Tích cực tiếp cận tuổi già

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 



Harris Smart

Thiên hạ nói rằng ta có thể chuẩn bị cho lúc chết, nhưng lại không thể chuẩn bị cho tuổi già.

Theo tôi, đó là bởi vì nó là một cú sốc. Chúng ta luôn biết từ nơi thâm sâu trong đầu óc mình là cái chết một ngày nào đó sẽ đến, và tuy đó là một sự thật ta thấy chung quanh mình, nhưng ta lại nghĩ mình có thể tránh tuổi già.

Hoặc chúng ta chỉ không biết nó sẽ như thế nào. Chúng ta quan sát từ những người khác nó như thế nào, nhưng khi nó xảy ra cho mình, chúng ta nhận thấy mình chẳng biết gì hết. Tuổi già đúng là như vậy...

Bạn sẽ ngạc nhiên, điều đó Bapak cũng đã từng nói! Trong cuốn Reminiscences of Bapak anh Abdullah Pope thuật lại chuyện đó. Một vị đại sứ từ Trinidad đến thăm Bapak để than phiền về ảnh hưởng của tuổi già.

Bapak tiếp kiến ông tại văn phòng ở Cilandak. Sau khi nói vài chuyện diễu cợt, vị đại sứ đó đi thẳng vào vấn đề chánh yếu: tuy tuổi tác chưa tới 60 nhưng ông thấy kí ức mình sút kém, trí tuệ không còn sắc bén như trước kia.

Bapak đáp với những lời lẽ diễn tả một bức tranh:
- Ông đang trở nên già lão và không cần phải chống lại điều đó. Ông đã lái một chiếc Chevrolet và chợt nhận thấy có một chiếc Mercedes mới đẹp chạy bên cạnh mình. Ông nhận được chỉ thị mình phải bỏ chiếc Chevrolet để chuyển sang chiếc Mercedes. Chiếc xe mới đó tất nhiên là khác biệt, nhưng lại thích hợp cho chuyến đi qua thế giới bên kia. Nhưng có lẽ ông còn ngần ngại phải thay đổi chiếc xe!

Đó là một lời tuyên bố khích lệ tích cực nhất mà tôi từng nghe nói: một sự hứa hẹn có cái gì đó tốt đẹp nơi bên kia của tất cả những đổ nát.

Không thế nào tránh được…
Hoặc sửa đổi được. Chúng ta phải đối diện sự việc tuổi già trước tiên là sự mất mát. Chúng ta có thể cho thêm vào danh sách những cái mình “không có nữa“ trong tuổi già.

Mất kí ức thì như thế nào? Mất thu nhập? Mất sức khỏe? Mất địa vị trong xã hội? Mất sức bền bỉ? Mất bạn bè (những kẻ đã chết hết, hay không đủ sức bước ra khỏi nhà)? Mất nhan sắc? Mất sự hấp dẫn giới tính? Vân vân và vân vân...

Lời nói của Bapak còn là một sự khích lệ hơn thế nữa. Nó đề nghị quả thực chiếc Chevrolet đã tả tơi, lốp xe đã mòn, thân xe thì xơ xác. Nhưng đó là chiếc xe mình thường dùng, chiếc xe mình thích. Có cái gì đó còn hơn chiếc xe Chevrolet tan tành. Có một chiếc Mercedes bóng loáng đang đợi chờ mình.

Tất nhiên vấn đề là chiếc Mercedes thì ở đâu? Tôi biết mình có chiếc Chevrolet tan tành, nhưng chiếc Mercedes của mình thì ở đâu? Trông nó ra sao? Làm sao nhận diện được nó? Chiếc Mercedes tâm linh đó có nghĩa gì?

Lần đầu, khi đọc truyện đó tôi nói:
- Thực vậy, tôi tin Bapak. Tôi tin có một chiếc Mercedes cho mình, nhưng nó ở đâu? Nó như thế nào? Hãy cho tôi hay tính chất của nó. Đặc tính của nó là gì, để tôi biết sẽ đi tìm những gì?

Năm ngoái 2020…
Khoảng lúc sinh nhật, tôi nghiệm được thật rõ rệt giữa cái thế gian này và thế giới bên kia. Tôi biết điều đó không lạ gì với mình. Tôi biết trong lúc này cũng có nhiều hội viên Subud nghiệm được như vậy. Nghiệm được rõ rệt như có hai căn phòng khác biệt, mà có thể dễ dàng đi từ phòng này qua phòng kia.

Bố tôi đột nhiên chết vì một khối u trong óc. Ông nằm bệnh viện 3 tuần, luôn trong tình trạng hôn mê cho tới khi chết. Khi mẹ tôi vào bệnh viện thu dọn những đồ đạc của ông, một người đàn ông cùng trong phòng nói với bả là trước khi chết, bố tôi đã ngồi dậy nói: “Bây giờ tôi phải đi vào một căn phòng khác.“

Chết đối với ông dễ dàng như vậy. Bước vào một căn phòng bên cạnh.

Khi ta đến gần cái chết, bức màn giữa thế gian này và thế giới bên kia càng lúc càng mỏng hơn, khiến nhìn thấy được nhiều hơn căn phòng nơi bên kia, hay còn có thể đi từ nơi này qua nơi bên kia.

Dù sao, đó là chiếc Mercedes cho tôi, vì tôi càng lúc càng ý thức được cái thế giới bên kia, và càng ý thức được việc mình có thể sống nơi bên kia. Cái thế giới đó là một nơi chốn yên lặng. Đó là một nơi chốn của những gì hết sức chắc chắn, so với cuộc sống trên cái thế gian này, một nơi hỗn độn hơn, nhiều màu sắc nhưng thường cũng thật đau đớn, cơn đau do những cuồng vọng, những ám ảnh và sự mù quáng.

Vậy, tuổi già là sự chuẩn bị cho lúc chết. Từ việc sâu sắc ý thức được cái thế giới bên kia sẽ tuôn ra tất cả những ân tứ liên quan như minh tuệ, kiên nhẫn vân vân.

Tôi vẫn còn yêu thích cái thế gian này với những vẻ đẹp và thách thức của nó, nhưng tôi sẽ buông thả nó, và nó cũng sẽ buông thả tôi: chúng tôi đồng thuận trong một sự xa cách thân thiện.

Một trải nghiệm có tính cá nhân…

Tuổi già là một trải nghiệm hết sức riêng tư. Có những kẻ đã chu đáo chuẩn bị. Tuy những khác biệt giữa mỗi cá nhân nhưng có những trào lưu thấy rõ.

Tất nhiên cái kí ức ngắn hạn của ta sẽ suy yếu. Như lúc ta đi vào một căn phòng mà không biết lí do khiến mình vào.

Đồng thời cái kí ức dài hạn thật đáng kinh ngạc, khiến tôi nghĩ lại những chuyện xảy ra cách 50 hay 60 năm trước đó, những chuyện tôi có thể nghĩ tới với những chi tiết cụ thể: tôi biết được thời tiết ra sao để biết được những gì mình cần để thích nghi.

Những khía cạnh tích cực của tuổi già: chiếc Mercedes đó đích xác là gì?

Điều này có khôi hài hay không là hầu hết mọi người đều thích có ngày sinh nhật, nhưng lại không mấy ai ưa đến tuổi già?

Tuổi già quả thực mang đến nhiều thách thức, nhưng cũng không thiếu những phần thưởng. Và chúng ta cần phải nhắc cho mình nhớ về những khía cạnh tích cực của nó.

Ta trở nên minh tuệ hơn

Người ta nói rằng có một yếu tố huyền bí không thường xuyên đi cùng với tuổi già -sự minh tuệ. Điều này phải được coi là một quá trình được nhiều hơn điều từng là chính mình. Rất có thể là cách sống ra sao do những gì đã học. 40 năm đầu của đời người cho ta bài văn, 40 năm còn lại là những bình luận.

Ta trở nên ổn định hơn

Những phương cách thích ứng trở nên khá hơn. Ta dễ thông qua những gì không mấy trầm trọng của đời người. Điều đó có thể khiến mình bớt sân si, lo nghĩ và bốc đồng. Thà ôn hòa còn hơn cho mình là đúng.

Ta tự tin hơn

Những năm tháng còn lại có thể là một thời kì hưởng thụ thành quả những kinh nghiệm của một cuộc đời đã sống. Nhiều người thấy hài lòng và an toàn, khi suy ngẫm về những thành tích của mình, khiến nhận thức được mình có thể ban tặng cái gì đó cho những ai khác.

Ta trở thành chính mình

Nói chung, ta không trải qua một cơn khủng hoảng về việc mình là chính mình. Ta biết mình là ai, và biết những gì mình thích và không thích. Ta không coi việc bị hất hủi là điều liên quan tới cá nhân mình. Điều này có thể là một sự giải thoát nếu nhận thức được cách thiên hạ đối xử với mình thường là một sự phản chiếu những bất an của chính họ.

Ta trở thành ông nội hay ngoại

Những đứa cháu mình có thể nhắc cho mình nhớ lại việc cần phải nuôi dưỡng đứa bé nơi bên trong mỗi người chúng ta. Những đứa cháu mình tạo cơ hội cho mình trở nên hiếu kì, phấn chấn hơn về cuộc sống, khiến thích vui đùa. Như một nhà văn đã nói: “Ta không còn vui đùa vì già; ta già vì không còn vui đùa.“

Cái thế giới của mình trở nên rộng lớn hơn

Bằng cách tăng cường tình bạn và kết bạn thêm, ta có thể có thêm một mạng lưới các bạn bè mới và cũ thành một gia đình rộng lớn. Đây là một điều bổ ích khi tiếp cận với những người khác để mình bỏ hết tâm trí vào cuộc sống.

Ta thấy hứng thú hơn

Ta càng lúc càng ý thức được thời gian thật quý báu nên muốn dùng nó một cách khôn ngoan hơn. Đó là lúc đeo đuổi những sở thích của mình, như sự học hành suốt đời, những sinh hoạt nhàn rỗi, sự tình nguyện cho những công tác xã hội.

Tuổi già có thể tránh được, nhưng bệnh tật và tàn tật thì không. Ta không già hơn, mà là trở nên khá hơn.

 
 
   
  © 2022 Góc Nhỏ