Gặp gỡ và trò chuyện với Ibu Rahayu

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 

Halimah Polk, Subud Voice August.. November 2019 - Bài 2 (tiếp theo)

 
Ibu Rahayu  

Lần đầu gặp gỡ Ibu Rahayu trong năm 1974

Khoảng tuần lễ thứ hai cuộc viếng thăm của tôi, tôi được dịp hỏi chuyện Ibu Rahayu. Chúng tôi gặp nhau tại một phòng của căn nhà xưa kia của Bapak. Tất nhiên tôi rất căng thẳng. Tôi nói với bà mình có một vài điều muốn hỏi về cuộc sống ở Indonesia và ý định dạy học của tôi...Tôi không chắc dạy học là công việc thích hợp cho mình hay không...dạy học ở California thì rất căng thẳng.

Bà ngồi đối diện tôi, chăm chú nghe tôi rồi nói:

- Halimah, bạn đã tự mình trắc nghiệm về chuyện đó hay chưa?

Hồi đó tôi còn rụt rè, vì chỉ trong Subud mới có 5 năm, và không mấy tin sự trắc nghiệm của mình, nhưng bất chấp điều đó, Ibu nói:

- Bạn nên tự mình trắc nghiệm. Đúng đấy, chị nên trắc nghiệm ngay bây giờ. Bạn không cần phải hỏi tôi. Bạn chỉ việc tự mình trắc nghiệm.

Và điều xảy ra là Ibu ngồi yên tịnh trên ghế, còn tôi thì đứng mà đặt những câu hỏi cho chính mình. Điều phải biết là khi Ibu yên tịnh, bạn cũng sẽ yên tịnh hơn điều mình có thể tưởng. Câu hỏi đầu tiên bà muốn tôi hỏi là ‘tình trạng tôi như thế nào nếu sống ở California?‘ Tôi tiếp nhận được một tâm trạng đầy bối rối.

Tôi vẫn còn đứng nhưng không mấy an vui. Ibu liền yêu cầu tôi tiếp nhận tình trạng tôi sẽ như thế nào nếu sống ở Cilandak. Tôi thấy thật trầm lặng và an vui. Tôi nói với bà hiển nhiên với tôi Cilandak tốt hơn California. Bà liền yêu cầu tôi tiếp nhận về công việc dạy học.

Công việc dạy học với tôi thì như thế nào? Điều hết sức ngạc nhiên là tôi trong tình trạng phụng thờ và tăng trưởng. Bà hỏi tôi điều đó ra sao; tôi nói mình lấy làm ngạc nhiên dạy học là điều tốt đẹp. Bà nói đúng là như vậy, nhưng CHỈ tốt đẹp nếu tôi có thể kiếm được việc làm ở Cilandak.

- Bạn đã tới trường Joint Embassy School hay chưa để hỏi xem có công việc gì cho mình hay không? Có lẽ bạn nên tới đó.

Tôi gật đầu và hết sức cảm tạ Ibu Rahayu vì sự mách bảo đó. Nhưng tôi không nói với bà điều tôi không muốn làm chính là chạy tới đó xin một chân dạy học. Trắc nghiệm là một chuyện, nhưng tiếp theo đó đi kiếm việc là một chuyện khác.

Tôi thường lấy làm lạ về cách Ibu Rahayu đối xử với mình trong buổi hỏi chuyện đó. Bà đã thật lễ phép đối với tôi. Vì còn là một người rất trẻ trong Subud, nên đáng lí ra tôi phải tuân theo những chỉ thị của bà, nhưng đó không là điều bà muốn tôi làm. Một phụ tá gương mẫu như bà đã dạy lòng tự trọng cho tôi bằng cách đòi tôi phải tự trắc nghiệm lấy cho mình, vì tôi được sự hướng dẫn của nội tâm mình.

Tôi còn nhớ là mình đã nói chuyện với một nữ phụ tá lâu đời về điều vừa trải qua với Ibu.

- Là như thế đấy, vị đó nói, một phụ tá thực sự tài ba là như vậy: không bao giờ cho lời khuyên khi người ta chưa thể tiếp nhận sự hướng dẫn của chính mình...luôn luôn tỏ ra lễ độ.

Khoảng ba ngày sau đó, tôi đang mua sắm tại một cửa tiệm nhỏ bé trong khu vực, thì Ibu chợt đến để mua một món quà cho ai đó.

Chúng tôi thân mật chào hỏi nhau. Bà nói:

- Ủa, Halimah, bạn đã đến trường học đó chưa?

- Chưa đâu, Ibu Rahayu, tôi sẽ đến đó ngay, tôi trắng trợn nói dối.

Khoảng một tuần sau đó, tôi lại gặp Ibu Rahayu trong lúc đang lang thang trong khu vực với một vài chị em Subud. Chúng tôi đứng lại để chào hỏi nhau, Ibu nhìn tôi nói:

- Kìa, Halimah, bạn đã tới đó để xin việc làm?

- Ibu tha thứ cho, tôi rất bận, nhưng tôi sẽ tới đó. Tôi thực sự hơi mệt mỏi sau khi nghỉ dạy học tại Mỹ.

- Bạn nên tới đó. Đừng lười biếng.

Đó có lẽ là lời nhắc nhở thứ ba của Ibu, nhưng tôi bối rối không muốn nhìn nhận. Vì khiếp sợ phải đối diện bà một lần nữa mà không nghe theo đề nghị của bà, tôi lê thân mình tới trường học. Chắc bạn đã đoán được kết cuộc. Đó là một cuộc phỏng vấn ngắn ngủi nhất trong cuộc đời đi tìm việc của tôi (tôi đã từng vất vả nhiều vì vậy). Tôi lập tức nhận được một việc làm, và người ta sắp xếp cho tôi về Mỹ để tôi lấy những thứ cần mang theo và lấy visa ở Singapore. Lần này thì mọi chuyện trở nên dễ ợt.

Hình như định mệnh của tôi là phải sống ở Wisma Subud để dạy học trong ba năm tại Indonesia -như Ibu Rahayu đã tiếp nhận được trong buổi hỏi chuyện và như sự hướng dẫn của Bapak trước đó.

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ