Truyện Giốp

Minh Thần phiếm luận

 
 

 

Truyện Giốp trong Sách Giốp của Cựu Ước có lẽ được viết vào khoảng thế kỉ thứ 6 trước công nguyên, và cho tới nay người ta vẫn chưa biết đích xác tác giả là ai. Truyện đặt ra một vấn đề mà chắc chắn tất cả chúng ta đã từng hỏi trong đời mình: Nếu Thượng Đế công chính và toàn năng như thường được cho, thì tại sao lại để cho xảy ra những chuyện chẳng tốt lành gì, như người hiền lành lương thiện phải đau khổ và chịu thiệt thòi, và những người tâm hồn cao thượng (như Gandhi và Martin Luther King) thì lại bị giết chết một cách không đáng chút nào.

Truyện thuật lại Giốp là một người đạo hạnh, giàu có, con cái đầy đàn. Điều đó khiến một thiên thần là Xa-Tan (1) nghĩ rằng Giốp được như vậy là do ân phước của Thượng Đế. Xa-Tan nói với Thượng Đế: ‘‘Ngài đã ban phước lành cho hắn; Ngài cứ thẳng tay đánh vào mọi tài sản của hắn xem sao, chắc chắn hắn sẽ nguyền rủa Ngài.‘‘ Nên có những tai ương xảy ra làm cho Giốp mất hết của cải, tất cả các con cái phải chết.

Tuy than van những mất mát của mình, Giốp vẫn không ngớt ca tụng Thượng Đế. Xa-Tan xúi giục Thượng Đế làm cho Giốp đau khổ tới mức tối đa. Lần này thì Giốp phải đau đớn vô cùng, thân thể sưng đầy mủ nhọt. Vợ Giốp bất mãn nói với Giốp: ‘‘Ông còn chính tâm trực tánh làm cái quái gì? Hãy thóa mạ Thượng Đế rồi chết quách đi cho xong!‘‘ Nhưng Giốp vẫn nhất quyết không chịu nói xấu Thượng Đế. Thay vì nguyền rủa Thượng Đế, Giốp nguyền rủa ngày mình sinh ra: ‘‘Phải chi ngày đó ta đã đừng chào đời, phải chi ngày ấy là đêm tối.‘‘

Bốn người bạn của Giốp là Ê-Li-Phát, Bin-Đa, Sô-Pha và Ê-Li-Hu đến an ủi Giốp. Tranh luận với Giốp, họ kết luận rằng chắc Giốp đã phạm trọng tội nên mới bị Thượng Đế trừng phạt nặng như vậy. Giốp quả quyết mình đã không làm gì bậy, và đòi Thượng Đế ra đối chất với mình. Thượng Đế xuất hiện trong một ’‘cơn lốc’‘ và đặt những câu hỏi mà Giốp không thể trả lời, như:

Ngươi ở đâu khi Ta đặt nền móng cho đất?
Nếu ngươi thông hiểu thì cứ nói đi!
Ai đã định kích thước cho đất,
ai đã chăng dây đo, ngươi biết mà!
Đế của nó, lấy chi làm điểm tựa, đá góc của nó, ai đã đặt cho,
khi các vì sao ban sáng đang hoà tấu nhịp nhàng
và hết mọi con cái Thiên Chúa cùng rập tiếng tung hô?
Cửa đại dương, ai ra tay khép lại
khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu,
 khi Ta giăng mây làm áo nó mặc,
phủ sương mù làm tã che thân?

Vân vân…

Và còn nhiều điều khác nữa của Thượng Đế mà ta không thể hiểu...Giốp nhận thức được cái óc não quá nhỏ bé của mình không có cách nào chứa đựng được những hiểu biết vô cùng bao la, hay thông hiểu được trí huệ của Thượng Đế. Để thưởng công cho niềm tin sắt đá của Giốp, Thượng Đế phục hồi lại cho Giốp tất cả các của cải, và còn cho Giốp đầy đàn những con cái khác.

Đọc truyện lần đầu, chắc nhiều người sẽ kết luận luân lí hay nội dung truyện không có gì lạ: kiên tâm vững tin thì cuối cùng sẽ được đền bù. Tóm lại là một truyện có hậu. Nhưng đọc kĩ và suy ngẫm lại những tranh luận giữa Giốp và các bạn bè, chúng ta nhận thấy cái thông điệp mà tác giả muốn gửi gấm không chỉ có bấy nhiêu.

Những người bạn của Giốp quả quyết Giốp đã làm điều gì bậy nên mới bị Thượng Đế trừng phạt nặng, và nếu hối cải thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp trở lại. Thực ra thì đó chỉ là phỏng đoán, bởi chính họ cũng không biết điều bậy đó là gì.

Giốp nói vận xui mình không nhất thiết do lỗi mình, và đặt ra những câu hỏi không một kẻ ngoan đạo nào dám nói tới, như đời người chắc gì là có nghĩa lí, bởi lao lực trên trần gian để mong nhận được một phần thưởng thì không luôn nhận được gì. Giốp nhìn nhận đời người ’‘không dài hơn một hơi thở’‘, và nếu lao tâm khổ trí mà chẳng được gì hết, thì như vậy sống để làm gì? Do sự bất công đó, Giốp cả gan thách thức ngay cả Thượng Đế: ‘‘Ta sẽ trở về với cát bụi, Thiên Chúa đi tìm ta, nhưng ta sẽ không còn nữa.‘‘

Thấy Giốp nói như vậy, Bin-Đa trách móc Giốp là báng bổ phạm thượng: dám đổ tội bất công cho Thượng Đế! Một lần nữa, Bin-Đa nói chắc chắn Giốp đã phải làm gì đó nên mới đau khổ. Nhưng Giốp nói trong trường họp này không thể nói tới chuyện công bằng, bởi con người không thể sánh ngang cùng Thượng Đế. Cái thế giới này đầy những bất công, và nếu là Toàn Năng thì Thượng Đế phải chịu trách nhiệm, và tất cả những gì các bạn bè mình nói là chẳng có nghĩa gì hết.

Xô-Pha nói Giốp chẳng hiểu gì hết về Thượng Đế, và Giốp nên chấp nhận mình đã phạm tội để hối cải. Giốp nói các bạn bè mình ăn nói như coi mình là nguồn thông tin từ Thượng Đế. Theo cách nhìn của Giốp, chúng ta đau khổ, bị mắc kẹt và sẽ phải chết trong một thế giới hình như đã không được tổ chức bởi một Thượng Đế công chính. Tất cả chúng ta đều là Giốp: chúng ta sống một cuộc đời ngắn ngủi đầy đau khổ và thương tâm.

Đến đây, cuộc tranh luận giữa đôi bên chợt chuyển hướng. Ban đầu, cuộc tranh luận xoay quanh sự đau khổ của Giốp là điều có thể hiểu vì phải mang một nghĩa gì đó, nhưng bây giờ thì chẳng có gì có thể hiểu được trong bối cảnh của một vũ trụ và Thượng Đế mà ta không thể hiểu.

Ê-Li-Phát trách cứ Giốp đặt ra những thuyết để hiểu những gì xảy ra mà không thể hiểu, và do đó đã bị Thượng Đế trừng phạt. Bin-Đa nói Giốp đã khiến cho tội lỗi nguyên thủy của mình, dù đó là bất cứ gì, trở nên tồi tệ hơn, bằng cách không chấp nhận những gì thường được hiểu về tình trạng mình. Sự bổ báng phạm thượng của Giốp là cho mình hiểu được mọi chuyện và Thượng Đế là bất công.

Sô-Pha an ủi Giốp bằng cách nói rằng những đau khổ của Giốp chỉ tạm thời, và cuối cùng thì mọi việc sẽ tốt đẹp trở lại. Nhưng Giốp nói đời người không là một truyện thần tiên: tất cả chúng ta đều sống trong một thế giới mà cái ác có thể thắng và cái thiện có thể thua. Nếu muốn tìm thấy một nghĩa lí cho đời mình thì phải đi tìm trong một thế giới bất hảo và bất công.

Bin-Đa lí luận thực ra tất cả chúng ta chẳng là gì hết, chỉ là ’sâu bọ’, không hơn gì những hạt bụi trong vũ trụ, còn Thượng Đế thì cao cả, hùng vĩ. Thế nên, Thượng Đế đã tạo cho ta một vũ trụ xứng hợp cho chúng ta. Giốp bẻ bác lại chính quan niệm đó mới là báng bổ phạm thượng. Nếu Thượng Đế công chính và toàn năng, có thể trừng phạt mình khi đáng bị trừng phạt, và nói rằng cuộc sống khốn kiếp của mình không hơn gì sâu bọ, thì như vậy không khác gì cho Thượng Đế đã tạo ra một thế giới của sâu bọ để hành hạ chúng ta. Điều đó làm cho cuộc sống và quan hệ của mình với Thượng Đế chẳng có nghĩa lí gì.

Đến đây, Ê-Li-Hu, nhân vật trẻ nhất, lên tiếng để mở đường cho sự xuất hiện của Thượng Đế. Ê-Li-Hu nói Giốp phải chú tâm, bởi Thượng Đế đang tìm cách cho Giốp biết điều gì đó, nhưng Giốp tự hỏi không biết phải làm gì để hiểu được thông điệp của Thượng Đế. Tuy thế, Ê-Li-Hu cũng khiến Giốp nghĩ ngẫm sâu sắc hơn: những chuyện trên cái thế gian này có thể chẳng mang một ý nghĩa gì, nhưng dù sao chúng ta cũng đủ khôn ngoan để thấy chắc có một khuôn khổ rộng lớn hơn, một thông điệp trong những gì không thể hiểu, mà cái trí tuệ quá nông cạn của mình đã không nhận thấy.

Ngay sau đó, Thượng Đế hiện ra thách đố mọi người, và đó cũng là thách đố tất cả chúng ta. Chúng ta không những chỉ là Giốp, mà là luôn cả các bạn bè của Giốp. Cũng như họ, chúng ta cũng đã nghĩ rằng mình luôn nắm vững được mọi chuyện, cái vũ trụ này có thể hiểu được vì được tổ chức đâu vào đó bởi một Thượng Đế Công Chính và Toàn Năng cho cuộc sống mình. Nhưng Thượng Đế nói thực ra con người không hoàn toàn hiểu được Thượng Đế, và cũng đừng tìm cách hiểu được. Thượng Đế xác nhận bàn tới chuyện công chính là vô ích, bởi Thượng Đế không cần phải biện hộ cho những gì mình làm. Nói tóm lại là chẳng có gì phải hiểu, mà chỉ là chấp nhận và phục tòng sự Toàn Năng của Thượng Đế.

Giốp nhìn nhận sự bất lực của mình khi được Thượng Đế hỏi:

 Hỏi kẻ tranh luận với Đấng Toàn Năng, có gì để chỉ trích,
và kẻ kêu trách Thiên Chúa, có gì để trả lời?
Giốp thưa lại ĐỨC CHÚA:
 Vâng, con đây tầm thường bé nhỏ, biết nói chi để trả lời Ngài?
Con sẽ đưa tay lên che miệng.
Đã nói một lần rồi, con không lặp lại nữa,
có nói lần thứ hai, cũng chẳng thêm được gì!

Đó là thông điệp và đề nghị lối thoát cho chúng ta của tác giả truyện Giốp. Chắc chắn nhiều người sẽ không hài lòng với lối thoát đó; họ đề nghị một lối thoát ’nhân bản’, của con người cho con người, dựa trên trí tuệ và sự thông thái, minh triết của chính mình.

Với chúng ta là những người tu tập theo con đường của latihan kedjiwaan Subud thì lựa chọn chấp nhận, phục tòng hay quy thuận, là chắc ăn hơn, tuy vẫn có những điều mình không thể hay chưa thể hiểu.

_______

(1) Xa-Tan ban đầu có nghĩa là kẻ thù hay kẻ chống đối, chứ không là cái nghĩa Quỷ Vương như hiện nay.

 

 
 
  © 2021 Góc Nhỏ