Bốn trải nghiệm với Bapak

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 


Có nên đội nón hay không?
Trong những năm 1970 và 1989 tôi thường may mắn được du hành đi theo những chuyến đi của Bapak, và đôi khi đã viết những bài báo cho Subud về điều đó. Nhưng tôi lấy làm thất vọng vì không bao giờ chụp một tấm hình thật đẹp của Bapak.

Tôi là một kẻ hơi rụt rè và thấy khó có thể đến bên người ta để chĩa máy chụp hình vào mặt họ. Tất nhiên điều đó là đặc biệt nhạy cảm trong trường hợp của Bapak.

Nên tôi luôn chụp những tấm hình từ phía đằng sau của phòng, trong lúc Bapak đang ngồi phía trước khán giả, và điều đó không mấy tốt vì chụp từ một nơi xa.
Một lần nọ, trong lúc Bapak tới thăm Melbourne, tôi quyết định hỏi xem người ta có thể sắp xếp hay không cho mình chụp một tấm hình của Bapak. Anh Sharif sắp đặt điều đó.

Điều kinh ngạc là Bapak đã coi chuyện đó là nghiêm trọng. Nên một hội viên tầm thường không tên tuổi như tôi có thể đến chụp. Bapak coi đó là điều gì hết sức quan trọng nên phải làm cho đàng hoàng. Có những điều được bàn luận với Sharif, và anh là người thông ngôn việc nên chụp trong hay ngoài nhà, Bapak nên đội nón hay không.

Cuối cùng thì đồng ý là nên chụp ngoài nhà, và Bapak nên đội nón.

Tôi rất căng thẳng khi chụp, vì rất kính sợ Bapak và cảm thấy mình quá tầm thường. Hậu quả là một tấm hình không mấy đẹp, mặc dù Bapak đã tận tâm chuẩn bị.

Theo tôi thấy, tất cả những việc làm trong đời mình đều có dấu ấn của chính mình, và trong câu chuyện ngắn ngủi này các bạn có thể thấy được một khía cạnh của chính tôi, việc đôi khi tôi rụt rè và căng thẳng như thế nào. Và đó là điều không tạo nên một kết quả tốt.

Sunkum
Trong những năm 1970 và 1980 tôi may mắn nhiều lần được tới Wisma Subud dự Ramadan. Lúc Idul Fitri nhiều người thường tụ tập tại Wisma Subud, cả người nước ngoài cũng như các hội viên từ khắp Indonesia, để làm sunkum đối với Bapak.

Thường có khoảng một ngàn người đứng xếp hàng để quỳ trước mặt Bapak xin Bapak tha thứ cho mình.

Nên phải đợi chờ và đợi chờ trong lúc đứng xếp hàng để cuối cùng thì tới phiên mình. Chỉ còn khoảng 10m nữa tôi đến gần Bapak, rồi quỳ trên đầu gối và đặt trán mình trên đùi Bapak để xin tha thứ (cho nội giới hay ngoại giới); kế tiếp là lần lượt xin những người trong gia đình Bapak tha thứ cho, trước khi xin mọi người tha thứ cho.

Tôi thường không mấy tin cái lễ nghi đó. Tôi là một người Úc, chúng tôi cực kì bình đẳng và tin là không phải theo cái lễ nghi đó. “Mọi người đều như nhau“ là thái độ của chúng tôi, và điều này đặc biệt đúng với những người Úc gốc Ireland như tôi. Chúng tôi không tin mình phải quỳ trên đầu gối trước bất cứ ai.

Vậy nên, một phần của tôi muốn làm theo cái sunkum đó, nhưng phần còn lại thì hoàn toàn chống lại. Tất nhiên tôi hiểu được đó là một tập tục xã hội của Indonesia, đặc biệt trong lúc vẫn có vài khía cạnh phong kiến, và như vậy thì tôi phải chiều theo.

Tôi mãnh liệt cảm thấy sự xung đột và phân cách đó nơi mình, và điều đó phản ánh lề lối trong Subud của mình. Có chứ tôi muốn làm. Có chứ, tôi biết mình phải làm, nhưng có gì đó nơi tôi thì chống cự lại.

Nên tôi từ từ đến gần Bapak trên đầu gối mình, nhưng một phần nơi tôi không tin điều mình đang làm. Một phần của tôi không gắn bó với điều đó. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ làm.
  
Tôi nhớ lại trong lúc đến gần Bapak để đặt trán mình trên đầu gối Bapak, và vừa làm vừa chống lại, tôi cảm thấy Bapak đụng vào lưng mình, và đó là một cảm giác đặc biệt, ngay cả đối với cái tâm cảm bị phân chia của mình, của tình thương, của an ủi và thông cảm, và của tha thứ...

Bapak mê một cô gái
Trong những năm 1970 và 1980 tôi may mắn được nhiều lần tới Cilandak, đôi khi để dự Ramadan, đôi khi vì những dịp khác, như dự sinh nhật Bapak.

Cái tục lệ thông thường là trước khi về nước thì phải tới nhà Bapak để từ biệt. Vậy nên, có lần tôi đã tới đó cùng với khoảng 100 người, những ai đi khỏi Wisma Subud muốn từ biệt Bapak.

Buổi sáng, chúng tôi gặp nhau tại nhà Bapak. Người đi xuống dưới nhà từ trên lầu, râu chưa cạo, áo sơ-mi chưa cài khuy. Tâm trạng có vẻ như đặc biệt thanh thoát, người nói với chúng tôi việc đang viết cuốn tự truyện của mình.

Người nói rằng trong lúc du hành khắp thế giới mình đã mỗi ngày dành một chút thời gian để viết tự truyện, và đó là một sự khuây khỏa, còn Sharif thì dịch qua tiếng Anh. Có ai muốn nghe đọc một vài đoạn không? Tất nhiên là chúng tôi muốn.

Bapak bảo Sharif đọc đoạn trong lúc mình đang ngồi trên xe lửa tới thăm một người bạn bị đau ốm, thì tại một trạm xe nào đó có một cô gái bước lên mà mình thấy hấp dẫn. Bapak nhận xét như thế nào gió kéo giật chiếc sarong chung quanh cổ chân cô.
  
Bapak đến thăm bạn mình, nhưng không thể không nghĩ tới cô gái đó. Trên đường về nhà, người dừng lại nơi trạm xe cô gái bước xuống, để hỏi xem cô là ai, và biết được cô là con gái một lãnh tụ tôn giáo nọ. Sau đó thì có những cuộc thăm dò thích đáng với gia đình cô, để kết duyên cho đôi bên, và cuối cùng thì Bapak và Rumindah thành hôn.

Đoạn văn đó thật giản dị và cảm động. Điều đáng chú ý nhất là Bapak, một Sứ Giả của Thượng đế, mê một cô gái, y như tất cả chúng ta. Người không tập trung vào bất cứ gì ngoài cái đối tượng yêu mến của mình. Chúng ta thoáng nhìn thấy cô trên xe lửa, lập tức thấy cô hấp dẫn, và không thể nghĩ tới bất cứ gì khác, cho tới khi thấy cô lại một lần nữa.

Tất cả chúng tôi đều chào tạm biệt Bapak trước khi ra khỏi Căn Nhà Lớn. Có một cơn mưa nhẹ. Đó là một trong những cơn mưa hình như là một ân phước, hay để đánh dấu một biến cố đặc biệt.

Có thật nhiều tầng lớp
Một lần nọ, khi Bapak tới Melbourne, đó chính là lúc tôi làm hội trưởng. Trong cuộc viếng thăm đó tôi có một giấc mơ.

Tất cả chúng tôi đang ngồi trong phòng, khi Bapak có buổi nói chuyện. Điều xảy ra như là có thật. Đó đúng là những gì mọi việc xảy trong cuộc đời có thật.

Tôi nhận thấy có tiếng xì xào chung quang mình, và cuối cùng thì tiếng xì xào đó đến hàng ghế phía trước mình, và có một vị quay qua phía tôi nói: “Bapak cần đi cầu, anh có nhiệm vụ dẫn Bapak đi.“ Tôi phản đối:“Tại sao lại là tôi?“

-Bởi vì anh là hội trưởng, vị đó nói.

Vậy nên, tôi phải dẫn Bapak từ phòng họp tới căn nhà bên cạnh là nơi có cầu tiêu. Thực ra, giữa phòng họp và căn nhà có một bãi cỏ rất nhẵn trơn, nhưng trong giấc mơ thì mọi việc đã thay đổi: thay vì một sân cỏ thì là một vườn cây gai với những khối đá lởm chởm. Trong giấc mơ, tuổi tác Bapak đúng với sự thật, và tôi lo ngại Bapak sẽ té ngã khiến bị gãy xương, như vậy mọi người sẽ trách cứ tôi.

Nhưng chúng tôi an toàn tới căn nhà, và trong lúc Bapak dùng cầu tiêu, tôi ngồi đợi chờ trên một chiếc ghế dài. Tôi nhìn lên trên và trông thấy căn nhà có nhiều tầng lớp, trên đó có những phụ nữ đang đi đây đó làm những chuyện nội trợ. Nhìn xuống dưới tôi cũng thấy có nhiều tầng lớp.

 

 
 
  © 2020 Góc Nhỏ