Tập Latihan như thế nào để có được kết quả tốt đẹp?

Suryadi Mai Thế Sơn

Latihan trong Subud là một lối tu tập hoàn toàn khác hẳn với tất cả các loại pháp môn hoặc bất kỳ phương pháp tu tập nào khác từng có trong lịch sử loài người. Vì Latihan đơn thuần chỉ hoàn toàn là một sự tiếp nhận trực tiếp từ quyền năng của Thượng Đế Toàn Năng, chứ không phải là một phương pháp tu tập đến từ con người, như từ một vị thầy, một vị giáo chủ hay ngay cả từ một vị sứ giả Thượng Đế nào. Đó là lý do tại sao trong Subud không hề có giáo điều, quy luật hoặc bất kỳ phương pháp nào được quy định sẵn để các hội viên Subud phải học hỏi và đồng nhất thực hành theo. Đó cũng là lý do tại sao, sự tiếp nhận trong latihan thì hoàn toàn khác biệt cho từng một cá nhân. Sự tiếp nhận của mỗi người thì hoàn toàn khác nhau, vì tự nó phù hợp với bản chất của mỗi cá nhân, và tương xứng với  tình trạng cùng khả năng tiếp nhận từ nội ngã của mỗi cá nhân đó. Bapak đã lập đi lập lại rất nhiều lần trong các bài nói chuyện, rằng Latihan chính là Ân Huệ cực kỳ lớn lao mà Thượng Đế đã ban cho loài người trong lúc này. Đây cũng chính điều gọi là Thiên khải mà trong lịch sử của loài người hiện tại, chỉ có các đấng tiên tri hoặc hoặc các vị sứ giả của Thượng Đế mới được ban cho và tiếp nhận được. Và vì thế, chỉ khi nào chúng ta nhận biết và hiểu được Latihan là gì, thì mới nhận ra được chân giá trị từ Ân Sủng Vô Giá này từ Thượng Đế Toàn Năng, và khi đó chúng ta mới thực sự biết trân quý và nghiêm túc trong việc tiếp nhận và thực hành Latihan theo đúng thánh ý của Thượng Đế. Những giải thích và những lời khuyên từ  Bapak và Ibu trong các bài nói chuyện vì thế cũng thực sự rất quan trọng, vì đó là những giải thích và sự dẫn dắt từ Thượng Đế, để giúp cho chúng ta có thể hiểu và nhận chân ra được tầm quan trọng của ân huệ hiếm hoi này, cũng như để chứng thực chúng ta thực sự là những người cực kỳ may mắn đã nhận được ân huệ này.
 
Thượng Đế đã ban cho chúng ta ân huệ quý hiếm đó, phần còn lại là trách nhiệm của mỗi người chúng ta là có biết trân trọng và xử dụng ân huệ đó như thế nào để có thể mang lại lợi ích cho sự sống của chính mình ở thế gian này và sự sống nối tiếp ở thế giới bên kia.
 
Ân huệ đó đã đến với chúng ta qua sự khai mở, và rồi tiếp tục được duy trì và phát triển qua việc tập Latihan và việc áp dụng những điều tiếp nhận được từ Latihan vào mọi sinh hoạt và lối hành xử của mỗi người chúng ta trong cuộc sống. Vì thế một khi chúng ta chưa hiểu được những hướng dẫn của Bapak và Ibu để biết cách chuẩn bị thích hợp cho việc tập Latihan, cũng như làm sao để áp dụng những điều tiếp nhận được qua Latihan vào đời sống, thì chúng ta sẽ khó có thể có được những lợi ích đến từ Latihan để giúp cho mình thực sự được tẩy rửa tội lỗi hầu có thể thay đổi và tiến hóa trong cả hai lĩnh vực vật chất và tâm linh.
 
Suryadi xin được tóm lược một số những điểm chính từ những lời khuyên của Bapak và Ibu qua nhiều bài nói chuyện, để chúng ta có thể có được những hướng dẫn cần thiết, hầu có thể thực hành và áp dụng đúng đắn Ân Huệ Latihan. Điều này sẽ giúp cho chúng ta không bị lãng phí thời gian trong việc tu tập. Vì cơ hội để chúng ta có thể được tẩy rửa tội lỗi và thay đổi chính mình chỉ là trong thời gian ngắn ngủi còn sống trên cõi đời này. Vì Bapak cho biết, sau khi chết đi thì mọi sự như một cuốn sách đã đóng lại. Không còn gì có thể thay đổi được nữa. Những sai lầm hoặc những tội lỗi mà chúng ta gây ra sẽ còn đó mãi mãi, và mỗi người sẽ phải tự trả giá tương xứng cho những tội lỗi mà mình vô tình hay cố ý đã gây ra. Và đó chính là quy luật cho sự công bằng của sự sống từ Thượng Đế Toàn Năng, là đấng đã tạo ra sự sống và tạo vật trong và cả ngoài toàn thể vũ trụ này. Là Đấng mà quyền năng của Ngài đã bao trùm và xuyên thấu tất cả mọi sự hiện hữu thuộc thế giới vô hình hoặc hữu hình.

1- SỰ TRÂN QUÝ và LÒNG BIẾT ƠN

Một ân huệ hiển nhiên mà mỗi người chúng ta đều nhận được trong sự sống ở thế gian này, là sự yêu thương và lòng hy sinh nhận được từ cha mẹ mình, là những người đã sinh ra và nuôi dưỡng ta. Và mỗi người chúng ta đã biết biểu lộ sự trân quý và biết ơn điều này qua hành vi và lối cư xử hiếu thảo đối với cha mẹ mình. Và cha mẹ mình cũng như thế, cũng biết biểu lộ sự trân quý và biết ơn đó đối với ông bà mình v.v... Và nếu cứ tiếp tục như thế thì chúng ta sẽ trở về nguồn gốc đích thực của mình là từ Thượng Đế, là Đấng đã tạo ra mọi sự và ban cho chúng ta sự sống. Như vậy sự trân quý và biết ơn đối với Thượng Đế sẽ phải là một điều gì to lớn mà không gì có thể đo lường được so với sự trân quý và biết ơn mà chúng ta dành cho cha mẹ chúng ta.
 
Nếu nhận chân được điều này, thì sự trân quý và biết ơn đối với Thượng Đế sẽ phải được thể hiện qua việc chúng ta biết trân quý Ân Huệ Latihan, là món quà vô giá mà chúng ta đã nhận được từ Thượng Đế, và phải biết biểu lộ lòng biết ơn vô biên tới Thượng Đế Toàn Năng, bằng cách chỉ quy thuận và sùng bái một Đấng Thượng Đế Toàn Năng duy nhất và chỉ một Đấng này mà thôi. Vì thế, bao lâu mà chúng ta vẫn còn tiếp tục thờ phượng hoặc sùng bái các hình tượng, hoặc bất kỳ một Đấng nào ngoài Thượng Đế Toàn Năng, thì có nghĩa là chúng ta vẫn chưa tìm được đường về với Thượng Đế.
 
Sự trân quý Ân Huệ Latihan và lòng biết ơn tới Thượng Đế Toàn Năng chỉ có được khi nào chúng ta có thể biết thể hiện được qua hành động, đó là 'Biết áp dụng và thực hành việc tập Latihan theo đúng những hướng dẫn của Bapak và Ibu'.

2- SỰ CHÂN THÀNH và NGHIÊM TÚC

Sự trân quý Ân Huệ Latihan và lòng biết ơn tới Thượng Đế Toàn Năng được thể hiện qua sự chân thành và nghiêm túc trong việc tập Latihan. Có nghĩa là chúng ta phải biết tự kỷ luật để giữ việc tập Latihan luôn được đều đặn và đúng giờ theo Lịch Trình mà chúng ta đã định sẵn, cho hai lần hoặc ba lần mỗi tuần vào những giờ khắc nhất định. Trừ khi gặp trường hợp bất khả kháng khiến chúng ta phải dời lại và tập bù vào lần khác. Chúng ta vì thế không thể chỉ tập theo ngẫu hứng. Khi nào thích thì tập, khi nào có thời gian rảnh thì tập, hoặc khi nào thuận tiện không mưa nắng hoặc bận rộn thì mới tập.
 
Những điều ghi trên được Bapak lập lại trong nhiều bài nói chuyện. Sau đây là phần trích đoạn trong bài nói chuyện mã số <72 AKL 1> :
 
"Có thể nói rằng những cơ hội thuận tiện cho các anh chị em sùng bái Thượng Đế thì có rất nhiều. Nếu các anh chị em biết tận dụng những cơ hội này để sùng bái Thượng Đế, thì Thượng Đế cũng sẽ đáp ứng và dành cho các anh chị em rất nhiều sự lưu tâm. Điều này, thưa các anh chị em, chính là tại sao Bapak nói rằng Thượng Đế sẽ tưởng thưởng các anh chị em và sẽ ban ân huệ cho các anh chị em tương xứng vừa đúng với tầm cỡ của cấp độ những công đức của các anh chị em, cấp độ của những gì các anh chị em làm, cấp độ của việc các anh chị em sùng bái Thượng Đế Toàn Năng. Nếu các anh chị em chỉ sùng bái Thượng Đế theo kiểu ngẫu hứng, chỉ khi nào các anh chị em có thì giờ rảnh hoặc có cơ hội thuận tiện, thì Thượng Đế cũng sẽ đáp ứng giống như vậy với các anh chị em. Thương Đế cũng sẽ chỉ lưu ý tới các anh chị em khi nào Thượng Đế có thì giờ rảnh và cơ hội thuận tiện".
 

3- CHUẨN BỊ CHO VIệC TẬP LATIHAN

Latihan chỉ có thể tiếp nhận được tốt khi nào ảnh hưởng của Nafsu từ những sức mạnh hạ đẳng được giảm bớt hoặc làm cho suy yếu đi. Vì thế việc dọn mình hay chuẩn bị nội tâm cho mình trước khi tập Latihan thực sự rất là quan trọng. Vì chính việc chuẩn bị này, nếu được thực hiện đúng cách, sẽ tạo ra những điều kiện thích hợp và thuận tiện cho sự tiếp nhận.
 
Sau đây là phần trích đoạn lời giải thích của Ibu trong bài nói chuyện mã số <10 JOG 2> :
 
"Điều này đến từ kinh nghiệm, thưa các anh chị em. Ibu đã không hề học hỏi làm sao để làm điều này, không. Nó đến từ những kinh nghiệm mà Ibu đã làm Latihan. Vì thế, trước khi tập Latihan, chúng ta cần phải ở trong một trạng thái tươi mát và trong sạch. Đừng làm Latihan bởi vì các anh chị em đang buồn bã hoặc đau khổ. Hãy tự làm cho mình cảm thấy thoải mái hơn và trở nên yên tĩnh trước, rồi hãy làm Latihan. Được như thế thì Latihan của các anh chị em sẽ trở nên sinh động. Một Latihan sinh động có nghĩa là các anh chị em thực sự cảm thấy là mình đang được dẫn dắt trong Latihan, các anh chị em có thể cảm nhận được điều đó. Vâng, Ibu chắc chắn rằng các anh chị em đã trải nghiệm được điều đó. Nhưng đôi lúc khi các anh chị em tập Latihan, các anh chị em cảm thấy không thoải mái, nên chỉ tập một lúc rồi ngưng. Nhiều người đã làm điều đó. Điều đó không có nghĩa là lỗi của Thượng Đế bởi vì Thượng Đế đã lảng tránh anh chị em, hoàn toàn là không.  Chính các anh chị em mới là người đang lảng tránh Thượng Đế".
 
Thời gian Tịnh Tâm vì thế chính là giai đoạn quan trọng và cần thiết để chuẩn bị cho nội tâm của chúng ta được ở vào trạng thái thích hợp cho việc tiếp nhận Latihan. Thời gian tịnh tâm thường là từ 10 tới 15 phút. Tuy nhiên có thể gia giảm tùy theo thời điểm mà mình cảm nhận được tín hiệu sẵn sàng đến từ trong nội cảm.
Trong bài viết của nữ phụ tá Halimah Polk  (USA) trên Subudvoice số 120, tháng 11 năm 2021, cô có kể lại việc nghe được qua một phụ tá Nam Dương về lời khuyên của Ibu Hardiyati (Con gái của Bapak và là em của Ibu Rahayu) như sau, rằng Ibu đã so sánh việc chuẩn bị cho việc tập Latihan cũng tương tự như chuẩn bị nhà cửa của mình một cách chu đáo cho việc đón tiếp những người khách quí đặc biệt, và cho lời khuyên là:
 
"Trong lúc tịnh tâm, các anh chị em nên sửa soạn cho mình được tươm tất và sạch sẽ để tỏ sự tôn trọng đối với người khách quí, và rồi trong thời gian yên tịnh, hãy dọn dẹp căn nhà nội tâm của mình cho càng sạch sẽ gọn ghẽ càng tốt, bằng cách từ từ buông bỏ tất cả mọi tàn dư còn vướng mắc trong đời sống hàng ngày, chẳng hạn như những suy nghĩ và âu lo, mọi vấn đề khúc mắc, mọi ưu tư về sự thành công hay thất bại, hoặc những lo toan về các mối liên hệ gia đình v.v... Tất cả mọi sự đó phải được buông bỏ hoặc để qua một bên trong thời gian tịnh tâm".

Bapak cũng nói về những chuẩn bị cho việc tập Latihan liên hệ tới sự thư giãn và hay thả lỏng (RELAX) như sau:
 
"Trong thời gian tịng tâm, các anh chị em phải thư giãn hay thả lỏng thân, tâm và trí của mình khỏi mọi ham muốn về những thứ thuộc thế gian này, khỏi mọi ham muốn của mình để có một Latihan tốt, khỏi mọi ham muốn để có sự hạnh phúc, và ngay cả sự mong cầu để có thể được gần cận với Thượng Đế, cho tới khi nào trạng thái thư giãn này trở thành một khoảng hoàn toàn trống không, sẵn sàng chờ đợi để được lấp đầy".
 
Lời khuyên ở trên cho thấy, nội ngã của chúng ta cũng đơn giản như một bình chứa, lúc nào cũng bị lấp đầy bởi mọi dao động của Nafsu qua tâm và trí. Nay chúng ta phải biết giữ cho mình ở vào trạng thái quy thuận để có thể thả lỏng hoàn toàn cho những giao động đó lắng xuống, hầu tạo điều kiện có được khoảng trống cho sự tiếp nhận.

Và điều căn bản quan trọng là, những điều kể trên phải được thực hiện trong một trạng thái hoàn toàn Quy Thuận với một tấm lòng chân thành của sự kiên nhẫn, chấp nhận và buông bỏ. Ibu cũng khuyên, chúng ta cũng có thể hướng về Thượng Đế Toàn Năng và cầu nguyện xin giúp cho mình được ở trạng thái quy thuận.
 

4- BẮT ĐẦU LATIHAN

Trong thời gian tịnh tâm, khi tâm và trí đã thực sự được lắng xuống, nội cảm của chúng ta sẽ trở nên tĩnh lặng gần như trống không, và đây chính là tín hiệu cho sự sẵn sàng để tiếp nhận Latihan. 
 
Trong cuốn "Bapak trả lời cho các câu hỏi của hội viên", phần Latihan, Bapak cho biết khi chúng ta tập Latihan chung với hội viên khác, hoặc tập với nhóm, thì chúng ta nên bắt đầu Latihan cùng một lúc. Nếu có phụ tá phụ trách, thì nên chờ sau khi phụ tá nói câu "Bắt đầu Latihan (Begin)" thì mọi người hãy bắt đầu. Việc bắt đầu Latihan cùng một lúc sẽ giúp cho việc tập Latihan chung có sự hòa hợp và ổn định.
 
Khi bắt đầu Latihan, chúng ta nên đứng dậy trong tư thế thả lỏng, thay vì ngồi hoặc nằm, vì tư thế đứng sẽ giúp cho toàn thân dễ dàng thả lỏng và chuyển động. Và trong tư thế thả lỏng này, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc hình thành trong tâm thức một ý nguyện với chủ đích muốn được quy thuận Thượng Đế Toàn Năng, rồi ý thức việc duy trì tình trạng của sự nối kết với quyền năng của Thượng Đế, trong khi chờ đợi sự khởi động của Latihan. Việc làm một ý nguyện với chủ đích muốn được quy thuận Thượng Đế Toàn Năng thực rất quan trọng, vì tình trạng nội ngã của chúng ta thực sự vẫn còn rất non nớt, và luôn luôn dễ dàng bị tác động và chi phối bởi các Nafsu, lúc nào cũng chực chờ sẵn ở trong tâm trí của chúng ta, và chỉ trong khoảnh khắc chúng ta lơ là việc duy trì tình trạng nối kết với quyền năng Thượng Đế, thì chúng ta sẽ tức khắc bị lôi cuốn vào vòng ảnh hưởng và chi phối bởi các loại Nafsu. Vì thế nếu chúng ta không ý thức được điều này, thì sự tiếp nhận trong Latihan có thể đến từ Nafsu, thay vì từ quyền năng của Thượng Đế. Việc có một Ý Nguyện trước, là để hướng sự quy thuận của mình tới Thượng Đế và tạo sự kết nối nội ngã của mình với quyền năng của Thượng Đế cho sự tiếp nhận.
             
Trong bài nói chuyện của Bapak mã số <71 TJK 15>, Bapak có giải thích sự cần thiết phải khởi đầu Latihan bằng một ý nguyện với chủ đích như sau:
             
"Và giờ thì Ân Huệ đã tới, đã được ban xuống cho tất cả các anh chị em. Kết quả là, nó thực quá dễ dàng, chỉ cần ngay khi các anh chị em đứng dậy, 'ngeeeeeee...[Bapak nhái giọng âm thanh từ Latihan của hội viên]. Ngay khi các anh chị em vừa đứng lên, thì 'Click', mọi sự diễn ra một cách tự nhiên. Ngay cả khi trước khi Bapak nói 'Relax', thì các anh chị em đã bắt đầu 'ngeeeeeeeg' [Bapak nhái giọng âm thanh từ Latihan của hội viên]. Bapak phải nói với các anh chị em là, đừng có bắt đầu liền. Bapak chưa nói xong chữ 'Begin (Bắt đầu)', thì tại sao các anh chị em đã làm cử động đi lại?' Mình chỉ cử động khi nào mình được đòi hỏi làm cử động. Bởi vì, trong tất cả những gì các anh chị em làm, các anh chị em trước hết cần phải bắt đầu bằng một ý nguyện với chủ đích.

Vâng, nó quan trọng để có thể khóc. Nhưng chỉ khóc nếu các anh chị em cần phải khóc. Nếu các anh chị em khóc khi không cần thiết hay là tự nói với mình khi không được đòi hỏi; nếu các anh chị em đi tới Pasar Baru, rồi các anh chị em tự nhiên cười một cách vô cớ, 'hahahaha'. [Bapak  nhái giọng của một người đang cười một cách không cần thiết]. Rồi chuyện gì xảy ra đây?  Mọi người sẽ cười các anh chị em.

Vì thế, các anh chị em phải hiểu sự quan trọng của việc làm một ý nguyện với chủ đích. Chẳng hạn như khi người ta cầu nguyện trong Hồi Giáo, đầu tiên họ nói lên ý nguyện với chủ đích: 'Tôi bằng cách này thực hiện nghi thức cầu nguyện...' Ấy chết tôi quên, tôi đã không nói rõ là nghi thức cầu nguyện nào. 'Tôi bằng cách này thực hiện nghi thức cầu nguyện buổi trưa với bốn chu kỳ vì sự sáng danh của Allah.' Rồi chỉ sau đó mới bắt đầu nghi thức cầu nguyện bằng sự xướng danh Allahu Akbar hay Thượng Đế Vĩ Đại. Đó chính là việc làm một ý nguyện với chủ đích".
 
Việc làm một ý nguyện với chủ đích là để giúp cho chúng ta tự xác định được phương hướng và mục đích của sự quy thuận là chỉ để hướng tới Thượng Đế Toàn Năng (tức là hướng tới sự sống đang có ở trong nội ngã của chúng ta), để chúng ta có thể ý thức và duy trì được tình trạng này trong suốt thời gian tiếp nhận. Vì nếu không, chúng ta sẽ rất dễ bị cuốn trôi vào dòng xoáy của Nafsu.
 
Trong bài nói chuyện của Bapak mã số <80 CDK 14>, Bapak có giải thích thêm về phương hướng  của sự quy thuận như sau:
 
"Nhưng điểm then chốt là, sự quy thuận mà không có phương hướng thì không có hiệu quả.
 Nếu chúng ta không biết phương hướng mà chúng ta nên quy thuận tới, hay là giả sử chúng ta quy thuận tới cái gì, thì sự trống không của trạng thái quy thuận có thể được lấp đầy tức khắc bởi Nafsu. Trạng thái quy thuận là một khoảng trống rất rộng, bất kỳ điều gì cũng có thể lấp đầy nó.
Đó là tại sao chúng ta không nên tiếp nhận vào ngay khoảnh khắc mà chúng ta quy thuận. Những gì mà chúng ta phải cảm nhận là từ cái phương hướng mà chúng ta quy thuận".

Trong bài nói chuyện của Ibu mã số <06 SYD 2>, Ibu có giải thích cụ thể hơn về điều này và cho biết đây chính là một kỹ thuật cho việc làm Latihan như sau:
 
"Thưa các anh chị em, chúng ta tất cả đều biết và kinh nghiệm được rằng bên trong mỗi chúng ta có thể tìm thấy phần con người thực của mình, cái 'Chân Ngã' của mình (Còn gọi là Nội Ngã). Đó là tại sao, sau khi được khai mở hay khi chúng ta làm Latihan, thì cái phần hoạt động tronh Latihan lúc đó chính là cái 'Tôi Thật' ở bên trong các anh chị em. Nhưng đôi khi chúng ta đã quên điều đó, hay là chúng ta đã thất bại trong việc tạo điều kiện khả thi cho sự hoạt động của cái phần 'Tôi Thật' của mình, cái 'Tôi' đã được chứa đựng phần quyền năng của Thượng Đế Toàn Năng.

Tại sao chúng ta quên điều đó? Bởi vì chúng ta sống trong thế giới này, chúng ta đã bị vướng mắc sâu đậm với vật chất. Mặc dù chúng ta có phần này ở bên trong mình, mặc dù cái 'Tôi Thật' này có ở đó, nhưng nó hiện hữu trong một vỏ bọc vật chất trong một thế giới vật chất. Đó là tại sao, nếu chúng ta không cẩn thận hay chúng ta không yêu quý cái 'Tôi Thật' mà chúng ta có ở trong mình, chúng ta sẽ rất dễ bị cắt rời khỏi nó do bởi những ảnh hưởng tác động để làm suy yếu sự nối kết mà chúng ta có với phần quyền năng của Thượng Đế đang hiện hữu ở bên trong chúng ta.

Vì lý do đó, nếu chúng ta không muốn quên điều tại sao chúng ta có mặt ở thế giới này, chúng ta phải tự kỷ luật chính mình để làm Latihan theo một lịch trình đều đặn. Và khi các anh chị em làm Latihan, thì từ  trong nội tâm hãy cầu xin Thượng Đế  dẫn dắt mình trong Latihan. Nó là điều cần thiết mà các anh chị em phải làm để các anh chị em sẽ có thể thực sự cảm nhận được sự nối kết với phần 'Chân Ngã' của mình, cái mà Ibu vừa mới nói chính là cái 'Tôi Thật' - và phần quyền năng của Thượng Đế.

Đây là những gì Ibu có ý nói khi Ibu nói rằng các anh chị em nên thực xử dụng Latihan của mình, hay là cảm nhận Latihan của mình. Nếu các anh chị em thực hiện được điều đó thì cái Latihan của mình sẽ không phải là không có giá trị. Thực ra các anh chị em cần cái Latihan xuất phát từ cái Chân Ngã của mình, và bằng cách đó các anh chị em sẽ cảm thấy có sự nối kết trở lại. Sự nối kết mà các anh chị em đã cảm nhận được lúc được khai mở, nhưng sau khi tập Latihan một thời gian dài, các anh chị em lại nghĩ rằng sự nối kết đó không còn nữa. Có một số hội viên còn cảm thấy, 'Thượng Đế đã rời bỏ mình' hay các anh chị em cảm thấy không còn nhận được những dẫn dắt nào từ bên trong mình nữa.

Đó là vì sao các anh chị em cần phải thực hiện cái điều được gọi ở Nam Dương là làm một ý nguyện với chủ đích. Làm một ý nguyện với chủ đích là gì? Làm một ý nguyện với chủ đích nghĩa là trước khi chúng ta làm một điều gì đó chúng ta phải có một thái độ của sự mong muốn về ý định muốn làm điều đó và chúng ta ở thế sẵn sàng buông bỏ để đi tới - nếu các anh chị em thực hiện được điều đó Thượng Đế sẽ hiện diện ở đó, các anh chị em sẽ cảm nhận được quyền năng của Thượng Đế trỗi dậy ở bên trong mình. Chứ còn nếu các anh chị em không cầu xin điều đó, thì dĩ nhiên các anh chị em sẽ không cảm nhận thấy điều đó.

Điều này, thưa các anh chị em, chính là kỹ thuật hay là phương cách làm Latihan. Những gì Ibu đang nói với các anh chị em ở đây thì không chỉ là sự giải thích mà các anh chị em phải nghe theo, nhưng các anh chị em phải thực hành những gì mà các anh chị em đã nhận được cho tới lúc này, để các anh chị em có thể tự thuyết phục chính mình và nhận ra rằng cái Latihan mà các anh chị em tập, cái Subud, thì thực sự chính là con đường cho các anh chị em  sùng bái Thượng Đế và cho các anh chị em trở về với Thượng Đế".
 
Ở một trích đoạn sau đó, Ibu có nói rõ hơn về sự quan trọng của việc tiếp cận với quyền năng của Thượng Đế qua chính cái Chân Ngã hay cái Tôi Thật của mình:
 
"Và, như Ibu đã nói trước đó, các anh chị em cần phải yêu quý chính mình. Yêu quý chính mình nghĩa là các anh chị em nên không bao giờ quên cái Phần của mình mà mình yêu quý; mà hơn thế nữa, các anh chị em nên cố gắng gần cận với nó, để rồi cuối cùng sẽ không còn một khoảng cách nào giữa các anh chị em vào cái Phần hiện đang sống ở trong mình.

Và nếu các anh chị em hỏi, 'Làm sao tôi làm được điều đó?' Khi các anh chị em làm Latihan thì các anh chị em cần phải hướng về phần Chân Ngã của mình cái mà Ibu đã nói trước đó, có nghĩa là qua sự quy thuận tới Thượng Đế. Sau khi các anh chị em đã gạt được qua một bên hay là tự tách rời được chính mình khỏi các Nafsu những thứ mà luôn luôn đi kèm với mình, thì các anh chị em sẽ cảm nhận được việc chúng ta gần cận với quyền năng của Thượng Đế ra sao.

Và các anh chị em có thể cảm thấy được điều này và nhận ra trạng thái này một khi trong lúc làm Latihan mà các anh chị em cảm thấy nhẹ nhàng, các anh chị em cảm thấy hạnh phúc, và cảm thấy được xa rời khỏi những sức mạnh vẫn đeo đuổi mình. Những cảm xúc có được sẽ là như thế, đó là cái được gọi là cảm xúc của sự cực lạc (Bliss) khi tập Latihan. Nó là cảm xúc của sự cực lạc bởi vì khi đó các anh chị em hoàn toàn không còn bị chi phối bởi bất kỳ điều gì nữa, nó cũng giống như là các anh khi em đang được đưa vào một trạng thái mà các anh chị em cần có, để các anh chị em có thể chứng thực được sự vĩ đại của Thượng Đế".

Trong bài nói chuyện của Ibu mã số <60 SUB 1>, Ibu có giải thích rõ hơn về lý do tại sao chúng ta cần có Lời Cầu Nguyện (như một ý nguyện với chủ đích), để giúp hướng sự quy thuận và tiếp nhận của mình tới Thượng Đế Toàn Năng trước khi bắt đầu Latihan:
 
"Vấn đề ở đây là các anh chị em thường thì xa cách với linh hồn (Nội Ngã) của mình và gần cận hơn với những sức mạnh hạ đẳng - những Nafsu của mình. Nafsu của các anh chị em thì còn đầy quyền lực và luôn muốn chiếm ở thế thượng phong. Thành ra nếu các anh chị em không đủ lưu ý và để mình tự  xa cách khỏi Thượng Đế, thì linh hồn của anh chị em sẽ xa cách anh chị em. Nó sẽ xa rời các anh chị em.

Vì thế, lời khuyên của Ibu cho các anh chị em là trước khi bắt đầu Latihan, hãy cầu nguyện Thượng Đế để được dẫn dắt bởi Thượng Đế  (Kính xin Thượng Đế Toàn Năng giúp đỡ và dẫn dắt Latihan của chúng con)".

5- TIẾP NHẬN LATIHAN

Sau khi chúng ta đã làm ý nguyện với chủ đích, hay là đọc lời cầu nguyện, có nghĩa là chúng ta đã đặt mình ở vào trạng thái nối kết với quyền năng của Thượng Đế qua chính nội ngã của mình. Và từ đó bắt đầu phải cố gắng luôn ở vào tình trạng cảnh giác này để ý thức và cảm nhận được sự hiện diện của quyền năng Thượng Đế qua những tiếp nhận từ Latihan. Tình trạng cảnh giác này phải được tiếp tục duy trì trong suốt thời gian tiếp nhận Latihan, để giúp cho mình không bị cuốn vào vòng xoáy của Nafsu qua tâm và trí.
 
Trong bài nói chuyện của Bapak mã số <70 PER 1>, Bapak có giải thích như sau:
 
"Thưa các anh chị em, cái trắc nghiệm mà Bapak vừa làm với các anh chị em đã cho các anh chị em bằng chứng về việc sự tiếp nhận Latihan của các anh chị em được tới đâu và hiệu quả ra sao. Để giải thích rõ hơn: Mỗi lần các anh chị em tiếp nhận và làm Latihan, các anh chị em đã làm việc đó mà không có sự liên tục của sự nhận thức và quy thuận tới Thượng Đế. Vì lý do đó, có thể nói rằng Latihan mà các anh chị em tiếp nhận và thực hành đã không được lợi lộc lắm cho các anh chị em.

Ý định của Thượng Đế là, khi các anh chị em tiếp nhận Latihan, các anh chị em phải cố gắng cảm nhận sự hiện diện của quyền năng Thượng Đế ở trong mình. Quyền năng của Thượng Đế hiện diện trong các anh chị em - chính là phần đã làm cho khả thi việc các anh chị em tiếp nhận được và làm Latihan - và đó cũng là một dạng hướng dẫn mà con người đã tìm kiếm kể từ khi nhân loại hiện hữu cho tới bây giờ. Đây cũng chính là đường lối hay nền tảng cho các bậc sứ giả của Thượng Đế và các đấng tiên tri, những người đã sống từ thời xa xưa. Với chỉ một phần này không thôi, các đấng tiên tri và con người sống trong thời cổ đại đã có thể tiếp nhận và thanh lọc tất cả tội lỗi của mình từ nội cảm của họ.

Vì lý do đó, Bapak mong cầu các anh chị em hãy làm Latihan một cách chuyên cần và thực sự là kiên nhẫn, với lòng chấp nhận và sẵn sàng buông bỏ. Nó là con đường duy nhất cho các anh chị em để tiếp nhận được một tiến trình trật tự cho sự tẩy rửa và phát triển của phần linh hồn con người thực sự (Linh hồn Rohani) đã được cài đặt ở trong các anh chị em. Điều này chính là thánh Ý của Thượng Đế cho tất cả các anh chị em, phù hợp với những gì biểu hiện ở bên trong các anh chị em, cái được gọi là, Latihan".
 
Trong bài nói chuyện của Bapak mã số <80 CDK 14>, Bapak có giải thích một điều rất quan trọng về việc, sau khi quy thuận thì chúng ta phải làm sao trong sự tiếp nhận:
 
"Và thực ra đây là điều mọi người thường thắc mắc: "Một khi tôi đã quy thuận Thượng Đế, thì rồi sao nữa?" Các phụ tá đôi khi trả lời, "Sau đó, thì mọi sự tùy ở quyền năng của Thượng Đế". Nhưng điều đó không đúng. Bởi vì sau khi các anh chị em quy thuận Thượng Đế chuyện gì xảy ra kế tiếp là nó tùy thuộc vào các anh chị em. Ngay vào khoảnh khắc các anh chị em quy thuận câu hỏi sẽ là, "Có gì hiện diện ở trong sự quy thuận của các anh chị em?". Đây chính là lúc các anh chị em phải thực sự chú tâm lưu ý  về những gì các anh chị em đang tiếp nhận. Các anh chị em có thể tiếp nhận được điều đó hay không? Các anh chị em có thể tiếp nhận được nội dung của sự quy thuận của các anh chị em hay không? Câu trả lời là tùy thuộc vào các anh chị em".
 
Trong bài nói chuyện của Ibu mã số <10 JOG 2>, Ibu có giải thích thêm về việc cảm nhận được quyền năng của Thượng Đế qua những cảm xúc có được trong Latihan:
 
"Vâng, đây là nói về việc làm Latihan như thế nào. Thực ra không có gì là nhàm chán trong việc tập Latihan, tuy nhiên một vài người trong anh chị em đã cảm thấy nhàm chán, 'Tại sao tôi cứ làm mãi điều này? Tôi đã tập Latihan hằng 50 năm rồi, nhưng mà những cánh tay của tôi cứ chỉ cử động mãi giống như thế này?' Lý do là các anh chị em đã không để ý tới những cảm xúc khác nhau trong mỗi cử động của mình làm, hay trong bất kỳ những gì các anh chị em làm trong Latihan. Ngay cả khi các anh chị em cử động cánh tay, các anh chị em sẽ trải nghiệm được những cảm xúc khác nhau trong những cử động khác nhau của cánh tay. Chẳng hạn như, khi các anh chị em ăn, cảm xúc thì khác với khi các anh chị em viết, đó là những cảm xúc khác biệt. Vâng là thế đấy, rồi các anh chị em sẽ có thể tự nhủ thầm rằng, 'Ồ, tôi nên viết với cảm xúc như thế này; tôi nên ăn với cảm xúc như thế kia'. Nếu các anh chị em thực hiện điều đó, thì những gì các anh chị em ăn sẽ là ý muốn của Thượng Đế, và những gì các anh chị em viết sẽ là ý muốn của Thượng Đế. Vì thế, đừng lẫn lộn những điều này".
 
Ibu cũng lập lại những giải thích tương tự trong lá thư viết từ Pamulang, ngày16/10/2016, gửi cho Hội Nghị Tâm Linh Quốc Gia của Subud tại Oslo, thủ đô của Norway. Trong đó, Ibu giải thích tầm quan trọng trong việc cảm nhận sự hướng dẫn của Thượng Đế qua những cảm xúc có được trong những cử động của Latihan:
 
"Chúng ta không nên chỉ nhận biết những cử động, mà cũng phải lưu ý tới phần cảm xúc có được trong những cử động này. Để rồi chúng ta cần phải có lại được những cảm xúc giống như vậy trong những việc chúng ta hành xử hay trong phong cách chúng ta nói năng ra sao trong đời sống hằng ngày. Một khi những cơ phận của thân thể chúng ta đã sống lại, và chúng ta hành động có sự đồng hành của những cảm xúc đó, thì nó có nghĩa, như ý của Thượng Đế, rằng những gì chúng ta làm thì gần cận với linh hồn của mình và chúng ta đang làm theo thánh ý của Thượng Đế".
 
Những giải thích của Bapak và Ibu ở trên cho thấy, việc duy trì tình trạng cảnh giác để có thể ý thức và nhận biết được quyền năng của Thượng Đế qua những cử động và cảm xúc trong Latihan thì rất là quan trọng. Vì điều đó giúp cho chúng ta tạo được sự nối kết với quyền năng của Thượng Đế, nhờ thế Latihan của chúng ta trở nên sinh động. Khi đó chúng ta sẽ trở thành một với những cử động và những cảm xúc tiếp nhận được. Từ đó chúng ta sẽ có thể ý thức và cảm nhận được mọi sự diễn tiến trong Latihan, và là mình đang được quyền năng của Thượng Đế hướng dẫn trong mọi sự như là: cánh tay của mình đang được đưa lên, đôi chân của mình đang được bước đi, nhận thức được những âm thanh của mình đang nói, đang hát v.v... và rồi cảm nhận được cả những cảm xúc đang có trong nội tâm của mình.
 
Trong bài nói chuyện của Bapak mã số <63 LIM 1>, Bapak có giải thích một điều thường xảy ra trong lúc tiếp nhận Latihan liên hệ tới hoạt động của tâm và trí như sau:
 
"Và đôi lúc trong Latihan của các anh chị em, nếu vẫn có sự hoạt động của trí nghĩ và tâm của mình vẫn còn để ý tới những điều mình biết hoặc đã nghe qua, thì không cần thiết phải lo lắng. Các anh chị em không cần kềm chế chuyện đó. Cứ để kệ nó. Bởi vì sự vận hành tự nó là như thế: Với sự trỗi dậy của nguồn sóng rung của sự sống mà các anh chị em đã tiếp nhận, thì phần tâm và trí vẫn tự hoạt động trong phạm vi của mình. Cuối cùng thì những hoạt động đó sẽ tự nó ngưng lại, với điều kiện là nội cảm của các anh chị em đừng để cuốn vào những hoạt động đó".
 
Lời giải thích của Bapak ở trên một lần nữa cho thấy, việc duy trì được tình trạng cảnh giác để ý thức và cảm nhận được sự hiện diện của quyền năng Thượng Đế sẽ giúp cho chúng ta không để bị cuốn vào hoạt động của tâm và trí, mà chỉ chú ý tới việc cảm nhận những cử động hoặc các cảm xúc đang tiếp nhận được trong Latihan.
 
Trong bài nói chuyện của Ibu mã số <12 CDK 3>, Ibu cho biết có một số hội viên hỏi Ibu về cách làm sao để làm ngưng sự suy nghĩ trong khi tập, vì Latihan của họ cứ bị làm sáo trộn bởi hoạt động của trí nghĩ. Ibu có cho lời khuyên như sau:
 
"Thanh âm có thể giúp làm ngưng ý nghĩ của các anh chị em. Thế thì làm cách nào để cho thanh âm của các anh chị em hoạt động, hay là làm sao để nó được phát ra? Các anh chị em đã có Latihan. Thực ra một khi các anh chị em đã được khai mở, các anh chị em có thể điều khiển cơ thể của mình. Vì thế, trong trường hợp đó hãy dùng thanh âm của mình để trợ giúp Latihan của mình. Chẳng hạn như, [hãy tự nói với mình] 'Thanh âm của tôi ở đâu?' Khi tập Latihan mà được đồng hành bởi thanh âm của mình, các anh chị em sẽ thấy nó dễ dàng hơn, như Ibu vừa nói, để trợ giúp sự hô hấp của mình. Và điều này sẽ tạo ra một lực có thể đẩy lùi những ý nghĩ đang tới".
 
Còn một điểm quan trọng khác nữa liên quan tới sự khác biệt giữa việc 'Tự tập Latihan một mình' và 'Tập Latihan với nhóm':
 
Trong bài nói chuyện của Bapak mã số <63 BCL 6> với trích đoạn câu trả lời của Bapak được đăng trong cuốn 'Lời khuyên và hướng dẫn của Bapak cho các phụ tá', phiên bản 1988 / Trang 78, về việc 'Tự tập Latihan một mình' của những hội viên cô lập không thuộc nhóm:
 
"Nó rất là quan trọng để các phụ tá cho lời khuyên hầu tránh trường hợp này xảy ra, bởi vì điều này chỉ áp dụng cho những hội viên sống ở khoảng cách được công nhận là xa với nhóm, và cho những người không thể nào luôn luôn tham dự tập Latihan với nhóm. Họ có thể tự tập Latihan một mình và không cần phải tới nhóm với điều kiện Latihan của họ phải được làm vào cùng thời gian của nhóm, nói cách khác, nếu nhóm tập Latihan vào Thứ Hai và Thứ Năm, thì những người sống ở quá xa cũng có thể tập vào cùng giờ ngày Thứ Hai và Thứ Năm. Tập như vậy vào cùng thời gian, thì họ được kết nối với nhau và Latihan của họ có thể hoạt động tốt".
 
Như vậy, việc tập Latihan một mình chỉ dành cho trường hợp bất khả kháng. Còn nếu không, việc 'Không tập Latihan với nhóm' có thể rơi vào trường hợp sau đây, theo như giải thích của Bapak trong bài nói chuyện mã số <77 MEX 3> cũng trong cuốn 'Lời khuyên và hướng dẫn của Bapak cho các phụ tá', phiên bản 1988 / Trang 78:
 
"Người mà biết trân quý Latihan, mặc dù rằng, hãy cho là, họ không tập Latihan với nhóm, nhưng bao lâu họ biết trân quý Latihan và chấp nhận quyền năng của Thượng Đế Toàn Năng, thì Thượng Đế cũng sẽ luôn luôn hướng dẫn và đồng hành với họ. Bapak chỉ có thể biết biểu tỏ lòng hy vọng rằng các anh chị em sẽ không tự tách mình ra khỏi các huynh tỷ đệ của mình.

Thực ra, nếu các anh chị em quyết định làm điều đó, thì các anh chị em thực sự chỉ đã nhượng bộ và tuân theo ý muốn của sức mạnh vật chất hay Satan và cả sức mạnh thú vật. Nói một cách khác, các anh chị em đang tự mình quy phục sự chi phối đến từ chính Nafsu của mình".
 
Trong bài nói chuyện của Ibu mã số <10 JOG 2>, Ibu cũng nói về sự khác biệt giữa việc tập Latihan với nhóm và việc tự tập Latihan một mình như sau:
 
"Tại sao tất cả chúng ta cần tập Latihan chung với nhau? Tập Latihan chung với nhau sẽ phát sinh một năng lượng nó khác với khi tự tập Latihan một mình. Đó là vì sao  chúng ta được khuyến cáo việc tập Latihan chung với nhau.

Việc chỉ tự tập Latihan ở nhà thì không đủ, bởi vì con người thì yếu đuối. Như Ibu vừa mới nói, chúng ta cần phải tự kỷ luật trong bất kỳ những gì chúng ta làm. Vâng, chúng ta đã được dạy việc tự kỷ luật hay là chúng ta cũng đã thực hành từ lâu việc tự kỷ luật trong các tôn giáo. Tại sao các tôn giáo cần điều lệ? Chúng ta cần điều lệ một phần là để tự kỷ luật chính mình để chắc chắn rằng chúng ta sẽ thực hành nghĩa vụ của chúng ta như đã được đề ra ở trong tôn giáo. Nhưng chúng ta không có điều lệ ở trong Subud. Các anh chị em tự đặt ra điều lệ cho chính mình". 
 
Cái năng lượng phát ra từ việc tập Latihan chungvới nhau, như Ibu nói ở trên, được chứng thực bởi các hội viên Subud có dịp tập Latihan chungtrong những kỳ Hội Nghị Subud. Nhất là trong các Hội Nghị Subud Thế Giới. Khi mà số hội viên tập Latihan cùng lúc lên đến vài trăm hay cả ngàn người. Năng lượng Latihan thực sự rất mạnh so với những lúc tập Latihan một mình hoặc là chỉ có vài người.

6- CHẤM DỨT LATIHAN

Thời gian tập Latihan trung bình kéo dài khoảng 30 phút, và sẽ tự động chấm dứt. Nếu tập chung với nhóm, thì chúng ta nên ngưng Latihan ngay sau khi nghe lời xướng của phụ tá "Chấm dứt Latihan (Finish)", để duy trì sự hòa hợp và ổn định giống như lúc bắt đầu Latihan.
Sau khi ngừng Latihan, chúng ta nên duy trì tình trạng Nội Cảm của mình trong sự yên tĩnh và lắng đọng để cảm nhận được sự chuyển tiếp từ trạng thái Latihan sang trạng thái bình thường thuộc lĩnh vực của Tâm và Trí. Sự nhận thức trong cảm nhận này sẽ từ từ giúp cho chúng ta phân biệt được hai trạng thái khác nhau của Nội Cảm: Một trạng thái của Nội Cảm khi có sự đồng hành của quyền năng Thượng Đế, và một trạng thái của Nội Cảm khi không có sự đồng hành của quyền năng Thượng Đế. Và chính trạng thái Thứ Nhất này là trạng thái mà chúng ta luôn luôn cần phải có trong việc áp dụng Latihan vào đời sống.

***
 
Tóm lại, việc tập Latihan và thực hành Latihan trong đời sống chính là nền tảng và phương tiện giúp cho mỗi người trong chúng ta có thể được thay đổi và tiến hóa để trở thành con người thực sự, Con Người Hoàn Toàn theo ý muốn của Thượng Đế. Vì thế lời khuyên căn bản và quan trọng mà Bapak thường lập đi lập lại hầu như trong mỗi bài nói chuyện vẫn là: 
 
"Hãy tập Latihan chuyên cần với lòng kiên nhẫn, chấp nhận và sẵn sàng buông bỏ, và lúc nào cũng phải giữ cho mình luôn luôn có một nội cảm lấp đầy với sự quy thuận và lòng tin tưởng chân thành tuyệt đối vào quyền năng vô biên của Thượng Đế Toàn Năng".

Suryadi Mai
California, January 5th. 2022


Dạng pdf bài này được để trong góc Bapak

 
 
   
  © 2023 Góc Nhỏ