Thuật trường thọ của một hội viên 94 tuổi

Minh Thần dịch

 
 

Lola Stone

Nhớ lại những giáo đường và chùa chiền mình tới thăm trong những năm qua, tôi thấy mọi nơi đều duy trì ánh sáng trên bàn thờ; thường thì đó là nến, đèn dầu hay một ngọn lửa nào khác. Tôi phải tin đó là hình tượng của Ánh Sáng Vĩnh Hằng, và mỗi người chúng ta đã sinh ra với một tia sáng trong đó.

Trong những đền chùa xưa kia, người ta không khi nào để cho ngọn lửa đó chết, và nó được chăm sóc bởi những cô thầy cúng đặc biệt. Hiện nay hình như chúng ta cần phải có những cú sốc mạnh mẽ và thường đau đớn, khiến mình được giải thoát khỏi sự thu hút như thôi miên của thế giới vật chất và khiến ta phải nhìn vào đáy lòng mình.

Có thể đó là điều tại sao nhiều người chúng ta trải qua một thời kì "đen tối của linh hồn", một thời kì cốt yếu của đời mình. Đối với vài người, đó là những lúc đầu của tuổi 30, với những người khác thì vào khoảng tuổi 50. Trường hợp ngoại lệ hiếm có là thời kì đó hình như là dịp may duy nhất của chúng ta để loại trừ tất cả những gì bám vào mình là những rác rưới nổi lềnh bềnh vứt xuống biển.

Như nhà văn Dante đã viết: "Giữa đời mình, tôi nhận thấy mình trong một khu rừng đen tối trong đó không còn con đường thẳng băng trước kia của mình." Đương nhiên kẻ đáng trách là người bạn đời mình, bố mẹ hay con cái mình. Cũng có thể đó là ông xếp mình, hay một kẻ nào đó trong công sở mà mình nghĩ là đã gây ra cơn khủng hoảng đó. Nếu may mắn, ta sẽ được nội tâm mình hướng dẫn đi ra ngoài cái mê lộ tự tạo đó, để tới một cao nguyên của sự hoàn thiện. Nếu không thì mình sẽ bị mắc kẹt trong những khuôn mẫu cũ xưa, vì không phân biệt được chỗ cao với chỗ thấp.

Theo tôi, điều đó xảy ra là vì hầu hết chúng ta đã đi trên đường đời mình trong trạng thái ngủ gật. Chúng ta đã quên mình là ai cùng với cái sứ mệnh duy nhất của mình trên trần gian. Cái trái đất này đã chứng tỏ nó là nơi cư ngụ của những sức mạnh vật chất mãnh liệt mà ta phải giải thoát mình khỏi, để dùng nó mà không để nó dùng mình.

Cơn khủng hoảng đó, một khi đã trải qua, làm cho mình tỉnh ngủ. Nếu có thể luôn ý thức, chúng ta sẽ không quên săn sóc ngọn lửa của sự vui sướng đó, tuy ẩm ướt, nhưng vẫn còn cháy trong lòng mình. Đó là lúc ta được tái sinh, và từ đó trở đi mọi chuyện đều tốt đẹp. Chúng ta có thể tiếp tục những công việc của đời mình.

Điều có vẻ như tai ương lại thành một ân phước. Tất cả những gì xảy ra cho mình có mục đích khiến ta nhận thức được là mình đang sống tại một nơi học tập. Đối với nhiều người đó là nơi luyện ngục, với những người khác thì là địa ngục, với mọi người đều không là một nơi dễ qua.

Đó luôn là điều đòi hỏi lòng dũng cảm, thương cảm, sức mạnh của tâm hồn và sự ý thức được Năng Lực của Thượng Đế trong đó chúng ta trôi nổi. Bạn có thể thích gọi đó là "Trí Tuệ Không Địa Điểm", như các nhà vật lí học; nhưng có gọi là gì đi nữa thì đó vẫn là cội nguồn và chung cuộc của chúng ta.

TẬN HƯỞNG ĐỜI MÌNH

Nhìn lại cuộc đời dài lâu và hầu như nguyện mãn nguyện của mình, tôi tự hỏi đó là vận may hay định mệnh, khiến cho gần tuổi 95 mà mình vẫn còn mạnh khỏe, đầy nghị lực, năng động và yêu đời?

Có thể đó là vì tôi luôn nói ĐỜI NGƯỜI THẬT ĐÁNG SỐNG, không bao giờ nản lòng, trừ phi đó là lúc trong ba năm trời tôi nghiệm thấy "đêm tối của linh hồn" với những lúc buồn và vui, hay lúc 23 tuổi bị sốc vì cái chết bất ngờ của bà mẹ mình.

Cũng có thể là vì kể từ tuổi 20 tôi ý thức được cách ăn uống có lợi cho sức khỏe và việc có một tinh thần lạc quan, bởi tôi tin rằng cơ thể đáp ứng lại những ý nghĩ và cảm xúc của mình. Tôi luôn vận động thân thể, và hồi đó đã bắt đầu học khiêu vũ và tập yoga; hai điều đó cho tới những lúc gần đây tôi vẫn còn theo tập.

Tôi cũng là một kẻ tích cực tham gia phong trào phản đối của những nhóm chống lại sự xây cất những lò nguyên tử, viết những bức thư phản đối đăng trên báo chí khắp thế giới: báo chí Liên Xô, tờ New York Times, tờ Miami Herald, tờ Bangkok Post và một vài tờ tại Long Island. Bức thư duy nhất không được đăng là bài gửi cho tờ St. Petersburg Times liên quan tối những người da đen phải ngồi phía sau của xe buýt, và phải dùng những máy nước riêng biệt tại những nơi công cộng.

Hình như việc tham gia vào cuộc sống chung quanh, ngoài gia đình mình, giúp ta luôn được trẻ trung và mạnh khỏe, kể cả việc dùng tất cả những năng khiếu mà cuộc sống đã ban cho mình. Cùng với sự chú tâm tới những hướng dẫn của nội tâm, việc học những kĩ năng mới để thích ứng với một thế giới càng lúc càng nhỏ bé, giúp cho tinh thần và thể xác được mạnh khỏe.

Tôi may mắn được du hành tới gần 60 quốc gia với phu quân Robert B.Stone, và được dịp gặp nhiều anh chị em Subud cũng như những người khác da mầu và chủng tộc mà mình không cảm thấy cách biệt.

Điều này thật là một ân phước: trong Subud tôi đã tìm thấy sự nối kết mà mình đã đi tìm trong 20 năm. Tôi lấy làm cảm kích vì có những bạn bè thân mọi lứa tuổi, vì thường nhớ tới việc phải cảm tạ những ân phước của Vũ Trụ. Điều này là cho các bạn trẻ: hãy làm ngay bây giờ những gì mình muốn hay cần làm!

 

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ