Những con cái của con cái chúng ta

Minh Thần dịch

 
 

(Dịch từ The Jiwa Jive của Maurice Baker)

 
   
   

Tất cả chúng ta đều khác nhau. Có những đứa trẻ được lợi nhờ một đường lối giáo dục khắt khe, những đứa khác thì nhờ một đường lối phóng khoáng. Nếu các bố mẹ hỏi tôi về trường học nào thích hợp cho con mình, tôi luôn nói là phải xem xét những nhu cầu thay vì những tham vọng của nó – chỗ mạnh và chỗ yếu vân vân. Một trường học ’tốt’ cho một đứa trẻ này có thể là ’xấu’ cho một đứa khác.

Tất nhiên, các bố mẹ Subud có lợi thế là có thể làm trắc nghiệm cho con mình về cơ hội tiến thân và học hành của nó – nếu trắc nghiệm không bị cảm xúc và thành kiến xen vào. Nhưng điều này thì không dễ dàng với chính gia đình mình.

Một nhận xét khác là chính Subud. Có điều gì chúng ta có thể làm để khuyến khích cho con cháu mình được khai mở và tập latihan? Thậm chí, chúng ta có nên thử? Trường hợp tôi với 2 cô con gái và 3 cậu cháu trai thì mọi người trừ một đứa duy nhất đều vào Subud, nhưng tiếp tục đi tập thì không được bao lâu. Khi chúng còn trẻ, chúng ta mong cho chúng thành những hội viên như chính mình – có lẽ sẽ tự nhiên là như vậy. Trong những năm 1970 và 1980 chúng tôi đi dự những trại hè trong đó chúng kết thân với nhiều đứa khác, và đó là một thời kì huy hoàng. Những sự kết thân đó được duy trì trong nhiều năm. Tuy thế, như tôi đã nói, không còn đứa nào còn trong Subud. Có lẽ (đây chỉ là một sự phỏng đoán) chúng đã tận mắt nhìn thấy các hội viên Subud khi chúng lớn lên, và nhận thấy tuy đã tập hàng trăm cái latihan chúng vẫn là những người như mọi người, nên có thể sống mà không cần có latihan?

Tất nhiên, những mong ước tốt đẹp của tôi đã tan thành mây khói – một lâu đài nhỏ bé thần tiên của Subud biến thành cát bụi – không chỉ cho con cái mình, mà còn cho những học trò mà tôi đã dạy học trong nhiều năm. Tình cờ nghề nghiệp là giáo viên của tôi không do sự lựa chọn của mình, mả do kết quả của trắc nghiệm, điều tôi luôn cảm thấy là ’đúng’, và ngay cả cho tới nay, tuy đã về hưu, tôi vẫn còn nằm mơ thấy mình dạy học.

Theo tôi nghĩ, chính điều này mới là hệ trọng: tìm thấy thiên hướng tâm linh và cảm xúc mình, và tôi mong là trong đó có cả Subud. Nếu không được thì chỉ việc yêu thương con cái mình.

Dù sao, tu tập theo latihan không là một sự lựa chọn dễ dàng, và cũng không là cho mọi người. Theo ý tôi, điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể mong ước, với tư cách cha mẹ hay nhà giáo dục, là làm cho cái viễn tượng không tốn một đồng xu nào của Bapak cho thế giới thành thực tại. Tuy điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra trong cuộc đời chúng ta, nhưng có thể trong cuộc đời của những ai đến sau. Hy vọng là những hạt giống gieo xuống hiện nay sẽ thu hái được thành quả tới một lúc nào đó của những thế hệ tiếp theo – có lẽ là của con cái, con cái, con cái, con cái mình?

 
 
   
  © 2022 Góc Nhỏ