Thiêng Liêng và Thượng Đế

Minh Thần Phiếm luận

 
 


Có lần tôi đưa cho một anh bạn đọc cuốn Tìm Hiểu Subud của bác Đặng Phác. Đọc xong anh thắc mắc hỏi: ‘‘Thiêng Liêng tức là Thượng Đế?‘‘ Tôi cũng lấy làm lạ tại sao các bác dịch trước kia dùng Thiêng Liêng, tuy hồi đó các từ điển Pháp hay Anh-Việt đều dịch Dieu hay God là Thượng Đế. Có thuyết cho đó là vì các bác đều là những người theo đạo Phật. Tôi không nghĩ là vậy.

Định nghĩa của từ điển
Việt Nam Từ Điển Hội Khai Trí Tiến Đức (VNTĐHKTTĐ) năm 1954, cuốn từ điển là nền tảng cho những cuốn sau này, định nghĩa thiêng liêng là “nói chung về thần thánh, hay những gì có pháp lực làm người ta phải tin phải sợ.“ Về Thượng Đế cuốn từ điển đó chỉ định nghĩa nôm na là “ông Trời.“
Từ điển Tiếng Việt (TĐTV) hiện nay của viện ngôn ngữ học định nghĩa thiêng liêng là “ có phép lạ làm những điều khiến người ta phải kính sợ, theo tín ngưỡng dân gian.“Còn Thượng Đế thì là “Đấng sáng tạo ra thế giới và con người, theo quan niệm tôn giáo.“
Ta nhận thấy định nghĩa thiêng liêng của VNTĐHKTTĐ và TĐTV không khác nhau là bao. Vậy, nghĩa đích thực của thiêng liêng chỉ là thần thánh, điều các bác hiểu là thần quyền. Định nghĩa Thượng Đế của TĐTV là theo quan niệm hiện nay của chúng ta, còn VNTĐHKTTĐ là theo quan niệm xưa kia coi Thượng Đế là chúa tể các thần thánh, như Ngọc Hoàng Thượng Đế. Một điều đáng chú ý khác: thiêng liêng là từ thuần Việt, còn Thượng Đế là từ gốc Hán.

Dùng từ thuần Việt hay từ gốc Hán?
Với thời gian, thiêng liêng, một từ thuần Việt, đã thấm nhập vào đầu óc nhiều anh chị em Subud, và được hiểu là Thượng Đế như điều hiện nay được hiểu. Người ta thường cho là nên dùng từ thuần Việt thay vì gốc Hán, vì có tính cách bình dân, dễ hiểu, hay có ‘cái vẻ Việt Nam hơn.‘ Tuy thế, có những trường hợp phải dùng từ gốc Hán vì tính cách trang trọng của nó. Không ai nói ‘bà vợ hay bà xã tổng thống‘, mà là ‘tổng thống phu nhân‘, không là ‘hội viên trai hay gái‘ mà là ‘nam hay nữ hội viên‘. Một nhân vật tiếng tăm không là ‘đã chết‘, mà là ‘tạ thế.‘ Vậy, Thượng Đế nghe trang trọng hơn thiêng liêng, và hiện nay cũng không còn cuốn từ điển nào dịch God là thiêng liêng. Và nếu nói tới thiêng liêng trong Subud với những người khác, thì chắc chắn sẽ khiến họ bỡ ngỡ như trường hợp anh bạn tôi.

Thượng Đế là Allah của Hồi giáo?
Những ai tập latihan thường thấy tự nhiên mình thốt ra tiếng Allah, và chắc cũng thường nghĩ gốc của Subud là Hồi giáo. Trong cuốn A special Assignment Varindra Vittachi thuật lại một nhận xét của Bapak về gốc tiếng Allah: “Allah là một tiếng có trước ngôn ngữ. Âm thanh đầu tiên của một đứa bé sơ sinh là aw-wah, aw-wah, aw-wah. Lưỡi nhận thấy có vòm việng. Ban đầu là Al, Al, Al và tiếp theo là lah, lah, lah...Vậy, âm thanh đầu tiên một đứa bé thốt ra là danh hiệu của Thượng Đế.“

Thượng Đế trong những nói chuyện của Bapak
Thượng Đế hiện hữu...mà không được khiến cho hiện hữu, Thượng Đế tự mình hiện hữu. Thượng Đế có quyền hành mà không nằm dưới quyền hành của bất cứ gì. Thượng Đế không bị hủy diệt hay biến thể. Thượng Đế có trước bất cứ những gì có, và sẽ còn đó sau khi tất cả những gì khác không còn. Thượng Đế tinh vi hơn tất cả những gì tinh vi nhất, và thô sơ hơn tất cả những gì thô sơ nhất. Thượng Đế ban tặng, nhưng không gì có thể ban tặng cho Thượng Đế. Thượng Đế tự có ý muốn, nhưng không gì có thể làm cho Thượng Đế có ý muốn. Thượng Đế không hình thù, không gắn bó với bất cứ địa điểm nào, tức là Thượng Đế không tại một nơi đặc biệt nào, bởi quyền năng của Thượng Đế bao bọc tất cả những gì Thượng Đế đã tạo ra. Thượng Đế không chủng tộc hay ngôn ngữ.

Nên bản tính Thượng Đế hoàn toàn khác hẳn bản tính các tạo vật. Thượng Đế nhìn thấy, hiểu được, nghe thấy, ngửi thấy, nói năng và cảm nhận mà không cần bất cứ dụng cụ hay phụ trang nào. Thượng Đế biết được những gì chưa xảy ra, cũng như tất cả những gì đã xảy ra.

Con người không thể hiểu và suy ngẫm về Thượng Đế, bởi bản tính đôi bên đều khác biệt. Thế nên, ta chỉ có thể tiếp nhận ý Thượng Đế, hay ân huệ Thượng Đế, nếu có khả năng làm cho tâm mình trở nên yên lặng. Do đó mà đối với Thượng Đế vị thế đích thực của con người chỉ là của một vật chứa đựng.

Vậy, Thượng Đế ở đâu? Dù ta đi tìm tận đâu đi nữa, Thượng Đế luôn nằm ngoài sự tìm kiếm của mình. Thượng Đế luôn hiện diện trong tâm những ai muốn biết... Thượng Đế thường hằng, không bao giờ biến thể, không bao giờ suy tàn, không bao giờ chết. Trạng thái của Thượng Đế là vô tận, không bị bao trùm bởi thời gian như con người. Nên trạng thái của Thượng Đế là không bị giới hạn. Thượng Đế không màu sắc, không hình dạng, nhưng hiện hữu. Thượng Đế cũng không là nam hay nữ. Thượng Đế cai trị nhưng không thể bị cai trị, ảnh hưởng tới nhưng không thể bị ảnh hưởng bởi.

Thượng Đế không ngôn ngữ, không quốc tịch, không quốc gia, bởi Thượng Đế là Toàn năng… Thượng Đế tạo ra trái đất, các ngôi sao, mặt trăng và mặt trời. Và vẫn còn nhiều điều ta không biết, vẫn còn những gì thật xa xôi mà ta hoàn toàn không hiểu được… Vậy, nếu muốn hiểu biết và suy ngẫm về Thượng Đế, về quyền năng của Thượng Đế thực sự là gì, thì như vậy tức là ép buộc trí óc mình...vượt ra ngoài khả năng của nó. Hậu quả là ta sẽ không thể đạt được những gì mình muốn, mà chỉ làm cho mình đau khổ, thậm chí trở nên điên loạn, hay mắc bệnh tâm thần.

 

 

 
 
  © 2020 Góc Nhỏ