Buổi nói chuyện của Sharif Horthy tại Kalingrad

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 

October 2019

 
Sharif Horthy (nguồn internet)  

Chào mọi người! Tôi vui mừng khi chị Elsa yêu cầu tôi có buổi nói chuyện này. Chị yêu cầu tôi nói tới những điều quan trọng mà mọi người có thể ghi nhớ.

Là một một người đã từng học và thích môn vật lí, nên tôi có khuynh hướng trở về với những nguyên lí đầu tiên. Trong Subud những nguyên lí đầu tiên và căn bản là những kinh nghiệm của chính mình. Trong trường hợp của tôi, đó là 61 năm theo tập latihan, 17 năm làm thông ngôn cho Bapak, và 22 năm làm việc với ban dịch thuật để xuất bản những bài nói chuyện của Bapak. Tôi cũng tham gia vào một số những kinh doanh Subud, nhưng hầu hết đều thất bại.

Với tôi nguyên lí căn bản số một trong Subud là những gì Bapak nói với chúng ta là rất quan trọng cho chúng ta để hiểu. Tôi không thể tin rằng người đã mất biết bao công lao về một điều chẳng có giá trị gì.

Vậy nên, yếu chất những gì Bapak nói với chúng ta trong suốt những năm qua là gì?

Theo tôi, đó là cái khuôn hình của Bapak về sự sống, cái hệ thống cấp bậc của những sức mạnh hiện hữu trong vũ trụ.

Người luôn giải thích rằng hiểu được những sức mạnh đó không là tin những gì Bapak nói mà cho là ‘Đúng vậy, sức mạnh vật chất là như vậy...‘ Không, người luôn lưu ý chúng ta rằng chính chúng ta phải tự mình nghiệm thấy, để nhận biết và quản lí những sức mạnh đó.

Ngay cả trong cuốn Susila Budhi Dharma, những vần thơ rất đẹp bằng tiếng Java mà Bapak thông ngôn thành tiếng Indonesia, chúng ta phải tập trung vào việc hiểu được những sức mạnh nơi bên trong mình.

Cho tôi được nói thêm một chút: tôi thực sự tin rằng những giảng giải của Bapak chứa đựng những chân lí mà nhân loại cần cho hàng ngàn năm sắp tới, hay bất cứ gì là vậy, cho tới khi có một Bapak mới, hay một thiên sứ mới, hay cái gì đó mới.

Có lần Bapak nói riêng với tôi rằng đời sống mỗi vị thiên sứ như Abraham, Moses, Chúa Giê-Su, Muhammed và tất cả những vị khác là một khuôn mẫu cho các môn đồ họ: người Thiên Chúa giáo nên tìm cách được như Chúa Giê-Su, người Hồi giáo như Thiên Sứ Muhammed và vân vân.

Người không nói gì khác thêm, và người luôn nhấn mạnh mình không là một thiên sứ -nhưng tôi cũng tức khắc chợt hiểu được rằng, với hội viên Subud, người là một khuôn mẫu về cách chúng ta thành một con người.

Tại sao Subud đã không bành trướng?

Những người trong Subud thường hỏi tôi tại sao tôi lại nghĩ là Subud đã không bành trướng. Tôi thường trả lời sự thật là nó đã không bành trướng, vì những hội viên tích cực hiện nay cũng như những hội viên cách đây 50 năm, khi tôi mới vào Subud. Nhưng cũng có điều tốt đẹp này là chúng ta đã có thể giữ cho Subud được tinh trong, theo cách Bapak đã truyền lại, và đó là điều ít khi có trong các truyền thống và tôn giáo.

Nhưng ở đây tôi không có ý làm chúng ta được an tâm, mà trái lại là khác. Vậy nên tại sao nó đã không bành trướng?

Những lời nói này là của một người bạn Mác-Xít. Có lần anh cho tôi hay tại sao mình là một người Mác-Xít, rồi nói thêm vấn đề với thuyết Mác-Xít là người ta chưa từng thử dùng nó.

Tôi cảm thấy Subud cũng như vậy, vì cho tới nay chúng ta đã chưa thử dùng nó -hay hầu như hoàn toàn chưa dùng- những gì Bapak đã khuyên chúng ta làm trong những nói chuyện.

Bapak giảng giải cho chúng ta về các sức mạnh, trong đó có sức mạnh vật chất mà chúng cần để làm việc với những vật chất trên thế gian. Nhưng khi bị ảnh hưởng của nó, chúng ta thiếu lòng thấu cảm, thiếu ý thức -tất cả những gì thành một con người đích thực là người.

Kế đến là sức mạnh thực vật từ thế giới thảo mộc, sức mạnh thú vật từ động vật và sức mạnh con người là sức mạnh của người ta.

Tôi may mắn được làm việc chung với một nhóm bạn bè trong một cơ sở mà chúng tôi đã thành lập chính để thực hành những lời khuyên của Bapak.

Chúng tôi thường xuyên trắc nghiệm về các sức mạnh, nó là gì và như thế nào và vân vân. Theo tôi nghĩ, nhiều người trong chúng ta đã tập latihan được mấy chục năm, nên cảm thấy được một phần nào đó những sức mạnh đó là có thật, hiểu được một phần nào cách nó hoạt động như thế nào, và ngửi thấy được nó khi nó đang hoạt động nơi bên trong mình.

Tuy nhiên, theo tôi thì đều này rất quan trọng; tôi khuyên tất cả các bạn và những nhóm tại đây, bất cứ ai các bạn quen biết trong Subud mình có thể liên lạc, nên thường xuyên làm điều này là trắc nghiệm về các sức mạnh hạ đẳng, để cảm nhận và quản lí được nó, nó là gì và vân vân, bởi với tôi đó là một trong những căn bản của Subud.

Tôi nói như vậy là vì tương lai của Subud nơi đây, bởi một trong những điều tôi hiểu được từ trắc nghiệm là sức mạnh con người nên là động lực của óc não, chứ không là vật chất.

Tôi xin được giải thích thêm về một điều có thể khiến khó hiểu.

Bapak nói tới sức mạnh con người, rồi tới sức mạnh Rohani, sức mạnh con người toàn thiện thuộc một trình độ cao hơn, từ bên ngoài cái thế gian này. Đó là điều chúng ta cảm nhận được trong latihan, khi chúng ta cảm thấy một sự thanh bình sâu sắc, trong đó tất cả các vấn đề của mình đã mất hết, và tất cả những gì mình cảm thấy là tình thương của Thượng Đế đối với mình và tình thương của mình đối với Thượng Đế.

Nhưng cái sức mạnh thông thường của con người, mà Bapak gọi là sức mạnh của cơ thể con người, trình độ của nó thấp hơn vì thuộc về cái thế gian này. Đó là cái sức mạnh chúng ta dùng trong đời sống hằng ngày, và theo sự tiếp nhận của tôi, sức mạnh con người là sức mạnh khiến ta hiểu được cái thế giới chung quanh mình, nhưng sự hiểu biết đó đòi hỏi nỗ lực.

Vài năm trước đây, Ibu Rahayu đã nói một điều làm cho nhiều người bị sốc -đó là Subud không những đòi hỏi sự tiếp nhận được latihan, mà còn cả nỗ lực.

Theo kinh nghiệm phụ tá của tôi, trong Subud ta rất dễ bị mắc kẹt trong sức mạnh thực vật, vì chợt cảm thấy mình được giải thoát khỏi sự nặng nề của vật chất.

Theo tôi, đó là điều đã xảy ra tại những xã hội Tây phương trong những năm 1960, khi giới trẻ phát hiện được ma túy. Chợt nhiên họ cảm thấy được thoát khỏi tình trạng tuân thủ (conformism) cùng với sự đấu tranh sinh tồn và việc kiếm tiền vân vân. Đó là sức mạnh thực vật.

Hiển nhiên, Bapak không có ý cho tất cả chúng dừng lại ở cái trình độ đó, nhưng may ra chúng ta đạt tới trình độ con người trên con đường đi khỏi cái thế gian này.

Theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của tôi về trình độ con người, đó là cái quyền lực Thượng Đế ban cho chúng ta để phân tích những gì xảy ra chung quanh mình, để suy tính, hiểu biết và tương tác với những cái đó theo cách của con người. Và ta không thể làm được điều đó với trình độ thực vật, theo đó ta trở nên lười biếng, yêu thích hay thù ghét mọi người -và không muốn suy nghĩ gì nhiều về bất cứ gì. Thực vậy, ta cảm thấy mình nên tránh suy nghĩ, không thì sẽ bị đẩy xuống thế giới vật chất.

Tôi chắc chắn là các bạn, cũng như tôi đây, đã từng nghe nói tới điều này trong Subud: ‘‘Ôi thôi, bạn suy nghĩ nhiều quá! Cứ tỏ ra thư thái thì mọi việc sẽ tốt đẹp.‘‘

Vậy, ý của tôi là gì khi tôi nói chúng ta chưa từng thực sự thử dùng những lời khuyên của Bapak?

Bapak cho thấy rõ, rất rõ, trong suốt đời người trong Subud là chúng ta nên kinh doanh, và người giải thích kinh doanh gồm hai thành phần.

Thành phần thứ nhất: „Năng khiếu của tôi là gì?“ Nếu cảm thấy hạnh phúc khi cắt tóc cho thiên hạ, tôi không nên tìm cách điều hành một công ty. Nếu thích cộng những con số, tôi không nên là một họa sĩ, hay điều gì như vậy.

Thành phần thứ hai là kĩ năng và kiến thức. Vậy, nếu nhận thấy thiên tính của mình là thích giúp thiên hạ với những vấn đề tâm lí của họ, thì bạn phải học môn tâm lí học trước khi hành nghề.

Thượng Đế không chỉ cho chúng ta những kiến thức mà nhân loại đã thu thập được trong mấy trăm năm qua để chẳng làm gì hết. Ta cần phải dùng những kiến thức đó, phải cố gắng lên một chút.

Theo kinh nghiệm của tôi về tất cả những kinh doanh Subud mà tôi đã tham dự, chính những kinh doanh trong đó người ta biết mình đang làm gì thì sẽ dễ thành công. Trong việc này, tôi xin bày tỏ lòng trọng vọng đối với anh Hadrian Fraval, anh vừa qua đời sáng nay, vì theo tôi anh là một trong những người lập nên một kinh doanh đã thành đạt.

Điều tôi muốn nhắc tới là những gì Bapak luôn nói với chúng ta: trước hết là kiếm tiền, và kế đến là đem nó cho người ta.

Người nói hãy để cho hội viên Subud làm kinh doanh, rồi số tiền thừa thãi của họ không chỉ là để tài trợ cho Subud -Subud không cần gì nhiều, chỉ cần những chỗ tập latihan- thế nên, chúng ta nên giúp đỡ những người khác với bất cừ gì mình có thể làm.

Chúng ta có Susila Dharma, một trong những tổ chức xưa nhất, thành công nhất của Subud; nó đã làm những chuyện đáng làm là giúp cho những dự án từ thiện của hội viên Subud trên khắp thế giới. Subud đã không chi tiền là bao, hầu hết tiền bạc là do, chẳng hạn, Cộng Đồng Âu Châu, hay những quỹ tài trợ nào đó của Na Uy, hay bất cứ gì...Theo tôi, điều đó thật đáng mừng, vì Susila Dharma chắc chắn đã học hỏi được rất nhiều trong thời gian làm từ thiện, nhưng đó không là những gì Bapak mong muốn.

Điều Bapak mong muốn là chúng tự cấp tiền cho mình.

Cái đề tài trọng đại này tất cả các bạn đã quen thuộc, và tôi biết chắc những gì mình nói không là gì mới lạ, nhưng tôi không thấy có nhiều điều xảy ra nơi đây. Có điều chắc chắn này là nếu muốn cho Subud nơi đây khá hơn mai sau, thì kinh doanh là phải là trụ cột.

Còn có một đề tài khác mà tôi cho là quan trọng…

Bapak đã mất nhiều thời gian trong đời mình để lập nên một tổ chức của Subud, và cho tới nay, như tôi đã nói, sự thành công của nó là duy trì cho mình được tinh trong như lúc ban đầu.

Nhưng nó thiếu khả năng làm nên được bất cứ gì. Hình như nó thiếu tính liên tục và mục đích. Tất cả các tổ chức của loài người đều là một cuộc chiến gay go giữa hai thành phần: cởi mở và liên tục. Tôi không thấy có sự liên tục trong cái tổ chức Subud hiện nay của chúng ta.

Tôi đã làm việc trong một cơ sở trong 24 năm qua của những hội viên Subud tìm cách đem ra dùng những lời khuyên của Bapak. Nhóm chúng tôi đã cùng nhau làm việc trong 17 năm.

Chúng tôi bắt đầu với việc thực sự chẳng biết mình đang làm gì, nhưng cho tới nay chúng tôi đã đạt được những điều mình không thể tưởng nổi.

Đó là một điều tôi mong các bạn sẽ nghĩ tới.

Theo ý tôi, Subud không có những thể chế có tính liên tục để đạt được điều gì đó trên thế gian. Tôi thấy tổ chức của chúng thiếu hẳn cái cột trụ đó, và ngay cả nơi đây chúng ta cần phải khái niệm hóa một vài thành tố tính liên tục dài lâu của việc làm mình.

Chẳng hạn, tôi nhận thấy nhiều quốc gia có những dự án Subud tuyệt vời, trong đó thiên hạ bỏ tiền và sự yêu thích của mình vào việc làm một điều gì đó, và họ đã đạt được điều gì đó đáng kể. Nhưng không có một thể chế nào để sở hữu những dự án đó, nên khi người ta cảm thấy mệt mỏi, hay qua đời, hay không muốn làm nữa, thì dự án đó bị phó mặc cho số phận nó để trở thành điều gì chẳng ai biết tới trên thế giới. Tôi có thể kể ra đây 20 hay 30 dự án như vậy của Subud, và đó chỉ là một thí dụ.

Tại Lewes chúng tôi có một trường học lập nên bởi những phụ huynh Subud muốn có cái gì khác với những trường của nhà nước. Chúng tôi đã tài trợ cho họ vì rất quan tâm tới giáo dục, cách giáo dục trẻ thơ thành những người có nhân tính.

Nhưng Subud không sở hữu ngôi trường đó, nên chúng tôi không thể ưu tiên cho những giáo viên Subud, như vậy thì nó không thể trở thành một trường học Subud theo định nghĩa của Bapak, trong đó các giáo viên đều theo tập latihan. Nếu ngày nào đó chúng ta lập nên những trường học Subud, những bệnh viện Subud, thì Subud phải sở hữu những cơ sở đó.

Do đó mà tôi nghĩ là chúng ta cần phải dùng sức mạnh con người và óc não mình để đề ra những thể chế có khả năng tạo được những gì là tài sản của chính mình.

Đó là một trong những gì thiếu thốn mà tôi thấy chúng ta cần phải duy trì điều gì có tính liên tục trong tổ chức của mình.

Về việc truyền bá Subud…

Trong lúc làm hội trưởng tôi có một chứng nghiệm kỳ thú trong latihan: tôi được chỉ cho thấy sự bành trướng của Subud sẽ xảy ra tùy theo khả năng của nội tâm mình.

Theo kết luận của tôi, điều sẽ xảy ra do kết quả của việc latihan chúng ta trở nên thâm sâu hơn, mỗi cá nhân chúng ta. Vậy nên nếu chúng ta muốn giúp cho Subud bành trướng, thì đó không là đi giảng đạo cho thiên hạ nơi chợ búa, mà là có một không gian trong lòng mình, một không gian đón mở trong lòng, nơi từ đó cuộc sống mình sẽ tỏa sáng.

Đó là một vài điều tôi muốn chia sẻ cùng các bạn. Tôi không muốn dài dòng, vì các bạn sẽ phải suy tính, đề ra những chuyện sắp tới.

Xin các bạn tha thứ cho tôi, nếu tôi đã nói những gì khiến các bạn cảm thấy bị xúc phạm -những điều đó thì chắc chắn là có. Chắc chắn tôi đã nói những gì sai trái, nên xin các bạn tha thứ cho.

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ