Những chứng nghiệm ở Việt Nam

Minh Thần dịch

 
 

Lucien Hinkle

Tôi được khai mở trong năm 1965, khi tốt nghiệp trường chuyên nghiệp vào mùa Xuân, lúc cuộc chiến tại Việt Nam đang trở nên ác liệt. Tôi luôn tìm cách được hoãn dịch, nhưng cuối cùng cũng phải nhập ngũ. Tôi luôn có cảm nghĩ không sớm thì muộn mình sẽ phải tới Việt Nam.

Hậu cứ chúng tôi, phía Nam là Saigon và phía Bắc là bờ chánh của sông Mekong, được xây cất xong đầu năm 1967, toàn bộ Lữ Đoàn đóng tại đó. Tôi nằm trong đơn vị tiểu đoàn chiến lược của trung tâm hành quân chiến thuật (TOC) và may mắn là cấp bậc mình không khiến mình phải lội sình trên những đồng ruộng. Tuy thế, tôi vẫn phải dự những cuộc hành quân, để biết những gì đang xảy ra và cảm thấy công việc của mình là quan trọng.

Sau một cuộc hành quân, tiểu đoàn tôi trở về hậu cứ. Một đêm nọ, tôi thức dậy vì bệnh tiêu chảy và phải tức khắc đi cầu. Tuy hậu cứ đã tắt hết đèn, tôi cũng không muốn mất thì giờ đi tìm đèn pin mình. Màn đêm đủ sáng cho tôi kiếm được đường đi của mình.

Cầu tiêu là một tòa nhà nhỏ bé hình chữ nhật, với một cánh cửa mỗi nơi cuối, nên tất nhiên tôi tới cánh cửa gần nhất. Khi bắt đầu đẩy cửa để bước vào, tôi cảm thấy một sự chống đối yếu ớt, và tuy phải hấp tấp nhưng tôi lại cảm thấy nên tới một cánh cửa khác, và đó là điều tôi đã làm. Trong lúc ngồi trong đó, tôi nhìn thấy như thế nào đó có một sợi dây màu trắng căng qua cánh cửa mà tôi lần đầu muốn vào, nhưng lúc đó tôi không thắc mắc gì nhiều.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy khi có một người lính đến nói đêm hôm qua cầu tiêu đã bị gài mìn. Ngay lúc đó, tôi hiểu được rằng sợi dây màu trắng căng qua cánh được nối với một quả lựu đạn, và nếu tôi đã đẩy cửa cho mở, thì sợi dây sẽ làm bật kim gút lựu đạn khiến cho nó nổ.

Nhiều năm sau đó, tôi đọc một cuốn sách mà tác giả là một ông cha tuyên úy của tiểu đoàn, và hay được chính một trong những người lính của chúng tôi là kẻ đã gài cái bẫy đó; y đã bị bắt và bị trừng phạt.

Tôi đã không nghĩ kẻ gài mìn là một trong những người lính của mình, nên cũng không biết được sợi dây màu trắng có nghĩa gì. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi học được điều này là đôi khi chúng ta tiếp nhận được điều gì đó một cách thông thường tới nỗi khiến chỉ hiểu được nó có nghĩa gì sau này *.

Tôi nhớ tới việc mình đã phát triển được một sự tự nhận thức, tĩnh lặng và quy thuận, để sống còn ở Việt Nam, và may mắn là trong đêm đó, tôi đã nằm trong cái trạng thái đó. Việt Nam là một nơi chốn thuận tiện cho việc tập luyện điều đó. Điều diệu kì là cũng không có ai bị nổ mìn. Làm sao tôi đã cảm thấy được là không có ai bị thương tích bởi mình đã không nhận biết được sợi dây đó có đó để làm gì?

Trong một cuộc hành quân, tiểu đoàn phải di chuyển bằng xe tải tới khu vực hành quân. Tôi còn nhớ rõ là mình ngồi phía sau một xe tải, và nghĩ tới chuyện chúng tôi có thể bị phục kích bất cứ lúc nào. Tôi đã làm tất cả những gì có thể được: tôi đội nón sắt và mang một chiếc áo khoác phòng không, súng đạn sẵn sàng. Tôi bình tĩnh ngồi, và chỉ có thể làm như vậy vì ngoài ra tất cả đều tùy thuộc Thượng Đế. Chúng tôi đã an toàn đến mục tiêu.

Lữ đoàn tôi là thành phần của một lực lượng di động trên sông. Có 3 tiểu đoàn cứ hai tháng là thay phiên nhau được bố trí vào những “thuyền mẹ“, những thuyền lớn chở quân đậu giữa sông Mekong từ nơi là hậu cứ chúng tôi.

Đầu tháng 8, tiểu đoàn tôi lên thuyền. Gắn liền với mỗi thuyền là một thuyền phao lớn làm bằng thép, bọc sắt dày đặc, trang bị đầy đủ vũ khí.

Những thuyền đó chở quân tới một vùng hành quân, và vừa là hậu cần, vừa là nơi yểm trợ bằng hỏa lực cho quân lính. Một trong những thuyền đó được dùng là bộ chỉ huy, một TOC (Tactical Operational Center) nổi.

Có 4 người chúng tôi làm việc trong một nơi của thuyền; 2 người đi hành quân, thì 2 người ở lại thuyền. Đến phiên tôi đi hành quân thì một ngày trước đó, anh hạ sĩ quan của trung đội nói với tôi là có kẻ đã đi thay cho tôi.

Điều đó hết sức bất thường. Anh không giải thích cho tôi tại sao lại vậy, và tôi cũng không lấy gì làm thắc mắc. Ngày hôm sau là lần đầu tiên đơn vị bị phục kích. Chuyện kì diệu lại xảy ra là kẻ đi thay cho tôi không bị thương tích gì: anh chỉ phải mất ngủ trong 36 tiếng đồng hồ!

Tuy chỉ trong Subud không đầy 2 năm rưỡi, tôi đã vô cùng được ân phước do những chứng nghiệm đó, bởi đó là bằng chứng về thực tại của latihan, điều xác nhận sự thật của những giảng giải và hướng dẫn của Bapak; tất cả những cái đó tôi đã đem theo bên mình cho phần còn lại của cuộc đời mình. Tôi luôn mong cho mình được dịp tạ ơn Bapak vì latihan, khi Bapak còn trên trần gian. Đó là điều tôi làm ngay bây giờ.

Xin được tạ ơn Bapak vì đã tuân theo ý Thượng Đế để đem latihan kedjiwaan tới cho thế giới, điều là sự giao tiếp với Thánh Linh mà chúng ta chỉ việc yêu cầu. Điều đó đã nhiều lần cứu mạng sống tôi.

__________


* Tác giả làm tôi nhớ tới một chuyện tương tự xảy ra trong đời lính mình.

Hồi đó tiểu đoàn tôi được dưỡng quân, nên mỗi người lính được phép làm những gì mình thích. Hậu cứ của tiểu đoàn đóng tại một quận nọ, cách tỉnh của tiểu khu khoảng 20-30km. Tôi lấy xe đò về tỉnh để ăn chơi, và dự tính sẽ trở về tiểu đoàn vài tiếng đồng hồ sau đó.

Tôi là một kẻ luôn tôn trọng kỉ luật của quân đội, không là hạng lính „ba gai“, không bao giờ dám làm trái mệnh lệnh cấp trên. Nhưng đến lúc phải trở về tiểu đoàn, tôi chợt cảm thấy mệt mỏi và chán nản, nên cả gan quyết định không về. Tôi biết làm như vậy là vi phạm kỉ luật, nhưng hình như có một sức mạnh kì bí nào đó ngăn cản không cho tôi về. Tôi ở lại tỉnh đêm hôm đó, đi coi xi-nê để giết thì giờ, rồi về ngủ tại nhà một đồng đội.

Sáng hôm sau, tôi lấy xe đò về hậu cứ, và hay được ngay đêm hôm qua tiểu đoàn bất ngờ nhận được lệnh hành quân. Đại đội tôi dẫn đầu bị phục kích. Bên phải là một con sông, bên trái là đồng ruộng. Chạy qua đồng ruộng sẽ là một con mồi ngon cho tầm bắn của địch, chỉ có cách là lội qua sông để thoát thân. Chẳng may cho những ai không biết bơi, hay bơi không kịp...Mà tôi là một kẻ không biết bơi.

Tôi nghĩ là mình sẽ bị trừng phạt vì tội vắng mặt lúc khẩn cấp. Nhưng ông đại đội trưởng chỉ gườm mắt nhìn tôi, tỏ vẻ không hài lòng. Và cũng chẳng có sự trừng phạt nào khác.

 

 

 
 
  © 2021 Góc Nhỏ