Thay đổi là ân huệ

Patricia Lacey
     
 
Đoạn trích từ cuộc phỏng vấn của Patricia Lacey với Wilbert Verheyen. Wilbert là một linh mục dòng Francis đã gia nhập Subud và sau đó trở thành Chủ tịch của Susila Dharma International (SDIA), tổ chức điều phối các hoạt động nhân đạo của Subud. Anh đã mất cách đây vài năm. Anh là một người phi thường, như câu chuyện của anh đã cho thấy...


 
Willbert Verheyen  

Patricia: Cho phép tôi hỏi, ông luôn ở bên cạnh dòng tu Francis cả đời?

Wilbert: Tôi đã rất quan tâm đến Thánh Francis Assisi khi còn trẻ, và tôi có được một bức tranh của ông đứng trên quả cầu. Tôi tưởng ông đang đá một quả bóng, và tôi trở thành một cầu thủ bóng tròn cuồng nhiệt, cũng như là một phần liên kết với tên của tôi! Vì vậy, khi tôi cảm thấy tôi muốn trở thành một linh mục, thì đó phải là dòng tu Francis cả đời.

Để trở thành một linh mục, sau sáu năm học tập, bạn trở thành một thực tập sinh. Sau hai năm học triết học và bốn năm thần học, rồi đến ngày thụ phong linh mục. Một năm sau khi chịu chức, chúng tôi nghiên cứu khoa học về cách thực hiện công việc truyền giáo, 'truyền giáo học' và sau đó chúng tôi sẽ được người đứng đầu 'dòng Francis‘ phân phối đi truyền đạo. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy rất muốn đến New Guinea, nhưng bạn không bao giờ có thể biết mình sẽ được chỉ định đi đâu. Bạn đã hứa sẽ ngoan ngoãn vâng lời.

Patricia: Điều gì đã thu hút anh đến New Guinea?

Wilbert: Phiêu lưu! Đúng vậy. Đó là một phần xa xôi chưa được biết đến của địa cầu.

Patricia: New Guinea có hoang dã không?

 
   

Wilbert: Có, ăn thịt đồng loại và săn đầu người. Chúng tôi biết điều này từ những người Hòa Lan đã từng đến đó và được họ kể về tục ăn thịt đồng loại cũng như giết hại người khác.

Patricia: Có bao nhiêu người da trắng ở đó? Còn công việc của anh ở đó với tư cách là một tu sĩ dòng Francis thì sao? Anh đã làm gì?

Wilbert: Một ngày nọ, vị giám mục hỏi tôi 'Này các tu sĩ dòng Francis chúng ta vẫn chưa có ai ở Cao nguyên New Guinea. Anh có sẵn sàng đến đó không?’ Tôi trả lời, ‘Ồ, Thưa có!’ Đó là vào năm 1958, và ở đó chúng tôi ít nhiều phải mang lại hòa bình. Chúng tôi cũng đã cố gắng đưa mọi thứ lên bản đồ. Vào thời điểm đó không có một bản đồ khả dĩ hoàn chỉnh. Công việc chính của chúng tôi là mang lại hòa bình giữa các bộ lạc.

Patricia: Anh cũng cố gắng dạy họ về tôn giáo phải không?

Wilbert: Không. Những người này hoàn toàn khác với những nhóm khác. Họ có một nền văn hóa rất mạnh. Tôi biết tôi đi ngược lại suy nghĩ tôn giáo thông thường, nhưng tôi tin rằng họ là những người theo thuyết độc thần chứ không phải thuyết vật linh. Thuyết độc thần là một bí mật sâu kín; bị nghiêm cấm ở đó.

Xung quanh tôi có nhiều người hỏi, 'Tại sao bạn lại đến đây?' Người đầu tiên quan tâm đến tôi là người nhận lo cho tôi ở đó. Ông là tù trưởng của một trong những bộ lạc. Miễn là bạn tốt với các tù trưởng, như tôi đã từng làm, thì mọi thứ đều an bình! Tôi luôn được bảo vệ bởi tù trưởng lớn.

Tại trung tâm mới của tôi, nơi tôi xây dựng ngôi nhà đầu tiên của mình, một ngày nọ, người đứng đầu đến gặp tôi cùng với hai người thủ lỉnh lớn khác. Ông ta đi khắp nhà để chắc chắn rằng không có ai nghe thấy.

Sau đó, chúng tôi bốn người đứng vai kề vai, và ông ấy từ từ mở một gói được gói bằng lá chuối. Việc mở gói mất rất nhiều thời gian. Tôi thấy đó là một mảnh tre và có một dấu hiệu bí ẩn trên nó! Tôi nói 'Đúng, tôi đã thấy nó! Tôi đã thấy nó!' Ông thủ lĩnh vui sướng nói  'Anh ấy đã thấy nó. Anh ấy đã thấy nó!' lời nói này có ý nghĩa quan trọng với hai người kia. Tôi không biết chính xác việc này có ý nghĩa gì, đó là một loại lễ khởi đầu công việc. Sau đó, tôi bắt đầu một phòng khám bệnh và một trường học. Tất cả các em bé đều đến trường. Phòng khám bệnh hoạt động tốt!

Patricia: Bạn có y tá cho phòng khám không?

Wilbert: Có. Tôi đã dạy và đào tạo một trong những cậu bé ở đó. Chú ấy rất tốt. Huấn luyện luôn là điều đầu tiên tôi làm khi cố gắng giúp đỡ mà không cần dùng vũ khí… Tôi không mang theo vũ khí. Thông thường, khi tôi cố gắng giúp đỡ họ, thay vì dùng vũ khí, tôi sử dụng sách và vật liệu sơ cứu, ống tiêm, sơ cứu vết thương và những thứ tương tự.

Chúng tôi đã sử dụng một loại thuốc mà vào thời điểm đó có thể so sánh được với penicillin cho loại việc này. Khi tôi đến một ngôi làng mới thậm chí trước khi đến đó, bạn đã có thể ngửi thấy mùi thương tích. Tôi tiêm cho những người bị thương, và sau ba ngày, mủ thối biến mất và một lớp da đẹp bắt đầu hình thành.

Chú bé của tôi - y tá của tôi - có một ngôi nhà cạnh phòng khám bệnh. Chúng tôi làm việc cùng nhau và trung bình có 125 người đến khám mỗi ngày.

Đi tìm Subud

Patricia: Anh đã ở lại New Guinea bao lâu?

Wilbert: Tôi đến vào tháng 7 năm 1958 và ra đi vào năm 1971. Mười ba năm.

Patricia: Giai đoạn tiếp theo trong cuộc đời anh là gì?

Wilbert: Tôi rất thành công trong công việc. Đức Giám mục rất hài lòng về tôi. Nhưng ngay cả khi tôi thành công, tôi cảm thấy rằng bên trong tôi rất trống rỗng! Vô cùng trống rỗng! Tôi chưa từng nhận ra điều đó, cho đến một ngày tôi tưởng tượng mình 80 tuổi và cảm thấy sợ hãi. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi tám mươi tuổi và chỉ làm công việc này trong suốt ngần ấy năm? Sau đó, tôi nhận ra rằng tôi thực sự cảm thấy trống rỗng như thế nào!

Vào lúc đó, tôi đọc một cuốn sách nhỏ của Dietrich Bonhoffer, một mục sư Tin lành đã chết trong trại tập trung ở Đức. Có một câu đáng nhớ trong đó. 'Thay đổi là ân điển. Tình trạng trì hoãn là tội lỗi. Điều đó đã làm cho tôi nhận ra rõ ràng rằng tôi phải thay đổi. Nhưng thay đổi như thế nào và làm thế nào?

Không có ai để thố lộ về sự cô đơn, sự trống rỗng của tôi.

Cùng tháng đó, Bề trên dòng Francis từ Indonesia đến. Ngài hỏi, 'ai sẽ theo tôi về?'

Tôi là người đầu tiên lên tiếng. Tôi nói 'Tôi sẽ đi với Ngài!' Mọi người và đồng nghiệp của tôi nói 'Anh không thể làm điều đó'. Nhưng tôi đã quyết tâm và vì vậy tôi đã ra đi với Bề trên.

Thế nên, tôi đến Jakarta với Bề trên dòng Francis. Chúng tôi đến Jakarta lúc 11 giờ sáng. Đó là thời gian cà phê! Tôi ngồi uống cà phê, và sau đó tôi thấy tờ báo quốc gia của Indonesia, do các tu sĩ dòng Francis phân phát.

Tôi mở nó ra và thấy một bài báo nhỏ viết, hôm qua Tổng thống Indonesia đã khai mạc Đại hội Subud Thế giới. Ngay lập tức tôi cảm thấy, 'chính nó đây rồi. Nó là lý do tại sao tôi ở đây'.

Tôi không nói chuyện với các đồng nghiệp của mình, thay vào đó, tôi đi thẳng đến hai người giúp việc và hỏi họ Cilandak ở đâu, Cilandak đã được đề cập đến trong bài báo. Họ cho biết ở phía nam.

Tôi không nghỉ ngơi nữa. Tôi đi thẳng ra ngoài và hỏi người nào đó, 'Miền nam ở hướng nào?' Và được trả lời 'Ở cuối con đường này.' Đó là một con đường lớn dẫn đến Bandung.

Vì vậy, tôi đã đi cả ngày, cố gắng đi về hướng nam. Cũng phải đến sáu giờ tối. Cuối cùng tôi đã đến cuối Jakarta và hỏi một người 'Cilandak ở đâu vậy chị?' Cô ấy nói với tôi rằng tôi đã đi sai hướng nam. Tôi phải đi về phía tây!

Ngày hôm sau tôi bắt đầu từ đó. Một lần nữa tôi đi suốt cả ngày. Cuối cùng tôi đến Cilandak và thấy một doanh trại quân đội. Tôi đến gặp lính canh và hỏi, 'Đây có phải là Cilandak không? Đây có phải là Đại hội Subud Thế giới không?' Họ trả lời 'Đúng, đây là Cilandak, nhưng Đại hội Subud Thế giới cách đây rất xa!'

Thế là tôi quay trở lại.

Vào ngày thứ ba

Vào ngày thứ ba, tôi đến Wisma Subud.

Một trạm gác nhỏ ở đó, nơi các người gác cổng đang ngồi. Tôi nói ‘Tôi muốn biết thông tin về Subud.’ Họ nói ‘có tới 2000 người ở đây! Chúng tôi quá bận để một người như ông đến hỏi thông tin!'

Tôi thực sự tức giận, sau ba ngày tìm kiếm để được nghe như vậy! Tôi nói 'Tôi đã đến từ New Guinea!' Đia danh này xa lắc lơ đã tạo ra một chút ấn tượng.

Có một người đứng dậy đi và khi trở lại, anh ta nói ‘10 giờ sáng mai ông hãy quay lại và lúc đó sẽ có người ở đây, sẽ cung cấp cho ông thông tin về Subud.

Vì vậy, sáng hôm sau tôi đã gặp một chàng trai trẻ. Tôi có ấn tượng rằng anh ấy đang học kinh tế tại Đại học Bandung. Anh hỏi tôi nghe nói về Subud ở đâu. Tôi cảm thấy hơi bối rối khi phải nói với anh ấy rằng đó chỉ là thông tin trên báo. Anh ấy nói ngay rằng Subud rất tốt cho loại người đang mắc một số lỗi lầm nào đó. Điều này, điều kia và điều này… Anh ấy đã đề cập đến năm điều giống như dấu vân tay đạo đức của tôi!

Tôi hỏi anh ấy khi nào tôi có thể bắt đầu. Anh ấy nói với tôi tại một trường trung học Tin lành không xa tu viện của tôi, có latihan thứ Hai và thứ Năm và tôi cũng sẽ được chào đón ở Wisma Subud vào sáng Chủ nhật với tư cách là người đăng ký.
Vì vậy, tôi lập tức đi nộp đơn ghi danh cho cuộc tập kế vào thứ Hai… Thật rất là thú vị khi đi ghi danh. Bạn nhận được bánh đặc biệt và trà gừng ngon…

Phòng chờ dành cho người nộp đơn nằm ở cuối hành lang. Có một cầu thang tôi có thể nhìn thấy, từ nơi tôi đang ngồi đợi. Tôi thấy một bà già được một phụ nữ Nhật đưa lên lầu, và không hiểu sao tôi bắt đầu khóc. Khóc nhiều đến nỗi ướt cả áo. Vì vậy, cuối cùng tôi đã hỏi một người 'bà già đang đi lên cầu thang là ai vậy?' và người này nói 'đó là mẹ của Bapak.'

Tôi nghĩ mẹ của Bapak qua đời vào năm 1971 hay khoảng đó, sau khi tôi được khai mở. Sau tang lễ, một tiệc lớn được chúng tôi tổ chức để chia xẻ với Bapak rằng chúng tôi rất buồn về cái chết của mẹ Bapak.

Patricia: Anh chưa được gặp Bapak à?

Wilbert: Tôi nghĩ, vào lúc đó tôi cảm thấy ghét Bapak! Đó là một câu chuyện khác.

Mặc dù câu chuyện này rất thú vị. Khi chúng tôi đến quầy lễ tân trước nhà Bapak, có một hàng dài người xếp hàng. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với các hội viên Subud phương Tây và những hội viên Indonesia rất gần cận với Bapak. Trong khi chúng tôi đang xếp hàng chờ để được nói với Bapak chúng tôi xin lỗi Bapak, tôi chợt nhận ra tôi chẳng có lỗi gì cả, tôi buồn chứ không đau buồn gì cả! Trái lại tôi cảm thấy rất hạnh phúc!

Vì vậy, tôi nghĩ, "Tôi có thể nói gì đây, vì tôi sẽ không nói dối?" Rồi đến lượt tôi và tôi đứng trước mặt Bapak. Bapak cười thật tươi. Tôi gần như chúc mừng Bapak. Bapak đang đứng cười rạng rỡ, như thể Bapak biết mẹ mình vẫn đang sống hạnh phúc.

Sau khi Bapak đi lên lầu, tôi lại bắt đầu khóc - không phải chỉ một vài giọt nước mắt mà khóc rất nhiều đến nỗi áo của tôi lại ướt đẫm. Tôi đến gặp Rukmiwati Branting, một phụ nữ sống ở Wisma Subud, và hỏi việc khóc này có thể là gì? Rukmiwati cảm nhận, tôi xúc động không phải vì người mẹ mà bởi người con!

Lần đầu tiên tôi đến với Subud là trong Đại hội Thế giới vào tháng 8, và tôi được khai mở vào tháng 11.

Trích từ cuốn sách Conversations with Friends Phần 2 của Patricia Lacey. Cuốn sách hiện đã hết bản in.

 
 
   
  © 2023 Góc Nhỏ