Sự rắc rối của việc dịch Worship of God

Minh Thần Phiếm luận

 
 

Worhip of God được dịch theo nhiều cách là phụng thờ, thờ bái, tôn thờ hay sùng bái Thượng Đế. Một anh bạn đề nghị là nên trắc nghiệm xem cách dịch nào là đúng. Tôi thì thấy chỉ nên tìm hiểu xem tại sao trong cách cấu tạo của tiếng Việt lại có cái tình trạng ‘trăm hoa đua nở‘ về cách dịch như vậy.

Cách cấu tạo từ của tiếng Việt
Phần nhiều vốn từ vựng của tiếng Việt, có lẽ tới 80%, là những từ ghép. Một điều ai cũng nhận thấy là tiếng Việt có rất nhiều những từ nghĩa từa tựa như nhau. Chẳng hạn, nếu dịch China qua tiếng Việt, thì có thể lựa chọn giữa Trung Hoa, Trung Quốc, Trung Thổ, Trung Nguyên, hay nôm na là Tàu. Có những từ ghép liên hợp và từ ghép chính phụ (*).

1) Từ ghép liên hợp

Cũng được gọi là từ ghép song song hay đẳng lập, trong đó nghĩa hai thành tố gần như nhau, hay đối nghịch nhau.
a) Hai thành tố gốc Hán: tính tình, mưu trí, hắc bạch…
b) Hai thành tố gốc Việt: nhà cửa, hàng xóm, trăng sao, đêm ngày...
c) Một thành tố Hán và một thành tố Việt: khai mở, tu sửa, ẩn nấp…

2) Từ ghép chính phụ

Là những từ ghép trong đó một thành tố làm nồng cốt, thành tố còn lại đóng vai bổ xung.
a) Hai thành tố gốc Hán
Chẳng hạn lấy chuyên là thành tố chính, thì có thể kết hợp với những thành tố phụ thành chuyên canh, chuyên cần, chuyên chế, chuyên đề, chuyên khoa, chuyên tu, chuyên gia, chuyên môn.
b) Hai thành tố gốc Việt
Như với ăn thì có thể kết hợp thành ăn cắp, ăn trộm, ăn mặc, ăn vạ, ăn nói, ăn ở, ăn xin.
c) Một thành tố Hán và một thành tố Việt: phụng thờ, lão hóa, hội viên, nhiệt kế...

Cách dịch whorship of God nào đúng nhất?
Tất cả các cách dịch đều chấp nhận được. Bái thờ thuộc loại 1c thì không có gì đáng nói (bái tiếng Hán nghĩa là thờ). Những từ cấu tạo lối chính phụ thì có nghĩa bổ sung: thờ một cách ưa chuộng là sùng, một cách kính trọng là tôn, một cách vâng theo là phụng. Theo tôi, cách thích hợp nhất, chứ không đúng nhất, là phụng thờ, bởi nội dung sự whorship of God trong những nói chuyện của Bapak chỉ là vâng tuân theo những gì tiếp nhận được trong latihan.

Hai chuyện về trường hợp trên
Chuyện thư nhất là lúc còn đi học tôi phải làm một bài luận mô tả cái gì đó, trong đó tôi dùng từ bình bằng (từ ghép loại 1c). Ông thầy Việt văn sửa lại là bằng nhau, bởi như vậy mới là đúng với văn phạm. Ông giải thích hai thành tố một từ ghép không thể là một Hán một Việt, mà phải là hoặc Hán hoặc Việt. Ông thầy tôi không là một người không tiếng tăm gì, mà là có địa vị trong học giới hồi đó: ông trong ban đề ra những bài thi Việt văn Tú Tài I, và là tác giả cuốn Văn Phạm Việt Nam được bộ giáo dục cho in thành sách giáo khoa.

Chuyện thứ hai là việc trước đây có người đề nghị chỉ nên dịch open là mở, chứ không là khai mở, vì như vậy là thừa nghĩa. Họ không hay rằng đây là lốt cấu tạo rất ô-kê của tiếng Việt!

_________

(*) Thực ra thì việc phân biệt từ gốc Việt với từ gốc Hán không mấy đơn giản. Nhiều từ gốc Hán đã bị đồng hòa tới nỗi không còn nhận thấy cái gốc Hán của nó. Như hiện trong hiện nay, nhận trong nhận thấy,  trong lý lẽ là gốc Hán...Ngoài ra, tiếng Việt còn một lối cấu tạo hết sức đặc biệt là từ láy, trong đó các thành tố tương quan về ngữ âm. Có hai trường hợp.
1) Một thành tố có nghĩa từ vựng, thành tố còn lại thì không: chim chóc, hay ho, im lìm, ngậm ngùi, nhấp nhô…
2) Hai thành tố đều không có nghĩa từ vựng: đủng đỉnh, lon ton, nhởn nhơ, lóng lánh…
Từ Thiêng Liêng mà nhiều anh chị em Subud dùng thay cho Thượng Đế là một từ láy dạng (1)

 

 
 
  © 2020 Góc Nhỏ