Gặp gỡ và trò chuyện với Ibu Rahayu

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 

Halimah Polk, Subud Voice August.. November 2019 - Bài 1

 
Tác giả  

Trước khi gặp Ibu
Những cuộc hỏi chuyện dưới đây là những lúc tôi may mắn được gặp Ibu Rahayu từ 1974 tới 1994, trong lúc tôi ở Wisma Subud từ 1974 tới 1977; hai lần gặp gỡ Ibu xảy ra trong thời gian đó. Hồi đó tôi làm việc tại ngôi trường International School gần đó.

Hai buổi gặp gỡ đó xảy ra lúc tôi đi khỏi Indonesia để định cư tại California. Trong hai trường hơp đó tôi bay về Indonesia, để hàn gắn những vết thương của mình và lấy lại sự vui vẻ thanh nhàn mà linh hồn tôi cảm thấy khi còn ở Wisma Subud.

Ibu Rahayu đã có lòng tốt chịu gặp tôi. Điều khiến tôi viết lại những buổi gặp gỡ đó không phải là nói chuyện về cá nhân mình, mà là muốn chia sẻ sự hướng dẫn nhận được của Ibu, vì tôi mong rằng điều đó sẽ không những có lợi cho mình, mà còn cho các anh chị em khác. Khi viết những chuyện đó, tôi cảm thấy nhún nhường vì lòng biết ơn. Dù sao, đó là những lúc mình vô cùng được lợi.

Mọi việc bắt đầu lúc Hội nghị Thế giới của Subud tại Indonesia trong năm 1971. Trong cái thời gian kì diệu đó, tôi say mê tập latihan, nghe Bapak nói chuyện và tham dự những buổi trắc nghiệm.

Tôi rất yêu thích Wisma Subud và Indonesia, và trong những ngày cuối cùng của Hội Nghị, tôi đến thăm trường Joint Embassy Scholl (hiện nay được gọi là là JIS -Jakarta International School), nơi nhiều anh chị em Subud dạy học.

Hồi đó tôi là một giáo viên có bằng cấp ở Hoa Kỳ, nên triển vọng có một việc làm cho JIS là hữu lí. Khi đến đó, tôi phải thất vọng vì nhà trường đã đóng cửa cho kỳ nghỉ hè. Ngay khi đó, tôi hoàn toàn không còn ý định dạy học ở Indonesia nữa.

Tôi trở về Carmel Valley và lúc giữa tháng 8 tôi có một giấc mơ trông thấy một Bapak sáng ngời. Trong giấc mơ đó, Bapak đến nói với tôi là tôi nên tới Cilandak sinh sống và dạy học. Tôi phản đối: “Nhưng, Bapak, tôi vừa mới ở đó!” Thực ra thì chỉ mới cách đó có hai tuần. Tuy vậy, tôi biết giấc mơ đó sẽ thành sự thật.

Vì con trẻ và chân thành theo Subud nên tôi cố hết sức mình để tuân theo sự hướng dẫn trong giấc mơ đó. Tất nhiên, tôi không còn đồng cắc nào, sau khi đi dự Hội Nghị ở Indonesia, và phải tiếp tục đi dạy học.

Tôi đến ngân hàng xin mượn tiền, để “tuân theo sự hướng dẫn của mình“ nhưng người ta không cho tôi một đồng xu nào. Sau một vài tháng chịu khó khăn, tôi đi dạy học vì đó là chuyện cấp bách, HOÀN TOÀN quên mất cái giấc mơ đó và sự hướng dẫn mình tiếp nhận được.

Tức là cho tới ba năm sau đó. Tới năm 1974 là tôi đã dạy học được ba năm tại trường Pacific Groove. Tháng 5 trong năm đó, anh Leonard Roberts, một hội viên trẻ, bị tử vong trong một tai nạn lưu thông. Chị Aisha Roberts, mẹ anh, tới Indonesia để lo tang lễ cho anh. Trước khi chị về Mỹ, ông Sudarto có nói với chị là bởi linh hồn của Leornard đã hoàn thành công việc của mình trên trần gian, nên anh được tự do trở về cái quê hương đích thực của mình.

Aisha ở chung với tôi trong lúc chị tới thăm tôi, và chúng tôi trò chuyện cùng nhau cho tới đêm khuya. Chị đã vào Subud ngay từ lúc ban đầu, và đã ở Cilandak được 20 năm. Sau một tuần hay khoảng đó, Aisha chợt nhìn tôi hỏi một cách dứt khoát: “Tại sao bạn không đến sống ở Cilandak?” Tôi thật ngạc nhiên, bởi ngay lúc đó tôi chợt nhớ tới giấc mơ về Bapak ba năm trước đó.

-Làm sao bạn biết được? Tôi hỏi nhưng Aisha chỉ cười.

Hai tuần sau đó tôi lên đường tới Cilandak. Tiền bạc thì đầy đủ, và tôi đi chung với một nhóm anh chị em Subud. Thực ra thì tôi đã chẳng làm bất cứ gì, bởi điều hình như là định mệnh chỉ việc xảy ra trong nháy mắt lúc tôi trở lại Indonesia trong năm 1974. Chương trình của tôi là thăm viếng Indonesia trong một tháng và cư trú tại Wisma Subud, như một con vịt gặp được nước. Tôi bắt đầu vui vẻ giao thiệp với những người định cư tại đó, và yêu thích tất cả những gì của Indonesia, từ vải batik, cho tới cây tre và nhạc gambang. Tôi cảm thấy đây là quê hương mình.

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ