Một ngàn ngày

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 


Marcus Bolt June 2019

Linh hồn người chết sẽ nán lại ba ngày trong nhà...Thường thường vì không thể tiếp xúc với những người trong gia đình -bởi tâm linh hầu hết mọi người chưa được phát triển- nên họ thấy chán nản...Thế nên, một selematan được tổ chức trong ngày thứ ba, khi linh hồn người chết đi ra ngoài nhà...Một selematan khác được tổ chức trong ngày thứ bảy, bởi linh hồn người chết trở về nhà, trước khi bắt đầu đi thám hiểm cái môi trường mới của thế giới bên kia...Nhưng đến ngày thứ 40 linh hồn người chết lại về nhà, và một selematan khác lại được tổ chức...Linh hồn người chết cũng về nhà để nhìn lại gia đình trong ngày thứ 100, rồi trong lúc tưởng niệm lần thứ nhất và thứ hai...Cuộc viếng thăm cuối cùng là trong ngày thứ 1000 sau lúc chết...(Trích trong Remembrances of Bapak‘s Last Days, 1987) 

 
   

Tôi thường nghĩ những tín ngưỡng truyền thống đó của Java chẳng qua chỉ là mê tín dị đoan, tương tự những huyền thoại Tây phương có khắp nơi về chuyện những con thú chợt xuất hiện, những tấm hình treo tường chợt rớt xuống, những đồng hồ chợt ngưng chạy, khi có một người trong gia đình chết. Bất quá đó chỉ là cách an ủi tang quyến trong lúc đau buồn. Vì đã học môn tâm lí liệu pháp nên tôi coi đó là cái tình trạng tâm thần bị tổn thương, một tình trạng có thể tạo ảo giác...như hiện tượng thấy có ‘một bộ phận ma‘ của những người bị cụt chân hay tay, bởi sự thiếu vắng đau buồn đó có một sự hiện diện rõ ràng như sờ thấy được. Nhưng hiện nay với 50 năm tập latihan, tôi nhìn việc nhà tôi mất trong năm 2016 một cách khác, thấy được một sự thật thâm sâu tương tự đáng kể với truyền thống Java…

Trong ngày thứ ba sau khi nhà tôi mất, tôi cảm thấy bà lên giường nằm với mình, xích lại gần tôi và ôm chặt lấy tôi. Tôi lấy làm xấu hổ phải nhìn nhận là mình đã kinh hãi tới lạnh xương sống, và như vậy thì thật kỳ cục, bởi tôi ao ước có những chứng nghiệm ‘siêu nhiên‘. Nhưng có lẽ tôi đã không tự đặt mình trong một trạng thái tiếp nhận thích đáng, nên đó là tác động của sự sợ hãi ma quỷ thời thớ ấu.

Khoảng ngày thứ bảy, tôi đi vào phòng ngủ rồi bật đèn lên. Nhà tôi đang nằm trên giường, tôi nghe thấy tiếng than van của bà vì bị quấy rầy và trông thấy bà thay đổi thế nằm. Tôi còn nhớ là mình có một nỗi vui mừng bột phát, trí óc mình nói: ‘Bả đã trở về! Tất cả chỉ là một giấc mơ...‘ Nhưng một giây phút sau đó, tôi nhận thức được đó chỉ là chiếc chăn lông vịt trải qua phía nằm của bả trên giường. Hay có thật là như vậy không?

Một buổi chiều nọ, một tháng sau đó hay khoảng đó (40 ngày), trong lúc đau buồn và khóc với một cơn giông tố nước mắt, tôi tập latihan cầu xin được tiếp xúc với Thượng Đế, được hiểu biết điều gì đó, bất cứ gì. Tôi chợt nhận biết được nhà tôi, mặc đồ màu trắng, đang bay lượn nơi ngoại biên của tâm thức mình, và khi vươn cánh tay ra về phía bà, tôi cảm thấy có một sự đụng chạm hết sức nhẹ nhàng nơi đầu ngón tay mình. Tôi liền hiểu được đó là điều đặc biệt chỉ xảy ra một lần, cái tối thượng mà một kẻ còn sống có thể nghiệm thấy -đúng là một ân huệ.

Hai tháng sau (100 ngày) tôi viết một email cho một người bạn: “Hôm qua, trong lúc nấu ăn, tôi cảm thấy một niềm vui tràn ngập, tôi cảm thấy R đang trong nhà bếp cùng với mình, và chúng tôi sắp vui cười, như thường làm lúc ăn uống sau khi đi làm về...cái thực tại sự vắng mặt của R khiến tôi đau buồn, tôi lại khóc và sau đó tự đặt mình vào một trạng thái trung lập...điều tốt nhất mình có thể mong ước lúc đó. Nhưng thật rất chán, vì không có ai trong nhà sát cánh với mình để cho thời gian trôi qua. Có một người bạn đời lâu năm thì luôn có chuyện để nói tới...gia đình, con cháu, Subud, công việc, tính sáng tạo, tài chánh, biến cố, tối nay có gì ăn...nên tôi tiếp tục trò chuyện, tuy chỉ có một mình...”

Lúc tưởng niệm lần thứ nhất sau khi nhà tôi mất, tôi đang tại Loudwater Farm, trên bờ dòng suối River Chess, nơi chúng tôi an táng tro tàn bả. Hôm đó trời rất nóng, tôi chỉ an nhiên đứng đó làm một cái latihan trong tâm mình, để hồi tưởng lại cái thời gian chúng tôi chung sống với nhau. Một lần nữa, tôi lại ý thức được sự hiện diện của nhà tôi chung quanh mình, và bả có vẻ như muốn nói với tôi mình là ‘ánh sáng, tích hợp thành những làn sóng, nhưng đồng thời vẫn còn là một hạt phân tử cá biệt.‘ Cuối cùng, bả lại an ủi tôi là ‘mọi chuyện đang và sẽ tốt đẹp‘ trước khi ra đi. 

Lần tưởng niệm thứ hai xảy ra tại Freiburg, lúc Hội nghị Thế giới. Vì mình không có một vai trò nào nên những ngày tháng của tôi là đi lang thang tránh cơn nắng oi bức, để tìm thứ gì ngon miệng có thể ăn và một người bạn để trò chuyện. Ngồi bên ngoài nơi quán ăn, tôi chợt nghe thấy tiếng reo của điện thoại di động. Đó là của một anh bạn mà tôi đã không liên lạc trong khoảng 15 năm qua. Anh đã tìm thấy số điện thoại của tôi, và một app (ứng dụng) trong máy tôi đã chỉ cho anh gọi điện thoại tôi ở Đức. Anh không biết là nhà tôi đã mất, và khi kể lại chuyện đó tôi tràn trề nước mắt -và rồi hình như tôi đang trong sự hiện diện của nhà tôi để một mình nói chuyện với bả trong hầu hết những giờ phút còn lại của hôm đó.

Trong ngày thứ 1000, Aaron cháu trai tôi và tôi làm một cái latihan lúc 11 giờ sáng, lúc nhà tôi mất. Đó có lẽ là một trong những latihan thâm sâu nhất mà tôi từng nghiệm được trong 50 năm là hội viên của mình. Trong những tuần trước lúc đó, tôi có một cảm giác hối hận thâm sâu biến thành tội lỗi là đã không nói rõ cho nhà tôi biết trong lúc bả còn sống, trong hơn 44 năm hôn nhân của chúng tôi, là đối với mình bả quan trọng như thế nào, là tôi yêu thương và mến trọng bả như thế nào. Tôi tự hỏi không biết là mình đã ‘hội đủ‘ tiêu chuẩn của một người chồng hay không, và tệ hại hơn nữa là bả đột ngột qua đời mà chúng tôi chưa từng được dịp tha thứ và nói lời từ biệt cho nhau. Trong lúc latihan, tôi được khiến cho vươn thân lên trên, theo khả năng chịu đựng cái xương sống kêu răng rắc của mình. Tôi liền ý thức được là nhà tôi đã ‘lấy đi gánh nặng những tội lỗi khiến mình đau buồn.‘ Xong latihan, cháu trai tôi và tôi ngồi yên lặng hơn nửa tiếng đồng hồ; cả hai đều cảm thấy (sau này chúng tôi nói cho nhau biết) một lớp phủ bao lấy mình của tình thương. Tới lúc cuối sự im lặng đó, ‘nhà tôi‘ (viết trong dấu ngoặc vì bây giờ bả hình như đã nhập vào cái ‘là tất cả‘ và hầu như không còn là một ‘cá thể‘ nữa) nói với tôi cái chết không có gì đáng sợ: đó như là lướt qua một trạng thái khác, giống một con rắn đang lột da.

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ