Lukita Bùi Văn Tự

1955-2013

Tạ thế ngày 22 tháng 11 năm 2013 tại Sacramento, Hoa Kỳ.

Khai mở năm 1975

Phụ tá Subud năm 1994

 

 

 

 
 
     
 

Kính thưa các bác,

Sáng nay giờ Việt Nam, khoảng 5g30 sáng, cậu của con là Lukita Bùi Văn Tự đã về với Thiêng Liêng.

Con kính xin các bác trong latihan tối thứ 7 này, dành 5 phút cầu nguyện cho linh hồn của cậu con được về với Thượng Đế và bình an.

Con xin cám ơn các bác.

Sophia

Tôi cũng vừa được tin Lukita Tự mất hôm nay ở Sacramento California, lúc 1 giờ trưa 11/22/2013.

Hardjono Mão

 

 
 
 

Cháu Sophia thân mến,

Thật là sửng sốt, bàng hoàng nghe được tin này, cậu Lukita của cháu mất tại Việt Nam? vì nguyên do gì? Cách đây khoãng hai tuần hai bác lên góc nhỏ Subud còn nhìn thấy câu cháu chụp hình chung với các huynh đệ ở Việt Nam, và còn viết email qua lại với bác và nói là ngày hôm sau sẻ trở về Mỹ.

Hai bác không biết nói gì hơn là cầu nguyện xin Thiêng Liêng sớm đưa Linh Hồn cậu cháu là Lukita Bùi Văn Tự về Miền Vĩnh Phúc.

Hai bác Murwani & Hoàng Nam Hartono

Dạ thưa bác Hòang Nam,

Cậu con trở về Mỹ ngày 12 tháng 11. Cậu con bị té ở ngòai đường, người ta đưa cấp cứu vào bệnh viện thì tim đã ngừng đập. Cậu của con bị viêm gan C hai năm nay, tiểu đường, huyết áp cao. Cậu con vừa ngưng thuốc, nói là hết bệnh rồi nên về Việt Nam thăm gia đình.

Con cám ơn bác Hòang Nam. Su

Sophia thân mến,

Bác thật xúc động và bất ngờ khi được tin cậu của Con, Lukita Bùi Văn Tụ từ trần một cách đột ngột.

Bác thành thật chia buồn cùng Con, và gia đinh cậu Con. Bác cầu nguyện Thượng Đê ban ơn huệ, soi sáng và dẫn dắt linh hồn Cậu con nơi thế giới bên kia.

Chân thành phân ưu,

Bác Hoàn Toàn

Cháu Sophia,

Thật bàng hoàng, bác là người liên lạc lấy hình, lấy link video với Lukita mới đây.

Dù chưa biết Lukita ngoài đời, nhưng qua diễn đàn này nhiều năm qua đã gắn chặt tình thân của những người Subud với nhau.

Bác Tấn

Cháu Sophia.

Bác thật sự sửng sốt khi được tin Lukita từ giả thế gian tại Mỹ;

Lần chót Bác nhận được Email của Lukita là 11/11/13.

Quá bất ngờ đối với Bác;

Cầu xin THƯỢNG ĐẾ TOÀN NĂNG thương xót, Ban Ân Phước cho Lukita ở thế giới bên kia.

Xin Thành Thật chia buồn cùng gia đình.

Aamirudin và gia đình

Dạ con xin cám ơn các bác các chú.

Con vừa hỏi lại cô Hiền vợ cậu Tự thì giờ giấc chưa ai biết chắc hết, vì ngừơi ta thấy cậu con xỉu ngoài đường nên người ta gọi xe cứu thương.

Xin các bác hôm nay thứ 7 tập latihan sau đó dành 5 phút cầu nguyện cho linh hồn cậu của con.

Kính mến,

Sophia

Halimah và Liêm Minh thật bàng hoàng và xúc động nhận được tin buồn này, gia đình SUBUD vừa mất đi một thành viên tích cực!

Xin thành thật chia buồn cùng Hiền và cháu Trâm và đại gia đình tang quyến của Lukita.

Nguyện cầu Thượng Đế Toàn Năng hướng dẫn Lukita Tự đến với Thế Giới của Ngài bình an mãi mãi.

Nam Mô Siêu Lạc Độ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Halimah và Liêm Minh thành kính phân ưu.

Sophia thân mến,

Hai Bác Barata Sophie cùng gia đình xin dâng lời cầu nguyện lên Đấng Toàn Năng ban ÂN Hương Hồn LUKITA BÙI VĂN TỰ, sớm nhẹ nhàng Siêu Thoát về cõi VĩNH HẰNG. Amen.

Thân mến,

Gia đình Barata Sophie

Sophia thân mến,

Bác cầu xin Thượng Đế , ban An Phuoc cho Lukita đựơc siêu thoát về cõi vĩnh hằng.

Xin chân thành chia buồn cùng gia đình.

Thân mến.

Minh Hoàng.

Cháu Sophia thân mến,

Bác thành thật chia buồn cùng cháu và cầu xin Thượng Đế soi sáng và ban Ân Phước cho hương hồn của Lukita Bùi Văn Tự ở thế giới bên kia.

Thân mến

Lan Thanh

Sophia thân mến,

Cô rất bàng hoàng, sửng sốt khi được nghe báo tin, không khí tiễn đưa Lukita trở về Mỹ còn chưa nguội, còn dặn dò nhau nhớ bảo trọng, giữ gìn sức khỏe để còn trở lại VN.....Một số anh em còn không tin đó là sự thật!.

Cô không biết nói gì hơn là xin phép đại diện gia đình Su VN cầu nguyện cho hương hồn của em Lukita Bùi văn Tự sớm được về với Thượng đế Toàn năng.

Thành kính phân ưu cùng đại gia đình của Lukita Tự và Sophia.

Hồng Hạnh

Sophia thân mến,

Bác xúc-động, xin thành-thật chia buồn cùng Con và toàn-thể gia-đình của Cậu của Con, Lukita Bùi-văn-Tự.

Xin chân-thành cầu-xin Thượng-Đế ban ơn-phước cho Lukita Bùi-văn-Tự duoc sieu-thoat Thien-Dang .

Siêu-Nhân Tiến

Sau xuất Latihan thường lệ ngày thứ bảy

Kính thưa các bác các cô các chú,

Con xin cám ơn mọi người đã cầu nguyện cho cậu của con là Lukita Bùi Văn Tự. Con kính chúc mọi người và gia đình được bình an.

Kính mến,

Sophia

Cô chú thật là ngạc nhiên nghe tin Cậu cháu Lukita đã mất.

Thành thật chia buồn cùng gia đình Lukita và cháu.

Cầu xin Hương hồn của Lukita được về với Thiêng Liêng.

Châu & Rusmini

Cháu Sophia thân mến,

Thật là đột ngột cháu mất đi người cậu Lukita Bùi Văn Tự. Bác thành thật chia buồn cùng cháu và gia đình của Lukita Bùi Văn Tự trước sự đau buồn lớn lao này. Cầu xin Thượng Đế soi sáng và ban Ân Phước cho hương hồn của Lukita Bùi Văn Tự ở thế giới bên kia.

Thân mến ...Hùng Nguyễn

Sophia thân mến,

Anh xin chia buồn cùng em và gia đình chú Lukita Tự. Cầu xin Thượng Đế Toàn Năng ban ơn, dẫn dắt linh hồn chú Lukita sớm trở về với Ngài.

Thành kính phân ưu.

Anh Bustami.

Cháu Sophia,

Chú rất là ngạc nhiên được tin cậu cháu đã về với Thiêng Liêng. Chú xin chia buồn và cầu nguyện cho Lukita Bùi Van Tự.

Haryanto Ly

Sophia thân mến,

Chị mới vào check mail thì được biết chú Lukita đã về với Thiêng Liêng hôm qua, chị gọi em không gặp nên gửi mail này đến xin chia buồn cùng em và gia đình. Chị rất tiếc là chỉ mới được nói chuyện với chú 2 tuần trước đây, được chú chụp hình cho, giờ...không còn nữa. Xin cầu nguyện cho chú Lukita Tự được bằng an về với Người!

Chị Hartini TD

 
 
 

Tang lễ Lukita 24.11.2013

Hardjono Nguyễn Văn Mão

Hôm qua chủ nhật, gia đình anh Sơn, gia đình Tố Nga, và Hardjono Mão đã tiễn Lukita Bùi văn Tự về nơi an nghỉ...

Một bước trần ai vướng bụi hồng
Hôm nay trút bỏ thoảng như không
Ra đi về nẻo xa xôi lắm
Vĩnh biệt hôm nay giữ đáy lòng

 
 
 
 
 
 
 
 

Mai tôi đi... 

Mai tôi đi...chẳng có gì quan trọng,  

Trên giường bệnh, Tử Thần về thấp thoáng, 
Xin miễn bàn, thăm hỏi hoặc cầu an, 
Khi xác thân thoi thóp trút hơi tàn, 
Nằm hấp hối đợi chờ giờ vĩnh biệt.

Khoảnh khắc cuối... 
Đâu còn gì tha thiết...
Những tháng ngày hàn nhiệt ở trần gian.
Dù giàu sang hay danh vọng đầy tràn,
Cũng buông bỏ trở về cùng cát bụi... 

Sẽ dứt điểm đời phù du ngắn ngủi, 
Để đi vào ranh giới của âm dương, 
Không bàng hoàng trước ngưỡng cửa biên cương,
Bên trần tục, bên vô hình cõi lạ...

Chỉ ước nguyện tâm hồn luôn thư thả, 
Với hành trang thanh nhẹ bước qua nhanh,
Quên đàng sau những níu kéo giựt dành, 
Kết thúc cuộc lữ hành trên dương thế...

Mắt nhắm rồi... Xin đừng thương rơi lệ, 
Đừng vòng hoa, phúng điếu hoặc phân ưu,
Đừng quay phim, chụp ảnh để dành lưu. 
Gây phiền toái, nợ thêm người còn sống...

Ngoảnh nhìn lại, đời người như giấc mộng, 
Đến trần truồng và đi vẫn tay không. 
Bao trầm thăng, vui khổ đã chất chồng,
Nay rũ sạch...lên bờ, thuyền đến bến... 

Nếu tưởng nhớ..Xin âm thầm cầu nguyện,
Nên xem như giải thoát một kiếp người, 
Cứ bình tâm, thoải mái với vui tươi, 
Kẻ đi trước, người sau rồi sẽ gặp..
Lẽ thường tình, như lá rụng công viên, 
Như hoa rơi trước gió ở bên thềm, 
Chuyện bé nhỏ giữa giòng đời động loạn... 

 

Con gửi kèm bác Tấn bài thơ con nhận được trên facebook, vì con post bài thơ Ra đi của bác Mão trên facebook của cậu Tự. Một người quen của bạn con đã gửi bài thơ này cho con. Con thấy những gì nói trong bài thơ chính xác là những gì con thấy khi mẹ con bệnh, cũng như sự qua đời của mẹ và cậu con. Người gởi bài thơ này không nói tên tác giả. Sophia

 
 
 

Nhớ thương cậu Tự

Sophia Bùi
    01.12.2013

Cậu Tự là em của mẹ. Hồi con còn nhỏ, cậu Tự thích chọc cho con mếu vì cậu Tự nói cái miệng mếu dễ thương. Hồi nhỏ con nhớ là con rất sợ cậu Tự, vì chòm râu mép hay vì cậu Tự thường dọa cho con mếu. Lớn lên chút con lại khoái cậu Tự vì được cậu Tự chở đi chơi. Chở con đi chơi, cậu Tự luôn thủ sẵn trong túi một cái quần phòng hờ. Đến khi ngồi bàn nói chuyện với bạn, cậu Tự lấy quần của con ra lau, bạn bè cười rần rần, cậu Tự nói : “Ớ cái này là quần con nít, hông phải quần con gái.” Cậu Tự hay kêu con là Su thúi, con nói ngọng nên gọi cậu Tự là cậu Cọ. Hồi còn nhỏ, hình cậu Tự chụp con khỏi đếm, vì nhiều quá, con là người mẫu của cậu Tự. Giờ nhìn lại, con thắc mắc sao hồi đó vui ghê. Quá khứ thường đẹp.

Trước khi mẹ bệnh, cậu Tự, mẹ và con bàn nhau cùng đi hội nghị Subud ở Puebla, Mexico. Mẹ con vui lắm vì Mexico ở gần Mỹ. Cậu Tự nói chỗ này gần biển, mình có thể ngắm cảnh mặt trời mọc. Mẹ bệnh. Cậu Tự nói : “Cậu Tự không đi Puebla nữa. Đi là để gặp mẹ con mà giờ đi chi nữa.” Gần đây, cậu Tự thấy con nói muốn đi Puebla, “ờ để cậu Tự đi với Su.”

 

   
     

10 năm gặp lại, cậu Tự nhìn sút người và có dáng của một ông già, nếu không nhờ dáng cao và cách ăn mặc với áo thun quần jean nhiều túi quen thuộc thì con không nghĩ là cậu Tự. Cậu Tự trong trí nhớ 10 năm trước rất nhanh nhẹn, cũng quần hộp áo thun đi tới đi lui chụp hình, kêu cười lên nè, cậu Tự cũng cười, nụ cười miệng vuông. Bây giờ cậu Tự vẫn cười nhưng con thấy cậu Tự đã mệt mỏi. Ở sân bay cậu Tự làm rớt hộp thuốc, thuốc văng tung tóe, con nghĩ cậu Tự không được rồi, sao cậu Tự đến nông nỗi này. Lần này cậu Tự về con biết là sẽ khó gặp lại cậu Tự, mặc dù cậu Tự hay nói vài tháng nữa bán nhà xong cậu về liền giờ.

Cậu Tự về, một là thăm mẹ con, hai là dàn xếp ổn thỏa mọi việc cho con. Cậu Tự về tối thứ hai, sáng thứ ba là Đại lễ của Hồi giáo – Tết hành hương, cậu Tự dự được. Trước đây khi còn ở Việt Nam, năm nào tới Đại Lễ, mẹ, cậu Tự và con đều đi chùa sớm lúc 4g sáng. Cậu Tự về chơi với con nhưng mặt con vẫn dàu dàu không vui vì còn đau buồn chuyện mẹ đi mất, cậu Tự nói, con phải biết quý trọng hiện tại, như bây giờ con đang có cậu Tự đi chơi với con, thì giờ con phải vui, mai mốt cậu Tự về lại Mỹ, con phải cố gắng lên. Kỷ niệm chỉ đẹp khi để nhớ lại chứ không phải để đau buồn.

Những ngày đầu con lo việc ăn uống cho cậu Tự. Sau đó cậu Tự nói với con cậu Tự không ăn được giống con. Cậu Tự và con ăn khác nhau. Con hay cho nhiều rau vô, cậu Tự thì ít ăn rau, thích ăn thịt. Cậu Tự nói : “Nhìn hổng ham.” Con chỉ lo cho cậu Tự ăn uống 2 ngày đầu, những ngày còn lại trong một tháng đó, cậu Tự và con đều đi ăn ngoài. Bình thường con ít đi ăn ngoài nên không biết nhiều tiệm ngon, cậu Tự và con lần nào vô nhầm tiệm bán mắc mà không ngon thì hai cậu cháu bái bai tiệm đó luôn. Cậu Tự còn coi trên web xem có trang nào có rating của tiệm đó không quất cho nó cái 1 sao – là tiệm tệ nhất. Vì con cứ đòi phải đi quán Halal cho được, cậu Tự cũng chiều theo hết nên mới đụng nhầm mấy tiệm “hà bá” đó, đồ ăn cũ mấy trăm năm, mình đâm đầu vô vừa lãnh đạn vừa bị chém. Vậy là cậu Tự cứ ngồi tìm trên mạng nhà hàng nào có buffet, chỗ nào ăn ngon, rồi kêu con lại xem, mình đi đây ăn đi. Thật ra thì cậu Tự sợ con cực.

Cậu Tự ở được nửa tháng nhưng không đi đâu chơi, chỉ ngồi cái ghế dựa lưng hình tròn màu xanh đọt chuối mà bác Siêu Linh Thông gọi là ghế mặt trăng. Cái ghế này mẹ của con – Halimah Thùy – đã ngồi lúc những cơn đau trong tủy xương hành mẹ, vì không nằm được nên mẹ phải ngồi. Con nói cái ghế này mẹ con hay ngồi lúc bị đau, cậu Tự có dám ngồi không. Cậu Tự nói “có gì đâu mà không dám, mẹ con thương cậu Tự lắm.” Con hỏi cậu Tự có muốn đi chơi không, cậu Tự nói không, cậu Tự đâu có ham đi chơi, cậu Tự về đây để thăm mẹ con. Cậu Tự ngồi đây nè, nhớ lại hồi xưa nhà mình sao sao, cậu Tự ngồi trầm ngâm nhớ lại chuyện xưa.

   
     

Trước đây con cứ nghĩ người ở nước ngoài sống sung sướng hơn so với người ở Việt Nam. Cậu Tự về đây, cách biệt 10 năm, con mới thấy cậu Tự sống không sung sướng chút nào. Cậu Tự buồn chuyện gia đình. Cậu Tự là người đàn ông của gia đình, luôn chăm chút cho gia đình. Con rất thích mỗi khi cậu Tự về Việt Nam. Vì có cậu Tự là gia đình mình sẽ tụ họp đông đủ, ăn chung một bữa ăn ở nhà hàng, đi một chuyến du lịch, có thuê xe riêng, đó là những ký ức vui vẻ in đậm từ những ngày con còn nhỏ. Cậu Tự về thăm mọi người từ Sài Gòn đến Đà Lạt, từ Đà Lạt đi thêm 3 tiếng về Bảo Lộc để thăm họ hàng. Cậu Tự đã về Việt Nam thăm đủ hết mọi người. Cậu Tự luôn hòa đồng với mọi người.

Cậu Tự về đây kỳ này, tướng vẫn cao ráo nhưng dáng đi đôi khi liêu xiêu, con nghĩ trong bụng coi chừng cậu Tự té thì làm sao. Con hỏi cậu Tự không cần uống thuốc nữa hả cậu Tự, cậu nói có bệnh đâu mà uống.

Gần đây có một câu nói trên facebook : “Life is like a Camera. Just focus on what’s important and capture the good times, develop from the negatives and if things don’t turn out. Just take another shot.” Có lẽ vì vậy mà ở ngoài bình thường cậu Tự hoặc trầm ngâm hoặc vui thì cười mỉm chi nhưng khi chụp ảnh cậu Tự lúc nào cũng cười tươi hết cỡ và ăn ảnh. Vì cậu Tự là thợ chụp hình mà.

 

   
     

Mỗi khi đi đâu có chụp hình, quay phim, khi về nhà cậu Tự mở máy ra làm liền. Cậu Tự cặm cụi với video và photoshop, ngồi chọn nhạc nghe thử để lồng nhạc vô video. Cậu Tự làm say mê như hồi mẹ con ngồi dịch bài, ngồi suốt bên bàn máy không biết mệt. Vì cậu và mẹ có niềm đam mê. Lúc xem video 50 năm Subud, con đã xúc động, mắt rơm rớm vì được thấy sơ lược lịch sử Subud từ những ngày xưa, khi tình thân giữa các huynh đệ Subud lồ lộ trong ánh mắt nụ cười của mọi người. Cậu Tự làm gì cũng hết lòng, trong đó có Subud, cậu Tự xem Subud là con đường đúng mình cần đi. Nhưng chắc vì Subud bên Mỹ mọi người ở xa nhau quá nên cậu Tự ít được gặp huynh đệ. Cậu Tự lại tham gia hoạt động Scout – hướng đạo sinh.

Cậu Tự ra đi ai cũng không tin, con cũng bàng hoàng. Con biết cậu Tự yếu nhưng không nghĩ lại nhanh như vậy. Cậu Tự vừa về Mỹ được 10 ngày thôi. Cậu Tự còn phải lo cho em Tí Nị, con gái một của cậu Tự mà.

Khi nghe tin của cậu Tự, cảm giác đầu tiên của con là cậu Tự được nhẹ nhàng rồi. Con vẫn bình tĩnh nhưng từ từ vài tiếng sau mới thấy được sự mất mát của bản thân. Con cám ơn cậu Tự đã dạy cho con bài học biết chấp nhận với những gì mình có và vui với nó. Nếu không có cậu Tự dạy, con vẫn sẽ ôm nỗi buồn của mình mà gặm nhấm ngày qua ngày và tự nghĩ mình không may, quên đi những ân phước mà Thượng Đế đang ban cho mình.

Hẹn gặp lại cậu Tự. Như cậu Tự vẫn nói, người đi trước người đi sau, rồi sẽ gặp.

Su thúi

 
 
 

Tưởng nhớ anh Tự

Bùi Thị Thủy
     15.12.2013

Anh Tự là người con thứ chín trong gia đình, em là con thứ mười. Hai anh em hơn kém nhau 2 tuổi, và đi học chung trường từ lớp vườn trẻ đến hết bậc tiểu học. Thuở ấy, em thường " dựa hơi " ông anh để không bị đám con trai cùng trường chọc phá (có lẽ lúc ấy em nhỏ con ốm yếu nhút nhát nhưng hay làm điệu ). Khi học trung học thì không còn cơ hội tò tò theo anh để xin " ăn ké cà rem hay xí muội ", hoặc "đọc ké truyện chưởng Kim Dung", "chơi ké trò chạy đua leo nhảy" của con trai. Khi trưởng thành, khi em đã có thêm chú nhóc thứ nhì  - tên Ba Cu -hay quậy phá ở lớp mẩu giáo, thì anh Tự vẫn còn đôc thân, suốt năm suốt tháng đeo kè kè máy ảnh đi cùng các đoàn du lịch làm phóng sự, thức sáng đêm để rửa hình, phóng hình, chọn hình rồi giao hình. Anh Tự (mà bé Su và nhóc Ba Cu ngọng nghịu gọi là " cậu Cọ") thỉnh thoảng có giờ rảnh buổi trưa, nên đến truờng mẩu giáo đón hai đứa cháu.  Chị  Hiền - nội tướng của anh Tự hiện nay -  thuở ấy là cô giáo,  "cậu Cọ"  đã dần dần đi đón cháu thường xuyên hơn, và từ đây bắt đầu "thiên tình sử Tự - Hiền". Qua đi bao năm tháng, qua đi bao gian truân bất khả kháng của những người di dân khỏi Việt Nam sau 1975, qua đi những buồn vui đời thường của cặp vợ chồng hiếm hoi chỉ có một cháu Trâm là gái, anh Tự và chị Hiền mỗi lần thư từ liên lạc hay quà thiệp cuối năm đều dùng danh xưng "TựHiềnTrâm" với người nhà.

" Ê mậy, má sao rồi, tao nói chuyện chút coi " luôn luôn là câu nói thứ nhì của anh Tự sau khi " A lô, Thủy hả, làm sao? ", mỗi cuối tuần khi anh Tự điện thoại sang Canada cho em hoặc em gọi sang Cali cho anh Tự. Kiểu nói chuyện "cà rỡn" của anh Tự không đổi thay, mặc dù thời gian gần đây, tháng 5 năm 2013, anh Tự sang Canada thăm gia đình em với dáng vẻ lụ khụ khệnh khạng của một người đang bệnh nặng. Chỉ có mẹ em - bà cụ 90 tuổi bị bệnh Alzheimer, bệnh đãng trí người già - là không nhận ra điều này. Và có thêm chị Thùy - Halimah Thùy -, người chị thứ bảy, không thể nhận ra điều này, bởi lúc ấy chị đang lâm bệnh ung thư máu ở Việt nam, và 5 tháng sau, chị đã ra đi trước anh Tự chỉ 49 ngày.

Em không phải là hội viên Subud, cũng không phải là người Hồi giáo, nhưng em rất ngưỡng mô cách cư xử và tình cảm của những huynh đệ Subud với nhau. Tình cảm này đã được thể hiện qua ánh mắt, lời cầu nguyện, câu an ủi của các anh chị Subud khi họ  đến thăm chị Thùy bệnh ở Việt Nam, khi họ đến tiễn đưa anh Tự lần cuối cùng ở Cali. Do trí nhớ quá tồi, em không thể nhớ hết tên của các anh chị dù em đã được gặp qua, chỉ nhớ được chị Ngẫu và anh Mão mà em được gặp trong buổi tang lễ anh Tự. Và khi em đươc đọc qua trang tưởng nhớ, em cảm thấy nhẹ lòng và được an ủi rất nhiều. Bởi lẽ , em tin rằng linh hồn anh Tự sẽ được thanh thản siêu thoát, một khi cái chết đến với anh thật bất ngờ nhưng cũng thật nhẹ nhàng. Không đau đớn, không giằn vật, tựa như hơi gió thoảng qua rất mong manh rồi dừng bặt.

Xin thành thật cám ơn tất cả anh chị hội viên Subud  về mọi điều anh chị đã làm cho anh Tự.

 
 
 

Tưởng Nhớ Lukita Bùi Văn Tự

Hoàng Nam Hartono

 
   
   

Nhận được tin Lukita Bùi Văn Tự đã ra đi, huynh đệ Subud thật sửng sốt, bàng hoàng vì quá đột ngột, và bất ngờ. Có ai nghĩ rằng chỉ hơn một tháng rưỡi sau ngày Halimah Thùy là chị ruột của Lukita mất, rồi nay lại đến Lukita từ giã chúng ta.

Gia đình Subud năm nay thật mất mát quá nhiều.!!!

Nhìn bề ngoài Lukita với một vóc dáng rất giang hồ, cộng với tính khí ngang tàng, bướng bỉnh, nói thẳng nói thật nên đôi khi Lukita cũng làm phật lòng các huynh tỷ đàn anh trong các cuộc hội luận,  nhưng  với tính khí nói thẳng nói thật này lại là một điều tốt, và ngoài ra phải công nhận Lukita là con người có tâm đạo, rất sốt sắng nhiệt tình với Subud.

Sau năm 1975, Hôi Huynh Đệ Tâm Linh Subud tại Sài gòn không còn hoạt động nữa, tất cả các huynh đệ trong gia đình Subud tan tác khắp nơi, không còn có trụ sở để tập Latihan nữa.

Nhà Lukita bấy giờ là một nhà in bỏ hoang, nhiều đồ đạc, vật dụng các máy in, máy cắt… bề bộn khắp nơi, chỉ còn lại có một căn gác nhỏ xíu, là nơi để các sách báo là còn gọn ghẻ đôi chút, và đây chính là nơi đầu tiên mà Lukita đã bỏ công chùi rửa lại cho sạch sẽ, kêu gọi các anh em huynh đệ bên nam tụ họp lại, làm nơi tập Latihan cầu nguyện Thiêng Liêng, bất chấp mọi sự khó khăn và bất trắc, mới đầu chỉ được hai ba, dần dần lên đến sáu bảy  huynh đệ, và đây cũng là nơi khai mở cho các huynh đệ mới.

Hoàng Nam cũng có rất nhiều kỷ niệm với Lukita trong những năm từ 1975 đến năm 1994 qua những buổi Selematan cầu nguyện. Lukita là một trong những anh em liên lạc đắc lực , là “phó nhòm “có máy quay video nên đã ghi lại hầu hết các buổi  Selematan, sinh hoạt của gia đình huynh đệ Subud trong giai đoạn khó khăn, nhưng cũng đầy ngập những hình ảnh thân thương đoàn kết trong tình huynh đệ Susila Budhi Dharma.

Trong thời gian trên nhà Hoàng Nam thường hay tổ chức Selematan, mỗi lần như vậy là Murwani phải tính xem làm món ăn nào vừa ngon, vừa miệng hợp khẩu vị các huynh đệ,  còn Hoàng Nam thì dọn dẹp, sửa soạn nhà cửa cho tươm tất, mỗi lần như vậy vui lắm, chiều độ 5 giờ thì các huynh đệ tập trung đầy đủ, cùng tập Latihan nhưng không bật đèn vì nhà Hoàng Nam có con đường Đinh Công Tráng đâm thẳng vô. Iskandar, con trai lớn của Hoàng Nam, lúc bấy giờ mới mười mấy tuổi thì ra ngồi ngoài hàng ba gác cửa và trông chừng xe để trước cửa.

 Tập Latihan xong là mọi người cùng trải khăn bàn bằng nhựa ni lông trên mặt sàn gạch, dọn chén bát, đĩa, muỗm, thức ăn ra ...bật đèn...Bác Dương Minh Châu nói vài lời khai mạc buổi lễ... rồi cùng nhắm mắt tĩnh tâm …sau đó cùng dùng bửa....chỉ có Lukita là khổ nhất vì phải ôm máy quay phim đi tới đi lui quay video mọi góc cạnh cho thật đầy đủ hình ảnh các huynh đệ . Ăn xong bên nữ dọn dẹp mọi thứ xuống bếp, cùng nhau rửa chén bát....

Sau đó lại trở lên phòng khách, Lukita bỏ băng video vào máy, bật màn ảnh ti vi lên, mọi người được xem lại hoạt cảnh từ đầu đến cuối bửa tiệc Selematan này, kể cả các pha các chị em vừa tán dóc vừa rửa bát, mỗi người nói một câu vui đùa..ai nấy xem đều cười nói phụ họa thật vui vẻ, tình huynh đệ thật thắm thiết và nồng ấm.

Đến năm 1994 thì Lukita được chính thức làm phụ tá, và sau đó được đi qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình.

Và gần đây nhất đầu tháng 11/2013 Lukita về Việt Nam thăm mộ chị Halimah, thăm cháu Sophia, và họp mặt cùng các huynh đệ Subud, ai ngờ cũng là buổi họp mặt chia tay cuối cùng của Lukita để trở về với Thiêng Liêng. 

Gia đình Hoàng Nam Hartono xin thành thật chia buồn cùng với Cô Hiền và tang quyến, cầu nguyện xin Thiêng Liêng sớm  đưa Linh Hồn Lukita Bùi Văn Tự về Miền Vĩnh Phúc.

Anh chị Murwani & Hoàng Nam Hartono                  
Các cháu Iskanda - Martono - Hartati      

 
 
 

TƯỞNG NHỚ LUKITA

Aamirudin Nguyễn Như Tuyền
    Úc châu, 16.12.2013

Lukita thân mến,

Sự ra đi đột ngột của em làm anh sửng sốt, anh chỉ biết qui thuận vào Thánh-ý của Thượng Đế Toàn Năng mà thôi.

Anh nhớ những ngày sau 30/04/75, mỗi Chúa nhật anh từ Biên Hòa về Saigon đến nhà Lukita làm Latihan với các anh em ở căn gác lửng nhà in của gia đình em.

Vào thời kỳ cực kỳ nguy hiểm ấy: mọi tụ tập quá 5 người không có phép của chính quyền địa phương sẽ bị bắt, nếu bị nghi ngờ sẽ bị vào tù không có ngày ra.

Hồi đó, đã có một số anh chị em hội viên tụ tập làm latihan và tổ chức selamatan đã bị bắt về bót công an để thẩm vấn, nhưng nhớ sự che chớ của Thượng Đế Toàn Năng các anh chị em đó đều được tha về. [1]

Để cho việc ra vào làm latihan an toàn, em đã mở quán bán cafe, thuốc lá ở trước cửa nhà in, nhớ đó các anh chị em đến tập latihan được an toàn hơn.

Anh còn nhớ, căn gác lửng nhỏ xíu mà mỗi xuất tập latihan có từ 15 đến 20 anh em. Có những hôm anh phải yêu cầu tạm ngừng tập latihan vì có anh em la lớn và cử động quá mạnh. Sau đó vì quá đông nên phải chia ra thêm 2 nhóm nữa.

Anh làm sao quên được những buổi khai mở cho những anh em hội viên mới từ các tỉnh và Saigon tại căn gác của nhà in. Những buổi selamatan tiễn đưa các anh chị em được đi định cư ở nước ngoài. Những buổi thăm viếng của các anh chị em, họ đạp xe đạp từ Sài gòn, vượt dốc "Chú Hỏa" xuống làm latihan với nhóm Biên Hòa ở nhà anh. Ôi sao thân thương và cảm động quá!

 

 
1992 Vũng Tàu  

Năm 1992, lần đầu tiên anh về nước sau 8 năm lưu lạc ở Úc, Hoàng Nam và các anh chị em tổ chức cho anh và toàn thể các bác phụ tá đi du ngoạn Vũng Tàu, bữa ăn trưa với bánh mì, nước giải khát với trên 60 hội viên và gia đình, sao nồng ấm, thân thương và hạnh phúc vô cùng.

Các Bác Phụ tá: Bác Châu, Bác Nguyên, Bác Ngôn; Roosdiana, Halimah, em và anh đến thăm cụ giáo Bảng (Phan Cảnh Bảng). hội viên Subud Vũng Tàu, cụ đã ngoài 80 tuổi. Anh còn nhớ hôm ấy cụ kể cho các bác và anh nghe:

"Vào năm 1978, gần đến Tết Âm lịch, gia đình tôi gồm hai vợ chồng già, một cô con dâu và bốn đứa cháu nội. Con dâu tôi không có việc làm, nhà hết gạo, các cháu nhỏ phải ăn cháo. Tôi kêu khóc hằng đêm và cầu xin Thượng Đế Toàn Năng cứu rỗi gia đình tôi. Vào buổi trưa hôm 28 trước Tết, trời nắng chang chang, tôi ngồi trên chiếc ghế này, tuyệt vọng nhìn ra ngõ. Cô này (cụ chỉ Halimah Thùy) và cậu nầy (cụ chỉ Lukita ) bưng vào nhà tôi một thùng carton nói với tôi đây là quà của các huynh đệ Subud ở ngoài quốc gửi về biếu tôi. Tôi bật khóc và cảm tạ Thượng Đế Toàn Năng đã thương xót gia đình tôi và đáp ứng lời khẩn cầu của tôi. Chính nhờ thùng quà đó mà gia đình tôi qua khỏi cơn đói khổ. Sau đó con dầu tôi kiếm được việc làm nên chúng tôi sống được đến ngày hôm nay'".

 

 
   

Cụ nắm chặt tay Halimah và Lukita nước mắt đầm đìa.

Chúng tôi cũng đến thăm và thắp hương trước bàn thờ cụ Kim Phượng, hội viên Subud Vũng Tàu. Cụ đã hiến căn nhà phía sau của cụ làm trụ sở Subud Vũng Tàu và là nơi tập latihan cho nhóm Vũng Tàu trước 75.

Cảm ơn Em đã tặng anh 1 cuốn video em quay hôm đó, đề kỷ niệm ngày trở về thăm VN lần đầu tiên của anh.

Xem thêm hình chuyến đi Vũng Tàu bấm vào hàng này.

Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Subud Việt Nam 1961-2011.

Toàn thể anh chị em Subud Việt Nam ở trong nước và hải ngoại trong đó có Em (Lukita), Liêm khiết, Hoàng Nam, Margono Tấn,... đã giúp anh hoàn tất được lễ kỷ niệm 50 Subud Việt Nam, để Cảm Tạ và tri ơn Thượng Đế Toàn Năng. Cảm tạ Bapak, Ibu, cảm tạ quí Phụ tá và Hội Viên Subud Việt Nam tiền bối đã đóng góp công sức và Cầu Nguyện Thượng Đế Toàn Năng ban cho Subud Việt Nam được tồn tại và phát triển đến ngày nầy.

Em đã làm 2 CD tóm tắt tiểu sử của Subud Việt Nam trong 50 năm.

Hôm 10/11/13 anh được cháu Sophia cho biết em về VN để tổ chức selamatan 40 ngày cho Halimah, anh và em cũng đã trao đổi với nhau về những việc cần làm để lưu lại những hình ảnh của Subud Việt Nam cho thế hệ mai sau.

  Halimah và Lukita thân mến  
  Các Em đã ra đi
       về với Cội-Nguồn.
Chúng Anh ở lại...
      Thế gian,
      tiếp tục cuộc Hành-Trình
      mà Thượng-Đế đã Ban Ân
Kẽ trước, người sau
      rồi sẽ trở về...
Nguyện Cầu:
     Thuợng-Đế Toàn Năng
     Tha thứ, cứu rỗi, ban ân
      cho toàn thể anh chị em
     Subud chúng con.
 
  Amen,
Aamirudin
 

______________

[1] Góc Nhỏ trích 1 đoạn trong bài "Phở Cao Vân, một góc nhỏ Saigon" của Lukita có viết về sự kiện này: Thế rồi có một chuyện làm mọi người co vòi. Đó là nhân dịp Selematan ở nhà chị Kỳ Lan, hôm đó huynh đệ tỷ muội hiện diện rất đông, đâu chừng 40 người, trong đó có cả chị Minh Hoàng, công an VC xông vô kết tội tổ chức vượt biên, và bắt gần hết, chỉ có Lukita và vài người nhanh chân lòn lên lầu, leo qua nóc nhà hàng xóm rồi nhảy xuống hẻm khác trốn thoát. Tội nghiệp mấy bà chị và mấy cô em, mấy ngày sau được thả ra, mặt người nào người nấy méo xẹo.

 
 
 

Một chút để nhớ, để chia tay Lukita

Margono Lê Văn Tấn
    28.11.2013

   
gia đình Tự Hiền Trâm thăm gia đình Hoàng Nam Hartono & Murwani - 2007    

... một chút...

Tháng 6 năm 2007, Góc Nhỏ được thành lập. Tôi viết một lá thư ngắn giới thiệu lên diễn đàn Subud. Song song đó, qua diễn đàn Subud, tôi tin chắc Lukita viết văn rất hay, nên viết thư riêng cho Lukita xin bài. Web cũng như một tờ báo không thể làm kiểu solo được, ôm hết từ trang đầu tới trang cuối. Quả đúng như vậy, ngày hôm sau tôi nhận được bài của Lukita. Lukita viết:

Thể theo lời của đại huynh, em ráng viết cả buổi tối hôm nay chứ không phải có vài phút như đại huynh nói đâu nhe. Có gì nhờ đại huynh sửa chữa dùm. Em gởi thêm file doc để sư huynh khỏi phải bắt thằng nhóc đánh máy dùm, nếu cần file pdf thì cho em biết.

Bài "Phở Cao Vân, một góc nhỏ Saigon", được đưa lên liền sau đó. Bài viết quá độc đáo. Một phần đời của Lukita và Subud.

http://www.gocnhosb.com/gocThiTham/07_13/PhoCaoVan.html

Sau dó Lukita xuống Orange County thăm gia đình Hoàng Nam Hartono & Murwani, rồi đề nghị anh Hoàng Nam gửi hình về để lên Góc Nhỏ. Tất cả những hình ảnh anh Hoàng Nam có về anh chị em Subud sau năm 75 tới ngày anh Hoàng Nam và gia đình rời Việt Nam. Không biết anh Hoàng Nam mất bao nhiêu ngày để scan hết loạt hình về Subud Việt Nam và loạt hình HNTG ở Spokane. Ai đã từng scan qua đều biết rất cực.

Lukita thông thạo về vi tính, tốt nghiệp College về điện toán ở Mỹ. Có khiếu chụp ảnh và quay Video, có thời hành nghề này để thêm cà phê thuốc lá. Lukita từng phụ giúp sửa ảnh bằng chương trình Photoshop cho Góc Nhỏ. Sửa lỗi chánh tả vài bài đăng trên Góc Nhỏ.

... để nhớ...

Những mảnh vụn rời rạc dưới đây, trích trên Diễn đàn Subud, được ghép lại...

Trên Diễn đàn Subud, Lukita có lẽ là người tếu nhất:

- Hi hi! Em biết là cafe & thuốc lá nó làm người ta chết sớm, nhưng mà không có nó thì ...chết liền.

Tin động đất ở Cali được thông báo trên diễn đàn, Lukita viết:

 
sếp lớn của Lukita trước túp lều lý tưởng -2008  
   

Bên tụi em thì lo dọn nhà mệt xỉu, chỉ thấy động lòng, động đồ đạc mà thôi. Xin báo tin mừng cùng quý anh chị là tụi em vừa mua được túp lều lý tưởng sau gần 15 năm chung sống.

Hardjono Mão và Haryanto Lý Tuấn Ba đọc được tin này hẹn nhau sẽ lên chơi nhà mới của Lukita. [Hình 3]

Một bài đưa lên diễn đàn: Tại sao lại gọi là Ngựa Thượng Tứ? Lukita diễn Nôm:

Chà! cái này chỉ nên đọc chơi thôi chứ không dám tin. Tác giả bài này viết có vẻ áp đặt quá, sợ như kiểu "Canh gà Thọ Xương" bị coi như 1 món ăn thì phiền. Theo Lukita hiểu thì cửa Thượng Tứ là cửa vua ban cho dân chúng được vô trong Thành Nội, mỗi khi có lễ lạc. Như ta biết, cửa lớn nhất là Ngọ Môn, chỉ dành cho vua vô thôi, ai léng phéng là chém ngay tại chỗ (khỏi xử). Hai bên Ngọ môn có 2 cửa Tả Hữu, để quan Văn, Võ và tùy tùng hay sứ thần nước khác đi theo 2 hàng vô chầu vua, thường dân không được vô. Khi có lễ lạc lớn, vua ban ân tứ, tức là cho phép dân vô ăn mừng. Dân phải vô cửa riêng để quân lính kiểm tra cho dễ, cửa ở hướng Đông Nam của Ngọ Môn (giống 2 bên cánh gà sân khấu vậy) Vì vậy, Đông Nam được dân gọi là cửa Thượng Tứ. Lukita chỉ nghĩ vậy thôi, Anh Chị Em nào biết rõ xin cho biết, cám ơn. Còn con ngựa Thượng Tứ, thì phải hỏi mấy ông già xưa hiểu biết hơn, Lukita chỉ nghĩ là khi dân được phép vô, ngay cả quan tướng gì cũng vậy, cũng phải xuống ngựa, để ở ngoài, đi bộ vô. Có lẽ nơi đó có bãi ngựa, giống như bãi giữ xe bây giờ, có ngựa thì phải có người giữ ngựa. Mà mấy anh giữ ngựa chờ chủ lâu quá, chắc cũng gây sòng, nhậu nhẹt để giết thì giờ, mấy con ngựa cuồng chân, bắt cặp hay lồng hí gì đó, lào xào lộn xộn. Ủa mà sao lại đem mấy bà ra so với mấy con ngựa ở cửa Thượng Tứ đó? Lukita không dám biết.

 
Trước nhà Lukita & Hiền - Lukita Bùi Văn Tự, Hardjono Nguyễn Văn Mão, Haryanto Lý Tuấn Ba - 2009  
   

Vài năm sau đó Hardjono Mão viết, có lẽ khi nhìn lại tấm hình chụp ở "Túp lều của anh (Lukita) và em (Hiền)":

- Tui cũng nhớ lắm...nhớ lại lúc cùng với Haryanto Tuấn Ba đến Lukita hồi nẳm, mới thoáng cái đã qua dzài năm rồi...

Nhìn qua 1 tấm hình ở Tân Định. Lukita nhớ cảnh nhớ người:

Behehe, đã từng là người Tân Định, thì cả đời nhớ Tân Định he? Em cũng đã lớn lên để nhìn thấy cái Bưu Điện Tân Đinh, nhà thờ Tân Định, trường Thiên Phước Chợ Tân Định....thay đổi theo từng năm tháng. Thiệt là thấy hình mà ai cũng bồi hồi, nhớ "những người muôn năm cũ..." (Vũ Đình Liên) vừa thấy như mới đó, mà đã xa rồi. Sau 75, anh Việt cũng thường đến nhà em tập latihan nên em có biết. Cũng có nghe Anh Việt và anh Roosdiana Tạ Quảng, bác Francois, anh Tống ... kể về những sinh hoạt Hội trước 75, về các anh chị đã vượt thoát, mà bác Francois gọi là "mấy tay cự phách"... Em mới được khai mở, chỉ biết ngồi nghe, ù ù cạc cạc mà thôi. Vậy mà, anh Việt mất hồi nào, nay nghe anh Hoàng Nam nói mới biết, chứ hồi đó, mỗi khi thấy ai vắng mặt, bặt tin... mình chỉ biết cầu cho người đó được vượt thoát.

Hoàng Nam:

- Anh là dân sinh ra và sống tại Tân Đinh từ nhỏ đến lớn, hồi nhỏ cũng nô đùa chạy nhẩy nhiều nên các ngỏ ngách chung quanh khu Tân Định anh đều biết hết. Nhà đầu tiên là ngõ 63/17 Trần Văn Thạch, nhà Anh Liêm Khiết cũng cùng ngõ, và ở đối diện xéo nhà anh, ngõ này đối diện với ngõ Sáu Hộ (thông qua Đường Mã Lộ sau chợ Tân Định, thông luôn qua Đường Bà Lê Chân chỗ nhà em ở, có tiệm Kim Thạch..). Anh không nhớ là hồi nhỏ có chơi với nhau với Anh Liêm Khiết không, nhưng chú của Anh Liêm Khiết là y tá, mỗi lần đi qua nhà anh để chích cho anh trong lúc anh bị bệnh, thì anh chạy trốn quanh nhà vì anh sợ chích lắm. Vài năm sau thì gia đình Liêm Khiết chuyển về khu cao nguyên gần Đà Lạt, chuyển về Sa Đéc và cuối cùng về lại Bưu Điện Tân Định. Sau bao năm không gặp, khi chú Anh Liêm Khiết mất, có làm lễ trên hội Subud thì lại có mặt anh tham dự cầu nguyện, âu cũng là có duyên với nhau. Sau đó anh dời ra Đường Hai Bà Trưng, và cuối cùng 1975 thì dọn lại về ngõ Trân Văn Thạch. Lâu lâu nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu, một thời phá làng phá xóm cũng thấy vui vui...hà..hà...

Margono kể chuyện bị "ma" bà già người Hung tấn công (anh Hoàng Nam biểu kể), Lukita cho diệu kế:

- Vậy Đại Ca ráng cầu nguyện nhiều hơn nữa, để lần sau gặp... ma con gái. Mà phải cầu cho thiệt thành tâm, không thôi gặp con gái... xấu, khổ lắm.

Liêm Khiết:

- Margono đã cầu nguyện quá chời quá đất từ hồi đó ... trời thương đã ban cho 1 Xếp để canh chừng ma dùm rồi đâu còn lo gì nữa.... ma nào mà dám nhào dzô thì đã có xếp canh chừng bên cạnh rồi lo gì...hì .. hì....

- Từ lúc về nhà mới này (20 năm trước) tới nay, tập latihan nhiều lần ở nhà, không thấy dấu hiệu gì có ma nữ, ma bà già gì hết, chắc như anh nói ... có xếp nhà có ma nào dám tới ...

- Hồi em học nhiếp ảnh ở hội nhiếp ảnh ở Saigon, ông Cao Đàm nói, các cậu không được quyền chê ai không ăn ảnh, máy ảnh trong tay các cậu, hình xấu là tại cậu chụp dở thôi. Xếp em nói ăn ảnh mà ăn thua gì, bả ăn cả thợ ảnh luôn cũng còn được.

Có một ngày tháng Sáu năm 2009, trên Diễn đàn bỗng xuất hiện một Hội Thi văn Tao đàn, làm ngạc nhiên hết mọi người:

 

Sáng nay bỗng thấy diễn đàn...thi
Liêm Khiết tự nhiên thật lạ kỳ
Chẳng hiểu hồn thơ lai láng quá
Quả là hiện tượng lạ lùng chi [Hardjono Mão]

Cuộc sống gian nan, lắm khổ sầu
Giữ lòng thanh thản có gì đâu?
Thương nhau, nhắn nhủ cùng tu tập
Hương vị tâm linh nếm nhiệm mầu [Hoàn Toàn]

Diễn đàn thi sáng nay bỗng vui
Kỳ lạ lai láng thơ Liêm Khiết
Hồn thơ bộc xúc tình tình chi
Qủa đẹp lòng vui cùng đại chúng. [Barata & Sophie]

Xem thơ thấy người
Giản đơn nhưng đi vào lòng người [Halimah Thùy] [Hardjono: hhh...cả thơ Haiku của Nhật cũng có ở đây nưã!]

Hic!
Hùng hục cày như trâu
Thanh nhàn ở chỗ nào?
Lù đù nghe sấm nổ
Xếp hét kề bên tai.
Hồi nào hoa biết nói,
Bây giờ mới biết ra
Còn có hoa biết...ngầu,
Thủ thỉ cái gì đây? [Lukita]

Tưới cây ngắm cảnh... cũng là tu,
Tự tu như Tự......nào phải dễ.
Ngày ngày thủ thỉ... cùng hoa lá,
Cuộc sống thanh nhàn... đã quá ta !!! ??? ha..ha..ha.. [Hoàng Nam]

Tự Bùi ơi đừng than
Thời buổi kinh tế tàn
Có việc cày là nhất
Xếp quí hát cho vui
Hồi nào hoa biết nói
Bây giờ hoa biết ca
Vừa cày vừa nghe hót
Được ưu đải vô vàn
Còn đòi thêm gì nữa.....
Hãy an vui cuộc sống
Với gia đình ấm no
Khỏi lo gì nữa cả..... [Liêm Khiết]

Bài vè sao độc đáo,
Không lẫn vào đâu được
Biết ngay của Di Lặc,
Tâm hồn thường tươi mát
Như trẻ mới lên ba,
Mới ngày nào xanh tóc
Giờ muối nhiều hơn tiêu
Nhưng tấm lòng hồn hậu,
Không bao giờ thay đổi
Nụ cười khắp mọi nơi
Luôn an ủi khuyến khích,
Lời vỗ về tích cực
Đẩy lui mọi ưu phiền
Khi anh em nản lòng
Di Lặc tựa vàng ròng [Halimah Thùy]

     

- He! cám ơn Đại Ca Di Lặc đã an ủi, tánh em nói vậy mà không phải vậy. Giống như gọi con phải bằng tên xấu, như con chó, con khỉ gì đó, để khỏi bị ông bà quở vậy mà. [Lukita]

Một ngày tuyết giá, trên phố rùm Subud, Margono và anh Liêm Khiết ở đất lạnh (may quá tình nồng), than thở. Haryanto Lý Tuấn Ba và Lukita ở miền nắng ấm an ủi, còn Hardjono Mão gởi hồn đi lang thang (Mão đã từng nếm qua cái lạnh mùa đông xứ Áo, trước khi về miền nẳng lửa Cali):

 

Tuyết phong sơn đỉnh bán thanh thiên
Viễn ốc thùy song nhiễu bạch yên
Bạc tựa trường y quân nhã ý
Hồng tâm do hựu lãnh đông phiên

Núi cao tuyết phủ nửa trời xanh
Xa thẳm nhà ai khói mỏng manh
Nhẹ tựa áo dài em vẫn mặc
Ấm lòng cũng bởi nét đông thanh

   

Lukita:

- E hèm, em ở Canada 3 năm, cũng có 1 năm lạnh -40°C mà có rên rỉ gì đâu, sao thấy mấy ông anh rên thấy thương quá. Hồi đó mới qua, thăm thăng bạn ở Montreal, sáng ra thấy tuyết ngập hết nửa bánh xe, em thấy nó xúc tuyết, cũng bày đặt ra xúc phụ. Xúc 1 lát thở ra lỗ tai, mắt nổ đom dóm, tay bắt chuồn chuồn, mồ hôi ra như tắm, phải cởi áo coat ra, mặc áo thun xúc tiếp. Thằng bạn cười biểu vô nhà đi kẻo bệnh, mà em cố gắng làm anh hùng rơm, chưa chi vô thì mất mặt quá. Vậy rồi cũng vô, báo hại bị cảm lạnh, thằng bạn em lo sốt vó.

Lukita viết về Liêm Khiết:

- Môt trong những điều tâm niệm của Hướng Đạo là: "mỗi ngày làm 1 điều Thiện" Tạo được 1 niềm vui hay làm nở 1 nụ cười trên môi người khác cũng là làm điều Thiện. Nào ai nhớ được mình đã tạo ra bao nhiêu nụ cười cho mọi người rồi? Thiện tai Thiện tai.

Lâu quá không thấy Harjono Mão trên diễn đàn, Lukita réo, Hardjono phải lên tiếng:

- ...Ô... hổm rày, tui đang "ẩy đơ", Las Vegas, Michigan, thăm viếng, cờ bạc chút chút...cũng bận rộn sơ sơ... Cám ơn Lukita nhìu hỉ, kỷ niệm dzữ lắm đó!

- Hổng phải hỏi để Bác Mão cám ơn, mà vì lâu quá nhớ 6 câu dộng cổ của Bác Mão thui. Ai dè bác Mão đang phiêu diêu ở miền cụp lạc, quá đã.

Kỷ niệm 50 năm Subud bên nhà, Lukita và Margono bên này (kẻ ở đầu non, người góc biển):

- 1 lô sốt dẻo nữa nè Đại Ca. Vì account Mega của em và cháu Su đều free nên chỉ gởi được cho 1 người thôi, nhận được là em chuyển qua liền. Hehe! xếp có "bồi dưỡng" cho đại ca soda hột gà hay đòi cúp lương, cự nự như xếp em? Đại Ca có nhớ bài hát Hướng Đạo: "Anh em ta, cùng mẹ cha, nhớ chuyện cũ, khi tích xưa còn mù mờ..." tên là bài gì không? Em định tìm bài đó lộng cho clip bế mac 50 năm mà không nhớ tên bài nên search chưa ra.

- Cho làm mà không cự nự đã là tu mấy kiếp rồi Lukita ơi, ở đó mà đòi soda hột gà. Trời, hỏi mấy bài ca thì phải hỏi mấy ông nhạc sĩ, réo anh Hoàng Nam mấy tiếng đi.

- Xin chia buồn với anh phải tự làm lấy soda hột gà mà uống, em cũng vậy.

Lukita và Aamirudin Nguyễn Như Tuyền:

Anh mới đi Vĩnh Long về tối qua, vui lắm, nhưng cũng chưa đúc kết hình ảnh để gửi đến quí anh chị em.
Anh dốt đặc về Webcam Video conference, chuyên viên kỹ thuật trợ lý cho anh là Hải-Sơn đã về lại Vĩnh Long. Cháu Sophie thì phải đi làm ở Bình Dương. Vì vậy xin quí anh chị em thông cảm và tha thứ vì còn rất nhiều sơ sót. Halimah vừa gọi anh, sẽ xuống nhà anh giúp anh gửi tiếp các hình ảnh cho em và Tấn.

Liêm Khiết:

Em Lukita quí mến, Thật bất ngờ khi xem công trình của em trong thời gian ngắn (1 mình 1 ngựa) đã hoàn tất những hình ảnh Subud cho dịp Kỷ Niệm 50 Subud VN. Thực là hoàn hảo theo điều kiện và thời gian tính mà Lukita có và đã thực hiện. Xem xong mà bên trong run động, nước mắt ứa ra..... bao nhiêu thanh lọc, làm việc chung nhau hỗ trợ và tiếp đở lẫn nhau.... trong vòng tay huynh tỷ muội... được tràn đầy ân phước của TĐ qua Latihan..... Lukita ơi, em đã làm 1 công việc thật đáng khen và đáng ghi công. Cám ơn em.

Hoàng Nam & Murwani:

Em Lukita thân mến, Em đã làm Một Slide Show Kỷ Niêm 50 Năm Subud Việt Nam thật là hiếm quý, góp một bàn tay trong việc lưu truyền và phát triển Gia Đình Subud Việt Nam. Anh Chị rất cảm động khi được xem lại những hình ảnh kỷ niệm ngày xưa thân ái mà nhớ lại những ngày họp măt selematan, và hồi đó em cũng góp phần không nhỏ vào việc chụp hình, quay video, và liên lạc với các anh em. Cái SlideShow này thật là độc đáo, nó nói lên được tình huynh đệ cùng chung nhau góp sức xây dựng và phát triển Subud trong sự hòa thuận và tình thương yêu lẫn nhau, và đây cũng là một món quà rất có ý nghĩa đối với anh em Subud trong mùa lễ năm nay. Anh Chị cám ơn em rất nhiều.

Cũng hình và clips 50 năm Subud:

- Cám ơn Đại Ca, bên này là 1giờ 20 đêm rồi, em chờ Đại Ca, thấy êm rồi em mới đi ngủ đây. Merry Christmas.

- Cám ơn Lukita quá xá cỡ, đừng chuyển lên diễn đàn nha, dành độc quyền cho góc nhỏ nha. Bận quá nhưng sẽ ráng khi khách đi về, chắc phải sau 12 giờ đêm, còn không kịp thì sẽ làm vào 5, 6 giờ sáng ngày mai. Bây giờ phải ra tiếp khách.

Halimah Thùy đưa một bài về Trà lên diễn đàn: trà Thanh đạm. Sở trường của Lukita:

Hi hi, không nghĩ ra chị Thùy ơi. Trà có đủ cỡ: trà loãng, trà đặc, trà...quạu, trà cốt (nghe mấy người bán cà phê cóc nói, đó là: họ nấu trà trong 1 cái ấm, mang ra quán, để từ sáng cho đến khi dẹp tiệm nghỉ vào buổi tối. Sáng sớm nươc cốt còn đặc, có khách, họ chế 1 chút nước cốt ra bình trà, rồi châm thêm nước sôi cho vừa uống. Còn ấm trà cốt cứ hết lại châm thêm nước sôi, xài tới tối mới thôi). Cả trà Thái Đức nữa, mấy thứ trà này, nghe ra hiểu liền, còn trà thanh đạm thì thua, hiểu...chết liền.

Về Roosdiana Tạ Quảng, Lukita viết 1 bài dài tưởng niệm khi anh Quảng qua đời, có để trên góc nhỏ, đoạn ngắn này chỉ là phụ bản:

Về việc ở chùa hay Mosque, chôn hay thiêu, chắc anh Cả coi như pha, đâu thèm chấp. Vả lại tánh ảnh rất hồn nhiên, vô tư mà. Thân xác cũng chỉ là vật ngoại thân, ra đi như thay áo cái áo cũ, vậy thôi. Về cái hồn nhiên vô tư của anh Quảng, phải kể cái hồi anh Hưởng, Nguyễn Hoài Cận, móc nối với ai trong bệnh viện Saigon để đem em vô cắt bì, chẳng làm lễ liếc gì được hết. Cắt buổi trưa thì chiều tối anh em bên Nam họp ở nhà mình làm latihan cầu nguyện cho em. Anh Quảng tới nhà thấy em tắm rửa sạch sẽ chờ sẵn, tròn xoe mắt hỏi: " Mày mới cắt mà dám tắm à?" Hóa ra cái hồi anh Tống cắt bì, bị làm độc, không dám tắm, đi cà nhắc cả tuần như bà đẻ nên thấy em tắm rửa ngon lành anh Quảng thấy lạ là vậy. Em tình bơ đáp: "Có gì đâu, cột lên cổ mà tắm" Thấy mặt anh Quảng xanh dờn, em mới hiểu ra: "Không phải, em túm bao ni lông, rồi cột bao ni lông lên cổ...." Thêm một lý do để anh Quảng mang biệt danh Lão Ngoan Đồng, là, mỗi khi họp mặt, selematan...anh không ngồi chiếu trên với mấy Bác lớn tuổi, mà cứ xà vô xóm nhà lá của cái đám thanh niên lộn xộn. Tuổi của anh so với đám này không đáng Bác thì cũng đáng Chú, nhưng anh khoái theo cái đám này để nghe chuyện tếu và để... cười, còn ngồi với mấy Bác nghe tụi nhỏ dạ thưa hoài, chán chết.

Lukita vào Subud (trích trong Phở Cao Vân một góc nhỏ Saigon):

Trong lúc chán chường thì chị Halimah Thùy nói với tôi về Subud, và rồi tôi được khai mở ở nhà Bác Lê ngày 14 tháng 12 năm 75, bởi 2 vị phụ tá là Bác Căn và Đại Ca Tuyền. Lúc nghe chị Halimah Thùy nói sẽ được gặp 2 vị phụ tá để khai mở, tôi còn tức mình hỏi sao không kiếm ông “chánh” mà lại nhè nhờ cả 2 ông “phụ”?

... để chia tay...

Cầu xin Thiêng Liêng Toàn Năng ban ân phước cho linh hồn em, Lukita. Margono.