Tôi tìm thấy Subud như thế nào?

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 

Tomik Subagio, một hội viên gốc Indonesia hiện định cư tại Úc
January 2019

 
Tác giả  



Sự trừng phạt của Thượng Đế đưa dắt tôi vào Subud
Đầu những năm 1960 tôi trở về Jakarta sau khi học xong ngành cơ khí.

Chẳng bao lâu sau đó tôi phải đối phó những vấn đề của cuộc sống vượt ngoài khả năng giải quyết của trí tuệ. Tôi bị Thượng Đế trừng phạt, vì đã tin chỉ trí tuệ mới có thể an toàn đưa dắt mình trong cuộc sống.

Tôi mắc chứng mất ngủ, và nhớ lại là chị mình đã nói tới Subud, khiến tôi nghĩ rằng có lẽ KEDJIWAAN sẽ giúp mình về những vấn đề của cuộc sống.

Bệnh mất ngủ đó khiến không ngủ được trong hai tuần đã có công đưa một kẻ như tôi chỉ tin ở trí tuệ vào Subud.

Ông anh tôi, một giáo sư dạy môn luật, giới thiệu tôi với một sinh viên từ Cilandak của ông là Prio Hartono, vì ông tin rằng Subud có thể giúp tôi vượt qua được tình cảnh khổ sở của tôi.

Một Chủ Nhật nào đó trong năm 1965 tôi đến Cilandak lúc trưa để gặp Mas Prio Hartono và Mas Sudarto. Tôi cho hai vị phụ tá đó hay mình đến để làm gì, và có lẽ tôi đã nói điều này: „Tôi sẽ chết nếu phải đợi chờ ba tháng để được khai mở.“

Làm tôi yên lòng, Mas Sudarto nói: „Em không cần phải qua ba tháng dự bị, em phải được khai mở tức khắc, không là bây giờ, mà trong xuất latihan kế tiếp ban đêm.“

Ngay buổi chiều hôm đó tôi về nhà, và sau lần đầu đến Cilandak của mình tôi lăn ra ngủ trên ghế xô-pha.

Tôi được khai mở hai hay ba ngày sau đó, và đó là điều đáng ghi nhớ nhất.

Kể từ đó, tôi thường đến nhà Mas Sudarto uống trà trước khi cùng nhau đi tập, và sau khi tập xong, ông cũng thường mời tôi về nhà để trò chuyện trong lúc uống trà, hầu hết là về những trải nghiệm tâm linh.

Một đêm nọ trong một xuất latihan, lúc tình cờ cũng có Mas Prio Hartono, tôi nói với hai vị phụ tá đó là mình không thể thích đáng tập latihan với nhóm vì những tiếng động.

Tôi vừa nói xong điều đó thì Bapak kêu họ tới gặp trong lúc đi ‘tuần tra‘ ban đêm chung quanh khu vực của Subud. Hồi đó Bapak có thói quen đi tuần tra lúc nhá nhem tối.

Khi Mas Prio Harto chuyển lời than phiền của tôi cho mình, Bapak tức khắc nói: „Con và Sudarto chỉ việc tập một latihan riêng cho Subagio cho tới khi Subagio có thể tập với nhóm.“Kể từ đó, tôi có một latihan „riêng biệt“ với Mas Sudarto trong suốt một năm. Nhắc lại chuyện đó, tôi thấy Bapak và các phụ tá gạo cội ở Cilandak có khả năng „tức khắc trắc nghiệm và tiếp nhận,“ cũng như có thể „phá giới“ hay tạo ra những giới điều mới.

Cilandak là trung tâm quyền năng tâm linh
Kể từ lần đầu tới Cilandak và gặp Mas Sudarto, một vài ngày trước lúc được khai mở, tôi nhận thấy tâm thức mình trải qua những biến chuyển đáng kể. Chỉ tin là trí tuệ mới có thể dẫn dắt mình qua cuộc sống, tôi thành một kẻ hòai nghi khả năng giải quyết những vấn đề hằng ngày của trí tuệ.

Tôi chưa từng nghe nói tới „trắc nghiệm“ trong bối cảnh tâm linh của nó, huống hồ hiểu được nó có nghĩa gì. Tuy vậy, tâm hồn tôi hiểu được mình phải chờ đợi để được „chỉ cho thấy con đường phải đi“ (trong kinh Quran là „Ihdinash Shiraathal Mustaqiim“ trước khi có một bước đi quan trọng trong đời mình, thay vì dựa vào lý trí để cân nhắc những hành động của mình.
Khi được khai mở một hay hai ngày sau đó tại Cilandak, tôi tiếp nhận được một „nguyên lý“ hay „định luật“ của đời sống trong câu nói khắc sâu trong đầu óc mình của người Java: ”Yen DONYA dikuwasani NAFSU bakal hancur,‘‘ nếu bị NAFSU thống trị, THẾ GIỚI sẽ tự hủy diệt.

Cả Mas Sudarto và Mas Prio Hartono đều không khuyến khích tôi đặt những câu hỏi về tâm linh, mà nên có tinh thần độc lập, vì đó là điều có lợi cho sự phát triển tâm linh của tôi. „Nếu chưa biết được giải đáp cho một câu hỏi, thì tức là THƯỢNG ĐẾ không nghĩ rằng lúc này em biết được giải đáp. Vậy, em chỉ việc tập latihan cho tới khi tiếp nhận được giải đáp cho chính mình.“ Đó là cốt yếu những lời khuyên của họ.

Mas Prio Hartono khuyên tôi đừng đọc những sách viết về Subud, nếu đó không phải là của Bapak.

Nhưng cái đầu óc dò xét của tôi không thể không có đầy nhóc những câu hỏi vô vọng kêu gào muốn biết giải đáp. Nên một đêm nọ tập latihan riêng biệt với Mas Sudarto và Mas Prio Hartono, tôi quyết định đưa tất cả những câu hỏi đó ra.

Một chuyện phi thường xảy ra khi tôi mang câu hỏi đầu tiên của mình tới Cilandak. Ngay khi tôi bước vào cổng ra vào của Cilandak, đầu óc tôi đã nghe thấy câu giải đáp. Tôi không nói cho Mas Sudarto và Mas Prio Hartono hay điều vừa xảy ra. Thậm chí, tôi còn không muốn cho họ biết mình muốn họ giải đáp những câu hỏi của mình.

Nhưng hiện tượng đó lại xảy ra một lần nữa trong buổi latihan ban đêm tiếp theo, khi tôi đem tới Cilandak một câu hỏi khác. Và điều đó lại tiếp tục xảy ra y như vậy: cứ mỗi lần đem một câu hỏi tới Cilandak, tôi đã nhận được giải đáp trước khi bước vào cổng.

Tôi nghĩ là mình phải cho Mas Sudarto hay về cái chứng nghiệm hết sức li kì đó, để coi xem ông sẽ giải thích như thế nào. Khi tôi kể cho Mas Sudarto về cái chứng nghiệm của mình, ông nói, như thường lệ, một cách hết sức thân mật: “Subagio, em nên hiểu điều này là do sự hiện diện của Bapak tại Cilandak nên nơi này đã trở thành một NƠI CHỐN CỦA QUYỀN LỰC TÂM LINH tỏa chiếu sự hiểu biết về CHÂN LÍ ra ngoài phạm vi Cilandak để đạt tới những ai có lòng tin và muốn hiểu biết.”

Kể từ lúc đó, tôi không còn phải trông cậy nhiều vào Mas Sudarto, tức là bất cứ lúc nào đối phó một vấn đề của cuộc sống, tôi không còn hứng thú đem câu hỏi tới Cilandak để giải đáp, mà chỉ việc chờ đợi cho mình tiếp nhận được.

Như Bapak thường có lời khuyên bằng tiếng Hà Lan: “Nếu không biết những gì phải làm thì op de plaats blijven (ngồi yên tại chỗ) cho tới khi chính mình tiếp nhận được con đường phải theo.”

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ