Tưởng niệm Varindra Vittachi

Minh Thần dịch

 
 

Của Imram Vittachi trong Subud Around the World 22 December 2018

 
   

Lúc sắp chết, phụ thân tôi, một thiên tài về thuật quanh co truyền đạt ý nghĩ, trong hai buổi nói chuyện từ biệt cộng đồng Subud, nói tới những ‘con mối‘ -ông không có ý bổ báng- có nguy cơ phá hoại cái phong trào tâm linh quốc tế mà ông trân quý trong đó công sức mình trong mấy chục năm, với tư cách một người trực tiếp dưới quyền Bapak.

Phụ thân tới dự Hội nghị Thế giới tại Amanacer trong năm 1993 trong tình trạng tiều tụy vì bệnh ung thư gan đang giết chết ông. Tình trạng yếu đuối của ông biến ông thành một người mà ông ngưỡng mộ là Thánh Gandhi.

Tôi không có mặt tại đó để dự những buổi nói chuyện đó tại Colombia. Nhưng khi 25 năm sau đọc lại bản sao buổi nói chuyện, tôi hiểu rõ được điều ông muốn nói.

- Tất cả các cơ quan có mục đích nhân đạo -tôn giáo, đại học, Liên hiệp quốc- đang bị những con mối tiêu diệt từ bên trong. Đó là điều tôi lo sợ cho Subud, ông báo động trong buổi nói chuyện đầu tiên, một buổi đánh dấu việc ông từ nhiệm chức chủ tịch của WSA, một chức vụ ông đã giữ trong hơn 30 năm.

Sự nhận xét đó khiến cho một số người trong cử tọa phải lo nghĩ. Ngày hôm sau, họ đòi ông tới gặp để bắt ông phải phải giải thích điều muốn nói.

- Điều tôi muốn diễn tả về những con mối là như thế này: đó là những kẻ có đầu óc quan liêu. Đó không phải là những người làm công việc quản lý, bởi tất cả chúng ta đều cần sự quản lý để tồn tại. Những quan liêu là những kẻ chỉ làm đúng theo kinh thư, theo điều lệ. Đầu óc họ rỗng tuếch.

Theo cách diễn tả đó, những quan liêu là những con mối, bởi họ tiêu thụ rất nhiều giấy tờ là thứ được làm ra từ gỗ.

Cái thông điệp mà ông muốn truyền đạt trong lần cuối đó trong Subud là thế này: tâm linh là điều rất có lợi nhưng cũng có thể nguy hại, nên phong trào có nguy cơ bị thâm nhập bởi những kẻ tham quyền cố vị. Họ là mối đe dọa biến nó thành một tổ chức cứng nhắc với những điều lệ áp đặt lên đầu hội viên, khiến kiểm soát được những ý nghĩ của họ.

Khi tập latihan, hội viên thường có thói quen phó mặc những ý nghĩ của mình. Nhưng phụ thân cầu khẩn họ đừng bỏ mất trí óc và tư duy. Ông hối thúc họ tự suy tính lấy cho chính mình mà nói toạc ý kiến mình cho những kẻ tiêu thụ giấy tờ.

Đó là cung cách của một nhà báo, của một kẻ phản loạn. Trong suốt cuộc sống ngoài đời, phụ thân không sợ phải nói thẳng những ý nghĩ của mình, hoặc bất chấp những thế lực cai trị thiên hạ bằng sợ hãi. Trong nghề nghiệp mình, ông được đào tạo cách đương đầu và phơi bày những sự thật khó nuốt trên thế giới. Ông cũng làm y như vậy trên diễn đàn Subud.

Ông đã chứng tỏ mình vẫn còn cái đức tính cốt yếu của một nhà văn tài ba là "một máy dò những cái thối tha, chịu đựng được những cú va chạm," theo cách nói của nhà văn Hemingway.

Màu xám và xám

Tuy tình trạng yếu đuối của ông, tôi nhớ lại là phụ thân nóng lòng tới Columbia -một chuyến bay cuối cùng trong những chuyến bay tới khắp nơi trên thế giới.

Khi ông trở về Anh, chúng tôi không bàn luận về thực chất những buổi nói chuyện tại Anamacer. Nghĩ lại vụ đó, tôi hiểu được là ông không muốn chết nếu chưa truyền đạt được sự báo động của mình về Subud. Nhưng ông cũng muốn bày tỏ tình thương cho những người Subud và sự biết ơn bất diệt của mình với Nguồn Đại Lực mà Bapak, một tôn sư đã thay đổi đời ông, truyền cho ông.

Sinh ra trong những hoàn cảnh tầm thường của một ngôi làng Tích Lan, ông là đứa con trong số 13 đứa của một thầy giáo, nhưng đã vượt tới chỗ cao trọng là nhà báo Á Châu tăm tiếng và một nhà ngoại giao của U.N.

Với những người trong cái thế giới ngoài đời ông là Tarzie, nhưng trong đời sống nội tâm ông là Varindra trong thế giới Subud: trong cả hai cái thế giới đó ông là một nhân vật có tài thu hút quần chúng, và tôi là một trong số vài người được nhìn thấy ông luân chuyển trong hai cõi giới đó. Tôi còn được gần cận ông trong sáu tháng cuối cùng của đời ông sau khi mẹ tôi mất vì ung thư trong năm 1987.

Không có gì nơi ông là tà và chánh. Ông là một người đáng chú ý, nhân cách ông có nhiều khía cạnh. Ông là một mớ lộn xộn gồm những đức tính và tật xấu, một người với những thèm khát và cố tật.

Trước khi mang bệnh ung thư gan, phụ thân không hối tiếc hút thuốc bằng tẩu và thuốc lá Pháp -những loại ông thích là Gauloises và Gitanes. Ông ghét cay ghét đắng “lũ phát xít,” theo cách nói của ông, những kẻ muốn làm việc thiện bằng cách biến các văn phòng, nhà ăn và máy bay thành những môi trường cằn cỗi, không được hút thuốc. Họ là bầy mối phá hoại cái thế giới này.

Tôi thích mùi hương những khói thuốc của ông. Khi tôi còn nhỏ, mùi thơm từ tẩu thuốc của ông lôi kéo tôi tớt gần ông như một nam châm. Tôi luôn cảm thấy mình được an toàn, khi ngồi gần ông trong những máy bay -lúc chưa bị bọn phát xít cưỡng đoạt- hay trên chiếc ghế dài tại căn nhà chúng tôi ở Manhattan, nơi ông hút thuốc từng hơi ngắn trong lúc tôi giúp ông phá giải những trò chơi ô chữ bí ẩn của tờ London Times, một thói nghiện mà tôi thừa hưởng của ông.

Mặc dù những tật của ông, tôi yêu thích con người đã dạy cho tôi biết là sự thật không đến trong màu trắng và đen, và trong màu xám và xám.

Phụ thân có một làn da dày, như da sống một con voi. Ông toát ra một sự điềm tĩnh sắt đá, nhưng có những lúc, tuy rất hiếm, ông để lộ một tính khí làm cho những kẻ cản đường đi của ông phải hoảng sợ.

Áo giáp đó hao mòn, vì bệnh ung thư giày vò ông. Mẹ tôi cũng đã mất vì bệnh ung thư, và trong 36 tiếng đồng hồ cuối cùng của đời ông, tôi thấy ông không chịu đựng được khiến phải khóc vì cơn đau.

Tôi chưa từng thấy ông khóc trước đó. Như vậy là quá sức chịu đựng của tôi. Khi ngồi trên xe cứu thương cùng bà chị mình và phụ thân trong tình trạng hôn mê từ bệnh viện London tới nhà chị tôi, tôi biết là ông đang dần dần ra đi.

Ông mất ngày 17 tháng 9, sáu ngày trước lúc sinh nhật thứ 72 của mình.

Như một chuyện kì diệu của Subud, cái chết của ông tuy khiến thương tiếc nhưng cũng khiến tôi được giải thoát. Tôi là đứa con út trong số năm đứa con, và cuối cùng được sống cuộc đời mình mà không nằm dưới bóng mát cái nhân cách cao ngất của ông.

Điều xảy ra đó thật kỳ lạ. Ông mất không đầy hai tuần trước lúc tôi ghi danh theo một khóa học cho những người đã tốt nghiệp đại học tại London School of Economics. Ông và tôi đều dựa vào nhau sau khi mẹ tôi mất. Bây giờ thì như là ông phải để cho tôi đi theo con đường của chính mình.

(còn 1 kỳ nữa)

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ