Đi Tây Nguyên

Esther Hải Anh
 
     
 
 
tranh Đinh Hải  

Tôi đến Tây Nguyên lần đầu vào năm 2000. Lần đó, chúng tôi là những thanh niên tình nguyện Mùa Hè Xanh của trường đại học. Bao nhiêu nhiệt huyết tuổi trẻ của sinh viên năm nhất đổ dồn vào mảnh đất cao nguyên tổ quốc. Anh chồng và tôi bắt đầu yêu nhau cũng tại nơi này. Xong chiến dịch, đứa nào cũng đều hẹn ngày trở lại. Lần đó, chúng tôi đến với vai trò người bạn.

Mãi đến 23 năm sau, tức 2023 tôi mới có dịp trở lại. Lần này, tôi trở lại cùng với đứa con gái nhỏ, trong vai trò làm khách, là những người làm công tác thiện nguyện.

Từ trước khi nhận lời tham gia chuyến đi, tôi thường mơ thấy những đoạn đường dốc cong, thấy thung lũng với chi chít nhà bên dưới, thấy mình là một vị nữ thần đang đứng trên đỉnh núi cao nhìn về phía con đường như đang chờ đợi, thấy đoạn đường ven rừng nghiêng một bên do cơ cấu địa lý vùng núi... Từ khi nhận lời, những hình ảnh này lặp đi lặp lại, có khi thay đổi vài tiểu tiết trong khung cảnh. Tất cả những hình ảnh này sau này đều có thật trong chuyến đi. Vị nữ thần mà tôi mơ thấy chính là Đức Mẹ Măng Đen. Tôi đã giật mình trước các hình ảnh đã trở nên quen thuộc trong các giấc mơ. Chứng nghiệm kiểu này không phải là lần đầu tiên nên tôi ghi nhận, để đó, biết vậy, rồi thôi. Tôi hiểu, Thượng Đế đang có mặt.

Đô thị Tây Nguyên thay đổi không ngờ, như người con gái vùng cao sở hữu nét đẹp trong sáng, mãnh liệt, cuồng nhiệt, hồn nhiên trở thành hoa hậu. Người ta tô vẽ cho nàng đầy đủ những trang sức mà người thành thị vùng đồng bằng có.

Tôi không thích nàng cho lắm. Tôi thương người em gái Tây nguyên ở các bản làng xa xôi mà chỉ có đi bộ hoặc đi xe thồ mới tới được. Tôi nặng lòng với em cách đây 23 năm, giờ quay lại tìm. Em thực sự vẫn như xưa. Vẫn ở đó, lem luốc, thô ráp, đói khát đến nao lòng.

Đoàn chúng tôi 38 người gồm các doanh nhân, giáo viên, nhân viên bảo hiểm, người bán hàng chợ, học sinh, sinh viên và trẻ nhỏ. Tất cả mọi người dù nhiều hay ít đều mang trong mình tấm lòng yêu đồng bào và muốn giúp đỡ họ chút lương thực cho qua cơn ngặt nghèo. Một chiếc xe tải 14 tấn chở riêng lương thực, quần áo, giày dép… Số hàng hóa còn lại nhét đầy vào mọi ngóc ngách của chiếc xe 50 chỗ chở đoàn người chúng tôi. Trước đó, một số tiền đã đước chuyển đến nhà thờ để cha xứ và các sơ nấu bún và trứng luộc cho các em nhỏ.

Nơi đầu tiên chúng tôi ghé lại là nhà thờ Đăk Kơ Đem, huyện Đăk Hà, Kon Tum. Nhà thờ được các nhà tài trợ xây dựng tươm tất, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi vật chất hiện đại, sẵn sàng tiếp đón các đoàn khách lớn nhỏ trong và ngoài nước. Cách đây 3 năm, nhà thờ chỉ là một gian tre nứa được cất tạm trên một mảnh sân rộng chừng vài chục mét vuông. Ở bên trong khi nhìn lên thấu trời xanh mà nhìn ngang thì thấy rõ rừng sâu. Một cơn mưa vô tình ghé qua thì từ cha tới con, từ thầy tới trò hứng trọn: ướt toàn bộ quần áo, bàn ghế, tập sách… Mọi người nháo nhào lo bảo quản các tài liệu sách vở, còn thân mình không quan trọng. Nhà vệ sinh thì chỉ là một cái hố nhỏ sâu chừng 30-50cm, ở trên có 2 miếng ván bé xíu cho người ta để 2 bàn chân lên, 4 bên được che chắn bởi đám cây cà phê rậm rạp và một vài manh bao rách rưới phủ quanh cho có cái gọi là kín đáo một chút.

Nhà thờ là niềm tự hào của cả huyện và tỉnh. Người vui nhất là dân ở các bản làng lân cận. Nhờ đó, họ có nơi để đến đông đảo vào mỗi cuối tuần và các dịp lễ lớn. Đám thanh niên có nơi lịch sự đẹp đẽ để hẹn hò và vui chơi. Nhà thờ mở rộng cửa 24/24 để giáo dân và người dân đến làm lễ. Đó cũng là nơi mà liên tục có các đoàn thiện nguyện đến gửi gắm chút tình xa. Ở một nơi xa xôi biên địa như vậy mà có một nhà thờ như thế này thì đúng là một hồng ân lớn.

Người dân ở đây gồm nhiều dân tộc bao gồm Kinh, Xê Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Thái, Tày… Theo quan sát của riêng tôi, ở trong chốn xa xôi nơi núi rừng Tây Nguyên này, đa phần họ còn rất nghèo và dĩ nhiên là rất thiếu ăn.

 
ảnh Hải Anh  
 
   

Chúng tôi hẹn các cháu nhỏ và người dân lúc 2 giờ chiều. Ấy vậy mà, 4 giờ sáng rất nhiều người đã có mặt chờ đợi. Hầu hết họ không có gì vào miệng từ lúc có mặt cho tới khi được phát thức ăn. Khi chúng tôi đến nơi, khắp các ngõ ngách của nhà thờ đều chật kín, theo nghĩa đen, các em nhỏ từ sơ sinh cho đến thanh thiếu niên, các bà mẹ, bà nội bà ngoại, một ít ông bố và ông nội ông ngoại. Rất nhiều đứa eo sèo trên lưng địu vải của các chị lớn hơn vài tuổi và của các mẹ còn rất trẻ. Tôi hỏi người mẹ 23 tuổi được mấy cháu, em bảo 5 đứa rồi, và chưa có ý định dừng lại. Cha xứ bảo chính quyền địa phương đã làm nhiều cách để động viên họ kế hoạch hóa gia đình nhưng hầu hết đều thất bại. Nhiều gia đình rất nghèo mà lại có 8 hoặc hơn 10 đứa con. Có ông bố mạnh miệng tuyên bố là hai bàn tay có mấy ngón thì ông có nhiều con hơn, chưa tính 2 đứa chết rồi. Bởi vậy, Tây nguyên có nhiều mái ấm tình thương, trong đó không ít trẻ đến từ các gia đình đông con, cha mẹ không có khả năng nuôi nên đem đi bỏ.

Có khoảng hơn 2000 trẻ tại sân nhà thờ và gần 500 người lớn. Có đứa mũi dãi lòng thòng, tóc tai vàng cháy sợi buộc sợi buông. Móng tay móng chân đứa nào đứa nấy đen ngòm bởi bụi đất, nhựa cây, lọ nhồi hoặc đủ thứ chế phẩm trong nhà ngoài rừng. Những đứa tuổi thiếu niên biết chăm sóc ngoại hình thì nhìn tươm tất hơn, gọn ghẽ và sạch sẽ.

Rất nhiều em được cắp sách đến trường. Trong số đó, một số gia đình khá giả có thể cho con em mình học hết cấp 3 và vào đại học. Nhiều em được nhà thờ bảo bọc, nuôi nấng và cho ăn học.

Thức ăn là bún do nhà thờ chế biến sẵn được nấu nóng lên, cho ra hộp và phát hết sạch cho tất thảy mọi người. Đám người chúng tôi chia ra nhiều nhóm nhỏ. Mỗi nhóm phụ trách một khâu: hướng dẫn, nhận hộp, phân bún, múc nước lèo. Ngoài ra, mỗi đứa trẻ được nhận thêm 2 quả trứng gà luộc; một phần bánh kẹo các loại; một phần quà đủ thứ gồm nón, giày dép, quần áo, vớ, đồ chơi, thú nhồi bông, balo… Người lớn mỗi người nhận một phần quà gồm: quần áo; mùng; mền; cá khô; gạo, các loại gia vị dùng trong nhà bếp như nước tương, nước mắm, bột ngọt, muối, đường…

Thương lắm! Từ người lớn đến trẻ con ai nấy đều rất trật tự. Mọi người xếp thành nhiều hàng dài dày đặc và kiên nhẫn chờ đợi. Có rất ít sự giành giật, chen lấn hay tham lam. Tôi thật sự ngưỡng mộ thói quen này của họ. Tôi cũng rất thán phục sự sắp đặt của cha xứ, các sơ và một số người dân tộc làm công tác tình nguyện tại địa phương.

Đám trẻ con trong đoàn chúng tôi cũng lao vào góp công góp sức rất nhiệt tình. Thời tiết cao nguyên mát mẻ, thỉnh thoảng có vài cơn mưa nhẹ. Vậy mà bọn trẻ thành thị và đám tình nguyện chúng tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, gần như kiệt sức sau khi những người dân tộc cuối cùng rời khỏi nhà thờ. Điều này chứng tỏ sức chịu đựng của chúng tôi thật ra rất kém. Không hề thấy một đứa bé nào trong số hơn 2000 đứa nhỏ cao nguyên này có vẻ tròn trịa chứ nói gì đến béo phì. Tuy nhiên, sức chịu đựng, sự dẻo dai và sức mạnh của chúng thì bản thân tôi cực kỳ thua xa và vô cùng ngưỡng mộ.

Tôi nhớ như in cách đây 23 năm, khi bọn sinh viên hừng hừng khí thế chúng tôi tham gia với vài thanh niên địa phương đi vào tận rừng sâu để ngắm thác. Lúc đó chúng tôi ở xã Đak Choong, Dak Glei, Kon Tum. Chúng tôi khởi hành đi lúc 9 giờ sáng, vào tới nơi lúc 1 giờ chiều, bắt đầu ra khỏi rừng lúc 3 giờ chiều và về đến làng gần 8 giờ tối. Thác và suối Nước Mỹ (một vị trí gần biên giới Việt – Lào) cách Dak Choong không xa lắm nhưng những đôi chân miền xuôi yếu ớt, tập tễnh leo núi, xuyên rừng thì đường gần hóa xa xôi. Mặc dù có gậy, không ai trong đám sinh viên không bị té. Đường trơn trợt. Mưa rừng thi nhau hò hẹn. Vắt và đĩa giành nhau bám dính lên tay chân mình mẩy. Chúng tôi còn một nhiệm vụ nữa là tìm kiếm một ít sợi mây và tre già về làm nhà cho một hộ gia đình neo đơn tại làng. 3 giờ chiều rừng bắt đầu trở nên âm u và trời tối rất nhanh. 3 giờ trong rừng Tây nguyên như thể 6-7 giờ tối tại một làng quê Nam bộ. Chúng tôi nhanh chóng trở nên đau chân, phồng rộp, đau vai, nhức tay, mỏi lưng, lết từng bước mệt nhoài với vài cây tre được kéo lê thê và chút dây mây. Đám thanh niên địa phương mỗi người mang vác gấp 5 lần người khỏe nhất trong chúng tôi. Riêng đứa bé gái 8 tuổi ốm nhom ốm nhách cứ hay lẽo đẽo theo đoàn thì mang gấp 3 lần tôi, đôi chân nhanh thoăn thoát vượt lên trên và thỉnh thoảng còn giúp đẩy tôi về phía trước. Khi về đến nơi thì trưởng làng đã chuẩn bị đầy đủ tre mây để làm nhà rồi! Mọi thứ bày đầy tại sân sinh hoạt chung của đám sinh viên. Không biết ông lấy ở đâu ra, hồi nào, bằng cách nào mà mới sáng đó tôi có thấy thứ gì đâu!

Các hoạt động tương tự cũng diễn ra ở một địa phương khác thuộc Kon Tum, tại nhà thờ Kon Rơ Bàng. Ở đây, vì trời mưa, bản làng phân bố xa nhau nên nhà thờ chia ra thành 2 nhóm tập trung. Nhóm 1 ngay tại trung tâm 4 làng cách nhà thờ khoảng 20km. Nhóm 2 ngay tại nhà thờ. Tổng số trẻ em và người lớn gặp chúng tôi có ít hơn nơi đầu tiên một chút.

Điều mà tôi trăn trở mãi là ở những vùng biên địa như thế này, người dân ít có cơ hội tiếp cận văn hóa, văn minh, giáo dục hiện đại. Tôi quan sát thấy những người nhận quà, bao gồm trẻ em và người lớn dường như đã quen với sự xuất hiện của các nhóm thiện nguyện. Họ quen nhận rồi. Họ kháo nhau rằng nhóm này quà nhiều, quà ngon hơn nhóm khác. Mặc dù đều là công dân của một đất nước, giữa họ và chúng tôi tồn tại một khoảng cách xa kỳ lạ. Tôi không muốn điều này nhưng rõ ràng là như vậy. Những người dân bao giờ cũng tập hợp thành nhóm xa chúng tôi, trừ những lúc nhận quà. Bên này cũng không thể nào xáp vô vồn vã với bên kia được. Cả 2 bên gần như không thể hỏi thăm quan tâm như những người trong một cộng đồng. Cho và nhận. Thật đau lòng. Thật xa cách. Cơ hội thoát nghèo và phát triển bền vững xem ra khó vô cùng so với việc đẻ chửa và mù chữ. Những cố gắng giúp đỡ của các nhóm tình nguyện giống như đem muối bỏ biển, chỉ có tác dụng thổi vào sa mạc những lọn gió bé xíu.

Nhóm GHN tại Việt Nam đang tìm cách xây dựng các cộng đồng đọc sách, đưa các loại sách hay đến những nơi xa xôi, hẻo lánh tại các tỉnh thành trên cả nước. Nhóm người mục tiêu của họ là trẻ em tại các trường học. Trẻ em sẽ được đọc các loại sách về đạo đức, trí tuệ, nghị lực, các tấm gương vĩ nhân trong và ngoài nước, và toàn thể những kiến thức bổ ích để phát triển trí tuệ quan trọng khác mà hệ thống giáo dục đào tạo chính quy không có. Hiệu trưởng và các thầy cô giáo tại các trường tự nguyện này cam kết thực hiện rốt ráo mục tiêu giúp đỡ các em trong công cuộc phát triển này. Họ vừa là người đọc, phát triển cộng đồng đọc và hướng dẫn các em đọc. Nếu duy trì đúng, tầm 10 năm nữa, nhóm trẻ này lớn lên tất nhiên sẽ giúp thay đổi diện mạo địa phương nghèo của chúng. Hiện họ đã thực hiện thành công nhiều dự án như thế này và đã mang nhiều sách đến những nơi mà chính quyền địa phương có thể giúp đỡ. Tuy nhiên, các vùng tại Tây nguyên chưa có tên trong số các địa phương tham gia dự án.

Tây nguyên cứ gầy nhom mà dẻo dai như vậy đó. Mong lắm, mong một ngày nào đó toàn thể Tây nguyên thay da đổi thịt, thoát đói thoát nghèo. Mong ánh sáng văn minh soi rõ tận cùng rừng sâu núi thẳm.

 
 
   
  © 2023 Góc Nhỏ