Tôi học được gì ở Rome?

Minh Thần dịch

 
 

Muchtar Martins, Subud Voice December 1994

Có lẽ tôi cần phải được chuẩn bị đầy đủ, khiến bị đau ốm trong lúc đến thăm những nhóm Subud ở Italy?

Được các anh chị em ở Florence chăm sóc, nên tôi đã hồi phục, đặc biệt nhờ sự chăm nom của cô em gái tôi cho bản thân tôi và cho những hành lý cho chuyến đi xe lửa tới Rome của tôi. Tôi rất buồn ngủ vì những thuốc men dùng ở bệnh viện.

Cuộc họp đầu tiên của Hội Nghị xảy ra ở Vatican ngày 3 tháng 11. Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị chào đón tất cả những vị đầu não của các tôn giáo, những vị đại biểu và những vị đến tham quan, như cá nhân tôi, trong một buổi lễ thật cảm động và đầy ý nghĩa.

Chúng tôi nghe những lời phát biểu và cầu kinh của các tôn giáo: thần đạo Nhật Bản, Phật giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Kỳ Na giáo, đạo Xích, đạo Hindu, Bái Hỏa giáo, Thiên Chúa giáo và những tôn giáo của các thổ dân bản địa. Cuối cùng là lời nói ngọt ngào này của Đức Giáo Hoàng: ''...xin mời quý vị tới đây một lần nữa...Vatican luôn mở rộng cửa đón quý vị...''

Sau đó, chúng tôi đến Riva del Garda tại miền Bắc Italy để dự sinh hoạt của Hội Nghị trong 6 ngày.

Tôi được dịp nghe phát biểu nhiều quan điểm rất đáng chú ý, và chứng kiến những nỗ lực khắc phục những dị biệt.

Tôi đã học được gì từ trải nghiệm đó...? Trước hết là biết được rất nhiều về những gì hiện đang xảy ra trên thế giới, và như thế nào các giáo dân đang phải đối phó với những vấn đề chánh yếu của hiện nay. Kế đến, thành thật mà nói...tôi học được rất nhiều về Subud.

Phải tốn nhiều trang giấy mới tóm lược nổi cho bạn về sinh hoạt phong phú của Hội Nghị. Người ta đã phát biểu những điều rất đáng chú ý, đã thảo luận về việc làm của mỗi ủy ban khác nhau, và cuối cùng là tuyên ngôn về hòa bình. Tất nhiên là các vị đại biểu đã quan tâm nhiều tới những gì có thể thực hiện được từ những tuyên bố đó.

Nhưng cuối cùng thì mọi người đều cảm thấy buổi sinh hoạt đó hầu như hoàn toàn tốt đẹp, và tôi cầu xin Thượng Đế những ý định tốt đẹp đó sẽ là hiện thực tại những cộng đồng địa phương.

Nhưng điều khó hiểu hơn với tôi là thái độ thận trọng quá đáng của hầu hết các vị đại biểu trong sự nối kết với thực chất của các tôn giáo khác, và hầu như hoàn toàn thiếu vắng một buổi lễ cầu nguyện chung với nhau.

Do đó mà tôi học được rất nhiều về Subud.

Cái giản dị vô cùng của Subud: chúng ta là một nhóm người theo những tôn giáo khác nhau; căn bản, điểm xuất phát của chúng ta là cùng nhau phụng thờ Thượng Đế, và chỉ từ chỗ đó chúng ta mới hành động.

Tuy biết được điều đó từ lâu, nhưng tôi nghĩ đây là lần đầu tiên mình hiểu được trọn vẹn, và nhận thấy sự kiện đó là thông tin đáng nói tới nhất mà mình có thể cung cấp cho những đại biểu muốn tìm hiểu đôi chút về Subud.

Tôi nhận thức được dù sao thì chúng ta cũng có một tổ chức đơn giản và linh động, rất hợp với thời nay.

Tôi mong rằng trong tương lai Subud sẽ lợi ích cho những nỗ lực cho hòa bình của WCRP (Hội đồng Thế giới của Tôn giáo cho Hòa bình) và nếu có ai cảm thấy muốn hợp tác với tổ chức đó ở mức địa phương hay quốc gia, tôi sẽ cho biết có thể liên lạc với ai.

Ngoài lúc cầu nguyện và tập chung latihan với Simon Guerrand và Patrice Brodeur (một hội viên trẻ từ Boston/Montreal) tôi còn có một lúc thú vị với một nhà sư từ Miến Điện về danh hiệu SUSILA BUDHI DHARMA. Theo những gì chính nhà sư đó nói:

''...hay, một cái tên rất hay...Susila nghĩa là đạo hạnh, Budhi...giác ngộ và Dharma...chân lí...một cái tên hay hết sức.''

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ