Yoga đối với một người Subud

Hải Anh Esther

 
 


Nhận thấy sức khoẻ mình yếu kém, tôi lựa chọn yoga như môn thể thao rèn luyện sức khoẻ. Khi duyên đủ đầy, tôi trở thành huấn luyện viên yoga. Dạy yoga trở thành công việc kiếm sống của tôi. Để làm tốt công việc, tôi vừa thực hành, vừa nghiên cứu thêm mọi thứ về bộ môn này. Sách chuyên sâu là lựa chọn yêu thích của tôi.

Có một quyển sách về lối tu tập Thiền Yoga tựa đề Yoga – Con đường dẫn đến sự hợp nhất hoàn hảo của A.C. Bhaktivedanta Swami Prabhupda, xuất bản tại Việt Nam năm 2011. Có trong tay quyển sách này vào năm 2013, tôi đã cố đọc trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2018 nhưng không hiểu nổi. Đọc vài trang thì đầu óc trở nên mù tịt, trong lòng khó chịu, phải cất sách đi vì ý tứ thật khó hiểu, và có lẽ vì một lý do khác nữa. Mãi tới năm 2019 tôi mới thấm hiểu được ý nghĩa thật sự bên dưới các từ ngữ. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi vào Subud, nhận được giáo huấn từ Thượng Đế Toàn Năng thông qua Latihan Subud tôi mới đủ sáng suốt để hiểu. Tác giả quyển sách nhấn mạnh việc khước từ hạ đẳng; tận tuỵ, minh tưởng, phụng sự Đấng Tối Cao (từ ngữ được sử dụng là Krsna). Bên cạnh đó, việc ngồi yên một chỗ thực hành thiền là tiêu chí bắt buộc mạnh mẽ trong lối thiền yoga. Lối thực hành ngồi yên này trái ngược với giáo huấn và thực hành trong Latihan Subud. Vì lẽ đó, khi gia nhập Subud, tôi cũng đối diện với những suy nghĩ như vậy. Ví dụ, tập yoga có ngồi thiền không, Yoga và Subud khác nhau thế nào, có đưa Latihan vào yoga không, không được phép tập thiền nữa sau khi đã gia nhập vào Subud.

Trước khi vào Subud, tôi chưa bao giờ thành công trong việc ép mình ngồi thiền. Các đồng nghiệp yogi có thể xếp chân kiết già ngồi thiền từ ngày này qua ngày nọ, mỗi ngày như vậy từ 1-2 giờ là bình thường. Còn tôi, 10 phút là một quãng dài vô tận, và tôi tự cho phép mình được không ngồi thiền, chỉ dạy động tác mà thôi. Từ khi có latihan, tôi mới hiểu tại sao có một sự kháng cự từ bên trong không thể thiền được. Tôi thích ngồi yên tịnh vài phút trước mỗi buổi dạy, nghe màu sắc của các nguồn năng lượng đang tồn tại trong phòng yoga. Từ đó, tôi lựa chọn nguồn năng lượng của mình để cân bằng, xoa dịu hoặc dẫn dắt. Thiền vẫn là một người bạn xa.

Tạm thời gác thắc mắc mang tên Latihan – Thiền yoga lại, tôi tiếp tục làm latihan đều đặn, quy thuận và tin tưởng Thượng Đế. Rồi, như một lẽ tự nhiên, tôi được hướng dẫn trong lúc dạy yoga. Latihan đến trong các động tác của chính tôi, và sửa lại cho đúng. Ví dụ động tác Veera, trong sách dạy phải giơ tay chấp lên cao, nhưng sự căng thẳng khi tay cao sẽ vô tình tạo áp lực lên lồng ngực và nguồn dưỡng khí không thông từ hội âm lên hội dương. Thượng Đế đã hướng dẫn rằng tay phải chấp lại đặt ở ngay trên đỉnh đầu, tay không chạm đầu. Rõ ràng, khi thay đổi thì hơi thở nhẹ nhàng hơn, trái tim dễ chịu và khối óc mở mang hơn. Một lần khác, đối với động tác Đầu bò, 2 tay ra sau xuống sàn lẽ ra là bàn tay úp lại để có thể với các ngón tay ra sau cho cột sống căng hơn nếu được. Nhưng tôi được hướng dẫn là để lòng bàn tay ngửa lên. Rõ ràng, đây là quy tắc đồng hình (chân ngửa thì tay ngửa) vì khi đó 2 lòng bàn chân đang ngửa lên. Và khi thực hiện sự thay đổi đó, tự dưng cảm giác hài hoà thân tâm với vũ trụ xuất hiện. Tâm thức Thượng Đế cũng từ đó mà đến.

Sau những trải nghiệm như vậy, tôi tin rằng yoga là một phần cuộc sống. Cuộc sống là một phần của Thượng Đế, mà latihan của Thượng Đế bao trùm tất cả. Chính vì vậy, yoga chắc hẳn được Latihan và Thượng Đế ôm trọn vào lòng.

 
 
  © 2021 Góc Nhỏ