Tập latihan như thế nào?

Minh Thần dịch từ Subud Voice

 
 

Halimah Polk (USA)

Tất nhiên trước hết tôi phải kĩ lưỡng rào trước đón sau. Tôi có ý nghĩ viết bài này -như hầu hết các ý nghĩ khác của mình- trong lúc đang son phấn buổi sáng. Tôi không có ảo tưởng là mình hiểu biết nhiều nhất về latihan. Đó là một quá trình học hỏi liên tục, và tất cả những ý nghĩ mà tôi muốn chia sẻ, chỉ là những gì lấy của những phụ tá và hội viên nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời Subud của tôi. Tôi đã từng ở Cilandak trong ba năm, và đó là lúc Bapak tràn trề nghị lực với những buổi nói chuyện theo lịch trình mỗi tháng một lần.

Tôi cũng đến đó nhiều lần trước và sau khi Bapak mất, và trong tất cả những dịp đó đã được nghe kể những chuyện nhỏ nhặt có vẻ như đã giúp cho latihan mình. Tôi cũng khá may mắn được du hành cùng Bapak trong nhiều dịp trong vai trò một cổ động viên nhiệt tình, và được lang thang với những hội viên nhiều kinh nghiệm để nghe họ kể chuyện.

Theo tôi nghĩ, điều này có thể là lợi ích nếu nói về latihan theo cách người ta đã nói với tôi lúc tôi còn trẻ trong Subud. Tôi nhận thấy hiện nay không có nhiều cơ hội ‘chuyện trò về latihan‘; nhiều hội viên lâu năm như chúng tôi tránh ‘nói về tâm linh,‘ bởi chúng tôi gắng sức mình mà không nhiều kết quả làm cho latihan hội nhập vào cuộc sống ngoài đời của mình, và cũng bởi trong lúc này tất cả những gì chúng ta làm chỉ là nói miệng mà không làm những gì Bapak thúc giục mình làm.

Tôi nhận thấy các hội viên trẻ ao ước điều mình ao ước trong những năm tháng theo tập latihan đầu tiên của mình, và đó là những gì như là mình được nuôi dưỡng - ngay cả lúc tới Cilandak trong mùa Thu vừa qua, tôi thấy như vậy vẫn chưa là đủ. Khi nghĩ lại chuyện đó, tôi thấy chính những buổi nói chuyện cũng như latihan, là nguồn cảm hứng cho mình: đó là những gì giúp tôi đưa những âm thanh và động tác kỳ dị của mình vào một bối cảnh nào đó. Đọc những bài nói chuyện của Bapak và nghe Bapak nói chuyện trong băng thâu thanh, cũng giúp tôi được rất nhiều, bởi tôi thiếu hẳn một nền giáo dục tâm linh trươc khi được khai mở. Vậy nên, trong cái tinh thần đó, tôi xin được chia sẻ một vài giai thoại và kinh nghiệm của mình với các bạn trẻ.

Chuẩn bị cho latihan
Một lời khuyên hay nhất mà tôi được nghe nói, là của Ibu Hardiyati, bà con gái Bapak. Đó là cho một nhóm phụ tá ở Cilandak, mà một người trong họ đã thuật lại cho tôi. Bà so sánh việc chuẩn bị cho latihan với việc dọn nhà cho những người khách đặc biệt. Trước đó ta dọn dẹp sạch sẽ để tỏ lòng kính trọng đối với khách, và trong lúc tịnh tâm ta làm cho căn nhà mình được sạch sẽ tối đa, bằng cách dần dần buông bỏ tất cả những mảnh vụn từ cuộc sống ngoài đời của mình: những lo nghĩ, những vấn đề này nọ, những thành bại, những quan hệ này nọ và gia đình mình. Phải buông bỏ tất cả trong lúc tịnh tâm.

Bapak cũng đã nói rất nhiều về sự chuẩn bị đó trong một buổi nói chuyện hai tiếng đồng hồ lúc Ramadhan năm 1976. Thông điệp cốt yếu của buổi nói chuyện đó là BUÔNG THẢ. Buông thả cơ thể mình, tâm trí mình, bất cứ ước muốn thế gian nào, ước muốn có một cái latihan tốt đẹp, ước muốn hạnh phúc, ngay cả ước muốn được gần cận Thượng Đế. Chỉ khi đạt được cái trạng thái buông thả đó thì điều mình chờ đợi là sự trống vắng mới xảy ra. Theo kinh nghiệm của tôi, điều đó tương tự cái trạng thái ngủ gà ngủ gật trước lúc ngủ thật sự. Hoặc đó là một vũng nước giông bão trong lòng càng lúc càng trở nên yên lặng cho tới lúc hoàn toàn tĩnh lặng -không có đến một gợn sóng.

Tôi cũng nghe Bapak nói tới sự phân biệt giũa hai điều này: yên tịnh đích thực và làm cho đầu óc mình yên tịnh với ý chí bằng cách dùng một thần chú hay điều gì như vậy. Ta chỉ việc yên lặng ngồi cho tới khi chợt nhiên mình yên tịnh, nhưng mình lại không làm bất cứ gì cho điều đó xảy ra - nó tự nhiên xảy. Đối với tôi đó là điều gì hơi kỳ bí, bởi tôi là một hạng người năng động ngoài đời với một tâm trí rất mạnh, nhưng tôi luôn ngạc nhiên là nếu cứ bám sát như vậy thì sự hỗn loạn của những xúc động và những ý nghĩ điên cuồng chợt bớt giảm, và đùng một cái tôi trở nên yên tịnh (điều đó xảy ra như thế nào?). Tôi nghe thiên hạ nói (và gần đây là Ibu Rahayu) rằng điều này có thể giúp mình, nếu ta cầu nguyện như thế nào đó khiến mình có thể tối đa quy thuận trước lúc latihan bắt đầu. Tôi đã thử làm vậy, và nghĩ là nó giúp được cho mình.

Latihan
Sau sự chuẩn bị dài lâu và thư thả đó, bạn có thể bắt đầu tập latihan. Bạn đứng yên lặng trong cái trạng thái không ít thì nhiều trống vắng đó (Thượng Đế biết bạn đã làm hết sức mình). Người phụ tá sẽ nói ‘bắt đầu‘ và bạn chỉ việc chờ đợi cho tới khi có latihan hay sự chấn động khiến mình cử động. Bapak giảng giải là nếu ta thực sự chú tâm, cái động tác đầu tiên mình có thể cảm thấy là quyền năng Thượng Đế làm cho có động tác của sự hít thở.

Ibu Hardiyati trong buổi nói chuyện của bà cho các nữ phụ tá giải thích latihan là điều gì như có những khách đặc biệt tới và mỗi người mang theo một món quà. Công việc mình chỉ là nhận mỗi món quà cho mình mà không suy nghĩ, hay suy xét, hay tìm cách hiểu được - chỉ việc nhận lấy và chấp nhận mỗi món qua cho mình.

Hiển nhiên, động tác của cơ thể là quan trọng, nhưng không được ép buộc, đặc biệt là ép buộc các hội viên còn mới. Bapak nói rằng sự tiến bộ của latihan bắt đầu với cái cơ thể xương thịt bằng cách vứt bỏ những dơ dáy khi chúng ta cử động.

Nhiều người chúng tôi âu yếm nhớ tới việc xoay theo vòng tròn rất nhiều trong những latihan đầu của mình, khiến hầu như muốn nôn mửa. Tôi nhớ tới việc hồi đó mình đã đập đầu trên sàn nhà bằng bê-tông. Một trong những nữ phụ tá được quý trọng nhất ở Cilandak kể chuyện mình vừa sủa đầy ác ý, vừa bò với tay và đầu gối trên sàn nhà phòng tập latihan, và còn cắn cả mắt cá chân của người phụ tá khai mở cho mình. Tôi cũng nhớ tới một phụ nữ Tây phương còn trẻ được khai mở, và trong những latihan đầu tiên của mình chị thường tức khắc nôn mửa. Chị thường chạy ra ngoài vào phòng tắm để tìm cách chuồn về nhà, nhưng các phụ tá Cilandak lại thường chạy theo chị, để lôi chị tiếp tục tập. Chúng tôi cũng nghiệm thấy latihan của một ‘kẻ chạy đua‘ xoay tít rất nhanh bên mình. Những động tác đó là những biểu hiện ban đầu của những món quà mà Ibu Hardiyati nói tới, làm cho cơ thể và linh hồn được thanh lọc.

Một trong những điều gay go nhất khi tôi còn là một hội viên trẻ, là không nhận xét latihan của chính mình, hay tìm cách tỏ ra mình „tâm linh.“ Trong nhóm tôi ở Palto Alto có một vài người đã đạt tới một trình độ cao; họ đứng hát trong lúc tập (tôi nghĩ là họ đang lên thiên đàng!). Tôi có ý muốn làm y như họ, hay cảm thấy mình xấu xa khi mình bò trên sàn nhà làm những chuyện thô tục.

May mắn là chúng tôi có những phụ tá đầy kinh nghiệm, và họ thường xuyên bảo chúng tôi làm trắc nghiệm, để coi xem latihan mình ra sao, và Thượng Đế mong cho nó ra sao (trong điều này thì tôi thường gập người lại, kêu ủn ỉn và la hét vv…).

Có một vấn đề luôn xảy ra cho những kẻ lâu đời như chúng tôi: những gì lộ ra bên ngoài từ đáy lòng không là những gì đẹp đẽ. Thực vậy, điều đó rất khó chịu, nhưng phải ‘tống nó ra ngoài.‘ Có những hội viên không lấy đó làm khó chịu, mà tiếp tục tập cái latihan tốt đẹp, nhưng là giả tạo, của mình.

Tô đề nghị các bạn làm phiền các phụ tá nhóm của mình để họ đều đặn làm trắc nghiệm với mình, khiến bạn luôn nhận thấy nó không giả tạo. Nếu dũng cảm, bạn hãy tự mình làm trắc nghiệm khi cảm thấy bị bế tắc. Lúc cuối đời mình Bapak nói điều này quan trọng như thế nào trong latihan: dũng cảm tuân theo bất cứ gì mà mình tiếp nhận - dù thô thiển hay cao quý.

Tôi đang tiếp nhận?

Nhiều hội viện trẻ đã hỏi như vậy.

Tất cả chúng ta đều phải vật lộn với điều đó, và không có gì là những dấu hiệu chắc chắn. Bapak nói là ta sẽ cảm thấy sự chấn động của latihan nhưng ban đầu tôi không thấy gì hết. Bapak cũng nói là có điều gì như một cảm giác mát mẻ, nhưng tôi cũng chẳng cảm thấy gì. Tuy nhiên, tôi đã nghiệm được là nếu chờ đợi lúc bắt đầu latihan, thì sẽ tự nhiên cử động mà không do tư tưởng hay mong muốn.

Thế nên bạn phải tin cậy: bạn đã được khai mở, bạn thành tâm phụng thờ Thượng Đế, bạn tịnh tâm theo hết khả năng mình. Bạn nhẹ nhàng chạy nhảy, hay vẫy ta, hay chợt ca hát mà không do suy nghĩ, thì chính là nó đấy! Chính là latihan mình!

Giúp tôi với, tôi không thể bớt suy nghĩ
Đúng vậy, bạn không thể ép buộc đầu óc mình trở nên yên tĩnh. Đó là thiền định - dùng ý chí. Vậy nên, bạn cứ để cho tự nhiên, và như vậy thì không hề gì. Nhưng sau một lúc, bạn nhận thấy mình đang suy nghĩ, mà cũng là nhìn xem chính mình suy nghĩ, khi mình đang đi vòng quanh, vân vân. Điều cốt yếu là chú tâm tới những động tác thay vì tới tư tưởng.

Đừng để bị vướng mắc.Tôi đã lãng phí nhiều latihan của mình bằng cách mơ tưởng tới công ăn việc làm, hôn nhân, suy ngẫm cách ăn miếng trả miếng vv...Một phụ tá nói rằng điều quan trọng là cảm thấy gót chân mình, khi bàn chân đặt trên sàn nhà. Theo tôi, như vậy khiến ta không chú ý tới đầu óc và tưởng tượng của mình, mà tới cơ thể. Ibu Rahayu nói rằng khi tập latihan, hãy chú ý tới những chấn động khác nhau mà mình cảm nhận nơi mỗi bộ phận của cơ thể và cái cảm xúc đi theo sự chấn động đó.

Ta đừng quên Bapak đã nói rằng tri thức là phần cuối cùng được thanh lọc, nên năng suất tư tưởng của mình trong latihan không có là bao lúc ban đầu. Của tôi thì cũng vậy.

Không còn latihan nữa?
Tôi thường nghĩ rằng sau khi không còn cử động nữa, latihan như thế đã hết nên tôi ngồi xuống. Tuy nhiên, nhiều phụ tá lâu đời nói tới cái latihan thứ hai, cái phần của latihan xảy ra sau cơn náo động của những động tác thanh lọc. Bapak đề cập tới điều đó trong một nói chuyện, khi người khuyên một phụ nữ mà latihan không có kết quả, nên hỏi điều này: „Còn có gì thêm nữa mà Thượng Đế muốn tôi tiếp nhận trong latihan?“ Hình như trong cái phần thứ hai của latihan, ta tiếp nhận được những chỉ dẫn.

Những chỉ dẫn hay ân tứ đó đôi khi là về cuộc đời mình, hay về một năng khiếu mà mình không hay biết, một sự hiểu biết thâm sâu về chính mình, những lúc an vui vô cùng tạ ơn Thượng Đế, và một điều ít khi xảy ra là hiểu biết được cái thế giới bên kia. Đôi khi chẳng có gì hết. Điều này không tùy thuộc chúng ta. Như vậy không có nghĩa là ta không thể tiếp nhận những chỉ dẫn rõ rệt trong phần đầu của latihan. Tôi từng trông thấy những phụ nữ tỏ vẻ yên lặng và thanh thản trong phần đầu của latihan, để rồi kêu la chạy đây đó trong phần hai. Bạn hãy tự nghĩ xem điều đó là như thế nào.

Lúc tập xong
Sau latihan, điều nên làm là ngồi yên lặng trong một lúc, như lúc ban đầu. Trước hết điều quan trọng là „trở về với hiện thực“ để thực sự chấm dứt latihan và trở nên một người bình thường. Vừa rồi, tôi nhận thấy latihan mình thật mãnh liệt - ngay cả trong lúc yên lặng. Tôi ngồi xuống mà cơ thể mình còn chấn động như động cơ phản lực. Điều không nên làm là đi uống cà phê với bạn bè cho tới khi sự chấn động lắng xuống. Cho tới khi cảm thấy mình bình thường lại. Nhưng điều này thì hệ trọng hơn: Ibu Hardiyati giảng giải là trong cái trạng thái yên lặng sau latihan đó, ta sẽ ‘trông thấy‘ hay mở ra coi những món quà mà latihan ban tặng cho. Hình như đó là lúc sự sáng suốt của mình được tăng cường. Ta trở nên điềm tĩnh và an vui, và thường nhận được những chỉ dẫn rõ rệt. Đừng làm điều này điều nọ. Hãy viết thư cho bà nội/ngoại mình. Hãy đổi công ăn việc làm, danh tính mình. Hãy thận trọng khi lái xe về nhà vv...Một trong những phụ tá Cilandak mà tôi ngưỡng mộ nhất có nói rằng bà tiếp nhận được rõ rệt những chỉ dẫn cho đời mình, khi nằm trên sàn nhà. Tất nhiên, không có gì là bảo đảm, nhưng đó có thể là một thời gian quý báu, cái thời gian tiếp nhận những hướng dẫn cho đời sống hằng ngày.

Tôi biết là có rất nhiều những gì là minh tuệ về latihan trong cái cộng đồng Subud phong phú và đa dạng của chúng ta.

Những điều đó có lẽ chúng ta sẽ chia sẻ cho nhau. Tôi mong rằng những miếng ăn về chuyện latihan của mình sẽ nuôi dưỡng một vài bạn, như tôi đã được nuôi dưỡng những lúc ban đầu trong Subud của mình.

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ