Subud thức tỉnh linh hồn tôi

Hải Anh Esther

 
 


Mỗi người đón nhận một ngày mới với một thái độ khác nhau. Người này háo hức. Kẻ khác thì buồn bực. Nhiều người đau đớn thể xác hoặc chết mòn với tinh thần cùn cỗi. Ngày mới đối với tôi rất đỗi bình thường. Tôi đã không vui sướng hay chán nản với bất cứ điều gì. Tôi cứ theo công việc giảng dạy yoga mà làm, theo giờ, theo ngày, theo tuần. Đến giờ thì đưa đón các con đi học, nấu ăn, ăn và ngủ. Dường như, mỗi ngày trôi qua như thể chờ đợi cái ngày cuối cùng, khi mà hơi thở không còn, ý thức không còn, sự sống hoàn toàn kết thúc.

Thế nhưng, trong tận sâu ý thức, tôi biết có điều gì đó không bình thường chút nào. Tôi đặc biệt nhạy cảm với sự đổi thay của thiên nhiên, của những điều sắp xảy ra. Nhưng chắc chắn, tôi đã không thể lý giải được bất kỳ điều gì, cho dù tôi có thể thấy trước hoàn toàn hoặc một đặc điểm nào đó của sự việc. Tôi cũng thường xuyên nghe được những âm thanh khác với âm thanh của xã hội loài người vào những đêm khuya; hoặc những hình ảnh kỳ lạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào giữa ban ngày hoặc mỗi khi nhắm mắt lại hay lúc để lòng tĩnh lặng.

Là giáo viên yoga, tôi cho rằng đó là do sự nhạy cảm mà yoga mang đến. Đôi khi tôi tự hào về điều đó. Nhưng rồi tôi khẳng định điều này cần phải xem lại vì những rắc rối nho nhỏ cứ thế mà xảy ra liên tục: tai nạn xe cộ, cây cối ngã đổ trên đường, phỏng lửa, té cầu thang, mất tiền, mâu thuẫn gia đình... Khi cho rằng những điều ấy là điều tự nhiên trong cuộc sống, cố gắng chấp nhận tất cả chúng như chúng vốn dĩ như vậy nhưng tâm tôi vẫn không thể nào an được.

Tôi tin rằng mình chưa theo một tôn giáo nào nên tâm linh mình còn lạc lõng. Có thể đã đến lúc tôi cần phải giống như bao nhiêu phật tử khác: quy y tam bảo, đi chùa, lạy Phật, niệm Phật, đọc kinh, hồi hướng, phóng sinh, ăn chay, làm công đức… Gia đình tôi không có truyền thống theo tôn giáo, kể cả đạo Phật. Nhưng đạo Phật đã rất gần gũi với người dân quê tôi, từ nhỏ tôi đã theo bà đi chùa vào những dịp rằm lớn. Hình ảnh những phật tử với áo tràng, áo lam đi chùa lễ Phật đã in sâu vào tiềm thức tôi. Hình ảnh các vị tăng, sư, ni phúc hậu, dễ mến, từ bi là những ký ức vô cùng đẹp đẽ ở tuổi thơ tôi. Càng lớn, đi đến đâu có chùa, tôi đều sắp xếp lễ Phật. Có khi tôi hoà mình vào dòng phật tử đi vòng tròn chánh điện, vừa đi vừa niệm Phật. Rồi duyên đưa đến tôi kết bạn với Kim Lan – làm việc chung công ty. Lan theo mẹ đi tu từ nhỏ, theo Thầy học kinh Phật và thấm nhuần Phật pháp. Nhờ vậy, Lan đã truyền cho tôi thêm nhiều giáo lý và lối sống nhà Phật. Tôi cảm nhận được sự vô thường, sự từ bi bác ái, sự buông bỏ, kể cả quyền năng của Phật.

Vào giai đoạn chới với tâm linh đầu năm 2018, tôi thật sự muốn nổ tung. Lúc ấy tôi ví mình như một thực thể mạnh mẽ, bị đè nén lâu ngày trong một cái thùng kín, chỉ cần bật nắp là thực thể ấy có thể thoát ra và vùng vẫy cho thoả chí. Mọi thứ rất khó chịu, có những cảm giác báo trước không rõ ràng, có những rung động bên trong và bên ngoài không lý giải được. Trong đầu óc, các đầu ngón tay và ngón chân, làn da bên ngoài dường như sắp chịu hết nổi một cơn bùng nổ sắp diễn ra. Dường như chúng đã cố gắng hết sức, và có vẻ thua cuộc trước sức mạnh bên trong. Cái sức mạnh bên trong đó không có vẻ gì là mệt mỏi hay nghỉ ngơi thực hiện nhiệm vụ của nó là vùng vẫy để thoát ra ngoài.

Điều cần làm tôi cũng làm, đó là quy y Tam bảo. Quy y chưa phải là cách giải quyết sự ngột ngạt tâm linh một cách thoả đáng. Vẫn còn đó một khao khát muốn được thoát ra, muốn được chạy marathon. Có những lúc tôi tưởng mình bị điên, hoặc là một dạng tâm thần nào đó ở mức độ chưa đáng báo động. Việc quy y này sau này tôi mới hiểu chỉ là kết quả đính kèm của việc tôi đã quyết định “mở nắp” tâm linh.

May mắn thay, tôi đã tìm thấy! Một ngày đi lang thang trong chợ, tìm mua thức ăn cho gia đình, nhưng tôi biết, việc mua hàng chỉ là hành động cố gắng duy trì sự sống cho yên mấy cái bao tử đói ngấu, chứ lúc ấy việc ăn uống không còn là thú vui, không có gì là hạnh phúc. Sau khi mua đại khái vài món cơ bản, tôi ghé chú Thành Trung cũng chỉ để mua vài viên thuốc cho chứng bệnh cảm của người cô. Thật ra là chú đã phát hiện ra cái tâm linh lạc lõng của tôi lâu rồi. Sau này chú mới giải thích rằng chú phát hiện ra tôi nhờ vào những lần tôi đi ngang hay đến gần thì nội ngã của chú rung động. Chú chẳng nói chẳng rằng gì về Subud hay Latihan cả. Chú dẫn dụ tôi về thiền và yoga. Mặc dù là một nhà yoga, tôi chưa bao giờ cảm thấy dễ chịu khi tập thiền. Hơn 10 năm thực hành yoga, số lần tôi thử ngồi thiền chưa đếm hết được 1 bàn tay. Ấy vậy mà tôi chịu nghe chú nói. Tôi chịu tham gia vào hội của chú. Ngày đầu tiên, chỉ có chú, anh Johan và chị Karadiah. Chị Karadiah đã giúp tôi khai mở kiến thức của mình cũng như giải thích tất tần tật những rắc rối của tôi bấy lâu. Ngay trong lúc ngồi nói chuyện với chị, nội ngã và cơ thể tôi bắt đầu rung động nhiều. Như một đối tượng bị nhốt lâu ngày, tôi chắc chắn việc gặp này giống như chiếc chìa khoá của cánh cửa mở tung tôi ra. Subud và Latihan là chính là chiếc chìa khoá thần kỳ mở ra một thế giới vô cùng rộng lớn và đẹp đẽ. Tôi trở nên hạnh phúc, may mắn, bình an, thịnh vượng dần kể từ ngày hôm ấy, ngày 25.3.2018.

 

 
 
  © 2021 Góc Nhỏ