Tưởng niệm Varindra Vittachi

Minh Thần dịch

 
 

Của Imram Vittachi trong Subud Around the World 22 December 2018

(tiếp theo kỳ trước)

 
Imram Vittachi  

Một người con trai của Subud

Bố mẹ tôi là con lộ dẫn tôi vào Subud. Khi ông mất 25 năm sau đó, tôi là một kẻ duy nhất dòng họ Vittachi còn theo tập latihan.

Subud đã đi theo tôi trong suốt đời tôi. Tôi sinh ra, đúng là vậy, trong một hộ gia đình Subud, khi tôi ra đời vào cái thế gian này tại tư gia của Sharif Horthy ở Hampstead, London.

Là một đứa con thế hệ thứ hai của Subud, tôi chưa từng hoài nghi cái văn hóa trong đó tôi lớn lên. Tất cả những gì về nó đều toàn thiện và tốt đẹp. Những người Subud đối với tôi đều là người cùng nhà. Tôi vẫn còn mến trọng họ, và cảm thấy một mối liên hệ giữa anh chị em với nhiều hội viên, ngay cả những người bất đồng với mình.

Nhưng hiện nay thì tôi lại e ngại Subud. Trong mấy chục năm sau khi song thân qua đời, tôi đã tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi, đã hoài nghi cũng như đối diện những sự thật mình đã không thấy vì là một kẻ nô lệ của phụ thân.

Phụ thân và tôi thường trò chuyện dài lâu về Subud, nhưng đó luôn là những gì tốt đẹp. Chúng tôi tránh né những chuyện nhạy cảm, những điều tôi chỉ nhận thấy sau khi phụ thân mất.

Đương nhiên là chúng tôi không bao giờ nói tới những kinh doanh thảm hại của Subud, như sự thất bại của Anugraha, điều gây tác hại cho những hội viên đã đầu từ số tiền tiết kiệm của họ vào đó. Lúc dự án đó thành lập tôi chưa là hội viên, và nếu phụ thân còn sống, thì tôi sẽ thúc ép ông cho biết tại sao trong chuyện mờ ám đó không ai chịu nhận trách nhiệm, và tại sao Bapak, nhân vật chủ chốt đề xướng những kinh doanh của Subud, lại không biện giải.

Tôi hiểu biết phụ thân hơn bất cứ ai khác, và đã đọc tất cả những sách ông viết về những trải nghiệm trong Subud. Tuy thế, những bài nói chuyện tại Amanacer, mà tôi chỉ đọc sau này, là trường hợp đầu tiên một cuộc nổi loạn nhỏ bé của một bầy tôi tăm tiếng nhất của Bapak, theo những gì tôi biết.

Phụ thân đã làm chứng cho sự khai mở của tôi 31 năm trước đây, hai tháng sau khi Bapak mất. Như điều phụ thân thường làm trong những buổi nói chuyện và hội họp trên khắp thế giới, ông liên tục quả quyết với tôi là sẽ không có ai kế vị Bapak, Subud không là một giáo lý, cũng như không là một tôn giáo.

Tuy thế, những cam đoan đó không ứng hợp với cái thực tế mà tôi nghiệm thấy, trong lúc tự mình lèo lái cho mình đi trên con đường của Subud. Những con mối, những ký sinh mà ông lên án, đã không đi mất và cái Subud mà tôi yêu thích đã trở nên giáo điều và cứng nhắc.

Hiện nay, tôi đặc biệt lấy làm lo lắng vì sự nhiệt tâm mà tôi thấy ở một vài hội viên, đặc biệt nơi một vài vị hăng say làm trắc nghiệm và hình như muốn biến Subud thành một tôn giáo, bằng cách áp đặt những điều lệ lên đầu hội viên.

Tuy tôi làm phụ tá, nhưng lại lo ngại mình đang giữ chức thầy tu của một giáo hội. Chẳng hạn, tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với việc phải giữ đúng lời tuyên ngôn đọc lúc khai mở, hay bắt một dự bị hội viên phải tuyên bố đức tin ở một Thượng đế Vạn năng. Với tôi, một người theo thuyết bất khả tri có một quan niệm thế tục về cuộc sống, thì đó hoàn toàn chỉ là giáo điều, không khác gì một nghi thức của tôn giáo.

Là một nhà báo thừa hưởng của phụ thân cái máy dò những chuyện thối tha, tôi không thể không quan tâm tới những chuyện đó, hay quay mặt đi chỗ khác, khi kim trên máy chỉ cho thấy có chuyện nghiêm trọng.

Tôi tự hỏi không biết mình có thuộc một giáo phái hay không. Một trong những hồi ức sống động nhất của tôi thời thơ ấu là xem tin tức trên TV về vụ thảm sát ở Jonestown (*). Hồi đó tôi 12 tuổi. Đó là lần đầu tiên trong số ngữ vựng của tôi có thêm chữ ‘‘giáo phái.‘‘

Vài chục năm sau đó, tôi học môn báo chí tại UC Berkeley và hiểu rõ hơn về chữ đó qua sự làm việc chung với một cốvấn dày kinh nghiệm là Tim Reiterman, một nhà báo lão thành. Lúc còn là một phóng viên trẻ cho tờ San Francisco Examiner, Tim đã tới Jonestown lúc có vụ tự sát tập thể. Tại một sân bay trong rừng Guyana, những tín đồ có súng ống đã bắn vào anh cùng với một những người khác trong một trận phục kích làm cho nghị sĩ Leo Ryan bị tử vong, khi ông cầm đầu một phái đoàn tới đó để điều tra.

Chính nhờ hợp tác với Tim mà tôi bắt đầu tự hỏi không biết mình có là thành phần của giáo phái hay không, dù nó có vô hại hay không. Tôi vẫn chưa thể xua đuổi sự hoài nghi dai dẳng đó, và chưa từng được giải vấn một cách rõ ràng có sức thuyết phục bởi những hội viên bạn bè tìm cách làm cho tôi tin Subud không là một giáo phái.

Chắc chắn là có những đặc tính của một giáo phái. Đương nhiên là có sự đồng tâm nhất trí trong đó tôi thấy hình như chẳng có ai đặt nghi vấn về những lời nói của vị lập tổ và người kế vị ông. Dù những bài nói chuyện của Bapak có đặc sắc và thâm sâu đi nữa (mỗi sáng tôi nghe một bài khi chuẩn bị đi làm) chúng ta cần phải có óc phê phán, không thì sẽ không làm chủ được đầu óc mình, và đó là đặc tính của một giáo phái.

Để họ không mù quáng theo đám đông, tôi khuyến khích các hội viện đừng sợ phải đặt những câu hỏi có tính khiêu khích. Trong những năm vừa qua, một vài vị đã đến gặp tôi tại những buổi họp của Subud, để bày tỏ sự thông cảm, bất cứ lúc nào tôi công khai đưa ra những câu hỏi không mấy dễ chịu. Biết được không chỉ có riêng mình là điều khiến an ủi.

Những câu hỏi như vậy thường bị phản đối vì không thúc đẩy “hòa khí,” một khẩu lệnh dối trá là không khuyến khích tranh luận trong giới Subud. Tôi đề cập tới chuyện đó là vì cái quan niệm hòa khí đúng ra là một trong những trụ cột của “Pancasila,” một thuyết lập quốc của Indonesia, một quốc gia dưới sự cai trị của những chế độ độc tài cho tới 20 năm trước đây.

Mùa hè này, tôi đi dự Hội nghị Subud Thế giới đầu tiên của mình với tư cách một hội viên còn trong Subud. Khi Ibu Rahayu có một buổi nói chuyện đặc biệt tại Freiburg, tôi cùng một số người đông đảo tới dự thính. Một vài phút trước khi bà lên sân khấu, một phụ nữ nói tiếng Anh theo giọng Đức thông báo cho mọi người là phải tắt những điện thoại di động của mình.

Tôi thích nghe Ibu nói chuyện, nhưng sau đó lấy làm khó chịu khi nhìn thấy một điều thành hiện thực ngay lối ra vào của Ngôi Làng Subud.

Một kẻ nào đó đã treo những tấm bảng - làm bằng thứ giấy cứng – viết những gì là nghĩa của bốn chữ Ả Rập mà Ibu Rahayu đã ấn tượng chúng tôi: dhat, sifat, asma, afal.

Khi trông thấy điều đó, tôi không thể không nghĩ tới George Orwell, cùng với Ernest Hemingway, là những nhà văn mà phụ thân thích đọc. Khi tôi chằm chằm nhìn những tấm bảng đó, đầu óc mình chợt nghĩ tới những áp-phích tuyên truyền được mô tả trong tiểu thuyết “1984” của Orwell.

Tôi chợt hiểu được sự mỉa mai này: phụ thân đã nói bóng nói gió tới cuốn sách kinh điển đó trong buổi nói chuyện tại Anamacer, khi ông đề cập tới những con mối.

Trong 25 năm kinh nghiệm nhìn Subud qua lăng kính không bị méo mó của chính mình, tôi cũng nhận thấy đó là một phong trào không chịu biến cải. Do số hội viên không có là bao và chỉ đứng yên một chỗ, tôi lo ngại Subud sẽ không thể tồn tại, trừ phi nó tiến hóa, mở rộng thành một phong trào phổ quát và tiến bộ thích nghi với thời hiện đại và tránh bỏ cái tình trạng hiện nay trong đó chỉ bị chi phối bởi một tôn giáo và văn hóa độc nhất.

Nếu chúng ta không thận trọng và ý thức được điều đó, Subud sẽ có thể đi theo một chiều hướng quá khích và cuồng tín. Công việc là phóng viên của tôi bao hàm đi săn tin về những phong trào tôn giáo quá khích ở Á châu. Tuy những phong trào đó tỏ vẻ vô cùng cực đoan, nhưng theo tôi thấy thì thực chất những hạt giống của nó không khác gì lối hành xử đáng lo ngại của một thiểu số hội viên Subud.

Rút cuộc, Subud chỉ có được một tương lai, nếu những hội viên lớp già như tôi trao phó cho giới trẻ là những tác nhân của sự biến cải. Trong nhiều năm, tôi bi quan là Subud khó có thể sống còn lâu dài hơn. Nhưng nghị lực, óc sáng tạo và những ý tưởng mới mẻ mà tôi nhận thấy ở những giới trẻ từ Úc, Âu Châu và những nơi khác, họ có mặt đông đảo ở Freiburg, gây hứng thú và cho tôi có lí do để hy vọng.

Tôi không vì vậy mà giận nếu bạn bất đồng với tôi, nhưng đó là trải nghiệm trong Subud của tôi và cái nhìn của tôi hiện nay về nó. Trong những năm qua, tôi đã đi đứng loạng choạng bên bờ vực thẳm, quằn quại là mình nên hay không nên bỏ Subud.

Nhưng cho tới nay tôi đã không bỏ, vì latihan là quan trọng đối với mình.

____________

(*) Các tín đồ của giáo phái People Temples cùng với giáo chủ của họ là Jim Jones đã tự sát tập thể tại Jonestown ở Guyana (18 tháng 11 1978). Có một phim khá hay về vụ đó trong YouTube với tựa đề Jonestown Paradise Lost.

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ