Máy vi tính bất chấp

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 

David Barker
June 2019

 
   

Năm 1959 tôi dự một buổi nói chuyện của Bapak tại Friend‘s Meeting House. Bapak giảng giải latihan được phái tới cho nhân loại vì áp lực gia tăng của sức mạnh vật chất. Tôi còn nhớ rõ chuyện đó trong lúc Bapak nói. Hồi đó công ăn việc làm không thiếu, và ta có thể thuê một chiếc xe trong một tuần mà chỉ mất có vài shilling; cuộc sống thật dễ dãi và thoải mái. Đồng pound rất có giá tại bất cứ nơi nào mình đến.

Tuy thế, hiện nay tất cả chúng ta đều biết sức lôi kéo của cái thế giới vật chất là như thế nào. Vô cùng mãnh liệt! Ngồi trên một xe lửa bạn sẽ nhận thấy sự hấp dẫn đối với nhân loại của máy vi tính và điện thoại di động.

Mới vừa rồi, chúng ta hay được có hai chiếc Boeing 737s bị rớt, khi phần mềm của máy vi tính không làm theo lệnh của phi công. Máy vi tính báo động là động cơ ngưng chạy nhưng thực sự thì vẫn như thường, khiến phi công lái máy bay đâm nhào xuống để tránh cơn nguy đó. Chuyện bi thảm xảy ra là tất cả các hành khách và phi hành đoàn đều tử vong (Boeing 737 là một phi cơ bay an toàn trên khắp thế giới từ những năm 1960 mà không có một bộ máy báo động trường hợp động cơ không chạy).

Báo chí nói tới rất nhiều về những chiếc xe không người lái, và trong một vài năm nữa chúng sẽ là phương tiện di chuyển được ưa thích. Bạn thích ngồi trên một chiếc xe không người lái? Tôi thì không! Nếu thích, chúng ta sẽ đặt mình vào một vị thế dưới quyền của AI (Artificiel Intelligence: thông minh nhân tạo)?

Bapak thường nhắc nhở chúng ta là latihan của Subud có thể giúp nhân loại giảm bớt ảnh hưởng và áp lực của thế giới vật chất mà đáng lí ra mình phải là chủ nhân.

Trong cuốn The Traveller‘s Companion của Ramzi Winkler có một chương về đề tài đó. Cuối những năm 1970 Ramzi trở về Cilandak sau khi tới Đức. Anh đưa cho Bapak coi một bài báo trong tạp chí Der Spiegel viết về việc máy vi tính sẽ làm cho nhiều người bị thất nghiệp vì lấy đi mất công ăn việc làm của họ. Bapak nhận xét đó chính là điều làm cho khoảng cách giữa người giàu kẻ nghèo càng lớn thêm.

Bapak còn nói: “Máy vi tính không có gì là hại, nhưng cách dùng nó thì có hại.”

Tôi thấy điều này hình như là chúng ta đang trên đà tuyệt đối phó thác mình cho sức mạnh vật chất, bằng cách tin cậy AI hơn tin cậy chính mình?

James Lovelock, một nhà khoa học độc lập, nói rằng “chúng ta phải sợ AI hơn là sợ sự biến đổi của thời tiết.”

Điều trích dẫn dưới đây là từ một buổi nói chuyện của Bapak tại Wendhausen ngày 29 tháng 7 1977:

Hiển nhiên Thượng Đế không cấm cản sự tiến bộ của con người. Thượng Đế luôn thương xót ta và cho phép ta được tiến bộ. Điều đó là cần thiết cho con cháu chúng ta. Dù tiến bộ xa tới đâu đi nữa, chúng ta cũng nên luôn nghĩ tới Thượng Đế và không được quên là chính Thượng Đế đã tạo ra vạn vật…

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ