Thuyền Noah và tháp Babel

Minh Thần

 
 

Cuối chương đầu Sáng Thế Ký, Thượng Đế  khảo sát những gì đã tạo ra: ‘‘Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!‘‘ Nhưng trong chương 6 Thượng Đế lại thay đổi ý kiến: ‘‘Thiên Chúa nhìn đất và thấy nó đã ra hư hỏng, vì mọi xác phàm đã theo nếp sống hư hỏng trên mặt đất.‘‘ Nên Thượng Đế quyết định: "Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng..‘‘ Một điều duy  nhất khiến Thượng Đế còn do dự: còn một người ’‘công tâm chính trực’‘ độc nhất là Noah.

Để giải quyết tình cảnh đồi bại của loài người, Thượng Đế làm cho xảy ra một nạn lụt để "quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực’‘, ngoại trừ một người ’‘công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời’‘ là Noah.

 
   

Thượng Đế bảo Noah đóng một thuyền lớn để chứa mình và vợ con, cùng với  một số súc vật: ‘‘Trong mọi sinh vật, mọi xác phàm, ngươi sẽ đưa vào tàu mỗi loại một đôi, để giữ cho chúng sống với ngươi; phải có một con đực và một con cái.‘‘

Noah làm theo lời dặn của Thượng Đế. Khi cả người lẫn thú đã vào thuyền, Thượng Đế  nhốt giam tất cả trong đó. Khi mặt nước dâng trào, Thượng Đế ’‘nhớ tới’‘ Noah và các súc vật. Trong Thánh Kinh, điều đó liên quan tới một lời hứa, hay một bổn phận. Thế nên, Thượng Đế làm cho xảy ra một trận gió khiến mặt nước hạ xuống. Noah thả ra một con quạ để xem mực nước đã hạ tới đâu.  Nó bay tới bay lui, cho tới khi thấy mặt đất đã khô lại. Lần thứ nhì, Noah thả ra một con chim bồ câu. Nó bay về với một cành lá cây ô-liu ngậm trong mỏ. Lần kế tiếp, nó không quay về. Noah biết bây giờ có thể xuống thuyền.

Truyện Đại Hồng Thủy đề cập tới việc Thượng Đế sẽ phán xử và trừng phạt các tội lỗi, nhưng đồng thời cũng mở ra một lối thoát cho những ai ăn năn và sùng tín. Truyện đó không chỉ có trong Thánh Kinh, mà đã xuất hiện trước đó trong những nền văn minh cổ xưa nhất vùng Cận Đông. Trong sử thi Gilgalmesh của xứ Babylon, một tác phẩm văn học đầu tiên của nhân loại, kẻ sống sót duy nhất sau nạn lụt là Utapishtim. Sáng tác khoảng 1700 năm trước công nguyên, trong sử thi của đế quốc Akkadia xứ Sumer, kẻ duy nhất đó là một nhân vật ’‘vô cùng mẫn tuệ.‘‘

Nước lụt tràn lan làm cho khắp nơi được sạch sẽ, nên một thế giới mới hiển lộ. Noah làm lễ cúng tế Thượng Đế. Thượng Đế nhắc lại lời hứa ban ân phước cho Noah và vợ con, như đã hứa với Adam: ‘‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." Ngoài ra, Thượng Đế còn hứa: ‘‘Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm!‘‘ Dấu hiệu của giao ước là một cầu vòng. 
 

Sáng Thế Ký chương 11 mô tả những đám người đông đảo di cư tới miền Tây. Họ quyết định lập nên một quốc gia tại vùng Shinar, một tên khác của Babylon, khi nhận thấy sự phì nhiêu của đất đai nơi đó. Họ lập thành một đô thị bằng cách xây những tháp hình kim tự tháp  cao tới tận trời. Đương nhiên, họ lấy làm hãnh diện vì thành tích đó.

 
   

Truyện Tháp Babel dựa trên một sự thật lịch sử (quả thực hồi đó có phong trào di cư) nhưng nội dung của truyện là cái khuynh hướng chống lại ý Thượng Đế của loài người. Điều nói đến không là dân Babylon, mà là việc toàn thể nhân loại cùng nói một thứ tiếng. Sau khi đã an cư lạc nghiệp, mọi người dõng dạc tuyên bố: "Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất’‘.

Để phòng ngừa chuyện không lành có thể xảy ra, Thượng Đế đến xem. Nhận thấy sự tiến triển đều đặn của dân Babylon, Thượng Đế quyết định: "Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn.‘‘

Sáng Thế Ký không cho biết tại sao Thượng Đế không hài lòng. Theo các nhà bình luận, Tháp Babel biểu lộ tâm tính kiêu ngạo của loài người. Thượng Đế khiến cho họ không thể xây Tháp Babel, và làm cho họ tứ tán khắp nơi, như đã hứa là ’‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất.‘‘

Truyện Noah và truyện Tháp Babel khiến chúng ta nghĩ tới điều Bapak thường nói là latihan hiện nay đến với nhân loại vì khoa học và công nghệ, con đẻ của trí óc, đã tiến tới một mức độ thật đáng ngại. Những tiến bộ đó hầu như đã không đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Trong cuốn A Spiritual Blueprint for Humanity, Rozak Tatebe, một lão tướng của Subud, viết về ý nghĩa truyện Tháp Babel:

Sự can thiệp của Thượng Đế làm cho mọi người không thể hợp tác cùng nhau, và hậu quả là họ bị phân tán trên khắp thế giới. Theo Cựu Ước, đó là vì Thượng Đế không hài lòng với lối hành xử của loài người.

Có những điều tương tự trong thời đại của chúng ta. Hiện nay, chúng ta biết được những hành vi của mình có thể gây ra những tai ương thiên nhiên. Hiện tượng trái đất nóng dần tạo ra những điều kiện bất thường của khí hậu. Những tin gần đây cho thấy số côn trùng trên khắp thế giới suy giảm nhanh chóng do những sinh hoạt của con người: mỗi năm suy giảm 2.5% thì trong một năm tổng số côn trùng sẽ chỉ là 1% của những gì trước đó. Nhiều người nghĩ rằng điều đó không ảnh hưởng gì tới chúng ta. Nhưng thiếu côn trùng, chuỗi thức ăn cho hệ sinh thái sẽ sụp đổ, khiến tất cả các sinh vật bị tuyệt giống.

Nếu xét thêm về những tiến triển của trí tuệ thông minh (Artificial Intelligence) và công nghệ gen (genetic engineering) thì sẽ còn đáng ngại hơn nữa. Hiện nay không còn ai nắm vững được tất cả những phát triển đó của khoa học và công nghệ, và người ta cũng chẳng biết tất cả những cái đó sẽ dẫn nhân loại tới đâu

Với chúng ta, latihan là thuyền Noah. Và đó là chiếc cuối cùng cho nhân loại?

 

 
 
  © 2021 Góc Nhỏ