Tại sao tôi còn viết sách về Subud

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 

Rozak Tatebe, Subud Voice September 2019

 
Tác giả  

Tháng 10 2017, tôi xuất bản với bản tiếng Anh và tiếng Nhật một cuốn sách về latihan của Subud, một lối tu tập mới mẻ không là tôn giáo, cũng như không là thiền định, mà là một sự thanh lọc với sự hướng dẫn của Nguồn Đại Lực. Tôi viết lại đôi chút cho bản tiếng Anh: Latihan: A Path to the Great Life and a New Way to Purify the Soul.

Tôi viết hai cuốn đó vì sự việc tuy đã bành trướng tới 80 quốc gia trên thế giới, nhưng Subud vẫn còn ít được biết tới và bị hiểu lầm rất nhiều. Có lẽ đó phần nhiều là vì Subud không dễ gì được diễn tả bằng ngôn từ, và chúng ta cũng không được phép quảng cáo hay níu kéo thiên hạ.

Bapak mong rằng thay vì dùng lời lẽ để tuyên truyền, Subud sẽ được đại chúng chấp nhận vì những thành quả và sự thật hiển nhiên của nó: những gì hội viên góp sức cho thế giới trong văn hóa và công tác xã hội. Hội viên đã vui lòng làm theo điều mong ước của Bapak nhưng chưa đạt được thành quả đáng kể.

Tôi viết sách để chứng minh là không đúng sự kiêng kỵ không thể dùng ngôn từ để giải thích Subud. Nên tôi đã dùng ngôn từ của chính mình, để diễn đạt cái toàn cảnh của Subud, theo những gì mình có thể làm được.

Thế nên, nếu bị chỉ trích là thiếu thận trọng, tôi đành phải chấp nhận. Như Bapak đã nói, Subud có bành trướng hay không là tuỳ thuộc ý Thượng Đế. Tuy nhiên, với những ai muốn hiểu biết điều gì đó trên cái thế giới này, thì họ phải học hỏi của những người khác. Cho những người muốn hiểu biết đó thì phải dùng phương tiện giao thông là ngôn từ.

Đó chính là động cơ khiến tôi viết sách. Thành thật mà nói thì có một động cơ khác: nỗi lo ngại nghiêm trọng của tôi về tình cảnh hiện nay của Subud.

Tôi được bổ nhiệm làm phụ tá quốc tế trong năm 1982. Mỗi năm tôi tới gặp Bapak tại Cilandak. Chị Hartati Horthy, một nữ phụ tá, hỏi: “Bapak, tình trạng nhân loại sẽ ra sao?” Tôi nghe thấy Bapak đáp: “Nếu Bapak phải nói điều đó, mọi người sẽ thất vọng.” Một vài giây phút sau đó, Bapak nói tiếp: “Bapak không biết Thượng Đế đối xử với nhân loại ra sao, nếu họ không cầu xin Ngài cứu giúp.” Tôi kinh ngạc. Một cách bất ngờ, ba năm sau đó, Bapak qua đời ở tuổi 87, tuy người đã từng nói là mình sẽ sống tới hơn trăm tuổi -và tất cả chúng tôi đều tin như vậy.

Điều đó có nghĩa gì là điều ngoài sự suy đoán của tôi. Tuy những lời nói “nếu họ không cầu xin Thượng Đế cứu giúp” của Bapak là đề cập tới toàn thể nhân loại, nhưng tôi không thể không nghĩ trong đó có cả các hội viên Subud.

Tình cảnh của Subud hiện nay ra sao? Tôi không đủ tư cách để biết được đích xác tình trạng của Subud tại những quốc gia khác.

Có những lúc tôi nhận được những tin đáng mừng, nhưng theo những gì các bạn bè hải ngoại cho mình hay thì, nói chung, thật đáng chán.

Tôi biết Subud Úc hoạt động rất tích cực và số hội viên đang gia tăng, nhưng theo một người bạn tôi quen biết trước kia thì các hội viên lâu đời cảm thấy họ bị bỏ rơi, bị cô lập, vì mối liên hệ tâm linh giữa hội viên không còn chặt chẽ nữa, và cũng không có ai đến thăm họ. Một phụ tá Hà Lan nói rằng tuy số hội viên không có gì thay đổi nhưng những người đến tập latihan thì đã bớt đi rất nhiều.

Một phụ tá Mỹ, một phụ tá vùng lâu năm, viết cho tôi hay là Subud đã bắt đầu mang sắc thái của một tôn giáo, bằng cách coi những lời nói của Bapak là ưu tiên hơn mọi thứ, điều khiến cho Subud có thể đi theo một chiều hướng khác. Mặt khác, họ tìm cách quyết định ngay cả những chuyện tầm thường bằng cách trắc nghiệm, coi đó là một phương tiện để dễ dàng giải quyết các vấn đề. Nhưng đó lại điều làm cho hội viên mất đi cái động lực nhận được sự hướng dẫn của Thượng Đế trong nội tâm mình trong đời sống hằng ngày, giữa những lúc phải đối phó với những khó khăn.

Tôi cũng nghe một hội viên Nhật Bản vừa tới thăm Subud Đức, nhóm Subud tôi tin là mạnh nhất ở Âu Châu, nói rằng các hội viên đều lớn tuổi, còn những hội viên mới thì không có là bao, nên hậu quả là cái xu hướng giảm sút hội viên.

Trong điều này thì Subud Nhật Bản là tệ nhất. Vừa rồi, chúng tôi mất đi một trụ sở Subud. Nhiều nhóm địa phương không còn thể hoạt động, hay đã bỏ cuộc. Hình như hội viên Subud không biết những gì phải làm, để khắc phục tình trạng đó. Như ai đó đã nói: “Subud đang đi tới chỗ chết vì suy nhược, một cách yên lặng và an bình.”

Tôi không có một phương thuốc để cứu chữa. Nhưng đó phải chăng là điều để chúng ta phải tự hỏi mình lại một lần nữa Subud thực sự là gì, nhìn lại sự hiểu biết của mình về latihan. Tôi viết sách với hy vọng mình có thể giúp gì đó cho mục đích đó. Và tôi cũng sẽ tự hỏi mình về điều đó.

Thực ra, tôi đang nghĩ tới chuyện viết một cuốn sách khác. Cuốn đầu là về latihan, nên cuốn tiếp theo là sự nhìn nhận những gì Bapak đem tới cho chúng ta với latihan, cùng với quan niệm của tôi về cuộc sống và thế giới. Rất có thể sẽ có luôn cả những phê phán về nền văn minh hiện đại.

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ