Phở Cao Vân, một góc nhỏ Saigon

Lukita Bùi Văn Tự
     Sacramento 16 tháng Sáu 2007.

 
   
   

Nhân đọc bài viết của chị Halimah Thùy, Lukita chợt nhớ đến một góc nhỏ của Saigon thân yêu năm xưa, một góc nhỏ của thời mới lớn, nhiều mơ ước khát vọng tìm tòi, thời của phiêu bồng lang bạt, tuổi trẻ xa xưa, góc nhỏ đó chỉ là 1 hàng phở bình dân, Phở Cao Vân.

Tôi cũng không nhớ rõ tên bảng hiệu của hàng phở, mà dù có ai gọi đúng tên có ghi trên bảng hiệu, cũng chưa chắc mọi người đều nhớ; nhưng nếu cứ gọi là phở Cao Vân, thì mọi người, từ anh xích lô cho đến anh xe ôm hay sinh viên, học sinh, hoặc những người chạy chợ, mua bán suốt ngày ngoài đường, đều hiểu ngay là muốn nói đến hàng phở đó.

Gọi như vậy là vì lúc đó hàng phở nằm khiêm tốn dưới bóng mát của một tàng cây (không nhớ là cây phượng hay cây me), ở góc đường Trần Cao Vân, khúc có đường Hồng Thập Tự cắt ngang, qua góc bên kia của đường Hồng Thập Tự là bót Cảnh Sát Quốc Gia Quận 1, đi thêm một quãng nữa thì tới đường Thống Nhất. Không biết với mọi người thì sao, chứ với tôi, phở Cao Vân gắn liền với nhiều kỷ niệm trong đời, có lẽ bắt đầu với những năm đầu trung học. Chỉ cần nhắm mắt lại là có thể nhìn lại rõ cả một quãng đời xa xưa.

Nhớ sao là nhớ những ngày bắt đầu mơ mộng, lang thang trốn học, ngẩn ngơ theo vài bóng áo dài, mini jupe hay áo chẽn quần ống voi để buông lời chọc ghẹo vu vơ. Sau rồi “nâng cấp” lên, mời nàng vô ăn phở. Ôi trời, mãi lo nhìn nàng mà chẳng biết gọi cái gì, chỉ buông gọn 2 chữ “tái chín” (đúng ra là “tái chin gì cũng được” mà chỉ nói được “tái chín” là nín luôn). Và cũng nhớ vô cùng những ngày cùng bạn bè (cũng trốn học) chạy xe lang thang khắp Saigon, mãi mê cho đến lúc bao tử đòi hỏi, cả bọn moi hết túi từng thằng ra, gọi là “hùn hạp” kiếm món gì rẻ tiền nhứt, mà dễ nuốt nhứt, để đáp ứng đòi hỏi của bao tử (người lớn hùn hạp để làm ăn, còn tuổi học trò hùn hạp chỉ để ăn thôi). Thế là cả bọn lại lôi nhau ra phở Kỳ Đồng hay phở Cao Vân.

Thời đó, phở Cao Vân cũng như Kỳ Đồng chỉ là những cửa hàng xập xệ, giá cả rất bình dân, có thể nói là bằng 2/3 giá của các hàng phở thông thường, còn so với các hàng phở hạng sang thì một trời, một vực. Gọi 1 tô phở to tú hụ xong, dù bà hàng phở đã mang rau và giá để sẵn trên bàn rồi, ta cũng có thể xin thêm giá trụng, giá sống, hành trần thoải mái, còn trà đá thì mỗi người được một ly cối, và cả bàn được 1 bình trà lớn. Nếu cơm bà Cả Đọi là nơi thường xuyên cho văn nhân thi sĩ hay báo giới, thì phở Cao Vân và Kỳ Đồng dành cho giới lao động, công nhân và sinh viên học sinh với túi tiền eo hẹp. Với tôi, phở Cao Vân gần nhà, nên cũng gần gũi và nhiều kỷ niệm hơn.

Thế rồi, chiến cuộc leo thang, bọn chúng tôi theo chân các đàn anh lên đường vào quân ngũ, bỏ lại Saigon sau lưng, làm phận sự của người trai thời loạn. Tôi thắc mắc là vì sao ông Phạm Duy viết bài “Trả lại em yêu” có nói về mối tình học trò, con đường Duy Tân cây dài bóng mát, những chiều hẹn hò, uống ly chanh đường mà ngỡ là uống môi em ngọt kia, tại sao lại không đá động gì đến ăn mà chỉ cho uống thôi? Ông ta cho rằng ăn thì quá trần tục hay ông không biết đến cái hàng phở bình dân dễ thương của tôi? Thôi thì tôi ra đi, trả lại cho bao nhiêu em yêu của một thời học trò hàng phở Cao Vân, để ngày tôi có trở về thì thấy em ú nú, tay bế tay bồng cũng không có chi là lạ.

Thời học trò, tôi đã từng trốn học, thì nay trong quân đội, ai cản nổi tôi “dù” phép để trốn về Saigon chơi? (“dù” là tiếng lóng trong nhà binh thời đó để nói về việc trốn phép, bỏ đơn vị đi chơi mà không xin phép). Mỗi khi đơn vị về Saigon dưỡng quân thì y như rằng, ngó trước ngó sau, cái thằng tôi biến mất tiêu. Quân Cảnh bắt cạo đầu, xếp nhốt trọng cấm, chuyện nhỏ; cấm quân, cắm trại, mặc kệ, thả ra là tôi biến, vì vậy 3 năm tác chiến cực khổ, tôi vẫn ôm chức binh nhì, không lên nổi binh nhứt.

Nghĩ lại mà thương cái thằng tôi lúc đó, trốn phép về đến nhà, thăm gia đình xong là chạy ra hàng phở Cao Vân, một phần là để ôn lại kỷ niệm xưa, nhớ lại bạn bè cũ mới, phần khác là vì cơm xấy, rau dại và đồ hộp trong những ngày hành quân chán quá rồi, phải đãi cái ông thần khẩu cái đã, mà lính nghèo tiền đâu vô tiệm sang, thế là Phở Cao Vân đáp ứng đủ.

Sau ba năm trong quân ngũ, tôi trở về là bại binh chột mắt, may mà không phải bại tướng cụt chân như Phạm Duy ca cẩm. Tức mình vì bỏ phế hết một quãng đời tươi đẹp, tôi thi lấy tú tài và vô Đại Học Văn Khoa. Từ đây, phở Cao Vân lại gắn liền với kỷ niệm của tôi hơn. Có những trưa rời giảng đường, lười về nhà vì còn lớp học khác, tôi cùng đám bạn rủ nhau ra đó ăn trưa. Có khi gặp lại bạn cũ, lúc đó đang còn trong quân đội, được nghỉ phép hay “dù” về, để cùng nhau kiểm điểm lại coi ai còn ai mất. Những lúc đó, chúng tôi ngồi lặng người xót xa mỗi khi nghe tin một người bạn tử trận ở một địa danh lạ lẫm hay một trận đánh lừng danh nào đó. Các bạn của tôi ơi, Khương Sư Đoàn 3, Luận Sư Đoàn Dù, Lễ Thiết Giáp, Khôi Không Quân...và các bạn khác nữa, tụi mày làm tròn phận sự rồi, mong tụi mày siêu thoát, đừng luyến tiếc gì cả, tụi mày có phước là không nhìn thấy ngày 30 tháng 4 đen đủi của năm 75.

Tháng 4 năm 1975, Saigon tan tác, Saigon hỗn loạn, Saigon u buồn. Tôi đi ngang hàng phở Cao Vân đến bót Cảnh Sát Quận 1 đế trình diện học tập 3 ngày, dù mới nhận được giấy giải ngũ hồi tháng 1, thấy đóng cửa im lìm. Vậy mà sau đó, trong lúc dân Saigon bắt đầu sắp hàng đi mua gạo, rồi bo bo... không hiểu sao hàng phở Cao Vân vẫn mở cửa hoạt động trở lại. Tôi chỉ thỉnh thoảng mới đến chứ làm sao mà ra đó ăn thường xuyên trong lúc cả nước phải chạy gạo hay bo bo từng bữa được?

Trong lúc chán chường thì chị Halimah Thùy nói với tôi về Subud, và rồi tôi được khai mở ở nhà Bác Lê ngày 14 tháng 12 năm 75, bởi 2 vị phụ tá là Bác Căn và Đại Ca Tuyền. Lúc nghe chị Halimah Thùy nói sẽ được gặp 2 vị phụ tá để khai mở, tôi còn tức mình hỏi sao không kiếm ông “chánh” mà lại nhè nhờ cả 2 ông “phụ”?

Thuở đó, Trụ Sở Hội đã bị Cộng Sản tịch thu nên đám được khai mở sau này như chúng tôi là Haryanto Lý Tuấn Ba, Đông, Michou v.v. đều không biết trụ sở mà chỉ biết chiều chiều ra chùa Hồi ở đường Thái Lập Thành để gặp nhau, thường thì ở đến khuya mới đạp xe đạp hay đi bộ về nhà. Thế rồi chùa Hồi trở thành gần như trụ sở không chính thức của Subud từ hồi nào không biết. Có mặt thường xuyên là Bác François Maniquant, anh Tạ Quảng, anh Hoàn Hương Tống, Michou, Lukita, chị Halimah Thùy, chị Sudharmi và các em Hoa, Lan, Tấn. Chủ Nhật thì có anh Aamirudin Tuyền tới mở phòng khám bệnh miễn phí ở đó. Anh Hưởng Nguyễn Hoài Cận sau khi mãn tù cải tạo về, hay các anh chị em ở xa, hay mất liên lạc sau 30/4 cũng đến chùa Hồi để liên lạc trở lại. Riêng anh Roosdiana Tạ Quảng thì quấn sà rông ở luôn trong chùa.

Những đêm nhịn và xả chay trong tháng Ramadhan, nhứt là những đêm Quyền Năng, anh chị em Subud tụ tập ở đó rất đông. Chúng tôi (đám thanh niên đầu bạc và đầu xanh) thường lén tìm chỗ khuất để tập latihan cả đêm. Đến sáng, ăn Saur vô chay xong, có người ở lại ngủ luôn trong chùa, có người về nhà và đi làm. Phải nói thêm rằng trong thời buổi đói kém mà cả nước đang thiếu ăn của thời kỳ sau 75, có những bữa ăn xả chay và chuẩn bị vô chay miễn phí của chùa mà việc nhịn chay của anh chị em lúc đó cũng đỡ khổ. Anh Hoàn Hương Tống còn nói: “ăn kiểu mấy anh Ấn Độ ở chùa này thì nhịn chay cả năm cũng được.”

Tập Latihan thì phải phân tán mỏng ra từng nhóm nhỏ 3 hoặc 4 người. Địa điểm tập lúc đó có nhà Bác Lê, nhà Bác Quận, nhà chị Halimah Thùy và Lukita, sau này còn có thêm nhà anh Hoàng Nam, Bác Chí và nhiều nhà khác nữa. Lúc đầu ai nấy đều sợ nhà cầm quyền Cộng Sản nên đi tập rất cẩn thận, ngó trước ngó sau, đi vô và ra từng người một để hàng xóm không để ý. Lâu ngày đâm lờn mặt, tổ chức cả Selematan ăn mừng, Selematan vô Ramadhan, xả Ramadhan tùm lum, có lần tụ họp cả 80 mạng.

Tập xong rủ nhau đi ăn, khi thì phở Cao Vân, khi thì đồ chay hẻm Công Lý, có khi chỉ là một chầu nước mía hay chè Tân Định, lúc đầu thì do chàng thanh niên đầu bạc, biệt hiệu của Bác François Maniquant, bao. Sau thì ai có tiền thì đứng ra mời và bao thầu. Riêng Lukita có chứng nghiệm rất nhiều lần mỗi khi mời và đãi huynh đệ xong, thì y như rằng hôm sau trúng mánh. He! Đừng có ai hiểu lầm là Lukita này lợi dụng anh em để cầu mánh nhe, mình phải thành tâm muốn đãi anh chị em thì mới được lộc chứ không phải có tính toán mà được đâu. Thêm nữa, là mỗi khi huynh đệ tỷ muội mình gặp nhau đông chừng nào thì latihan được tiếp nhận nhiều chừng nấy. Rồi thì đám thanh niên như anh Roosdiana Quảng, anh Dũng, anh Barata Phú, anh Đông... và Lukita xé lẻ ra đi uống café, để bác thanh niên đầu bạc đi ăn với quý bà quý cô. Ngồi uống café cả ngày, có khi chẳng ai nói với ai lời nào, vậy mà latihan tiếp nhận được thật là kinh khủng, anh Quảng thường xuyên bị crise, ngồi cười hoài.

Thế rồi có một chuyện làm mọi người co vòi. Đó là nhân dịp Selematan ở nhà chị Kỳ Lan, hôm đó huynh đệ tỷ muội hiện diện rất đông, đâu chừng 40 người, trong đó có cả chị Minh Hoàng, công an VC xông vô kết tội tổ chức vượt biên, và bắt gần hết, chỉ có Lukita và vài người nhanh chân lòn lên lầu, leo qua nóc nhà hàng xóm rồi nhảy xuống hẻm khác trốn thoát. Tội nghiệp mấy bà chị và mấy cô em, mấy ngày sau được thả ra, mặt người nào người nấy méo xẹo.

 
   
   

Thời gian trôi qua, Lukita theo mẹ đi Canada, rồi theo vợ qua Mỹ, các anh chị em khác, kẻ ở người đi, vậy mà chị Halimah Thùy vẫn còn giữ được truyền thống party sau khi latihan, thằng em xin bái phục. Nhớ hồi nào cái gì cũng Selematan, làm lớn, đông người và nhiều món ăn thì cu Long gọi là Selema-to (đọc là to, tức là lớn; chứ không phải tô), làm nhỏ, qua quýt thì gọi đùa là Selema-teo, nay theo thời đổi mới thì gọi là party he.

Năm 2002, Lukita có trở về Việt Nam, mà cũng quên bẵng đi, không coi kỹ lại tên bảng hiệu, thôi thì tên gì cũng mặc kệ, trong tâm tưởng của Lukita, nó là Phở Cao Vân là được rồi. Phở Cao Vân không còn một mình lẻ loi trên góc đường Trần Cao Vân nữa, mà cả một dãy hàng ăn lố nhố, có cả nhà hàng đặc sản và quán nhậu nữa, thấy sao mà xô bồ, lộn xộn, và có thêm mấy hàng phở mở thêm, định ăn có danh tiếng của phở Cao Vân nữa chăng? Tiệm phở Cao Vân xập xệ ngày xưa nay được xây lại, lên lầu, coi khang trang hơn, nhưng vẫn còn giữ phong cách bình dân khi xưa, chỉ có khác là nay có thêm các thứ cơm phần, cơm món bình dân nữa. Nếu nói phở Cao Vân có hương vị ngon hơn các nơi nào khác, thì Lukita không dám, nhưng giá cả bình dân mà ăn được cỡ đó thì phải nói là đáng đồng tiền. Riêng với Lukita thì nơi đó là một góc nhỏ của Saigon thân yêu có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

 
 

 

 
 
  © 2011 Góc Nhỏ