Những ngọn đèn khác nhau

Minh Thần dịch

 
 

Một truyện ngắn của Sebastian Paemen, Subud Voice November 2019

 
   

Hôm nay tôi gặp anh bạn Latif tại Manzil Way bên ngoài ngôi chùa Hồi. Latif là một luật sư người Pakistan làm việc gần đó. Chúng tôi vừa bắt đầu trò chuyện thì một tiếng nói ồn ào ngữ giọng Ấn Độ qua máy khuếch đại âm thanh của một phụ nữ phát ra từ phía sau.

-Chúa Giê-Su! Chúa Giê-Su! Vinh danh Chúa! Các bạn có muốn chấp nhận Giê-Su là Đấng Cứu Thế hay không? Đồng bào Cowley, vinh danh Chúa!

Tôi nhìn chung quanh thì trông thấy một phụ nữ da đen cao lớn, diện mạo nghiêm khắc, tuổi khoảng 40, với một mi-crô trong tay và một máy khuếch đại âm thanh bên cạnh. Phía bên trái bà là bốn thanh niên da đen mặc côm-lê cầm những tờ truyền đơn.

-Công việc anh ra sao, tôi hỏi Latif? 

-Các tội đồ! Các tội đồ của Cowley, các tội đồ của Oxford! Chúa đã hiện ra! Người phụ nữ truyền đạo tiếp tục nói. 

Tôi hầu như không thể nghe thấy lời đáp của Latif, nên chúng tôi quyết định đi tới một nơi xa cách máy khuếch trương âm thanh. Khi chúng tôi đi ngang qua nhóm thanh niên Thiên Chúa giáo, một người trong họ đến gần Latif, rộng miệng mỉm cười nói với anh: 

- Huynh có tin ở Giê-Su không?

-Đương nhiên là tôi tin, Latif nói. Người thanh niên đó tỏ vẻ vui mừng, và nhìn qua phía tôi.

-Còn huynh, huynh có chấp nhận Giê-Su là Đấng Cứu Thế? 

-Tôi kính mến Giê-Su, tôi đáp một cách xã giao, để tránh khỏi phải tranh luận về những dị biệt của thần học.

Y hỏi tiếp với một nụ cười rộng miệng hơn: „Huynh đã được ngâm mình vào nước để rửa tội? Như điều Thánh Kinh dạy, vì đó là cách duy nhất để đến với Giê-Su?“

Đó là lúc Latif quyết định cho biết sự thật, và dịu dàng nói cho y hay chúng tôi theo một tôn giáo khác.

„Ồ,“ đó là tất cả những gì y nói, tỏ vẻ buồn phiền và thất vọng. Y đột ngột quay người lại để trở về nơi bạn bè y. Chắc y đã nghĩ điều này là lãng phí thì giờ, nếu tìm cách cải đạo theo Thiên Chúa giáo hai người Hồi giáo, ngay bên ngoài ngôi chùa Hồi.

Trong lúc đó thì người phụ nữ truyền đạo đang quỳ trên đầu gối, mặt ngước lên trời, chiếc mi-crô giữa đôi bàn tay chắp lại, hết sức lớn tiếng kêu gọi: „Xin Chúa tha thứ cho dân Cowley, xin Chúa tha thứ cho dân Oxford!“ 

Tuy có cai vẻ hơi cuồng loạn nhưng sự hiện thân của một người đang quỳ giữa những dân thị thành bận bịu, để kêu gọi Tạo Hóa mà không xấu hổ hay lúng túng, như thế nào đó khiến liên tưởng tới những vị ngôn sứ xưa kia: họ đã được hướng dẫn để đem thiên hạ trở về với Thiên Chúa nhưng lại bị chê cười và trách mắng.

-Biết đâu chừng, cách truyền đạo của bà ta có thể đem người nào đó trở về với Chúa, tôi nghĩ.

Tất cả chúng ta đều khác nhau. Cách phụng thờ của bà có thể không là cách của tôi, nhưng có lẽ nó có hiệu quả với người nào đó khác, hay có lợi cho họ. Có thể đó là một kẻ đầu đường xó chợ, hay một kẻ nghiện ma túy, khiến đời họ trở nên khá hơn.Trước kia, tôi đã từng thấy điều đó xảy ra. Có nhiều con đường dẫn tới Thượng Đế. Như nhà thơ Rumi đã nói: „Đó là thứ ánh sáng cho tất cả các ngọn đèn.“ 

-Xin Chúa ban ân cho tâm hồn bà ta, Latif nói, khi chúng tôi đi qua bên kia đường để uống cà phê tại tiệm ăn Thổ Nhĩ Kì.

 
 
  © 2019 Góc Nhỏ