Header image
 
 

Hành trang lên đường

Lê Nguyễn 2007

 
     
 
 
tập truyện
  00 - vào tập
  01 - vào Subud
  02 - thử thách
  03 - vào lính
  04 - đi Cần Thơ
  05 - ở lại Saigon
  06 - ân lành
  07 - không chân dung
  08 - gặp Bapak
  09 - bài học gì
  10 - trừng phạt hay dạy dỗ
  11 - gởi chút hương theo gió
  12 - bộ đồ mới
  13 - dễ dàng trong việc mưu sinh
  14 - trắc nghiệm
  15 - Wisma Subud, niềm vui không trọn
  16 - ánh sáng kedjiwaan
  17 - Mẹ mất
  18 - Latihan cho người chết
  19 - Túi phải rỗng tuếch
  20 - Lan man về gia đình tôi và đại dịch
 

 

 

Vào Subud

Năm tôi học đệ tam trường Hồ Ngọc Cẩn, Dũng học lớp tôi, lại nói với tôi, Dũng muốn kiếm mấy đứa để có thể có một lớp Pháp văn dạy tại tư gia. Thầy dạy là bác của Dũng. Tôi lắc đầu từ chối. Từ lớp đệ thất, ngoài những giờ tiếng Pháp học ở trường, tôi học thêm Pháp ngữ tại Trung tâm Văn hóa Pháp. Các thầy cô dạy ở đây hầu hết là người Pháp, thỉnh thoảng mới có ít giáo sư Việt. Ba tôi quan niệm, học ngoại ngữ nên học thẳng người ngoại quốc. Chính vì vậy, mà dù là con nhà nghèo, ba mẹ tôi cũng ráng cho tôi đi học thêm tại trung tâm này, dù là học phí rất nặng. Năm đó tôi không còn học thêm ở Trung tâm Văn hóa Pháp nữa, không phải vì vấn đề học phí đè nặng phần nào ngân quỹ gia đình, mà vì tôi sợ tôi không còn theo nỗi nưã. Tôi học lên đến đẳng cấp, mà bắt đầu từ đây, mỗi kỳ thi lên lớp phải viết một bài luận dài.

Dũng đến năn nĩ tôi lần nưã, nếu ít người tham dự thì bác nó không chịu dạy. Dũng nói với tôi, nếu Tấn thấy không hay thì sau đó nghỉ cũng được. Tôi thấy Dũng nói có lý, phần khác cũng thấy tội nghiệp Dũng. Dũng cần lớp này, vì qua kỳ thi đệ I lục cá nguyệt, Dũng bị dưới điểm trung bình, với đà này thế nào cuối năm Dũng phải thi lên lớp.

Lớp Pháp văn này qui tụ khoảng 10 đứa: Dũng, Hiệp (anh của Dũng), Điển, Long, Hoà, … . Dũng và Hiệp học lớp tôi. Điển người bạn thân, học cùng trường nhưng khác lớp. Tôi quen Điển qua một lớp toán lý hoá của thầy Trần Trung Đạo, năm đệ ngũ, rồi từ đó hai đứa chơi thân luôn, thường học chung với nhau. Long học cùng lớp với Điển, ở cùng xóm với tôi. Tôi không thân với Long, vì không hạp tính.

Bác của Dũng là thầy Vũ Đình Mẫn. Thầy là giáo sư Pháp ngữ của trường Văn Lang. Chúng tôi học tại tư gia của thầy. Tôi không còn nhớ ở đâu, chỉ nhớ trong một con hẽm với nhà cửa khang trang. Đó là một khu phố với những dãy nhà lầu một tầng.

Thầy Mẫn dạy tiếng Pháp rất hay, chỉ mấy tháng sau, đứa nào trong chúng tôi cũng thật cứng về văn phạm. Thầy có tài ăn nói, ngoài những lúc dạy học, thầy hay nói về thời thế, và thường úp mở con đường chính trị của thầy. Vấn đề chính trị chẳng những không làm tôi quan tâm, mà còn làm tôi hơi sợ. Liên quan đến vấn đề này dễ đi tù lắm.

Trong tôi, tôi có hướng ưa thích vấn đề huyền bí. Thuở thơ ấu, vì sinh kế, ba mẹ tôi bỏ quê nhà lên Saigon lập nghiệp, để tôi lại quê nội ở Mỏ Cày, tỉnh Kiến hoà (Bến Tre). Tôi sống với bà nội. Nội rất sùng đạo, bà ăn chay thường xuyên và đi chùa đều đặn. Bà đưa tôi gần với Thượng đế, với lòng tin vào đấng Cao cả. Cũng như quan niệm có sự sắp xếp của Thiêng Liêng trong đời sống của con người. Hình ảnh Nội chiều chiều mặc áo tràng, tụng kinh gõ mỏ trong căn nhà lớn chỉ có hai bà cháu, hay kỷ niệm những lần tôi theo nội đi chùa là hình ảnh không bao giờ nhạt nhòa trong tôi được.

Khi thầy Mẫn chiêu dụ chúng tôi học khóa Dịch lý, tôi hưởng ứng ngay. Điều buồn cười, một mặt thầy muốn có nhiều học trò, mặt khác thì lại ra câu trắc nghiệm để thử khả năng chữ Hán của chúng tôi. Thầy cho biết chỉ có đứa nào có khả năng phán đoán mới cho học! Chắc đây cũng là bí quyết để câu học trò của thầy? Dĩ nhiên tôi qua dễ dàng cuộc trắc nghiệm này, mà cũng không có đứa nào bị … đánh rớt. Tôi còn lôi kéo thêm được bà chị họ. Chị tôi, Nguyễn ngọc Thiện (1) tên gọi ở nhà là Nguyện, lúc đó đang học y khoa. Chị cũng thích vấn đề huyền bí như tôi. Chỉ ít câu dụ khị, chị ừ ngay.

Trong lớp học, trên tường, thầy treo hình chụp mãn khóa của mấy khóa trước. Trước khóa chúng tôi đã có mấy khóa rồi (2).

khóa Dịch lý 1969
 

Một hôm chúng tôi đang học Dịch lý, thì thầy Mẫn kể một câu chuyện gì đó. Thầy bắt đầu:

- Hôm nay tôi đi Subud về… 

Chữ Subud đập vào đầu tôi một cách kỳ lạ. Sau đó, tôi đem thắc mắc này nói với Điển và Long. Hai đứa cũng nghe như tôi, cả 3 đứa đều muốn biết Subud là cái quái gì. Chúng tôi hỏi thầy. Thầy không giải thích gì cả, bảo mấy đứa tôi muốn biết Subud là gì, thì ra trụ sở hội Subud mua 3 tập sách mỏng của chính thầy viết. Thầy cho biết, chỉ có mấy đồng bạc. Thầy Mẫn có lối nói chuyện nửa úp nửa mở, càng làm cho người nghe tò mò hơn. Tôi và Điển phóng xe ra trụ sở Subud ở đường Hồng Thập Tự mua ngay 3 tập sách này.

Đêm hôm đó, sau khi học bài xong, tôi leo lên giường, trùm mền nằm ngấu nghiến 3 quyển sách mỏng dính đề tên người viết: Hoàn Nguyên Vũ Đình Mẫn. Tôi không bao giờ quên được cảm giác kỳ lạ mà tôi có, khi đọc 3 tập sách này. Đọc tới đâu rung động tới đó. Tôi biết con đường của tôi đi, trên kiếp nhân sinh này là con đường này. Hôm sau, vào trường tôi kêu Điển và Long lại hỏi, tụi nó thấy như thế nào. Điển và Long nói thấy cũng hay. Tôi cho tụi nó biết ngay, tôi sẽ xin gia nhập. Hai đứa hỏi lại tôi, mày có chắc chưa. Tôi gật đầu. Hai đứa không nói gì cả.

Trong khoá học Dịch lý của chúng tôi „tình cờ“ có mấy anh chị Subud. Đó là anh Nguyễn Phan Nho, anh Đặng văn Tống, anh Lê văn Trọng và một chị gì nưã mà tôi không còn nhớ tên. Anh Trọng là thầy của đứa em tôi ở trường Cấp Tiến. Thầy Mẫn, chỉ cho chúng tôi biết đó là những người đi tu, nhưng không nói họ là hội viên Subud, cũng như đạo gì. Tôi nhìn họ thấy có cái gì đó hơi khác thường. Trong suốt khoá dịch lý, chúng tôi bên này và những người đó ngồi dãy bên kia hoàn toàn không có sự giao tiếp nào. Họ cũng chỉ chuyện trò với nhau thôi. Chúng tôi, đám học trò ngồi với nhau, trong số này có Trương Trung Hậu. Hậu ngồi sau dãy bàn tôi, hầu như không chơi với đứa nào trong bọn chúng tôi. Chị Thiện của tôi ngồi chung với nhóm Subud. Điều đáng tiếc cho chị tôi, chị chắc cũng biết được Subud từ dạo đó, nhưng duyên không có. Chị tôi là con nhà giàu, nhưng không bao giờ kiêu căng hống hách, tấm lòng thì vô cùng nhân hậu.

Sau buổi học Pháp văn thường lệ, tôi đến gặp riêng thầy, cho thầy biết ý định của tôi. Thầy nói, thông thường thì một hội viên mới, phải có 2 hội viên cũ giới thiệu, nhưng thầy là „phụ tá“ chỉ mình thầy là đủ. Dạo đó tôi chưa biết phụ tá là chức gì hay nhiệm vụ gì trong Subud. Tôi thưa lại với mẹ, xin bà cho phép tôi vào hội. Chuyện này tôi dấu không cho ba tôi biết. Tôi biết tính ông rất khó, nghe đến hội đoàn là chắc chắn ông sợ. Mà chính tôi, tôi cũng sợ, lỡ liên quan đến chính trị là tàn đời. Tôi đưa 3 tập sách mỏng cho mẹ xem và khẳng định với bà, không liên quan gì đến chính trị chính em, mà chỉ là tu tập. Subud lúc đó tôi có hiểu gì đâu, nên cũng không biết giải thích như thế nào cho mẹ tôi. Cũng may là mẹ luôn luôn tin tôi. Tôi là đứa con chăm học. Ngoài thì giờ dành cho chuyện học, tôi chỉ chơi thể thao, tôi học giỏi, có lẽ vì thế nên tôi nói gì mẹ cũng tin. Mẹ chỉ căn dặn, phải coi chừng, nếu có gì không đúng thì ra khỏi hội ngay.  

Thấy tôi nhất quyết quá, Điển và Long cũng làm theo. Nhưng khi ra hội nộp đơn, mới biết là chúng tôi chưa đủ tuổi. Phải chờ đủ 18 tuổi mới được vào. Lúc đó tôi đã lên lớp đệ nhị, chỉ phải chờ mấy tháng nữa thôi.

Khi Tết tây vừa qua, vừa đủ 18 tuổi, tôi ra nhà hội để bắt đầu dự bị. Năm đó là năm 1970. Anh Phương tức Nguyễn Phan Nho, người có nhiệm vụ ghi những lần tôi có mặt. Tôi phải đi đủ 12 lần, mỗi tuần 1 lần. Điển và Long cũng theo tôi, nhưng không đến hội đều đặn như tôi. Khi biết tôi sắp đủ những lần dự bị, Long đi 1 tuần 2 lần để cho kịp với tôi. Anh Phương biết là không đúng, nhưng anh cũng không nói gì. Trong khoảng thời gian dự bị, tôi chỉ đến hội ngồi chơi, 15 hay 20 phút rồi về. Nếu có thắc mắc gì sẽ được phụ tá giải thích. Tôi chẳng có thắc mắc gì cả. Có biết và hiểu gì đâu mà thắc mắc. Người tôi nói chuyện được nhiều nhất trong thời kỳ dự bị là anh Hướng Thiện Nguyễn Đôn Khoa. Mỗi lần thấy tôi, anh đều lại chuyện trò. Tính tình anh cởi mở. Tôi cảm thấy đở được phần nào sự lạc lỏng. Anh Minh Sư Nguyễn Trí Dũng ít nói, nhưng mỗi khi gặp tôi anh đều đến hỏi hai ba câu. Thấy tôi đeo huy hiệu trên túi áo, anh cho biết, anh cũng là học sinh Hồ ngọc Cẩn trước kia. Tôi bắt đầu dành cảm tình đặc biệt cho người niên trưởng này trong những ngày đầu vào Subud. Có lẽ chỉ có những người học các trường như Pétrus Ký, Chu văn An, … mới có thể hiểu được tình đồng môn như thế nào. 

Ngày 14.03.1970 tôi và Long được bác phụ tá Ngô Đình Căn đứng ra khai mở. Tôi đến hội với một tâm trạng, nửa lo nửa tò mò. Có gì xảy đến cho tôi không? Trong khoảng thời gian dự bị, ngồi bên ngoài, ở hàng ghế đặt sát phòng tập latihan ngăn bên trong và bên ngoài bằng một miếng vách trống trên hỏng dưới,  tôi nghe tiếng rõ  tiếng người la hét, chạy bình bịch, ca hát, nói …nhảm đủ thứ. Những âm thanh hỗn tạp bên trong, đôi khi có làm cho tôi có chút gì hoang mang, nhưng tôi không bao giờ có ý tưởng rút lui.

Khi bác Căn đọc xong bản khai mở, thì bỗng nhiên tôi muốn … cười. Việc muốn cười của tôi thật đến không phải lúc. Mà hình như không phải vì việc khai mở „kỳ khôi“ làm tôi muốn phì cười. Tôi nghĩ, khai mở thì phải đàng hoàng chớ ai lại cười. Tôi cố đè nụ cười muốn phát ra. Sau đó tôi không nhận được gì khác nưã. Tôi đứng yên, thả lỏng châu thân như bác Căn đọc. Đứng như … phỏng đá. Không có gì xảy ra cả, ngoài việc muốn cười không phải lúc, lúc đầu.

Trong khi đó thì Long la hét, quay cuồng, rồi hình như sau đó nó ngã vật xuống sàn nhà, lăn lộn. Tôi nhắm mắt nên không biết nó tiếp nhận kinh khiếp đến như thế nào. Chỉ nghe những âm thanh mà Long tạo ra cũng đủ làm tôi sợ.

Sau xuất tập latihan đầu tiên, tôi ra khỏi phòng tập với trạng thái hơi thất vọng và buồn. Bác Căn hỏi tôi có nhận được gì không, tôi cho bác biết, tôi chỉ muốn cười lúc đầu, nhưng sợ bác tưởng tôi giỡn, nên tôi cố đè nén xuống, ngoài ra tôi không nhận gì khác nưã. Bác Căn an ủi tôi, cứ đi tập đều rồi từ từ sẽ nhận được.

Nhìn Long, khỏi cần hỏi nó nhận ra sao. Mặt mũi bơ phờ, quần áo xốc xếch, tơi tả. Có cuộc khai mở nào rõ ràng hơn thế nưã không? Tôi tin là người nào tiếp nhận mạnh, thì cũng chỉ bằng trường hợp của Long là cùng. Thật hoàn toàn khác biệt với tôi và hết sức trớ trêu. Một đứa nhận kinh thiên động địa, còn một đứa chỉ muốn… cười.

Cuộc đời Subud của tôi bắt đầu như thế. Tôi đi tập latihan đều đặn mỗi tuần 2 lần. Khoảng 5, 6 tháng đầu, tôi vào phòng tập chỉ đứng như trời trồng, không nhận được gì. Đôi khi tôi có cảm giác như có cái gì động đậy ở tay, có thể do trí tưởng tượng mà ra chăng, tôi cũng chẳng rõ. Việc không nhận được gì, không làm tôi nản chí, chỉ làm tôi buồn. Tôi nghĩ có lẽ kiếp trước tôi không tu tập gì cả, nên kiếp này tệ quá. Nhưng tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó, tôi sẽ nhận được… như Long.

Cái ý tưởng, chưa được khai mở bắt đầu nhởn nha trong đầu tôi. Chắc tại mình kìm hãm lại việc muốn cười, mà ra cớ sự này chăng? Nếu mình … chịu cười hay cứ cười tự nhiên, thì biết đâu ngày nay mình chắc cũng nhận mạnh như … Long.

Dĩ nhiên tất cả những gì tôi biết ở đó, tôi đem về kể hết cho mẹ tôi. Tôi toàn kể chuyện người …khác. Cá nhân tôi, có nhận gì đâu mà kể. Có một điều tôi cho mẹ biết, để bà an tâm. Trong hội, khi thấy những bộ quần áo nhà binh, nhất là các sĩ quan, thí dụ như anh trung tá Diễm, hay khi nghe có những người làm lớn trong chính quyền, đã làm nỗi lo sợ lúc ban đầu, đây là hội gì đó, không chừng của CS ngụy trang để chống chính quyền của tôi tan biến. Một hôm, sau khi tôi say sưa kể chuyện về sự tiếp nhận của… người khác trong latihan, thì mẹ tôi nói:

- Con còn nói về Subud, thì mẹ không cho con đi nưã.

 Tôi sững sờ, bàng hoàng. Tôi không thể tưởng tượng những điều hay, đẹp (đối với tôi) trong Subud lại được mẹ tôi hiểu ngược lại như vậy. Tôi buồn quá.

Sau xuất tập latihan kế, tôi đem việc này ra hỏi anh Phương. Anh là người gần cận với tất cả mọi người, còn nhìn phụ tá thấy sợ sợ làm sao, nên tôi hầu như không bao giờ nói chuyện với phụ tá, ngay cả với bác Căn, phụ tá khai mở tôi. Anh nói:

- Tốt nhất là em đừng nên nói gì cả. Cứ đi tập đều. Rồi mẹ em sẽ nhận ra Subud là con đường hay.

Từ đó tôi chỉ đi tập, không còn nói gì về latihan, về Subud nưã với mẹ. Thỉnh thoảng có nói qua một chút với đứa em gái út. Nó nghe rất thành tâm. Nó là đứa kính nể tôi về đủ mọi phương diện, nên những điều tôi nói với nó, nó đều tin tưởng hoàn toàn.

Sự thay đổi về đời sống bên ngoài của tôi ra sao tôi không biết, tôi không bao giờ để ý đến. Tôi vẫn làm những công việc bình thường như trước khi vào Subud.

Năm học đệ nhất, không biết tôi nói như thế nào với hai thằng bạn thân, cũng là địch thủ học hành với tôi trong lớp là: Ánh và Minh. Hai đứa theo tôi ra nhà hội xin đơn gia nhập. Ngày hôm sau, ở trường, Ánh nói với tôi:

- Tao thấy Subud không… thích hợp với tao.

Minh cho biết, nghe người ta tập latihan, la hét, nói nhảm nó sợ quá. Chắc hai đứa tưởng tập latihan, giống như lên đồng, lên bóng. Tôi buồn lắm, chỉ mong Ánh vào Subud, Ánh là thằng bạn thân nhất của tôi. Hai đứa chơi với nhau từ khi mới vào trường.

Lớp Pháp văn, rồi khoá Dịch Lý chỉ là chìa khóa mở cánh cổng đi vào chặng đường đời đầu tiên mà hành trang lên đường là Latihan.

_____________

(1) Sau này ra trường chị làm ở nhà thương Biên Hòa cùng với anh Aamirudin Nguyễn Như Tuyền.
(2) Sau này tôi mới biết khóa nào cũng có hội viên Subud.

 

 

 
     
 
   
  © 2014 góc nhỏ