Mười điều răn

Minh Thần

 
 

Ba tháng sau khi rời khỏi Ai Cập, dưới sự lãnh đạo của Mô-Sê, người Do Thái  đi đến chân núi Sinai trong sa mạc. Tuy nhiên, sau khi thoát sự đuổi bắt của những quân lính của Pharao (vua Ai Cập) họ tự hỏi bây giờ không biết phải làm gì sau khi được tự do. Thượng Đế kêu gọi Mô-Sê lên đỉnh núi Sinai1  để nhận lãnh những huấn lệnh của Thượng Đế, vì Thượng Đế đã chuẩn bị lập một giao ước với họ, như đã từng giao ước với tổ tiên họ là Abraham. Chương 19:5-6 của Xuất Hành: ‘‘Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en’‘.
 
Khi Mô-Sê mang tới huấn lệnh của Thượng Đế cho các bô lão, họ vui mừng vì đề nghị đó. Chương 19:8: ‘‘Toàn dân nhất trí đáp lại: "Mọi điều ĐỨC CHÚA phán bảo, chúng tôi xin làm theo." Ông Mô-sê thưa lại với ĐỨC CHÚA những lời dân nói.‘‘  

Thông qua Mô-Sê Thượng Đế chỉ thị cho dân Do Thái phải đứng cách xa đỉnh núi, trong khi Mô-Sê lên núi để tiếp nhận những điều khoản của giao ước. Một đám mây dày đặc hạ xuống từ núi Sinai, và người ta nghe thấy tiếng sấm sét, tiếng kèn inh ỏi, trông thấy những tia chớp cùng với lửa và khói. Mọi người đều run sợ. Điều đó chứng tỏ cái quan hệ nghiêm trang của mình với Thượng Đế.

 
   

Trên núi Thượng Đế ban cho Mô-Sê 10 huấn thị (trong bản Thánh Kinh tiếng Hy Lạp là 10 Lời Nói) mà trong tiếng Việt ta quen gọi là 10 Điều Răn:

1) Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.
2) Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.
3) Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.
4) Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi.  Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.
5) Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.
6) Ngươi không được giết người.
7) Ngươi không được ngoại tình.
8) Ngươi không được trộm cắp.
9) Ngươi không được làm chứng gian hại người.
10) Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.

Sau cuộc diện kiến đó với Thượng Đế, Mô-Sê xuống núi cho dân Do Thái hay những điều khoản của giao ước. Mọi người đều phấn khởi: "Mọi lời ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.‘‘ Mô-Sê ở trên núi 40 ngày và 40 đêm, trong lúc Thượng Đế khắc trạm các điều khoản vào một tấm đá.

Ba huấn lệnh đầu tiên đề cập tới quan hệ của Thượng Đế với dân Do Thái là thần dân mình. Huấn lệnh thứ tư chỉ thị cho họ phải giữ đúng ngày Sabbath, một ngày nghỉ làm việc trong 7 ngày để tận hưởng sự hiện diện của Thượng Đế. Sáu huấn lệnh còn lại quy định những quan hệ giữa mọi người với nhau.

Với người Do Thái giáo, khoản đầu của huấn lệnh thứ nhất là quan trọng hơn hết: ‘‘Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.‘‘ Với người Thiên Chúa giáo, đó là khoản thứ hai: ‘‘Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.‘‘

Với phần đông chúng ta không theo đạo Thiên Chúa, chỉ có 6 huấn lệnh cuối cùng là ăn nhập với mình, vì đó là những nguyên tắc đạo đức của mọi tôn giáo, mọi xã hội văn minh. Tuy thế, nếu xét kỹ lại, ta sẽ thấy 4 huấn lệnh đầu không ít thì nhiều cũng liên quan tới mình.

Theo tôi, huấn lệnh thứ nhất là quan trọng hơn hết với những người Subud theo tập latihan. Trong Subud ta có thể tập latihan mà không tin có Thượng Đế, nhưng có một quy luật tuyệt đối phải tôn trọng là KHÔNG ĐƯỢC PHA TRỘN LATIHAN VỚI BẤT CỨ PHÁP MÔN NÀO KHÁC!

Huấn lệnh thứ hai „Ngươi không được phủ phục trước những thần nào đối nghịch với ta“ thì nếu thành thật với mình, chúng ta phải nhìn nhận là mình cũng đã từng phủ phục trước những thần tượng của vật chất là tiền tài và phú quý. Kể cả những thần tượng của chính trị, kinh tế hay tôn giáo, những lãnh tụ được tôn sùng, mù quáng tin theo, mặc dù những vết nhơ đạo đức của họ. 

Huấn lệnh thứ ba „Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA“ thì chắc chắn chúng ta cũng đã từng vi phạm. Có lần nào mà chúng ta không mong cho kẻ thù của mình bị „Trời Phật“ hay „Thiêng Liêng“ làm cho thân bại danh liệt? Thậm chí có những kẻ đã nhân danh Thượng Đế hay Allah để giết hại những người khác.

Huấn lệnh thứ tư với chúng ta có thể là một ngày nhịn chay, điều mình thường gọi là prihatin,  để làm cho dục vọng lắng động. Và khi trai giới, thì cũng đừng nên khoe khoang cho người ngoài thấy, như những kẻ đến dự lễ sabbath để chứng tỏ mình tuân hành lệnh của Thượng Đế, nhưng ngay sau đó lại làm những chuyện tồi bại. Trai giới phải xảy ra  trong tâm mình.

Người ta thường cho 10 điều răn là những cấm kỵ gồm những gì „được làm“ và „không được làm.‘‘ Đúng ra, đó là đó là những nguyên tắc nếu tuân hành thì sẽ được che chở cho không đi ra ngoài chánh đạo. Nhưng mọi việc không hoàn hảo như mình nghĩ.

Những biến cố sau đó xảy ra trong Thánh Kinh chứng tỏ dân Do Thái đã nhiều lần vi phạm các huấn lệnh – thậm chí còn quên hẳn. Tới cuối đời mình, Mô-Sê đã phải nhắc lại các huấn lệnh cho một thế hệ sinh ra và được nuôi dưỡng trong 40 năm  phải lưu lạc trong sa mạc.

Với nhiều người có lẽ huấn lệnh khó theo nhất là „Ngươi không được ngoại tình“. Nếu không vi phạm ngoài đời thì cũng đã nhiều lần vi phạm trong tư tưởng! Nhiều người chúng ta chắc còn nhớ tới một nhận xét của Bapak về sự tiến bộ chậm chạp của mình. Chúng ta như một gạt tàn thuốc được rửa sạch, nhưng lại làm cho bẩn thêm bằng cách tiếp tục gạt tàn vào đó.

______________

1 Trong một buổi nói chuyện tại San Francisco, CA USA - July 7, 1959, Bapak giải thích ngọn núi Sinai có nghĩa gì: Vì có thể làm cho dục vọng không ảnh hưởng tới sự thức tỉnh của linh hồn, Mô-Sê cuối cùng đã nhận được một thiên khải từ núi Sinai. Núi Sinai trong truyện đó là đỉnh lỗ mũi. Chúng ta thường dùng lỗ mũi để bày tỏ tình yêu mến. Bày tỏ tình yêu mến vời một phụ nữ, hay một người bạn, ta hôn trên mũi họ. Bapak chưa từng thấy ai hôn trên tai.

 

 

 

 
 
  © 2021 Góc Nhỏ