Cuộc sống với Bapak và Ibu

Minh Thần dịch

 
 

Lusana Faliks Subud Voice December 1998

Tôi ghi tên mình làm quản gia trong lúc Bapak và Ibu tới New York trong những ngày tháng đầu tiên chuyến đi của họ. Những kí ức đầu tiên của tôi về Bapak là lúc gặp người ở phi trường. Tất nhiên tôi hồi hộp và đã nói: ''Trời ơi Bapak, tôi đã đợi giây phút này trong 4 năm!'' Người đưa cho tôi bắt một bàn tay thật ủ rũ và chỉ nhìn lên phía trên – người hầu như hoàn toàn không nhận thấy tôi.

 
   

Tôi trước hết nhận thức được tính nhạy cảm của Ibu, khi bà đã an cư trong căn nhà mà chúng tôi chuẩn bị cho bà. Bà yêu cầu tôi lấy cho bà một chiếc gối nhỏ, và nói với bàn tay đặt lên vai tôi: ''Chị phải đói bụng lắm rồi! Chị đi ăn gì đi chứ..!'' Chỉ lúc đó tôi mới thấy mình đói bụng như thế nào.

Mỗi ngày với Ibu là một trải nghiệm đặc biệt. Quan hệ của tôi với bà khiến phải ngạc nhiên, tuy bà cận thị còn tôi thì bị điếc (vậy tại sao lại chọn tôi?!)

Trước lúc Hội Nghị Briarcliffe tôi dọn dẹp khắp nhà, nhưng sau đó Ibu trắc nghiệm: ''Kề từ nay chị chỉ dọn dẹp cho phòng của Ibu và Bapak.''

Một hôm nọ bà nói: ''Chị đi ngủ trưa đi nào!'' Bà nói với Bapak là cùng nhau đi ra ngoài để nhường giường lại cho tôi ngủ. Khi thức dậy, tôi cảm thấy khó chịu hơn trước đó: nhiệt độ cơ thể là 35 độ C khiến tôi muốn đi tắm. Tôi vừa nghĩ tới điều đó thì Muftiah Weinstein bước vào nói: ''Ibu nói là nên tắm gội!''

Nấu ăn là chuyện rất trọng đại với Ibu. Bà nói rằng chúng ta có thể làm cho gia đình mình hạnh phúc hay đau ốm, với trạng thái của mình trong lúc nấu ăn. Mỗi lần cắt thái rau cải, chúng tôi phải đem rửa trước cũng như sau đó – và chúng tôi cũng phải rửa con dao dùng để cắt thái. Như vậy thì rau cải ăn mới ngon.

Tôi nhớ có lần Aminah mời nếm thử thức ăn mà chị đang nấu. Tôi nói là mình không thể vì đã nhịn ăn thịt trong một năm.

''Ủa, chuyện này tôi phải nói với Bapak!'' Aminah nói rồi sau đó cho biết thông điệp của Bapak:

''Bapak rất vui mừng là bạn có thể tuân theo sự tiếp nhận đó, nhưng bạn không thực sự là người ăn chay [chỉ ăn rau cải]: người thực sự ăn chay là người sinh ra với một cơ thể có khả năng biến đổi rau cải thành những thứ mình cần. Điều này là thường tình ở phương Đông, nhưng ở phương Tây ăn chay có thể gây hại. Thiên hạ có thể cảm thấy là mình tiến bộ, nhưng rồi họ phải đối phó với sức mạnh thú vật...không bao lâu nữa bạn sẽ biết được những gì có thể và không thể ăn.''

Tôi chưa nói cho mẹ tôi hay về Subud. Bà thường điện thoại cho tôi, và trở nên căng thẳng khi không nói chuyện được với tôi. Có lần sau khi nói chuyện với bà, Ibu hỏi tôi điều gì đã xảy ra khiến tôi lo lắng. Tôi cho Ibu hay vấn đề của mình, và bà chỉ nói: ''Nào, bây giờ chúng ta hãy làm một cái latihan.''

Sau khi tập xong, tôi cảm thấy thanh thản và trống không.

''Bây giờ thì chị hãy đi gặp mẹ mình. NGAY BÂY GIỜ. Đừng chuẩn bị trước những gì mình sẽ nói: đó không là những gì chị phải nói. Nhưng nếu thấy miệng mình không thể nói thì đừng nói.''

Tôi đi gặp mẹ và thấy chính mình đang nói: ''Có gì đâu, con bận việc. Có những người khách từ Indonesia và những bạn bè Subud...!''

''Subud?'' Bà hỏi: ''Cái đó là gì?'' Tôi lại thấy chính mình đang nói: ''Cái đó như giáo phái Mason...!'' Mẹ tôi không bao giờ đề cập tới chuyện đó nữa.

Khi tôi kể lại cho Ibu hay, bà hỏi tôi trong nhà có rượu Port hay không. Bà cũng yêu cầu tôi đem tới hai ly rượu, trên mỗi ly đặt một cái thìa, rồi chúng tôi cùng uống – để ăn mừng!

Tiếp theo ngày tôi đi cùng Bapak và đoàn tuỳ tùng tới San Francisco là ngày mẹ tôi qua đời. Sáng hôm đó khi tôi đến chào hỏi Ibu, bà nói: ''Ai đang đi cùng với chị vậy?'' Nhưng chẳng có ai đi với tôi. Ngay sau đó thì có điện thoại cho biết là mẹ tôi đã qua đời, và khó mà diễn tả được sự âu yếm bà dành cho tôi trong lúc đó. Bà ôm lấy đầu tôi, vừa đu đưa vừa ca hát. Bà nói: ''Đừng khóc, hãy hát cùng tôi! Nếu hát thì không thể đồng thời khóc!'' Sau này, Bapak nói tôi không cần phải đi dự đám tang, nhưng vì tục lệ tôi vẫn đi.

Sau khi chồng tôi mất, Ibu nói: ''Chẳng bao lâu chồng chị sẽ bên cạnh trong lòng chị, và chị có thể giúp chồng mình về tâm linh.''

Trên núi

Năm 1968 là lúc lần đầu tiên tôi tới Indonesia. Tôi hỏi Bapak là mình nên làm gì với cuộc đời mình sau khi chồng mình đã mất. Người hỏi là tôi có muốn đến Cilandak ở chung với họ hay không. Tôi nói là có.

Bapak đã mua một biệt thự nhỏ trên núi, và một ngày sau lúc tôi đến, Ibu cảm thấy không được khoẻ khoắn. Bapak, Ibu và tôi – cùng với hai người hầu – chúng tôi lên núi để ở tại biệt thực đó. Lúc đó lạnh nên những người hầu đốt một ngọn lửa ấm cúng. Bapak và Ibu ngồi trên một chiếc giường, tôi ngồi bên ngọn lửa. Quàng tay lên vai Ibu, Bapak vừa xoa bóp vừa ca hát cho Ibu. Thật khó tin được: 2 tháng trước đây tôi còn ở New York; bây giờ thì chỉ có 3 người chúng tôi, và tôi lại là một người bạn thân của Ibu. Thật quá sức tưởng tượng.

Chỉ có 2 phòng ngủ. Tôi chiếm một phòng; Bapak và Ibu phòng còn lại. Ngày hôm sau, tôi cảm thấy hết sức kì quái: tôi không còn cảm giác được gì! Tôi cố sức lấy lại những cảm giác của mình đêm trước đó, nhưng tôi chỉ cảm thấy 'sự chết.'

Vài tháng sau, Ibu kể cho tôi nghe như thế nào trước khi kết hôn bà đã trông thấy một đêm nọ khuôn mặt của Bapak, và khi gặp Bapak bà đã nhận thức được đó là người đàn ông mà mình thấy trong sự linh thị của mình. Sau khi họ thành vợ chồng, bà nói cho Bapak hay về sự linh thị đó, về việc như thế nào tất cả các cảm xúc của bà đã mất hết, như đã chết hết. Bapak giải thích đó là bởi vì lúc đó Bapak đã trắc nghiệm bà trong nhiều cách khác nhau: cách là người vợ, cách là người mẹ, cách đối xử với những con cái của Bapak, thái độ đối với Thượng Đế. Ibu còn nói: ''Đó cũng là điều chị cảm thấy lúc trên núi. Bapak cũng đã trắc nghiệm chị!''

Lên núi trở thành một thói quen, cứ 2 tuần một lần hay khoảng đó, chỉ có Ibu và tôi. Đó là những lúc rất vui thú, nhưng có lần bà nói là sẽ không để cho tôi đi cùng, bởi có những kẻ ganh ghét. Tất nhiên tôi nói là mình hiểu được chuyện đó. Nhưng sáng hôm sau, Aminah gọi tôi dậy: ''Mau lên, chúng ta lên núi trong một tuần. Trong 20 phút phải chuẩn bị xong tất cả!''
Ibu chỉ cho hay sau khi chúng tôi tới đó: ''Tôi đã không muốn cho chị đi chung, nhưng sau khi chị đi ngủ, linh hồn chị đến gặp tôi trông buồn thiu. Vậy nên, tôi phải cho chị đi theo!''

Tôi nhớ tới có lần khi chúng tôi xuống núi để đi về, đường xá trở nên khó đi và bắt đầu có mưa: mưa đổ xuống như một bức tường rắn chắc bằng nước. Mọi người đều câm lặng, còn Bapak thì nói: ''Nếu Lusana bắt đầu hát thì hết mưa!'' Tôi bắt đầu hát, Usman, Tuti và Ibu hát theo: không khí trở nên nhẹ nhõm và vui vẻ. Bapak nói: ''Có thấy không? Bapak nói là sẽ hết mưa...!'' Quả thực không còn mưa nữa.

Cilandak hồi đó là nơi còn thô sơ. Chỉ có một giếng nước, nhưng nước thì màu nâu và phải nấu trong một lúc lâu. Không có người hầu. Những đệm bằng len – dày độ vài phân – mỗi ngày phải được đem ra phơi.

Trong lúc Ramadhan

Dù tình trạng đó, tôi chưa từng thấy có nhiều người vui sướng đến như vậy tuy bị muỗi cắn, ruồi bu, tuy có đầy rác và nước uống không vệ sinh. Trong lúc Ramadhan tất cả chúng tôi đều bị bệnh kiết lị, đều đau ốm và vân vân, nhưng dù thiếu những nhà vệ sinh, tất cả chúng tôi dù sao cũng thông qua được!

Tôi còn nhớ như thế nào tất cả chúng tôi đã thức khuya trong lúc Ramadhan, nhưng trước đó thì chúng tôi điện thoại cho nhau trong nhiều tiếng đồng hồ. Ibu nói: ''Đây là lúc các bạn phải là chính mình, phải thanh tịnh!'' Bà đã biết tất cả những gì đang xảy ra!

Bapak thường chơi nhạc gambang trên lầu; Margaret Wichmann, Maria và tôi thường ngồi trên các bậc thang để nghe nhạc, cho tới khi Bapak kêu chúng tôi lên tập latihan theo âm nhạc của gambang. Ibu thích như vậy và chúng tôi thường tập chung với nhau.

Ibu thường hay đau ốm và phải nằm một nơi. Thỉnh thoảng tôi tới thăm bà và lấy làm đau buồn về việc đó. Nhưng bà nói: ''Chị không nên đau buồn khi Ibu đau ốm – đặc biệt khi Ibu đau ốm! Bởi khi nhận được một món quà được gói ghém kĩ lưỡng, chúng ta phải tạ ơn Thượng Đế. Không ai nên đau buồn khi đau ốm, đó là một đặc ân của Thượng Đế!''
Một hôm nọ khi tôi đang trò chuyện cùng Ibu, bà chợt nói: ''Đây này, tôi phải ra đi. Bapak đang gọi tôi.'' Bà liền cho hay: ''Bapak không gọi tôi như 'thế này' (lớn tiếng kêu) – nhưng từ 'trong lòng' và Ibu cũng đáp lại từ 'trong lòng'. ''

Không có tai nạn!

Một hôm nọ, Ibu nói với tôi: ''Lusana, không có điều gọi là tai nạn – tôi muốn chị nhớ kỹ điều này.''
Tôi nói: ''Ibu, bà luôn nói với tôi điều đó – nhưng nếu có một hòn gạch rớt trên đầu thì tôi sẽ phải chết...?''
''Không – không có tai nạn.''

''Vậy thì sự tự do ý chí của chúng ta là để làm gì?''

''Sự tự do ý chí của chị cũng như của một cây đàn vĩ cầm trong một cái hộp. Những hoàn cảnh của cuộc đời chị đã được sắp đặt trước. Chị không thay đổi được bất cứ gì. Nhưng cách phản ứng của chị – nhờ vậy chị có thể làm điều gì đó cho tình trạng mình. Chẳng hạn, một kẻ nào đó có tính háo thắng, luôn chiếm phần lợi về cho mình, như vậy là không đúng. Một kẻ khác thì có thể nhường nhịn – một kẻ khác nữa thì tự tin hơn – nhưng luôn có một cách phản ứng đúng cách, khiến cho sẽ không có những hoàn cảnh [khiến có tai nạn]. Trừ phi thiên hạ phản ứng một cách đích đáng, không thì sẽ không có gì thay đổi.

''Đừng suy nghĩ gì nhiều – nhất là về những người khác – khi chị suy nghĩ tới họ, tức khắc sẽ có một sự liên hệ với họ và ngược lại. Chỉ việc suy nghĩ tới Thượng Đế. Khi những người khác suy nghĩ tới chị, tinh thần họ sẽ trở nên cao quý hơn.''

Ibu thật phức tạp! Ăn nói ngay thẳng, nhưng cũng...Tôi không bao giờ biết được mình đã trông thấy một Ibu nào...Bà giống với một bình chứa trống rỗng, tất cả đều 'xuyên qua' bà. Đôi khi bà như là một người mẹ với tôi, những lúc khác lại là một người bạn để chia sẻ cho nhau những gì của mình; nhưng đôi khi bà trở nên thật kì bí đối với tôi: trong lúc đó tôi như một một người mẹ và bà là đứa con, rồi bà hỏi những chuyện trọng đại về tâm linh: ''Điều đó chị PHẢI biết!'' (tôi thuờng nói là mình không biết gì). Nhưng bà khăng khăng cho là tôi biết, và theo tôi nghĩ thì tất cả chúng tôi đã biết được mọi chuyện, nhưng phần nhiều thì chúng ta không khiến cho mình biết được.

Ibu thường khyuến khích tôi cầu nguyện chung với bà mà chỉ hỏi: ''Đừng suy nghĩ gì, chỉ việc tịnh tâm...'' Sau khi cầu nguyện xong, bà đẩy nhẹ tôi: ''Chị đã nghĩ tới nhiều chuyện!'' hay ''Chị đã không nghĩ tới gì hết!'' rồi ghì chặt lấy tôi.

Bapak

Có một biến cố rất có ý nghĩa đối với tôi. Đó là lúc tôi tình cờ gặp Bapak, lúc người đi qua một cánh cửa; trong lúc đó tôi thấy mình nhìn thẳng vào cặp mắt của Bapak – đúng ra là chỉ nhìn vào một con mắt. Lúc đó Bapak không mang kính, và những gì phát ra là một tình thương mãnh liệt tới nỗi khiến cơ thể tôi bị một cú sốc. Sau này, tôi suy tưởng về những gì mình đã cảm thấy để tìm cách hiểu được.

Bapak đã nói rằng tình thương của con người không đáng tin cậy. Đôi khi chúng ta thương, đôi khi không. Thứ tình thương đó không như tình thương xuất phát từ Thượng Đế, một tình thương khiến động lòng mà phải quỳ xuống. Tôi cũng còn nhớ là khi Bapak thường nói chuyện với những người nam trong những ngày tháng đầu tiên [của Subud] họ đôi khi lăn té trên mặt đất. Chỉ một thời gian sau đó Bapak mới nhận thức được tại sao điều đó đã xảy ra, nên người không còn nhìn thẳng vào mặt nữa, mà nhìn lướt qua đầu họ.

Cậu con trai tôi đã yêu một cô gái nọ, và nhân vụ đó cậu muốn cưới hỏi. Bapak bảo Istimah làm trắc nghiệm coi cặp trai gái đó có xứng hợp với nhau không.

Istimah làm cái trắc nghiệm thú vị đó – thật tuyệt vời! - như vậy thì họ phải xứng hợp với nhau.

Bapak bảo tôi trắc nghiệm coi xem: ''Hôn nhân đó sẽ ra sao nếu là một hôn nhân chân thực?'' Tôi tiếp nhận được là mình cảm thấy kinh khiếp! Tôi cảm thấy như đang khóc...

Istimah cũng rất hoang mang.: tại sao lại cảm thấy tuyệt vời khi trắc nghiệm? Bapak cũng đặt câu hỏi đó cho chị trắc nghiệm, và lần này thì chị cũng tiếp nhận được là hôn nhân đó sẽ không tốt.

Có lần trong chuyến đi thế giới của Bapak và Ibu khi trở về từ Peru, chúng tôi bị quân đội khám xét. Túi đồ của tôi bị khám xét, và một người lính dang tay ra muốn khám xét thân thể của Bapak. Nhưng khi nhìn, tôi chỉ thấy là y không thể đụng vào Bapak. Y cố sức đi cố sức lại, cho tới khi y đành phải chịu thua nói: ''GO!''

Khi chúng tôi đem hai đứa con còn nhỏ của mình tới Indonesia, chúng phải chích ngừa nhiều lần, và điều đó đôi khi khiến chúng bị khó chịu. Khi chúng tôi đang chờ đợi lên máy bay, Simon chợt thức dậy khóc – nó cảm thấy khó chịu. Nhưng sau khi chúng tôi lên máy bay, Bapak đứng lên từ chỗ ngồi gần cửa sổ của mình, nghiêng qua phía Ibu rồi sờ vào đầu Simon. Nó lập tức buồn ngủ, và khi thức dậy nó vui vẻ như bình thường.

Ngày sinh nhật thứ 69 của Bapak có một buổi selematan, và có rất nhiều người đến dự. Trước đó thì phải nấu cơm, nhưng các người hầu đã nấu không đủ. Tôi ngồi nơi giữa bàn và nghĩ là chẳng bao lâu nữa sẽ có ai đó đem cơm tới cho mọi người lấy. Nhưng khi nhìn trong 20 phút và thấy mọi người đã lấy xong, tôi nghĩ là sẽ không còn đủ cho mình nữa, nhưng khi tới phiên tôi đi lấy thì vẫn còn đủ cho mọi người !

Thiên hạ thường hỏi Bapak có nói về luân hồi hay không. Tôi còn nhớ là Ibu đã nói với tôi về một đứa cháu mà bà hết sức yêu chuộng, một đứa bé có một dấu chữ thập trên trán. Đứa bé đó đã chết, và bà không thể không thương tiếc, tuy biết là mình không nên làm như vậy. Một hôm nọ, bà có một chứng nghiệm thấy đứa bé đó tới gặp mình nói: ''Không sao hết, con sẽ trở về, nhưng là một đứa bé gái.'' Thực vậy, sau đó Rochanawati, cô con gái bà, mang thai một đứa bé gái, và đứa bé đó có một dấu chữ thập trên trán!

Tôi cũng còn nhớ Ibu đã nói với tôi là khi làm trắc nghiệm về tôi trên núi, Bapak đã nói với bà là trong quãng đời này tôi đã không phạm phải nhiều tội lỗi.

Một tháng trước khi Ibu mất, chúng tôi tập latihan trong một phòng rộng lớn và lúc đó thì đã tối mù. Bà đến đụng vào người tôi nói: ''Chị dẫn tôi về nhà, tôi thấy khó chịu!'' Đó là cái latihan cuối cùng mà bà đã dự. Ban đầu, tôi không mấy lo lắng, nhưng khi mỗi ngày tới thăm bà, tôi thấy hiển nhiên là bà đang đau ốm nặng. Hai ngày sau khi tôi gặp bà, bà qua đời. Một ngày trước đó, chị Rohanna Mitchell nhớ lại như thế nào sức khoẻ của Ibu trở nên khá hơn, nhưng Ibu nói: ''Ngày mai tôi sẽ chết!'' Rohanna cũng nhớ lại là Bapak đã nói rằng Ibu có thể lựa chọn – và bà đã lựa chọn cái chết.

Chắc bạn sẽ thắc mắc là tất cả những chuyện đó đã dạy cho tôi được bài học gì – có tác động gì đối với tôi?

Cái thông điệp mà tôi nhận được của Ibu là khi không đang tập latihan, chúng ta luôn phải quy thuận. Chẳng hạn khi nấu ăn, chúng ta nên để cho Thượng Đế nấu ăn qua mình, và đó cũng là điều khi làm những chuyện khác. Chúng ta nên để cho Thượng Đế làm bất cứ gì trong óc não mình, trong tim can mình, với tất cả nghị lực của mình.

Tôi nhận thức được mỗi người chúng ta phải đạt được một tình trạng trong đó latihan trở nên tự nhiên tới nỗi đó là một lối sống, khiến chúng ta trở thành một công cụ cho Ý Thượng Đế. Điều đó không thể không thực hiện được. Trước hết, chúng ta phải học hỏi điều đó, nhưng sau nhiều năm đó là một bộ phận của chúng ta, khiến cho có thể' để cho Thượng Đế làm món ăn này' hay chỉ việc 'phó thác bộ óc hay bàn tay này' vân vân. Đôi khi tôi thấy điều đó trở nên tự nhiên, những lúc khác tôi thức dậy mỗi sáng xin Thượng Đế cho mình được như vậy. Nhưng nếu ý thức được điều đó thì chúng ta sẽ đạt được. Chúng ta không cần phải hiểu biết; thực ra thì mình có thể cảm hoá được nhiều người. Có thể là trên một xe buýt mình ngồi bên cạnh một kẻ nào đó mà jiwa trong trạng thái cảm ứng, và nếu lúc đó có trạng thái đích đáng, mình có thể cảm hóa kẻ đó.

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ