Một mình

Esther Hải Anh
 
     
 

Khi mọi thứ thuận lợi, ta gần như ít có cơ hội tìm thấy những bài học hay cho đời sống nội tâm mình. Bệnh tật là một trong những cơ hội quý báu mà qua đó, ta sẽ phát hiện ra nhiều thứ rất chân thật về bản thân mình.

Bài học dưới đây diễn ra nhiều lần lắm rồi ở những lần ra vào bệnh viện hay đơn giản chỉ là những cơn ốm liệt giường. Nhân cơ hội trận đau mắt đỏ hãy còn mới tinh, trong trạng thái kèm nhèm lem luốc và có chút chiêm nghiệm về mối quan hệ nhân sinh, một lần nữa xin khẳng định một trong những phép màu của tu tập chính là khả năng biết rằng trước sau gì ta cũng chỉ có một mình. Càng tu tập, càng kiên nhẫn tin tưởng vào con đường xả bỏ nhờ latihan thì ta càng cảm thấy rất thoải mái dễ chịu khi một mình. Chấp nhận trạng thái một mình một cách tỉnh thức là một bài học tuyệt vời giúp ta sống an nhiên trong cuộc đời này.

Tôi bị đau mắt đỏ. Cơn đau này đã được dự báo trước vì dịch đang phát triển mạnh tại địa phương. Đi đâu cũng thấy có người mắt sưng, đỏ, ngứa, nhầy nhụa. Nặng thì họ ở nhà và tránh tiếp xúc, nhẹ thì ra đường với đôi kính mát màu đen. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bất đắc dĩ vẫn ra đường với đôi mắt sưng húp. Ở trường học, mỗi lớp chỉ còn lèo tèo vài em chưa bị đau từ khi dịch bắt đầu tới giờ.

Bình thường, ta thấy mặt mũi mình cũng dễ coi, làm việc nhanh nhẹn tháo vát, dạy học dễ thương dễ mến, giúp trị liệu cho người này người nọ… Mỗi ngày, tôi thức dậy lúc 3:30 sáng và đi ngủ lúc 9:30 tối để bán cơm và dạy yoga. Tôi nghiện cái cảm giác tất bật, được tiếp xúc với nhiều người, được khen ngợi và có người lắng nghe theo dõi. Tôi hạnh phúc vì mình có giá trị với ai đó.

Dẫu biết trước rằng mình sẽ bị đau mắt đỏ, tôi cho rằng bị nhẹ thôi, chỉ tầm 1-2 ngày sẽ khỏi, công việc sẽ dở dang chừng ấy thời gian nhưng mà nó kéo dài đến 5 ngày. Trong những ngày này, tôi phát hiện mình có những thứ còn tệ hơn hơn cả cơn đau mắt đỏ:

Thứ nhất, tưởng mình có giá trị với ai đó.

Thứ hai, nghĩ mình có phước nên sẽ bệnh nhanh thôi.

Thứ ba, quá lệ thuộc vào niềm vui sở thích của người ta. Vùi đầu làm cái này cái kia cho người ta để được người ta đánh giá cao. Tự mình giao cho người ta cái thòng lọng siết cổ mình mà trong lòng vui vậy đó. Thật là vô minh hết chỗ nói.

Thứ tư, tôi cũng nô lệ tiền bạc nữa. Bệnh thì cần phải nghỉ ngơi. Mà tôi thì lại ép mình phải hết bệnh sớm để sấp mặt lao vào làm việc kiếm tiền. Tôi thấy mình như con gà quanh quẩn cối xay, kiếm tìm những hạt thóc hạt gạo rơi vãi mà chẳng biết làm gì khác, chờ cho người ta đủ ngày đủ tháng đem ra làm thịt.

Cho tới ngày thứ 3, tôi bèn chấp nhận trạng thái thể chất và tinh thần của mình. Tôi quyết định buông. Chấp nhận nhìn khách hàng bỏ đi, chấp nhận bỏ mặc học viên và chịu mất tiền. Quan trọng nhất là, tôi chấp nhận luôn việc nhìn nhận thân thể mình như một mớ lắp ghép của những thứ hư hỏng, chuẩn bị hư hỏng và chờ ngày đem bỏ đi. Cái mặt sưng vù. Thoạt nhìn vào gương, tôi thấy một khuôn mặt chết chóc của ai đó chứ không phải là mình. Đôi mắt húp lên từ trên xuống dưới. Ghèn chảy lèm nhèm. Mình mẩy cũng sưng phù, mềm nhũng… Nói một cách khác, tôi thừa nhận một cách rốt ráo rằng tấm thân này chẳng khác nào một mớ rác xương thịt máu mủ… Điều này nói ra có vẻ tàn nhẫn, nhưng tôi cảm nhận vậy đó. Nhờ cảm nhận này mà tôi thấy rất thoải mái, gần như không còn dính mắc vào thân nữa. Giờ chỉ còn việc là bảo dưỡng cho nó được bao nhiêu thì bảo dưỡng, với mục đích là làm để có công cụ mà rèn luyện latihan và tu tập.

Cái cảm giác có giá trị với ai đó bị chặt đứt tận gốc. Thay vào đó là một bài học vô cùng thú vị về sự cô độc của mình trong cuộc sống này.

Trong gia đình, ai bệnh thì người đó chịu, người khác chỉ có thể mua dùm chút thức ăn và đồ dùng cần thiết chứ không thể đau thay cho mình. Chồng tôi thì luôn tìm cách tránh xa vì sợ bị lây. Mọi thứ trong nhà vẫn diễn ra sôi nổi như bình thường. Hai đứa nhỏ cũng đau mắt đỏ nhưng chỉ 2 ngày thì khỏi. Chúng vô tư hồn nhiên vui vẻ bên cạnh như thể mẹ không có bệnh gì hết. Có lúc nhắm mắt, tôi nghĩ nếu tôi biến mất khỏi cuộc đời thì gia đình này chẳng hề hấn gì cả. Đó là điều tốt cho họ, nhưng để lại chút thương hại trong tôi. Đây, cái cảm giác này chính là thứ mà bình thường tôi không thấy được. Chính là lối sống vì người khác để hưởng niềm vui nhân danh tình thương, nhưng đó là sự ngụy trang cho sự tự thương hại bản thân. Thật ra tôi muốn họ đánh gia cao vai trò của mình. Cuối cùng thì, chỉ có tôi một mình gặm nhắm những cục ghèn, nỗi cô đơn và thấy được sự thật vai trò của mình trong gia đình: không là gì cả.

Điều tương tự cũng xảy ra với những người trong công  việc. Tưởng chừng người ta sẽ nhỏ chút lòng thương mình và mong mình sẽ sớm bắt đầu công việc trở lại. Thực tế, trong mấy chục người mà mình giúp đỡ, chăm sóc, dạy học mỗi ngày thì chỉ có vài người quan tâm. Nhưng mà, họ quan tâm theo kiểu: “Cô nghỉ cho hết tuần, tuần sau đi dạy lại để khỏi lây cho người khác!” Điều này là bình thường thôi, ai ai cũng muốn bảo vệ bản thân và gia đình họ. Nếu không có mình thì họ chẳng làm sao hết. Họ sẽ tìm học ở những người khác, hoặc cách nào đó phù hợp với họ. Mình ra sức giúp đỡ họ chỉ vì mình muốn chứng tỏ năng lực để được khen ngợi. Trong cơn đau, tôi phát hiện ra chân lý: không ai cần mình hết, người ta chỉ quan tâm bản thân và quyền lợi của chính họ mà thôi.

Rất may, khi mà đang ở đỉnh cao của sự ngã mạn, Thượng Đế gõ đầu một cái độp, đủ tỉnh thức để dừng lại, để có thể thấy rằng trước sau gì ta cũng chỉ có một mình mà thôi. Lần này là cơ hội rất tốt để làm quen với sự già nua, bệ rạc, chết chóc tất nhiên của mình trong tương lai. Trước sau gì thì những thứ tô vẽ bên ngoài cũng trở nên mục nát, kể cả mặt mũi xinh đẹp này hay thân hình cân đối này. Rồi cũng sẽ tới ngày ai ai cũng trở nên xấu xí như thế. Khi tuổi già và bệnh tật kéo đến, tử thần gửi lá thư cuối cùng thì mình có son phấn, trang điểm kiểu gì thì cũng là một cục thịt mấy chục kg thối rửa.

Một lần, một vị thầy đáng kính nhắc nhở: Bạn có mặc bộ đồ 100 triệu, mang cái giỏ 200 triệu, đeo nhẫn kim cương 2 tỉ thì cùng lắm người ta chỉ nhìn bạn nhiều nhất 3 giây thôi. Trong mắt người khác, họ mới là người đẹp nhất, những gì họ có là đáng giá nhất. Điều này cũng giống như bao công sức, tâm huyết mình bỏ ra như muối bỏ biển, chỉ tạo giá trị nhất định, xong rồi thôi, mọi thứ theo gió cuốn đi… Chồng, vợ, con cái, cha mẹ, tài sản, danh vọng, quyền lực… sẽ không còn là gì hết khi mình chết đi.

Cuối cùng, bạn và tôi ai cũng chỉ là những kẻ độc hành với hành trang là vốn liếng tâm linh góp nhặt được trong cuộc đời này. Làm gì cho ai, làm bao nhiêu cũng được nhưng phải dành phân nửa cho mình, vun bồi nội hàm cho mình. Chỉ cần có biểu hiện cần buông là buông liền, nhiều tiền cỡ nào cũng bỏ. Làm gì thì làm, phải để tâm thả lỏng, rộng mở đón latihan trong từng việc làm. Chúng ta may mắn được Thiêng Liêng ban cho hồng ân là latihan, là món quà tâm linh vô cùng hữu dụng nên phải nhớ luyện tập đều đặn để gói hành trang của mình được đầy đủ cho đời sau kiếp khác.

 
 
   
  © 2023 Góc Nhỏ