Hẹn gặp ở Semarra

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 

Robert Coker viết…

Lúc tuổi đôi mươi lần đầu đọc truyện ngắn ‘Hẹn Gặp ở Semarra‘ tôi đã phải suy nghĩ. Truyện đó dựa trên một truyện cổ xưa của xứ Mesopotamia và cũng có cả trong văn học Hồi giáo, nhưng đoạn văn dưới đây theo sát những gì nhà văn Somerset Maugham đã viết trong năm 1933.

Một nhà buôn ở Baghdad sai đầy tớ mình đến chợ mua thực phẩm. Ngay sau đó, gã đầy tớ trở về, mặt tái mét và run lập cập, hắn nói: ‘Ông ơi, vừa rồi tới chợ, con bị một kẻ trong đám đông xô đẩy, và quay mặt lại nhìn, con thấy đó là Tử Thần. Tử Thần nhìn con với điệu bộ hăm dọa. Ông cho con mượn con ngựa ông, con sẽ đi xa khỏi đô thị này để tránh vận kiếp mình. Con sẽ tới Samarra là nơi Tử Thần sẽ không tìm thấy con.‘ Nhà buôn đó cho mượn ngựa, gã đầy tớ lên ngựa, thúc ngựa chạy nhanh. Khi vào chợ, nhà buôn đó trông thấy Tử Thần đang đứng trong đám đông. Ông hỏi: ‘Tại sao ông có điệu bộ hăm dọa đầy tớ tôi, khi sáng nay ông trông thấy nó?‘ ‘Đó không là hăm họa,‘ Tử Thần nói, ‘mà chỉ là ngạc nhiên. Tôi rất ngạc nhiên thấy hắn ở Baghdad, bởi tôi đã hẹn gặp hắn đêm nay ở Samarra:‘

Tự do của ý chí và thuyết định mệnh là những đề tài chánh yếu mà triết học Tây phương đã vật lộn với kể từ người Hy Lạp cách đây 2500 năm. ‘Hẹn Gặp ở Semarra‘ hiển nhiên là ví dụ điển hình cho quan điểm định mệnh. Phần đông thiên hạ không chấp nhận điều đó, vì họ nói mình chỉ tin ở sự tự do của ý chí. Những ai theo thuyết định mệnh thi nói tất cả các biến cố đều xảy ra theo luật nhân quả, và như vậy thì làm sao có tự do? Tôi nhớ tới những gì mình đọc của Gurdjieff, trước khi vào Subud, trong đó ông nói phần đông thiên hạ như một chiếc lá bị gió thổi từ nơi này tới nơi khác.

Tôi cũng nhớ tới mình đã đọc nơi nào đó một chủ đề trong đó Bapak phân biệt giữa định mệnh và định hướng. Tôi không biết mình đã đọc ở đâu, và được vài bạn bè Subud cho hay, tôi nhận thấy đó trong cuốn ‘A Memoir of Subud’ của Varindra Vittachi. Đầu Chương 7 Varindra thuật lại một trong những bàn luận với Bapak trong đó anh được cơ hội đặt câu hỏi. Usman thông dịch lại: ‘Những gì Thượng Đế muốn cho chúng ta là định hướng. Định hướng là những gì nên xảy ra. Định mệnh là những gì xảy ra từ tâm trí bị ảnh hưởng bởi sức mạnh hạ đẳng, khiến ta khó quy thuận Thượng Đế cho định hướng mình. Vậy, cuộc sống mình bị cai trị bởi định mệnh thay vì định hướng.‘

Nhân tiện, tôi trích dẫn một đoạn nói chuyện tháng 10 1963 của Bapak, trong đó Bapak nói chi tiết hơn về định hướng và định mệnh. Bapak nói tới những định mệnh khác nhau, trong đó thiên hạ ‘‘thâm sâu bị ảnh hưởng bởi thị dục và tư tưởng.‘‘

Thế nên, gồm những động tác mình tiếp nhận, latihan thực ra là một quá trình tẩy sạch cảm xúc. Điều đó xảy ra càng lâu thì càng được trong sạch, và càng thâm sâu và nếu may mắn, ta sẽ ý thức được định hướng đời mình, cái định hướng cần phải tuân theo và thực hành.

Vậy, đó là một cơ hội lớn cho tất cả các bạn, bởi với cái latihan tiếp nhận được, các bạn sẽ phát hiện được nội dung cá tính mình; các bạn sẽ phát hiện được định mệnh mình, trên thế gian này cũng như trong cuộc sống sau cái chết.

Tôi đang trông mong gặp lại các bạn bè Subud và những chỗ quen biết sau khi hết cách ly – nhưng tốt hơn là không tại Samarra!

 

 
 
  © 2020 Góc Nhỏ