Chấp nhận

Esther Hải Anh
 
     
 

Subud có một khái niệm rất tuyệt vời, gọi là Chấp nhận.

Tôi xem Chấp nhận là một trong những phép tu thân kì diệu và thâm thuý. Chấp nhận là đồng ý hết mọi nhân duyên đến và đi một cách buông xả, nhưng phải có trí tuệ. Bỏ hết mọi thứ thuộc về cái “tôi” và những thứ “của tôi”. Trí tuệ rất cần thiết để hiểu rằng mọi thứ đều do nhân duyên mà có. Chúng đến được thì tất nhiên sẽ mất đi được. Cần trí tuệ để biết rằng tất tần tật mọi hạnh phúc, khổ đau đều do sự vận hành của nhân và quả, đều là do cảm giác thích và ghét tạo ra. Trong Subud, ta có thể nhận thấy rõ rằng chúng đến từ 4 loại sức mạnh hạ đẳng cơ bản là sức mạnh vật chất, sức mạnh thực vật, sức mạnh động vật và sức mạnh con người.  Đặc biệt, đến một chừng mực nào đó sau một thời gian thực hành latihan, ta chẳng những thấy rõ cơ cấu hình thành, kết cấu nhân duyên sinh khởi ra chúng ngay trong kiếp sống này, mà còn có thể thấy được phần nào sự dính dấp từ các kiếp quá khứ.

Lý thuyết trông có vẻ đơn giản. Nhưng mà tôi tốn hơn 40 năm cuộc đời, trải qua nhiều bể dâu mới có thể hiểu và thực hành Chấp nhận được tí tẹo thôi.

Đây đó người ta cứ ra rả về thái độ sống buông bỏ ngày này qua tháng nọ. Bình thường, khi cuộc sống thuận lợi thì ta đón nhận lý thuyết này một cách dễ dàng. Ta tin rằng mình may mắn, có đủ phước đức để đón nhận một đời sống ít sóng gió. Điều này thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi ta được thiêng liêng che chở sau một thời gian tập latihan. Thời gian đầu sau khi vào Subud, tôi ỷ mình có Thượng Đế yêu thương vô điều kiện nên càng ngày càng mong muốn nhiều điều may mắn hơn nữa. Nhiều lần được Ngài bảo vệ thoát khỏi tai nạn giao thông hay giải quyết các vấn đề nan giải, tôi càng củng cố niềm tin này.

Ấy vậy mà khi biến cố xảy ra, khi mọi việc không êm đềm nữa, thì đến Thượng đế ta cũng nghi ngờ, nói chi đến Chấp nhận hay buông bỏ khổ đau. Tôi đã từng như vậy đó. Khi sóng yên biển lặng, ta thấy đời thật thơ mộng. Sóng gió cuồng phong mới nhấn nhá tí thì ta mau chóng ngã nhào.

Biến cố nói chung là những sự việc bất như ý, là sản phẩm của lòng tham lam, sự sân hận và trí tuệ thiếu sâu sắc. Chúng khiến ta đau khổ, bất an, thậm chí là trầm cảm trong một thời gian dài. Thân đau nhức triền miên. Bị người khác chê bai, nói xấu. Con cái không vừa ý thầy cô nên họ liên tục gọi điện thoại mắng vốn. Mất việc làm. Làm ăn thua lỗ. Mất tiền, mất của. Người thân đột ngột qua đời. Tai nạn từ trên trời rơi xuống cho mình và cho người thân yêu…

Biến cố như thiên la địa võng. Trong khi đó, khả năng chịu đựng và trình độ nhận thức của ta thật yếu ớt. Nói một cách khác, ta chính là kẻ vô tình vùi dập chính bản thân mình. Vậy cho nên, trong hầu hết trường hợp, ta chọn cách giải quyết từng tình huống, và cầu nguyện. Tôi đã quen cầu nguyện ngay từ còn bé xíu. Tôi đã cầu nguyện hàng tỉ thứ từ hết đau ngón tay, không bị sét đánh cho đến thi đậu hay chỉ đơn giản là chạy được qua hết cây cầu Mỹ Thuận một cách an toàn. Tôi thừa nhận mình đã từng rất ư là ngây thơ khi sở hữu thái độ như vậy. Đâu phải mình chỉ ngồi đó cầu nguyện mà Thiêng liêng ban cho cái này cái nọ. Mình phải có đất đai đủ màu mỡ thì Thượng Đế mới gieo hạt, vun xới cho cây cối phát triển được. Mình phải có đủ hiểu biết đúng đắn về nhân quả, giáo lý về đạo, lòng tin vững chải, sự sùng bái mãnh liệt, sự luyện tập latihan chuyên chú, khả năng giữ gìn cái tâm trong sáng, giữ gìn các giới luật nghiêm ngặt…thì ánh sáng từ Nguồn Đại Lực mới chiếu tới được. Chứ nếu tôi khư khư bảo vệ tầng tầng lớp lớp các tấm chắn kiên cố che đây trí tuệ mình, khư khư ôm giữ các loại định kiến xưa cũ thì làm sao mà tiến bộ được. Ngoài ra, cũng cần có chút thấu hiểu bản thân. Biết được chân giá trị bản ngã đích thực, và sứ mệnh lần này của mình.

Sau này, tôi không còn cầu nguyện nữa. Tôi không cầu nguyện trước khi vào phòng mổ. Cha bị ung thư, tôi cũng không cầu nguyện cho ông trở nên khoẻ hơn. Không cầu cho đứa con trai tự kỷ trở nên bình thường như bao đứa trẻ khác. Việc bán buôn đôi lúc rất ế ẩm, tôi dùng tiền tiết kiệm chứ không mong cho khách đến nườm nượp… Tôi rất thoải mái không cầu nguyện gì cả. Bởi càng tập latihan, thật thú vị là ta có thể hiểu được phần nào nguyên nhân của các sự kiện. Không hiểu được thì cũng không sao. Thấy được, hiểu được hay chẳng biết tí ti gì thì chỉ cần bình thản chấp nhận mà thôi. Hãy tin rằng mọi thứ chỉ là sự ban tặng các bài học giúp ta bước lên các nấc thang tâm linh cao hơn. Hãy tĩnh tâm tìm ra được giá trị sâu sắc đàng sau đó. Sự chống đối, dựa dẫm, đổ lỗi hay cố gắng thay đổi không lợi lộc gì cả. Việc mình có thể làm là gia tăng trí tuệ, gia tăng tạo phước giúp người một cách bền bỉ, liên tục với thái độ không cầu thị hoặc trao đổi lợi ích. Khi suốt ngày chỉ đi tìm kiếm những thứ khiến mình hạnh phúc, tôi thấy mình thật thiếu sâu sắc.

Nếu can đảm dấn thân đi vào cơn thịnh nộ của trời đất một cách bình thản, sẵn sàng bỏ hết tất tần tật, thì phép màu xuất hiện, đó là Chấp nhận một cách an yên, hạnh phúc. Đó còn là thái độ đưa mình trở về trạng thái không là gì cả. Quả thật, mình không là gì cả so với vũ trụ bao la này. Mình vui buồn, đau khổ, hạnh phúc, sung sướng, làm được bao nhiêu là việc…Nhưng nếu không có mình thì vũ trụ này chẳng mảy may ảnh hưởng gì hết. Thế nên, tôi chọn cách bỏ hết, kể cả những hiểu biết đã từng rất hay ho trước đó. Các biến cố trở thành những bài thuốc chữa trị sự ù lì, dính mắc, mê tín, vô minh, tham lam, ngã mạn, tà kiến, giận hờn, yếu đuối…

Chấp nhận điều bất như ý không dễ chút nào cả, huống hồ các vấn đề khiến ta ray rứt, nhức nhối và cạn kiệt năng lượng. Thật sự rất khó. Thượng Đế rất kiên nhẫn. Ngài liên tục tạo ra các bài học tăng dần độ khó. Khi mình chưa học được thì các bài kiểm tra sẽ lặp đi lặp lại trong đời sống, thậm chí cả trong giấc mơ. Nếu chúng không xảy ra trực tiếp với mình thì sẽ xảy ra với người khác mà mình có thể quan sát và học hỏi. Có khi mình quên, lại quay trở về thói tham sân si cũ. Cứ trầy trật mãi. Nhưng mà, mình biết mình học kém nên vẫn sẽ tiếp tục học, kiên nhẫn thực hành, nhìn nhận mọi thứ đều là bài học, rồi vượt qua từng bài kiểm tra nhỏ. Bị điểm kém thì làm lại. Chấp nhận bằng sự sùng bái thành kính.

Chấp nhận điều hài lòng lại là một cái bẫy. Ta dễ dàng dễ duôi với những thứ dễ chịu. Những thứ khiến ta hạnh phúc tất nhiên sẽ mang lại nhiều niềm vui. Vì thế ta sẽ loay hoay đi tìm kiếm bằng mọi cách rồi phản ứng ầm ầm với những điều không vui. Ta quên rằng bất hạnh cũng là bài học. Thật ra niềm vui chỉ là những giải pháp cho các tình huống. Đời sống của ta xoay xung quanh việc đi tìm các giải pháp này. Chúng ta có thể làm gì khác được không? Không, phải là như vậy. Nên như vậy nhưng không chìm đắm vào chúng.

Vậy thì, khái niệm Chấp nhận theo tôi là chấp nhận hết mọi thứ như ý và bất như ý với một thái độ bình tĩnh, có trí tuệ, không tham đắm, không theo đuổi hay ghét bỏ. Đó là sự buông lỏng hoàn toàn trước mọi tình huống giống y như cách mà chúng ta tập latihan. Cho dù chúng ta làm latihan rầm rầm hay thanh thoát nhẹ nhàng thì đều là latihan. Cứ an nhiên đón nhận, tiếp tục làm latihan. Tất cả đều là ân điển từ Thiêng Liêng, là sản phẩm từ tình yêu thương vĩ đại. Thái độ Chấp nhận như thế này hoá ra chẳng phải là cách luyện tập latihan trên phạm vi rộng cho cả cuộc đời của ta hay sao?

 
 
   
  © 2023 Góc Nhỏ