Phỏng vấn bà xã

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 


Harris Smart

 
   

Tôi đã du hành khắp thế giới để phỏng vấn nhiều hội viên Subud, nhưng tôi chưa từng phỏng vấn người thân nhất của mình, bà xã mình.

Một buổi sáng nọ, khi chúng tôi đang ngồi chung với nhau, bả hỏi tôi: “Đêm qua anh đã bàn luận gì trong buổi họp phụ tá?“

Tôi nói: “Chúng tôi nói về những người đã bỏ Subud mà chẳng có gì có thể làm về chuyện đó. Tại sao những ai đã lâu đời trong Subud lại đi theo một hướng khác? Và tại sao những ai vừa được khai mở thì lại không đến nữa? Em nghĩ thế nào về chuyện đó?“

“Có gì đâu, Subud đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn,“ bả đáp. “Không thể một sớm một chiều là có kết quả. Có lẽ thiên hạ vào là vì mong ước chuyện không thể có là mọi việc trong đời mình chợt trở nên tốt đẹp. Có thể là rất lâu, hết năm này tới năm khác, mà chẳng cảm thấy gì, nên phải kiên nhẫn trải qua điều đó.“

Chính ngay lúc đó, tôi chợt thấy mình phải phỏng vấn bà xã mình. Bả kể cho tôi nghe...

Tôi được khai mở cách đây 27 năm. Đó là nhờ quen biết với Simone Melder. Chị là một người em quen trong cộng đồng người Sri Lankan ở Melbourne. Có cái gì đó đặc biệt về chị. Có cái gì đó tốt lành. Tôi nghĩ, những gì người này theo phải tốt đẹp. Tôi tìm cách hiểu được cái bí mật đó của chị, nhưng chị luôn tránh né. Chị chỉ nói với tôi là mình đi nhà thờ và “tập thiền.“

Subud là một cái gì tế nhị tới nỗi kẻ nghe mình nói  phải trong một trạng thái tiếp thu thích đáng. Có lẽ chị đã đợi chờ cho tới khi đúng lúc nói với  tôi về Subud. Có lẽ nếu chị nói với tôi liền, thì tôi sẽ chống đối coi đó là điều gì như một giáo phái. Nhưng cuối thì chị cũng đã nói với tôi.

Nên tôi bắt đầu trải qua ba tháng dự bị...Điều đó thật khó khăn, vì hồi đó  tôi không kiên nhẫn, nhưng có một vài phụ tá rất nhã nhặn đối với tôi.  Halimah Armytage và Absiah Bakir là hai người đã giúp tôi.

Sau khoảng sáu tuần thì tôi có một chứng nghiệm đặc biệt. Trong lúc đi cùng với Simone và bà mẹ chồng chị, bả cũng trong Subud, tới một bờ hồ trong một khu vườn, tôi chợt cảm thấy một chấn động rất mạnh là mình đồng nhất với Thượng đế. Ba người tụi tôi yên lặng đứng lại, và sau khoảng 20 phút thì hết có cái chứng nghiệm đó. Simone nói: “Chúa ơi, bạn đã được khai mở.“

Đó là điều mình đang đi tìm khi vào Subud? Tôi đã được giáo dục theo giáo hội Anh giáo ở Sri Lanka. Tôi đã trải qua những gì là truyền thống như học đạo mỗi Chủ Nhật, đi dự lễ đều đặn và hoạt động trong nhóm thanh niên. Nhưng tất cả những cái đó chỉ là hình thức và tập quán, và điều tôi tìm kiếm là một cảnh giới trong đó có một quan hệ gắn bó hơn với Thượng đế. Đó là cái tôi  mong tìm thấy trong Subud.

Đời mình thay đổi
Hồi đó đời tôi thật thoải mái và hạnh phúc. Tôi có hai đứa con gái nhỏ, và quan hệ với chồng mình thì thật tốt đẹp. Chúng tôi có hai cửa tiệm làm ăn khấm khá vô cùng. Chồng tôi cũng vào Subud, nhưng sau khi tôi vào Subud được khoảng năm hay sáu năm thì mọi việc đã sụp đổ. Tôi mất hết tất cả.

Tôi được nuôi nấng trong một môi trường của những người có ưu thế ở Sri Lanka. Tôi là một người Burgher, tức là thuộc những dân bản xứ Sinhalese đã có hôn nhân với những người của chế độ thực dân, như người Bồ Đào Nha, người Hà Lan và người Anh là những người trước kia đã cai trị Sri Lanka. Những người  Burgher như bọn tôi như là một vùng đệm giữa thực dân và dân bản địa. Bọn tôi là chuyên gia, thầy giáo, y sĩ, luật gia và thẩm phán. Gia đình tôi rất giàu có, đại gia đình ăn ở chung với nhau trong một khu vực gồm những nhà cửa của riêng mình.

Đời tôi không bao giờ phải buồn phiền. Khi tôi tám tuổi thì bà mẹ yêu quý của tôi mất. Bố tôi thì phải xa nhà, lúc đó ông ở Zambia nên không thể hủy bỏ hợp đồng để về nhà. Hai năm tiếp theo là một thời gian đau buồn và cô đơn với tôi. Chị tôi và ông bà tôi chăm lo cho tôi, nhưng vẫn còn rất khó khăn.

Tôi rất thích đi học và rất khá về môn thể thao (Đó là một điều thừa hưởng từ bên ngoại: một ông cậu của tôi đã đoạt huy chương vàng cho môn võ quyền Anh tại những trận đấu của Commonwealth, một sự kiện trọng đại cho Sri lanka hồi đó). Nhưng như thế nào đó tôi thấy mình rất cô đơn. Vừa rồi, tôi về Sri lanka gặp một kẻ mình quen biết ở nhà trường trước đây, người đó nói với tôi: “Đúng rồi, chúng tôi thường gọi bạn là một cô bé giàu có nhưng đáng tội nghiệp.“

Ba tôi, ông anh và bà chị tôi, đến sinh sống tại Zambia. Tôi cảm thấy mình rất gần gũi với những người Phi Châu. Đáng lí ra tôi không được giao du với những đầy tớ, nhưng tôi luôn chuồn ra ngoài, tới những nơi chốn của họ, để thưởng thức những thức ăn và học hỏi về những truyền thống và văn hóa của họ. Tôi vẫn còn những kí ức vui thú nhất về những lúc ăn uống chung với họ những đồ ăn nhiều bột, trong đó mọi người ngồi chung với nhau theo vòng tròn.

Tôi trở về Sri Lanka là lúc có một cuộc xáo trộn chính trị trực tiếp ảnh hưởng tới chúng tôi. Chế độ thực dân cáo chung, những người Sunhalese chiếm đa số nên nắm được quyền hành; những người Burghers, từng được ưu thế, thì lại bị kỳ thị. Rất nhiều người Burghers đã di dân qua Anh, Canada và Úc. Chúng tôi không được phép đem theo tiền, và phải bỏ lại tài sản và lối sống sung túc của mình để bắt đầu lại từ đầu một cuộc sống mới tại Melbourne với hai bàn tay trắng. Lúc đó tôi 17 tuổi.

Ba tôi kiếm được một việc làm là thầy giáo, và tôi cũng bắt đầu đi làm. Có lẽ vì mẹ đã mất nên bố tôi hết sức bao che tôi. Nếm trải qua cái văn hóa mới mẻ được tự do và độc lập của Úc, tôi càng lúc càng cảm thấy ngột ngạt bởi ba tôi không bao giờ để cho tôi đi ra ngoài nhà. Một cuối tuần nọ, tôi chống cự. Tôi nói mình sẽ ra ngoài, dù ông có thích hay không. Ông nói nếu tôi  đi thì sẽ đừng trở về nữa.

Tôi ra ngoài sống chung với ông anh mình và cô con gái của anh. Nhưng ba tháng sau ba tôi đến gặp tôi nói: “Ba rất nhớ con, con trở về với ba đi.“ Tôi làm theo sự yêu cầu của ông, nên ông tôn trọng sự mong ước được tự do của tôi. Nghĩ lại chuyện đó, tôi thấy đó bước đầu trong cuộc hành trình trở thành một phụ nữ độc lập.

Càng gắn bó thêm với Subud
Như đã nói, lúc tôi gia nhập Subud, đời mình thật tốt đẹp. Nhưng sau năm hay sáu tháng  thì tất cả đã thay đổi. Đó là lúc ba tôi bắt đầu mất. Tuy có những khó khăn nhưng ông là người quan trọng nhất trong đời tôi, cùng với chồng và con cái tôi.

Lúc đó tuổi tôi là 37. Không hiểu vì sao sau khi ba tôi mất, tôi cảm thấy mình phải bỏ chồng mình. Cũng trong lúc đó, công việc làm ăn của chúng tôi sụp đổ, nên mất tất cả vật chất. Tôi luôn có một cuộc sống được bảo đảm và che chở, trước hết nhờ ba tôi, rồi chồng tôi, nhưng bây giờ thì tôi phải tự chống chọi lấy cho mình. Tôi có hai đứa con gái còn nhỏ; tôi và ông chồng trước đây của mình cùng nhau nuôi nấng chúng. Hiệnn nay thì tuổi chúng đã hơn 20, và chúng đã tự lo được cho mình ngoài đời. 
Nhưng tất cả những sự xáo trộn đó là một thử thách để tôi coi Subud một cách nghiêm trọng hơn. Chồng tôi cũng vào Subud; chúng tôi thường đi tập mỗi tuần một lần và làm quen với một vài người, nhưng tất cả chỉ là bề ngoài. Chúng tôi thường phê phán những người Subud, vì họ có vẻ như không mấy thành công ngoài đời, và cảm thấy mình không như họ.

Nhưng một tháng sau khi bố tôi qua đời và sự đổ vỡ của hôn nhân, tôi gắn bó nhiều hơn với Subud. Tôi tức giận, cảm thấy mình lạc lõng, bị cô lập, trở nên xáo trộn và lo sợ. Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy một sức mạnh yên lặng của nội tâm là mọi chuyện đều tốt đẹp. Tôi cũng cảm thấy mình được tự do một cách mới mẻ. Trước đây, tôi cảm thấy ngột ngạt bởi cuộc sống an toàn của mình. Sự mất mát tất cả những tiện nghi của mình hình như là một sự mở thoát nhờ đó mình phải bắt đầu một cuộc hành trình chính đáng. Có thể coi đó là cách được giải thoát khỏi tất cả những cái đó. Tôi không còn lo nghĩ nữa nên cảm thấy phần nào vui vẻ. 

Hôi Nghị là định mệnh
Tôi chưa từng đi dự một Hội nghị Subud nào, nhưng các bạn bè Subud thân thiết của mình khuyến khích tôi đi. Có một hội nghị quốc gia ở Wollogong, và nơi đó tôi gắn bó với một anh chàng là Harris Smart.

Có một biến cố một vài tháng trước đó trong lúc tôi đang trong phòng tập sau khi tập xong: đó là lúc tôi gặp cái anh chàng mình không quen biết.

Ngay lúc đó, tôi chợt nghĩ: “Anh chàng này sẽ là chồng mình, và chúng tôi sẽ đi du hành với nhau.“ Thật kỳ lạ -điều đó đến từ một nơi chốn bên ngoài tôi, vì tôi thấy anh không có gì là hấp dẫn.

Tại hội nghị tôi lại gặp anh một lần nữa, hoặc anh tìm kiếm tôi vì đêm hôm đó trong phòng tập anh cũng có một cảm nghiệm tương tự  tôi sẽ là vợ anh. Đó là một trong những cảm nghiệm vui thú trong “một buổi tối tại một phòng đầy người.“

Đó là một chuyện tình trong cơn gió lốc tại Hội Nghị, và chín tháng sau chúng tôi thành hôn. Tôi thấy anh là một người lớn tuổi (hơn tôi 10 tuổi!) có những nét như bố tôi là một người trầm lặng, trí thức, có vẻ cô đơn. Tôi đọc nơi nào đó Bapak nói rằng đối với người chồng thì cảm thấy như với bố mình, và đối với người vợ thì cảm thấy như với mẹ mình. Nhìn đại thể, tôi tin rằng người ta đã đưa dắt cho chúng tôi gặp nhau cho sự phát triển của chúng tôi.

Harris và tôi là những người khác nhau, không chỉ về lai lịch và giáo dục, mà còn về tính khí. Người ta nói những gì đối chọi nhau thì lại hấp dẫn nhau, và có lẽ chúng tôi là một trường hợp về việc đó. Tôi là một người theo cổ truyền, và anh thì hơi giống với một người không chịu theo khuôn phép. Anh nói với tôi là anh thấy ở tôi một cội nguồn của sự ổn định trong đời anh, còn tôi thì thấy sự hấp dẫn của cái tư cách yêu thích tự do ( đôi khi khá bướng bỉnh!) của anh.

Có nhiều thách đố của tương lai. Hôn nhân không bao giờ là một chuyện dễ dàng, nhưng như thế nào đó chúng tôi đã gắn bó với qua những lúc thịnh và suy trong 20 năm.

Đổi tên
Một vài tháng sau Hội Nghị tôi xin một cái tên mới. Trước kia tôi chưa từng hiểu tại sao người ta lại muốn làm điều đó, và tôi khinh thường cái quan niệm đó. Nhưng bây giờ tôi muốn một cái tên mới, và cái tên đó là Piata.

Có những lúc tôi thất vọng về Subud hay những người Subud, và đã không tập chung với nhóm trong vài năm. Nhưng bây giờ thì tôi đi tập trở lại. Trong ba năm vừa qua, tôi bị một số những căn bệnh khiến đau đớn và yếu sức -tất cả chúng ta đều già rồi- và có lẽ đó là điều dạy cho biết thế nào là kiên nhẫn. Tôi phải chấp nhận cái quá trình lành bệnh rất chậm chạp. Không thể nhanh chóng được!

Tôi thấy được là có một đường đời nhờ đó chúng ta phải mang ơn. Đó không nhất thiết là chỉ đi tìm hạnh phúc, mà còn là để phát triển, thường thông qua khó khăn và đau khổ. Chúng ta phải đối diện cuộc sống với những thực tại của nó, thay vì chỉ hão huyền mong ước cuộc sống nên như thế nào. Qua tất cả những điều đó tôi học được cách có sức bền chịu, lòng kiền nhẫn và tính độc lập. Nên cuộc hành trình sẽ còn tiếp...

 

 
 
  © 2020 Góc Nhỏ