Header image
 
 

Hồi ký

Mỹ Hạnh Delune 2014

 
     
 
Nội Dung
  ° Chương 01
  ° Chương 02
  ° Chương 03
  ° Chương 04
  ° Chương 05
  ° Chương 06
 
 

Nguyên tác: Pháp ngữ
Việt ngữ: Minh Thần dịch

Mỹ Hạnh viết mục đích chỉ để cho chồng mình, Arnaud, đọc, nên đã viết bằng tiếng Pháp. Lan Thanh người bạn thân của Mỹ Hạnh đã giao cho Minh Thần dịch ra tiếng Việt và Minh Thần gửi cho Góc Nhỏ để phổ biến.

 

 

Chương 1

Tôi sinh ngày 21 tháng 11 năm 1942 lúc 11 giờ 35 sáng tại xã Bình Hòa Gia Định, ngay bên cạnh Sài Gòn, thủ đô của Nam Việt. Tôi mang tên của bà Dương Quỳnh Hoa là người lớn hơn tôi 10 hay 12 tuổi, thuộc một gia đình có danh vọng trong xóm; ông cậu trẻ tuổi hơn của tôi cũng mang tên của hai người em gái (Hạnh và Đây) của bà Dương Quỳnh Hoa. Đó là vì theo tập tục của chúng tôi, người ta muốn con cái mình lấy tên một người thuộc một gia đình quý tộc hay có danh vọng, để mong cho nó có một tương lai tốt đẹp. Ngoài ra, lúc tôi sinh ra, trong đêm đó những đóa hoa cũng mang cái tên đó đã nở ra, và mẹ tôi luôn nói rằng chúng đang chào đón tôi. Sau này, tại trường y khoa, khi giáo sư Nguyễn Hữu lần đầu trông thấy tôi, ông liền nói: ”À, đây là một cái tên tiền định.”

Khoảng 3 tuổi, tôi đã biết đọc giờ giấc, trong khi mẹ tôi đã phải cực kì tốn công nhọc sức một cách vô ích, để dạy đọc cho một người lớn tuổi hơn tôi được bà tôi gửi tới để giúp việc trong nhà. Khi em trai tôi sinh ra, tôi không được ngủ trên giường mẹ tôi, mà phải ngủ trên giường mình. Điều đó tôi luôn phản đối bằng cách la khóc rất nhiều, và ông tôi đã dọa liệng tôi từ ban công ra ngoài nếu tôi còn la hét. Thay vì câm lặng và bởi biết rõ ông sẽ không dám làm vậy, tôi lại còn khóc lớn tiếng hơn. Sau hai hay ba lần dọa nạt mà không có hiệu quả, ông thôi không làm chuyện đó nữa. 

Lúc 4 tuổi tôi phân biệt được người tốt với kẻ tốt, và không để cho những kẻ xấu mua chuộc mình.

Lúc khoảng 6 tuổi tôi nhìn thấy hình của chiếc tàu Exodus có đầy trẻ em Do Thái ngoài khơi của miền đất dành cho những người tỵ nạn Do Thái là những người sẽ lập nên quốc gia Israel.

Cuối năm Canh Dần 1950 qua năm Tân Mão 1951 tôi nhìn thấy hình vẽ một con Cọp đứng hai chân bỏ vào túi quần, và trò chuyện với con Mèo để bàn giao nhiệm kì.

Lúc tôi khoảng 8 tuổi, mẹ tôi đi Paris trong hơn 6 tháng, còn ba tôi và 3 đứa con bà thì ở nhà với ông bà ngoại. Đó là lúc tôi phát triển điều có gọi là lòng hận thù đối với ông mình, vì tôi có cảm tưởng ông đòi hỏi ở mình quá nhiều điều, những việc ngoài sức mình, nhưng sau này khi nghĩ kĩ lại chuyện đó, tôi thấy chính mình mới là kẻ thiếu kiên nhẫn.

Đó là thời kì bà tôi thường đến Hội Thông Thiên Học; đôi khi bà tôi đem tôi đi theo dự những buổi họp của Hội, và điều kì lạ là tôi có cảm tưởng mình đã biết hết tất cả, những chuyện tôi nghe nói chỉ là những sư lặp đi lặp lại. Thú thật là tôi đọc rất nhiều, tất cả những gì có trong nhà, kể cả cuốn Thánh Kinh bằng tiếng Việt mà những người theo đạo Tin Lành tặng cho. Trong Phúc Âm tôi thấy Vườn Địa Đàng được vẽ với những mạch nước phun như ở Yellowstone. Tôi cũng đọc tất cả những du kí của Alexandra Néel, những kí sự về những nhà tu hành Yoga trong cuốn ''Hành Trình Về Phương Đông'', và đối với tôi những sự du hành của linh hồn là chuyện thông thường, như chuyện ăn uống hay đi chợ. Thú thật là suốt đời mình tôi chỉ sống với sách vở, với những bức tường chất đầy loại sách; ngay cả sau khi đã thành thân, chung quanh mình vẫn còn đầy sách. 

Dù sao, tôi đọc rất nhiều, vì mẹ tôi cấm chúng tôi không được chơi với những đứa trẻ khác ngoài đường phố: bà sợ chúng tôi sẽ bị nhiễm độc bởi những ngôn từ và lề lối ngoài đường, khiến tôi phải ở trong nhà và thú tiêu khiển duy nhất của tôi là đọc sách. Nên tôi đọc rất nhiều về đủ loại, về những chuyện thần bí, về những truyền thuyết của Trung Hoa và Việt Nam và nhiều loại khác, về chính trị cho tới những tiểu thuyết đủ loại, và tôi thích nhất là những tiểu thuyết trinh thám và khoa học giả tưởng.

Thời kì đó có những điều để lại dấu vết nơi tôi: kể từ nhiều tháng, đầu năm 1954, trong lúc đọc báo tôi thấy nói là tổng trưởng Nguyễn Văn Đỗ tuyệt thực trên bờ hồ Léman để phản đối sự phân chia Việt Nam thành hai miền: miền Bắc cho Cộng Sản Việt Nam và miền Nam cho chúng tôi. Tôi luôn luôn nói với ba tôi là người ta sẽ chia cắt đất nước chúng tôi thành hai miền, nhưng ông thì nói: “Con còn quá nhỏ để hiểu được, đó là điều trái với thiên lí, không ai có thể chia cắt một đất nước mà không được sự chấp thuận của nhân dân.” Nhưng đó là điều đã xảy ra ngày 20 tháng 7 năm 1954. Ba tôi vẫn còn nói việc đó chỉ tạm thời. Ngày 19 tháng chạp năm 1955 mẹ tôi đột ngột qua đời sau 3 ngày đau ốm, và điều lạ lùng là tôi đã không khóc nhiều, nhưng chính tôi lại là người an ủi bà ngoại mình bằng cách nói rằng ngoại đã không chết mà vẫn còn sống và đang theo một ông Thầy tại thế giới bên kia.

Nhờ vô tình được đọc những sách về huyền học và tâm linh trong tủ sách của ba tôi mà tôi được an ủi về cái chết của mẹ mình, nhưng trong kỳ thi gồm những học sinh giỏi của các trường trung học tôi cũng được giải thưởng an ủi hạng nhì về môn sinh vật học thực vật. Tôi không được sự đề bạt của thầy giáo (vì mình không thuộc trong con số ba người đứng nhất trong lớp) mà đã yêu cầu cho mình được ghi tên vào danh sách những người đi thi. Trong trường học của tôi chỉ có người bạn gái đứng hạng ba môn Anh văn của tôi và bản thân tôi là thi đậu. Điều tôi cũng thấy lạ lùng là trong lúc ở trung học có những lúc không hiểu tại sao bàn tay tôi thích viết cái tên Bình Minh.

Điều khiến tôi chú ý nhất là cuốn “Au Pied du Maitre” (Dưới Chân Thầy) của Krishnamurti. Tôi luôn mong rằng một ngày nào đó như Krishnamurti một ông Thầy sẽ đến kiếm mình trong lúc ngủ. Tôi tự nói với mình, Krishnamurti đã được thầy ông kêu gọi lúc 11 tuổi, tôi thì được 9 tuổi, như vậy tôi còn hai năm nữa để chuẩn bị. Nên mỗi đêm trước khi đi ngủ tôi thường tắm gội, trên giường tôi nằm hướng về phía tây để đợi chờ như Krishnamurti Thầy sẽ đến kiếm mình. Tôi bắt đầu lén lút ăn chay, vì lo sợ bố mẹ mình sẽ cấm. Nên tôi chỉ ăn cơm với rau cải mà không có thịt, cá và trứng. Liên tiếp như vậy trong 9 năm mà Thầy vẫn không đến tìm mình.

Lúc 18 tuổi, ngay trước khi đi thi Tú Tài Hai, tôi đau ốm vì mắc bệnh lao phổi. Sau này tôi biết được là chỉ dính tới màng phổi, vì không có lỗ và sự khạc ra máu. Điều đó khiến tôi phải điều trị trong một năm, theo những hiểu biết của lúc đó, và tôi thường bị ù tai.

Năm tôi đi thi Tú Tai Hai kỳ hai, người bạn gái thân nhất của tôi ở trung học đột ngột qua đời vì bệnh tim. Thất vọng vì không gặp lại bạn mình sau những lúc đi nghỉ hè về - nhóm chúng tôi gồm 7 người khá nhất trong lớp và chúng tôi đã hẹn gặp nhau để cùng đi thăm bạn mình - tôi đã khóc rất nhiều và thậm chí còn viết thư cho Krisnamurti để xin ông đi tìm bạn tôi mà hướng dẫn cô tại thế giợi bên kia. Một tháng sau thư kí của Krisnamurti hồi đáp là ông thông cảm sự đau khổ của tôi và cầu nguyện cho bạn tôi. Điều đó tất nhiên không an ủi tôi được. Tôi không lúc nào không khóc, từ sáng tới tối, và đã làm ướt không biết bao nhiêu là áo gối mà cũng không muốn rửa sạch.

Tôi khóc đến nỗi cũng làm cho bà nội mình khóc theo, khi bà thỉnh thoảng tới thăm chúng tôi. Một buổi tối nọ, lúc rất khuya, tôi đã đi ngủ và còn đang khóc như thường lệ, thì chợt nghe thấy bạn mình đang gọi mình bên cạnh đầu mình. Tôi quay đầu về phía có tiếng gọi, và thực sự trông thấy bạn mình trong bộ đồ người ta mặc cho cô lúc đặt vào quan tài. Cô nói với tôi một cạch thật rõ rệt: “Mình đây này, chính mình đây mà”. Kinh hoàng, tôi chợt hoàn toàn không còn khóc nữa. Bạn tôi cũng không trở lại nữa.

Vậy, đó là một năm quyết liệt đối với tôi; tôi thất vọng vì đã không gặp được Thầy, những sự cầu nguyện và ăn chay của mình cũng chẳng giúp được gì. Đối với tôi, đó phải là cái gì chỉ cho những người được ân sủng, còn tôi thì không thuộc hạng người đó vì mình không xứng đáng; hay đó chỉ là chuyện hoang đường, chỉ có thế thôi. Nên tôi quyết định sẽ không cầu nguyện nữa và ăn uống lại như bình thường; tôi nhận thấy như vậy thì ăn uống rất ngon và đó là điều mình đã thiếu thốn trong nhiều năm. Thật đáng tiếc, nhiều lúc tôi đã ăn uống gấp bội.

Vì luôn rất thích môn triết học và siêu hình học, tôi học hai năm về những môn đó tại Trường Văn Khoa ngay sau khi đậu Tú Tài, từ 1960 đến 1962, nơi tôi đậu khoá dự bị Văn Khoa với một giáo sư triết học là một thầy tu dòng Tên người Bỉ: ông đã cho tôi điểm cao nhất về triết học. Tôi cũng học môn Luật nhưng đã phải bỏ cuộc sau một tháng, vì tiếng Việt quá khó khiến tôi không hiểu được.

Tuy học trường Gia Long với một chương trình hoàn toàn bằng tiếng Việt nhưng mỗi tuần chỉ có 6 giờ tiếng Pháp và 3 giờ tiếng Anh, tôi đứng nhất môn Pháp Văn và đứng bét môn Việt Văn. Tôi được điểm cao nhất về triết học với thầy tu dòng Tên người Bỉ là nhờ tiếng Pháp của mình mà ông chấp nhận trong bài luận về triết học đáng lí ra phải viết bằng tiếng Việt.

Chiến tranh xảy ra trong lúc chúng tôi hưởng cảnh thanh bình từ 1957 tới 1958. Tôi thấy mình bất lực trước những đau đớn của những đứa trẻ bị thương mà mình đã gặp. Tôi tự nói với mình triết học là cái gì tốt cho tinh thần nhưng chẳng dẫn tới đâu hết. Tôi không thể chữa lành các vết thương để cứu giúp người ta. Khi tôi cho ba mình biết về quyết định học y khoa của mình, ông nói rằng tôi học Văn Khoa rất được và cứ việc tiếp tục học khiến sẽ tốt nghiệp trong khoảng hai năm. Còn nếu tôi đổi qua học Y Khoa thì sẽ mất tới 7 năm, nếu không là 14 năm và ông sẽ không đủ tiền để tài trợ cho tôi.

Tôi rất bực mình, làm sao tôi lại không thể học xong Y Khoa trong 7 năm, mà phải mất tới 14 năm, một kẻ thông minh hơn một vài bạn học của mình là những người hiện đã học hai năm Y Khoa (đúng ra là ba năm nếu kể luôn cả năm dự bị). Tôi nói với ba mình là mình đã dứt khoát. Nếu ông không đủ tiền thì tôi sẽ xoay sở bằng cách trồng nấm đen trong vườn rau ông bà mình, chẳng hạn vậy, hay đi dạy học thêm. Tôi đi dự thi vào Y Khoa, và bởi cho là mình đã không thi đậu, nên tôi không đi coi kết quả. Nhờ một người chị em một đứa bạn mình đã không thi đậu cho mình biết mà tôi mới biết được mình đã đậu. 

 
     
 
  © 2014 góc nhỏ