết. Có một selematan trước khi đi đưa đám, và sau đó buổi chiều sau đám tang. Tiếp theo là những selematan vào ngày thứ 3, thứ 7, thứ 40 và thứ 100 sau cái chết. Có một selematan để tưởng niệm lần thứ nhất sau khi chết, để tưởng niệm lần thứ hai sau khi chết, và cái selematan cuối cùng là vào ngày thứ 1000 sau khi chết.

Tháng trước Ramadhan hay tháng trai giới được gọi là Ruwah. Gốc của Ruwah là từ arwah, nghĩa là những linh hồn ở thế giới bên kia. Ở Java người ta cho rằng linh hồn của thân nhân, cha mẹ, và tổ tiên đến thăm mình trong tháng đó. Thế nên, thiên hạ ở Java làm một selematan gọi là ruwahan là một selematan để chào đón những linh hồn đến thăm. Một selematan nữa được làm cho người chết khoảng lúc tháng trai giới xong xuôi. Nó được gọi là punggahan mà gốc là từ munggah, nghĩa là đi lên trên. Nó được làm để chúc cho những linh hồn đến thăm được an lành và êm xuôi trở về thiên đàng. Một selematan cũng được làm trước khi trồng lúa. Tất nhiên, cái selematan lúc gặt lúa là một dịp rất vui vẻ.

Những người ở Wenoreto nghèo nàn về vật chất, theo tiêu chuẩn Âu Tây. Nhưng giữa họ với nhau, họ không cảm thấy nghèo nàn. Họ vui vẻ, mãn nguyện, độ lượng, dễ gần gũi, hiếu khách, lương thiện và có cả tinh thần hài hước. Phần đông là con cháu của những người đã đi theo Hoàng Thân Diponogero, một người đã chiến đấu chống lại thực dân Hà Lan.

Nhiều của gia truyền dưới hình thức những krises (những dao găm thiêng liêng), những cây thương và những vật khác vẫn còn được tìm thấy tại khu vực Purwogero là đồn lũy cuối cùng của Hoàng Thân Diponogero.

Không tiêu diệt nổi Hoàng Thân Diponogero sau 4 năm chiến đấu (1826-1830), người Hà Lan cuối cùng đã có thể lừa ông đến Magelan, đề điều đình ngưng bắn. Quân lính ông không được vào thành phố, nên ông đến điều đình một mình. Tấm lòng cao thượng, được nuôi nấng và giáo dục theo một chuẩn mực khắt khe về tinh thần hào hiệp, lòng dũng cảm và lương thiện, ông đến để hòa đàm, nhưng không ngờ đó là một cạm bẫy. Thay vì trọng vọng ông là một người khách, người Hà Lan đã bắt ông và đầy ông tới Sulawesi, một hòn đảo phía bắc Java, nơi ông qua đời vì tuổi tác và đau buồn.

Trong thời cai trị của thực dân Hà Lan, người Indonesia bị đàn áp và biến thành nô lệ. Họ không có ngay cả cơ hội được giáo dục đầy đủ. Dưới ách cai trị của thực dân Hà Lan chỉ có 6,5% dân Indonesia có thể đọc và viết. Phần còn lại bị khiến cho trở nên dốt nát.

Điều may mắn là văn hóa có thể truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng lối truyền khẩu và qua âm nhạc, lối nhảy múa, diễn kịch, kể truyện và thơ văn truyền miệng. Văn hóa và đạo đức quan trọng nhất được truyền lại dưới hình thức wayang kulit là kịch bóng múa rối.

Lòng hy vọng của mọi người được sinh khí nhờ những truyền thuyết và tiên tri. Một truyền thuyết nói tới một wali lập dị, Sheikh Siti Djenar, một người trong thời Chín Vị Wali của thế kỉ 15. Một wali là vị thánh chân chính được thiên ân. Sau khi nhận được sự giao tiếp với Ánh Sáng của Thượng Đế, Sheikh Siti Djenar không còn muốn giữ giới theo shariat. Ông chỉ quan tâm tới chân lí nội tâm, cái chân lí tuyệt đối hay hakekat là sự hòa hợp giữa con người và Thượng Đế qua sự giao tiếp với Ánh Sáng của Ngài. Ông coi tất cả những cái khác là những chuyện bậy bạ.

Những walis khác lấy làm lo lắng vì tình trạng đó. Thực ra, những ai đã được thiên ân là những người trực tiệp nhận được sự hướng dẫn của Thượng Đế, nhưng chỉ có ít người may mắn đã tiếp nhận được. Đám đông thì cần phải được dạy bảo cho biết những giáo lý và lễ nghi, khiến họ được giáo dục về mặt luân lí và có được một chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Nếu mọi người noi theo gương của Sheikh Siti Djenar, các walis khác nghĩ rằng điều này sẽ tạo nên hỗn loạn. Hội đồng các walis tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách mời Sheikh Siti Djenar đến hội họp. Nhưng Sheikh Siti Djenar chưa từng đến lần nào. Cuối cùng hội đồng các walis quyết địnhgiết chết ông, để giữ trật tự và an bình trong cộng đồng Hồi giáo.
Sau khi ông bị giết chết, họ nghe thấy một tiếng nói: “Ta chấp nhận cái chết. Nhưng ta sẽ báo thù khi một con trâu bị chứng bạch tạng xuất hiện, nó sẽ khiến các ngươi và đám con cháu trở thành nô lệ trong 3 thế kỉ rưỡi“. “Con trâu bị chứng bạch tạng“ xuất hiện dưới hình dạng người Hà Lan là những kẻ đã khiến người Indonesia trở thành nô lệ trong 350 năm. Điều này giải thích tại sao một con số nhỏ bé người Hà Lan đã có thể chiếm làm thuộc địa một đất nước có hơn 100 triệu người Indonesia. Dù cố gắng đến mấy đi nữa, người Indonesia đã không thể đánh đuổi người Hà Lan khỏi quê hương mình.

Khi tình trạng niệm thần chú của Sheikh Siti Djenar không còn tác động nữa, người Hà Lan đã bị đánh đuổi khỏi Indonesia năm 1942 mà người Indonesia không phải tốn chút công sức nào. Hầu như không đánh một trận nào, người Hà Lan đầu hàng người Nhật.

Về sự xuất hiện của người Nhật, Vua Joyoboyo đã tiên tri như sau: “Java sẽ bị một đám người lùn da vàng cai trị trong khoảnh khắc của một hạt ngũ cốc. “ Đám người lùn da vàng là người Nhật, họ cai trị Indonesia trong 3 năm rưỡi.

 
     
 
  © 2016 góc nhỏ