Vai trò của Bapak trong Subud

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 

Laura Paterson

 
   

Một vài năm trước đây, trong lúc Ramadan, tôi nhận thấy mình ý thức được rất nhiều về Bapak và cuộc đời của Bapak. Điều đó khiến tôi viết bài này về Bapak, vì tôi biết rằng những ai vào Subud sau khi Bapak mất thường thường thì lại không hiểu gì về cuộc đời và vai trò của Bapak.

Tôi ý thức được Bapak là một người “bình thường.“ Bapak luôn nói với chúng ta mình chỉ là một người bình thường trải qua một cuộc sống bình thường, với những khó khăn, thách thức và mất mát như của tất cả chúng ta.

Tôi luôn tự hỏi không biết những trải nghiệm đó đối với Bapak là như thế nào. Nên cùng với việc thường đọc Susila Budhi Dharma và những nói chuyện của Bapak trong lúc Ramadan, tôi nhận thấy mình muốn đọc lại những cuốn Nhớ Lại những Ngày Cuối Cùng của Bapak và Tự Truyện của Bapak của Muhammad Subuh Sumohadiwidjojo.

Bapak phải bỏ học sớm vì trách nhiệm nuôi nấng bố mẹ và các em trai em gái mình. Bapak lập gia đình lúc 25 tuổi, và trong 9 năm sau đó vợ Bapak sinh ra 5 đứa con. Đứa con thứ tư, một đứa bé trai, chết lúc 2 tuổi. Vợ Bapak qua đời một năm sau đó, khi Bapak 35 tuổi.

Trong 5 năm tiếp theo, Bapak là một người góa vợ nuôi nấng 3 đứa con, cùng với bà mẹ và các em trai em gái mình. Theo yêu cầu bố mẹ người vợ đã qua đời, Bapak để cho họ nuôi đứa con nhỏ nhất của mình. Năm 1941, Bapak kết hôn Siti Sumari (Ibu Subuh) một góa phụ với hai đứa con cũng thành con cái của Bapak.

Sau năm 1941, Thế Chiến II và sự chiếm đóng của người Nhật khiến cho Indonesia trở nên hỗn loạn. Trong tự truyện Bapak viết: “Tới năm 1944 tình hình miền Tây Semarang rất nguy hiểm, nên tôi cùng với vợ con rời khỏi Kalisari để tới Kedu, ngang qua những vùng còn hoang vu của núi Pati.

“Những vùng hoang vu đó thật nguy hiểm, vì những ai đi qua đó có thể bị cướp bóc. Chúng tôi đi bộ [mất tới một tháng] đi dọc theo những nhánh sông chung quanh núi. Bất chấp tất cả những điều đó, các con cái...lấy làm vui thích, khi chúng đi qua những dòng nước sâu tới 25cm.“ (Tự Truyện của Bapak của Muhammad Subuh Sumohadiwidjojo, trang 43)

Trong hành trình từ Semarang tới Temanggung, Bapak là một người Java trung niên, một người đã mất vợ cùng với một đứa con còn bé, nhưng đã tái hôn và phải nuôi ăn một gia đình đông đảo. Những năm trước đó, Bapak tiếp nhận được bổn phận mình là đi khắp thế giới để truyền bá latihan kedjiwaan. Bapak tự nói về mình: “Tôi chỉ là một người rất bình thường. Tôi thiếu học thức, tôi nghèo khổ và chỉ có một địa vị thấp trong xã hội. Nhưng nhờ ân huệ Thượng Đế, khi hết ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, tôi đến chỗ cảm nhận được là mình phải tuân theo ý Thượng Đế (Tự Truyện của Bapak của Muhammad Subuh Sumohadiwidjojo, trang 31)

Ân phước khôn tả...
Cảnh tượng hành trình của Bapak cùng vợ con từ Semarang tới Temanggung như thế nào đó khiến tôi thấy rõ được ân phước khôn tả của Thượng Đế cho mỗi người chúng ta trong sự tiếp nhận latihan kedjiwaan của Subud.

Bởi chỉ nhờ cái ân phước đó, nhờ sự chỉ việc tuân theo ý Thượng Đế nên Bapak mới có thể thực hiện được hành trình đó, và tất cả những hành trình tiếp theo, để trở thành một Bapak của hàng ngàn anh chị em Subud trên khắp thế giới từ 1957 tới 1987.

Ngay sau khi trở về Temanggung, Bapak và Ibu chuyển tới Jogjakarta, nơi họ khai mở nhiều hội viên Subud mới, và giúp cho họ những gì cần thiết trong lúc họ theo tập latihan kedjiwaan. Dần dần Subud bắt đầu bành trướng, Bapak và Ibu du hành khắp Indonesia để hỗ trợ cho những nhóm mới thành lập. Cuối cùng họ chuyển tới Jakarta, nơi Haryardi, con trai Bapak và là sinh viên y khoa, qua đời lúc 23 tuổi.

Ba năm sau đó, ngày 19 tháng 5 1957, khi tuổi mình gần 56, Bapak cùng Ibu tới nước Anh lần đầu tiên. Bapak dùng 30 năm còn lại của đời mình để hiến dâng cho những nhu cầu của hội viên Subud, bằng cách nhiều lần du hành khắp thế giới để thăm viếng những nhóm và trung tâm của hơn 50 quốc gia.

Bapak sinh ra đầu thế kỉ 20. Những cuộc hành trình của Bapak trong những năm 1960, 1970 và 1980 không là của một người già yếu, mà với nghị lực, sinh khí và sức bền chịu của một người trẻ hơn mấy chục tuổi.

Những chuyến đi tới những nơi xa xôi thường xuyên xảy ra, vì Bapak không ngớt hoạt động để truyền bá latihan cho “toàn thể nhân loại“, cho tất cả những người nam và nữ bình thường yêu cầu được tiếp nhận đại ân của quyền năng Thượng Đế.

Có những chi tiết trong cuộc đời của Bapak là những gì của một người “bình thường“. Tuy bình thường xảy ra trong một đời người, những biến cố đó thật đáng chú ý. Có một sự kiện, ngoài sức tưởng tượng, đã thay đổi cuộc sống hàng ngàn người trên khắp thế giới: việc Bapak là người đầu tiên tiếp nhận được sự giao tiếp với Nguồn Đại Lực, quyền năng của Thượng Đế, mà có thể truyền lại cho những người khác, cho những người hết sức bình thường.

Bapak nói với chúng ta những gì chúng ta tiếp nhận trong latihan kedjiwaan của Subud đích xác là những gì các thiên sứ tiếp nhận từ Thượng Đế. Bởi tiếp nhận sự giao tiếp với quyền năng của Thượng Đế, nên các thiên sứ có thể để lại cho các môn đồ những giáo lý và lời khuyên về lối sống chân chính.

Và chỉ hiện nay bất cứ ai muốn phụng thờ Thượng Đế đều có thể tiếp nhận được sự giao tiếp đó, sự hướng dẫn trực tiếp của Thượng Đế trong bản chất mình.

Bapak đã có thể làm được, vì trong lúc sống như một người bình thường, Bapak thành tâm quy thuận Thượng Đế và tuân theo ý Thượng Đế một cách hoàn toàn kiên nhẫn, chấp nhận và phục tòng. Bapak nói với chúng ta là mình vui lòng phó thác bất cứ gì để trở thành một người thành tâm phục tòng Thượng Đế. Bapak đã trải qua 3 năm không được ngủ, 12 năm không tiền bạc. Bapak chỉ việc tin cậy Thượng Đế, và truyền lại cho chúng ta những gì tiếp nhận được là latihan kedjiwaan của Subud.

Nếu Bapak đã không làm như vậy
Nếu Bapak đã không làm như vậy, không ai trong chúng ta đã được khai mở, không ai trong chúng ta tiếp giao được với quyền năng của Thượng Đế. Không ai trong chúng ta đã cảm nhận được sự chấn động của latihan trong bản chất mình, hay vô cùng chắc chắn biết được đó là thực tại sự hướng dẫn của Thượng Đế.

Chúng ta sẽ không nghiệm thấy sự đồng nhất khiến hiểu được mọi người đều là anh chị em. Điều đó là sự thật, vì hết thế hệ này tới thế hệ khác sẽ có những con người bình thường tiếp nhận được sụ giao tiếp với quyền năng của Thượng Đế.

Như John Tjia, một hội trưởng trước đây của Subud New York, đã nói: “Người đưa thư đã đi, nhưng thư đã nhận được.“

Hiển nhiên mỗi thế hệ hội viên tiếp theo sẽ có cơ hội nghiệm được những ân phước y như những người đã được khai mở khi Bapak còn sống.

Cùng với lời khuyên và sự hướng dẫn của Bapak trong hàng ngàn bài nói chuyện trong 30 năm Bapak du hành khắp thế giới, họ sẽ có cơ hội nghiệm được ân phước và sự hướng dẫn của Thượng Đế trong khi theo tập latihan kedjiwaan.

 

 
 
  © 2021 Góc Nhỏ