Subud đã làm gì được cho tôi

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 

Marcus Bolt tâm sự trong Subud Voice November 2019 nhân vụ tái xuất bản cuốn Saving grace

Vậy, sau 50 năm xả thân cho Subud, tôi đã được những gì?

 
   

Chắc chắn là nó đã mang đến cho tôi sự minh mẫn. Sự khác biệt giữa cách nhìn đời của tôi trước kia và hiện nay thật rõ rệt. Ngay cả những kẻ thường hoài nghi cũng không thể chối cãi điều đó. Tôi có thể thành thật mà nói rằng mình quản lí được những lo sợ của mình, trái với điều nhận chìm mình vào một tình trạng khiến bị tê liệt. Chỉ từ cách nhìn đó tôi mới có thể đồng ý là latihan có hiệu quả, nên sẽ khuyên bất cứ ai muốn thử nó.

Đó là một cuộc phiêu lưu phi thường. Thật vui thú, thật kích động, đầy những bi thương và đau đớn, những thành công và thất bại -một điều hấp dẫn, cực kì hấp dẫn. Tôi cảm thấy mình là một kẻ có cái nhìn sâu rộng hơn, trở nên tha thứ hơn, có tình thương hơn. Tôi cũng sắc bén ý thức được cái phương diện đen tối của mình, cái bóng đen của mình, và điều đó thì không dễ coi chút nào. Nhưng đó là “cái bóng tối tôi nhận là của mình,” như nhân vật Prospero trong kịch The Tempest của Shakespeare lớn tiếng nói lúc cuối.

Điều nổi bật là tôi có thể có một cuộc sống bình thường nhưng nhìn xa thấy được những gì chung quanh. Cái khả năng nhìn thấy đó còn có giá hơn điều mình mặc cả cách đây 50 năm. Tôi muốn nhìn thấy cái thực tại nằm dưới diện tích của đời sống. Tôi có thể làm như vậy, tới một phần nào, một điều đi đôi với một nhận thức sâu sắc, và đó là điều gì đôi khi rất khó có thể chấp nhận và không là điều mình tìm kiếm lúc ban đầu. Đó đúng là một ân huệ đã cứu vớt tôi. Tôi cũng cảm thấy mình được ân phước là cô gái út mình và đứa con thứ nhì của của cô đã được khai mở và theo tập latihan đều đặn.

Hiện nay tôi làm những gì mình luôn muốn làm, viết văn và vẽ tranh, bởi từ một nơi nào đó, như thế nào đó, tôi đã có can đảm, lòng tự tin và sự hiểu biết để cuối cùng phát triển những năng khiếu thiên phú của mình. Tôi không còn sợ cái chết nữa, tuy cảm thấy nó cứ từ từ đến gần mình một cách không thể ngăn cản (tất nhiên với một người 76 tuổi thì lại càng gần hơn) Tôi không nói là mình mong ước nó. Chắc chắn là sẽ hoảng hốt. Nhưng tôi mong cho nỗi sợ đó là một trong những điều cho biết trước là đáng tôn kính, chứ không hãi hùng.

Một điều hiện nay tôi nhận thức được là khủng khiếp thì đó chính là cái khả năng ý thức được cái chết của trí tuệ, và đó đúng là điều tôi thấy như vậy trong những năm qua. Cái ân huệ có khả năng cứu vớt của chúng ta, con đường chúng ta đi trên đó, có mục đích khai triển sự hiểu biết của nội tâm tới một mức độ khiến chợt được giác ngộ trong lúc chết, trong sự câm lặng của trí tuệ và nafsu -sợ hãi, lo lắng, kinh khiếp, cố bám lấy cuộc sống- để chúng ta có thể an bình chết.

Dù phải chết như thế nào đi nữa, tôi biết một ngày nào đó mình sẽ lên giường nằm mà không thức dậy nữa, hay thức dậy mà không lên giường nằm nữa. Một ngày nào đó tôi sẽ đánh răng một lần chót, lái xe một lần chót, làm tình một lần chót và vân vân. Tôi chỉ cầu nguyện trong lúc chết là danh hiệu của Thượng Đế sẽ có trên miệng lưỡi mình. Như Matthew Sullivan, anh bạn thân và thông thái trước đây của tôi đã làm một bài thơ dài với những khổ thơ then chốt và cân đối tuyệt đẹp:

Awwa – awwa – awwa
Tiếng gọi lần đầu một đứa bé
Danh hiệu Thượng Đế
Allah, Allah, Allah
Sẽ là tiếng gọi cuối cùng

Như Bapak đã nói: “Khi cuối cùng các bạn đối diện cái chết, lúc nafsu không còn hoạt động, lúc tư tưởng không còn hoạt động, lúc những hiểu biết thông thường mình dùng hằng ngày không còn hoạt động -lúc tất cả không còn hoạt động- thì đó là lúc giác ngộ, có một sự hiểu biết mà những người sống trên cái thế giới này không thể hiểu biết.”

Trong những nói chuyện khác, Bapak nói cuộc sống này chỉ là ảo ảnh so với sự vĩ đại của cuộc sống sắp tới. Một trong những đoạn tôi thích là Bapak nói khi đau ốm, đặc biệt lúc đang chết, ta không muốn ăn uống. Đó là vì Thượng Đế không còn muốn chúng ta nuôi ăn nafsu nữa, khiến cho lúc đang chết, sẽ có một sự chuyển tiếp dễ dàng hơn. Nhưng điều chẳng may, Bapak nói tiếp, là người ta đã không hiểu điều đó, và ngay cả khi ta bất tỉnh, nhân viên bệnh viện cũng nuôi ăn mình qua những ống dẫn, nếu cần thiết. Tôi cầu nguyện cho các thân nhân mình sẽ không để cho điều đó xảy ra, nếu tôi bị một tình trạng như vậy. Trong tất cả những cái chết mà tôi chứng kiến -của bố mẹ, của anh em, của vợ mình- chỉ có một chút nước được truyền vào để giữ sự sống cho họ. Mỗi cái chết xảy ra trong vòng năm ngày, và cuối cùng họ ra đi một cách vô cùng bình an.

Tóm lại, điều đó với tôi không chỉ là đức tin, mà là sự triển vọng chuyển tới một sự sống cao quý hơn. Trái với sự hy vọng, đó chắc chắn là thực chất của đức tin.

Nhưng như Bapak còn nói: “Ta không nên tỏ ra quá nghiêm trọng. Như vậy sẽ làm cho người trẻ chóng già, và người già chóng chết.”

Hôm qua, trong lúc đang đi dạo, tôi đến một con đường dốc cao xuyên qua một vùng rừng rậm, và bắt đầu hít thở không khí mát lành mang mùi một cơn mưa vừa xảy ra và mùi cây cối ẩm ướt. Tôi cảm thấy nổi lên trong lòng một cảm xúc biết ơn cho cuộc sống mình. Tôi luôn liên hệ cái cảm xúc đó với sự phụng thờ, và đột nhiên thốt ra lời nói “Lạy Cha, Lạy Cha,” những lời nói xảy ra cùng một lúc với hơi thở mình.

Tôi cảm thấy mọi việc trở nên đơn giản, ngay lúc này và ngay chỗ này. Cái Tôi to lớn của tôi ăn khớp với Tạo Hóa, và cái Tôi nhỏ bé tạo thành ‘tôi‘ thì được đặt đúng chỗ. Ngay trong những lúc không có là bao đó, tôi không muốn bất cứ gì, không cần bất cứ gì, không sợ bất cứ gì. Với tôi, đó là cái thực chất trong lành của Subud, một đại dương của ân huệ trong đó tôi còn học cách bơi lội.

 
     
 
  © 2020 Góc Nhỏ