Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn
1912-2008
San Jose, Cali Hoa Kỳ  
 
     
 
 

Ông sanh ngày 03 tháng 10 năm 1912 tại Hải Dương, Việt Nam.

Tạ thế lúc 12 giờ 30 trưa ngày 23 tháng 8 năm 2008, nhằm ngày 23 tháng 7 năm Mậu Tý tại San Jose California. Hưởng thọ 96 tuổi.

Ông Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn là một trong số những người được khai mở tập latihan vào thời kỳ Subud Việt Nam vừa thành lập.

Để cho Subud Việt Nam có thể khai mở cho những người muốn vào Subud lúc đó, Bapak bổ nhiệm ngay hai phụ tá đầu tiên: Piere Marti và Vũ Huy Hiền. Vì số hội viên tăng lên quá nhanh, để đáp ứng cho nhu cầu mới này, đợt phụ tá thứ nhì được Bapak chấp thuận là 14 người. Ông Vũ Đình Mẫn được Bapak bổ nhiệm làm phụ tá vào đợt thứ ba: "Do ân huệ của Thiêng Liêng Toàn Năng hội Subud Việt Nam phát triển nhanh chóng, số hội viên một ngày một đông đảo, gia tăng nên Bapak lần lượt chấp thuận một số phụ tá nữa là: Nam phụ tá Vũ Đình Mẫn (Hoàn Nguyên), Nguyễn Văn Cừ (Hesti-Sedyo-Utomo), Ngô Đình Căn, Nguyễn Mạnh Hoàn (Hudajana), Lê Văn Tư, Huỳnh Lý Hớn (Minh Tâm, đã mất) và mới đây hai phụ tá: Nguyễn Đình Thi, Dương Minh Châu."

Những tập sách nhỏ đã xuất bản vào thời kỳ phôi thay của Subud Việt Nam, hầu giúp cho những người muốn tìm đến Subud được dễ dàng hơn là: Subud Là Gì? Vài lời khuyên của Bapak do Đặng Phác soạn. Sách "Tìm Hiểu Subud" do Đặng Phác viết và Roosman Martin phát hành. "Tại Sao Tôi Vào Subud", "Mười Tám Điều Cần Hiểu Trước Khi Vào Subud" của Hoàn Nguyên viết.

Ngoài nhiệm vụ phụ tá ông Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn cũng làm việc trong Hội đồng Quản trị. Nhiệm kỳ 1974-1976 ông làm Chánh hội trưởng, nhưng chỉ mấy tháng sau thì xin từ chức, phụ tá Vũ Huy Minh Châu lên thay.

Ông Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn là giáo sư Pháp Văn, đi dạy học từ khi còn ở Hà Nội. Khi ông di cư vào Nam ông vẫn tiếp tục theo nghề gõ đầu trẻ, ông dạy vài trường trung học tư thục, như trường Văn Lang,… Ông mở cả lớp dạy Pháp Văn tại tư gia. Số học trò của ông không biết bao nhiêu mà kể.

Song song đó ông cũng là người uyên thâm Dịch Lý, truyền bá môn này bằng nhiều lớp Dịch Lý tại tư thất. Học viên của ông trong Subud một số hiện nay vẫn còn tập latihan đều đặn như: Hoàn Hương, Siêu Nhân Trọng, Liêm Khiết, Hoàn Toàn Thăng, Murdiyat, Mawardi, Margono, …

Ông học rộng, kiến thức cao, có tài hùng biện, có lực thu hút hấp dẫn người nghe. Ông ước mong đem tài năng của mình ra giúp nước, với hoài bảo đưa nước Việt Nam tới một chính thể trung lập, tự do, không cộng sản không tư bản. Ông thường nói với các khóa sinh khóa Dịch Lý, ông sẽ lèo lái con thuyền quốc gia bằng Dịch Lý, phát triển đất nước dựa theo Ngũ hành Âm dương.

Tháng Tư năm 1975 khi Saigon thất thủ, ông cùng toàn gia đình may mắn được một tàu Đại hàn cứu giúp đưa về Seoul (Hán Thành), tạm trú trong trường nữ trung học Pre Pusan.

Thoạt tiên ông muốn sang Áo định cư với nhóm Subud Thái 29, nhưng cuối cùng gia đình đã sang Mỹ và về sinh sống tại San José tiểu bang California.

Ông Vũ Đình Mẫn có theo Pháp-Lý Vô Vi của ông Lương Sĩ Hằng. Ông cho biết ông theo pháp môn thiền định này từ năm 1973. Ông sang Canada sống cạnh ông Lương Sĩ Hằng một tháng, vào tháng 1 năm 1986.

Ông viết sách về Pháp Lý Vô Vi, về chính trị, cũng như viết rất nhiều bài về hai thể loại này đăng rải rác trên các tạp chí Việt ngữ xuất bản tại Hoa Kỳ, như tờ Văn Nghệ Tiền Phong…

 
 
 

Những bài viết, dịch của ông Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn trên trang nhà Góc Nhỏ:

° kinh nghiệm của tôi về Subud I - viết
° kinh nghiệm của tôi về Subud II - viết
° kinh nghiệm của tôi về Subud III - viết
° buổi nói chuyện lần thứ hai tại Bandung của Bapak ngày 31-10-1966 I - dịch
° buổi nói chuyện lần thứ hai tại Bandung của Bapak ngày 31-10-1966 II - dịch

 
 

 

tấm hình này ông Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn tặng Liêm Khiết Haryanto Trương Trọng Bình năm 1976 - Nguyễn Mạnh Hoàn - Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn - Liên Hoa (bà Mẫn) - bà Hoàn
 

Những tin tức liên quan đến ông Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn

 
   

Mỹ Hạnh Delune: Bác Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn qua đời. Anh Murdiyat vừa cho hay tin này, tuy trễ vẫn còn hơn không.

Tôi nhớ hoài những khi chị Lan Thanh dẫn tôi đến cho bác xem dịch, xem tôi có xuất ngoại được không. Phải công nhận bác có tài bói dịch rất hay. Lúc tiên khởi bác nói chưa thấy gì, nhưng bác nói cứ trở lại đều để bác xem tiếp. Sau đó tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu gì là có thể đi được, thế mà bác cứ quả quyết là thế nào cũng đi, và sẽ đi nhanh lắm cũng như đi luôn không trở lại nữa. Lúc ấy là tháng 4 năm 1970.

Dưới đây là đoạn thư của anh Murdiyat tôi chụp lại:

Bác Vũ Đình Mẫn đã qua đời vào ngày 27-8-08 (ngày này cũng không chính xác lắm vì tôi đến nhà quàn thì biết là Bác được đưa tới nhà quàn ngày 27 và thiêu ngày 31, nên tôi đoán chết ngày đó, và đến nay tôi chưa có dip đến tận nhà Bác được) vài ngày sau thì con rễ (trưởng) chồng cô Khanh con của Bác, người Đại Hàn, cũng qua đời. Tối có đến trước nhà của Bác 1-2 ngày trước đó nhưng không vào vì định ngày mai sẽ cùng anh Hùngđến thăm Bác.

Murdiyat Mẫn: Năm 2001, tôi và ông Trương Hoài Tâm (học trò ngày xưa của Bác Mẫn ở Hà Nội) có đến nhà Bác Hoàn Nguyên. Lúc đó Bác vẫn còn rất tráng kiện, tiếng nói sang sảng. Hồi Bác ở Mountain View ai có dịp gặp hai Bác đều khen là Tiên Phong Đạo Cốt.

Margono Tấn: xem bài Nhân Duyên Vào Subud ở góc Hồi Ký.

Liêm Khiết: Hồi năm 1995 tôi sang Cali chơi, muốn ghé thăm bác, tôi có nhờ chị Duyên Hương gọi điện thoại hỏi giùm. Mặc dù thời gian này bác đang tịnh khẩu không muốn tiếp ai, nhưng tôi cũng được gia đình bác mời đến dùng cơm trưa tại nhà hai bác. Tôi thấy hai bác lúc ấy rất khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, thần sắc rất tốt. Tôi và bác hàn huyên chuyện trò về Subud cùng với một vài phương pháp khác.

Mawardi Hậu: Thầy Mẫn mất đi tôi chỉ nhớ đến thầy là người đầy tâm huyết nhưng không gặp thời. Tôi cũng mong ước có ngày được gặp lại thầy để tỏ lòng ái mộ.

Minh Thần: Bác có viết một cuốn sách về biện chứng luận mà ông thầy triết của tôi là ông Tam Ích phải khen là hay.

Hardjono Mão: Tôi gặp bác Mẫn lần cuối, lúc bà Mardi còn sống khoảng 93, 94.

Hoàn Toàn Thăng: Nhiều năm về trước hai bác Hoàn Nguyên Liên Hoa có về VA chơi và có gặp Hoàn Toàn, cũng có nói vài câu chuyện đạo.

Murdiyat Mẫn: Tin thêm về phụ tá Vũ Đình Mẫn : Tôi mới gặp cô con gái áp út của Bác, cô Nga, thì được biết chi tiết: Bác không muốn ăn hoặc không ăn được vì cho ăn thì Bác không muốn ăn. Vào hospital thì chỉ được vô nước biển và cho về nhà. Bác sĩ nói Bác không có bệnh gì chỉ ép cho Bác ăn là được. Tình trạng không ăn trong khoảng 10 ngày. Ngày Bác mất thì cả nhà đi vắng chỉ có người giúp việc – là Caregiver (công việc này do nhà nước đài thọ chi phi -).

Bác Liên Hoa vẫn còn sống (4.2009), nhưng vì quá già nên bị bệnh lẫn; cho đến lúc này thi Bác cũng không biết là chồng mình đã qui tiên, không người con nào nói cho Bác biết và có lẽ nói Bác cũng chẳng nhận ra,

 
 
© 2011 góc nhỏ