Giây phút trọng đại nhất

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 

Anthony Bright-Paul viết…September 2020

Giây phút nào quan trọng nhất trong đời bạn? Giây phút nào quan trọng nhất trong đời tôi? Điều đó không có gì phải nghi ngờ. Giây phút tôi được khai mở trong Subud, giây phút tôi lần đầu tiên nghiệm được thực tại rõ ràng là quan trọng nhất của đời mình.

Giây phút nào quan trọng nhất trong cuộc đời của Hussein Rofé? Tất cả chúng ta đều biết điều ông mô tả trong ‘The Path of Subud’. Với John Bennett thì cũng thế, theo những gì ông mô tả trong ‘Concerning Subud’ và ‘Witness’. Raymond van Sommers viết ‘A Life in Subud,’ để làm chứng cho giây phút nào quan trọng nhất trong đời mình và những gì xảy ra sau đó.

Abdullah Pope viết cuốn ‘Reminiscences of Bapak’ để mô tả những giây phút trọng yếu nhất trong đời anh. Cũng như Mardiyah Tarantino và bác sĩ Rachman Mitchell. Tôi vừa cầm đọc cuốn ‘Beyond the Breakers’ của Silvana Waniuk, mà trong trang 56-57 chị dùng những từ là ‘những trải nghiệm trọng yếu nhất của đời tôi.’

Mới cách đây vài ngày, tôi đã thuyết phục được anh bạn Maxime Georgin, anh hiện bị kẹt cứng trong tư gia tại ngoại ô Paris, để cho tôi hay anh nhận thấy Subud như thế nào. Anh viết cái giây phút quan trọng nhất là lúc ngay cả trước khi anh được khai mở. Leonard Lassalle đã viết những điều thú vị nhất lúc trong Subud của anh. Marcus Bolt đã viết và hiệu đính lại ‘Saving Grace’, còn Emmanuel Elliot thì viết ‘The Dawning’.

Còn nhiều vị khác nữa, nhiều tới nỗi tôi không thể nhớ hết tên tuổi họ, để trả lại sự công bằng cho họ.

Vừa rồi Hussein Rawlings viết kể lại cho tôi về một phụ nữ yêu cầu anh định nghĩa sự khác biệt giữa linh hồn và jiwa. Tiếp theo là một đoạn trong email anh: Tôi đặc biệt đề cập tới điều Ibu nói không phải là mọi người đều có một jiwa. Mọi người đều có một linh hồn, nhưng jiwa là cái linh hồn được làm cho sống lại và bành trướng tới tất cả các thành phần của bản chất. Thế nên, jiwa không là một linh hồn tĩnh tại không bao giờ thay đổi, hay không đạt tới tâm thức. 

Lucien Hinkle còn trắc nghiệm về sự khác biệt của hai cái đó, và một vài người trong các bạn chắc đã hay được những kết luận của anh. 

Vừa rồi đọc lại cuốn ‘Concerning Subud’ của John Bennett, tôi thấy có điều ấn tượng này là ông nói rằng không biết tới bao giờ chúng ta mới biết được linh hồn, hay tâm thần, hay jiwa là gì, vì những cái đó thuộc một cảnh giới khác. Và Ibu cũng đã nói rằng mọi người đều có một linh hồn, nhưng không phải là ai cũng có một jiwa.

Đêm qua sau khi đọc email của Lucien, tôi chợt thấy điều này trở nên thật rõ rệt: khi chúng ta được khai mở, cái linh hồn bị đóng kín của mình được thông mở. Chính cái linh hồn được thông mở đó là jiwa. Kể từ lúc đó, như Bapak đã nói, chúng ta nằm trong Kejiwaan. 

Thực vậy, chúng ta có thể bỏ Hội, nhưng không bao giờ có thể bỏ Kejiwaan, bởi chính sự kiện linh hồn mình đã được thông mở. Kể từ lúc đó, Thiên Ý sẽ hoạt động nơi mình, trong khi trước kia chúng ta đã chỉ bị lôi kéo bởi những Sức Mạnh Hạ Đẳng đã chiếm lấy ngôi vị của Thiên Ý.

Thực ra, Muhammad Subuh đã nói cho chúng ta nghe điều đó hàng trăm ngàn lần. Tất cả cuộc đời của Bapak là hiến thân cho sự thông mở linh hồn của bất cứ ai yêu cầu, dù họ là ai đi nữa, dù căn cơ họ thế nào đi nữa. Bởi linh hồn được thông mở, nên bất cứ ai được khai mở có thể làm chứng cho chính mình là mình được tác động bởi Nguồn Đại Lực. Vậy, sẽ không có chuyện nếu thế này hay thế nọ, hay nhưng mà thế này hay thế nọ, bởi mỗi cá nhân được tác động bởi Nguồn Đại Lực, chắc chắn biết được điều gì đang xảy ra. Một khi ta được khai mở, nội tâm mình là tôn sư của chính mình. Và một khi có sự hướng dẫn của nội tâm, ta sẽ không còn cần có một Chân Sư.

Ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên là Bapak đã tuyên bố một khi được khai mở, ta có thể bỏ Hội là tổ chức, nhưng không bao giờ có thể bỏ Hội là tâm linh, là Kedjiwaan.

Những ai đã lâu đời tu tập đều nêu ra việc chúng ta nên tiếp tục chuyên cần tập latihan. Điều đó thì không ai có thể chối cãi. Nhưng cũng có những kẻ thấy mất thể diện bởi sự khẳng định của Bapak là một khi được khai mở ta sẽ không bao giờ bỏ Kejiwaan.

Nhưng tại sao lại vậy? Chúng ta là những đứa con hư đốn, không tập latihan với nhóm trong nửa tiếng đồng hồ, và tập ở nhà trong nửa tiếng đồng hồ, nên Thượng Đế sẽ không còn hướng dẫn nữa? Chúng ta cho là đã trong Subud thì một cách kì diệu mình sẽ không lầm lạc và tội lỗi nữa?

Những gì Tony Bright-Paul viết thì không có hiệu quả, nhưng những gì Bapak viết thì cần phải hiểu rõ. Nên tôi xin lặp lại một lần nữa:

Chúng ta có thể loại trừ ai đó khỏi Hội, nhưng không bao giờ có thể loại trừ họ khỏi latihan. Một khi ai đó được khai mở và tập latihan, bản chất họ chứa đựng quyền năng của Thượng Đế, mặc dù họ không ý thức được: họ sẽ phải trực diện quyền năng của Thượng Đế. Sau đó, họ sẽ không bao giờ bỏ hội tâm linh Subud. Chỉ tim can họ là chối bỏ, hay nói họ đã bỏ Subud. Nhưng jiwa thì không bao giờ, bởi thể xác bị gắn bó bởi thời gian, còn jiwa thì vĩnh hằng. Vậy, hiển nhiên khi ai đó bị loại trừ khỏi Hội nhưng đã được khai mở, họ không bao giờ có thể bị loại trừ khỏi kedjiwaan.

 
 
  © 2020 Góc Nhỏ