Một buổi trò chuyện với Husein Rofe

Minh Thần dịch

 
 

Ilainard Lennard June 1994

 
Bapak và Rofe  

Ngày 18 tháng 4 năm 1994 khoảng 70 hội viên Subud họp mặt cùng nhau ăn uống tại khách sạn Aurora Garden ở Windsor bên Anh. Anh Tony Bright Paul là người đề xướng buổi họp mặt đó mà mục đích là gặp Hussein, nhân vật lần đầu đem Subud tới phương Tây trong năm 1956.

Lúc đó Husein đã hơn 70 nhưng trí tuệ sôi nổi và cặp mắt sáng ngời sâu sắc của ông thì vẫn còn trẻ trung. Trong thập niên 50 ông viết hai cuốn sách về subud – The Path of SubudReflections on Subud. Cho tới những lúc gần đây ông đã sinh sống ở Hong Kong, nơi ông dùng năng khiến đặc biệt của mình là nói được 20 hay 30 và hiểu được khoảng 90 thứ tiếng, và lập nên một kinh doanh ấn tượng về thông dịch tên là POLYGLOT.

Trong suốt đời mình là một người đi tầm sư học đạo, Hussein đã tìm thấy Subud trong đầu thập niên 50. Được một người Hà Lan mời tới Indonesia, ông liền tới đó mà không có một vé khứ hồi. Trong vòng 6 tháng ông đã gặp Bapak. Nhận thấy trong Subud mình có thể tìm thấy những gì mình đang đi tìm, ông xin lập tức được được khai mởvà hầu như trở thành người Tây phương đầu tiên tiếp nhận được latihan.Thiên khiếu ngôn ngữ của ông khiến ông đặc biệt trở thành một người thích hợp cho sự truyền bá của Subud bên ngoài Indonesia. Chẳng bao lâu sau đó, ông du hành để khai mở cho thiên hạ tại bất cứ nơi nào mình tới. Năm 1955 ông tới Anh, nơi ông thành một công cụ cho sự xuất hiện của đợt sóng những người đầu tiên vào Subud.
Hai hay ba năm sau Husein có ý định cư thường trực tại Quebec hay miền Tây nước Pháp.

''Nhưng có người đề nghị tôi nên tới Anh, trong đó có điều khoản là được ở trong một căn nhà đầy đủ tiện nghi tại Brighton với một khu vườn. Tôi không cho ai biết là mình tới đó. Tôi cảm thấy là 'mình cứ việc thử xem sao – nếu Thượng Đế muốn mình gặp các hội viên Subud, thì họ sẽ tới gặp mình.' Ngay tức thì, hoàn toàn do tình cờ, có ai đó đi vào cửa nhà.

Husein nói mình chẳng có gì đặc biệt để nói tới, nên yêu cầu mọi người hỏi mình. Bởi đương nhiên ông không muốn coi những gì mình nói là có 'uy tín' nên người ta thấy những điều ông trả lời là đáng chú ý.

Tôi nghe nói lần đầu tiên có latihan, thiên hạ có những chứng nghiệm mãnh liệt hơn hiện nay...Hậu quả là Bapak đã 'giảm bớt' sức mạnh của latihan. Ông có ý kiến gì không?

Đương nhiên là tâm linh người Indo thường nhạy cảm hơn phần đông chúng ta. Tôi nghe nói tới một nhân vật nọ có một chứng nghiệm thấy mình đi vòng quanh thế giới. Y trông thấy một người bạn mình đang hành hương tại Mecca trong lúc đó, và sau này người bạn đó đã xác nhận chuyện đó...Nhưng nếu nói Bapak làm giảm sức của latihan, thì điều này thật khó tin; có lẽ đó chỉ là lời khuyên của Bapak về sự nên tập latihan bao nhiêu lần. Điều bạn nói khiến phải nghĩ là Bapak đã không chỉ phó thác cho Thượng Đế. Tuy nhiên, có lần tôi đã hỏi Bapak là người có thể hay không cài đặt vào thiên hạ những ý nghĩ mà họ không ngờ bị cài đặt. Bapak thừa nhận mình có thể làm chuyện đó.

Khi còn là một đứa bé, ông đã từng cảm thấy, trước khi tới Indonesia, mình là một 'nhân vật của định mệnh'?

Tôi cảm thấy mình phải đi tìm một đường lối tu hành. Nhưng tôi cũng ý thức được những khiếm khuyết của mình, khiến mình cần phải được nâng đỡ. Tôi mong là sẽ tìm thấy ở Ấn Độ, chứ không ở Indonesia.

Ông có nghĩ là trước Bapak đã có những người tiếp nhận được latihan?

Chuyện này thì rất khó nói. Cách chúng ta hiểu latihan, việc cơ thể chúng ta cử động không do ý chí mình, điều này hình như cũng có thể nhận thấy ở những đường lối tâm linh khác. Nhưng Bapak có nói là trước đây latihan đã chỉ được ban cho hai người: thiên sứ Muhammed và Al Jailani, họ đã truyền cho những người khác, nhưng không đủ tư cách giảng giải và bình phẩm như Bapak lần đầu tiên đã làm.

Tôi nhận thấy phần đông các bạn là những người Thiên Chúa giáo. Bapak không nói Đức Ki Tô đã có latihan, điều đó là không thích hợp với thời đại của Chúa GiêXu. Nhiều vị sứ giả khác đã theo những gì thích hợp với thời đại mình.

Tôi đã từng đọc đâu đó latihan là con đường của tất cả các vị thánh và thiên sứ. Ông nghĩ thế nào?

Nếu bàn luận quá nhiều về điều này, thì chúng ta sẽ thấy mình tranh cãi về chứng nghiệm của những Nhân vật Siêu đẳng, và đó là điều chúng ta chẳng hiểu biết gì được!

Làm sao có thể khởi phát một chân văn hóa của Subud khi tình trạng phân hóa rất nặng? Vai trò của chúng ta là một cây cầu bắt ngang qua những phân hóa đó?

Bapak nhấn mạnh văn hóa là cái bao gồm tất cả, nhưng người cũng thường nói: (Husein biểu diễn bằng cách lấy một chiếc thìa gõ lên những vật khác nhau) có sự khác biệt giữa người gõ và vật được gõ. Chỉ phát ra âm thanh khi cả hai đã trở thành một. Điều này cho thấy mỗi người chúng ta có khả năng tiếp nhận khác nhau...nhưng bởi đều cùng xuất thân từ một Cội Nguồn duy nhất, nên tất cả chúng ta đều có một tiềm năng như nhau.

Tôi luôn đi tìm một nền văn hóa bao gồm toàn thể thế giới, cái không bị giới hạn bởi chủng tộc và quốc gia. Hình như cùng xuất thân từ một Cội Nguồn duy nhất, nên chúng ta phải có cái gì là của chung, một tiềm năng là của chung cho tất cả chúng ta. Bởi thiên hạ ít khi cảm thấy có cái gì duy nhất, nên người này sợ kẻ kia. Nếu chối bỏ văn hóa của những người khác, chúng ta cũng chối bỏ cái gì đó của chính mình. Nếu không cảm thấy mình đồng hóa được với những người khác, thì như vậy là chúng ta vẫn còn phải tăng tiến nhiều hơn...

Không có văn hóa nào mà không thể tìm thấy trong Subud. Nhưng tôi đã có lần hỏi Bapak về biểu tượng của Subud, và người cho hay đó là cách cho thấy chúng ta lớn lên từ cái nhỏ bé để thành cái lớn hơn. Nhưng có 7 tia, và dù bành trướng như thế nào, bạn luôn đi theo cái 'tia' của chính mình, mà không thay đổi hướng đi. Vậy nên, không ai có triển vọng đạt được tất cả các văn hóa, họ bành trướng và phát triển theo cái của mình.

Trong latihan chúng ta thường nói năng theo miệng lưỡi mình. Ông đã từng nghe thấy thiên hạ nói những ngôn ngữ hiểu được mà chính họ cũng không biết?

Có và không: kể cả trong chứng nghiệm của tôi cũng như của người khác. Những ngồn từ chúng ta dùng thì trước đó đã có trong những ngôn ngữ khác, những ngôn ngữ chúng ta hoàn toàn không quen thuộc.

Nhưng Bapak đã có lần bảo tôi làm một trắc nghiệm trong đó tôi nói tiếng Anh. Tôi đã không nói được gì! Hình như jiwa hiểu được cái ngôn ngữ tiếp nhận được, nhưng trí tuệ lại không nắm bắt được, bởi những ý nghĩa và kích thước thì hoàn toàn xa lại đối với jiwa hay trí tuệ. Vậy nên, đây không là một đề tài để tranh luận.

Nhiều người thích nghiên cứu những sách về siêu hình học, nhưng điều đó sẽ không giúp họ về mặt tâm linh: họ đã dùng cái không nên dùng khi tìm cách hiểu biết tâm linh với trí óc mình.

Ông nghĩ thế nào về việc hiện nay có latihan, chứ không xưa kia? Đó là vì tình cảnh của thế giới?

Bapak nói rằng lối sống của con người đã thay đổi rất nhiều. Nếu có thể trông thấy con người cách đây 100 000 năm, ta sẽ nhận thấy tất cả đều khác hẳn. Chỉ tính dục là con nguyên vẹn! Hiện nay áp lực của óc não mãnh liệt hơn xưa kia, nhưng Bapak có nói là dù con người có tiến xa tới đâu đi nữa, Thượng Đế luôn còn xa cách hơn nữa. Hiện nay, Bapak nói, lối phụng thờ và lễ nghi truyền thống trở nên quá khó khăn. Có lẽ vì vậy mà Thượng Đế muốn cho con người có một con đường dễ dàng hơn để tiến bộ nhiều hơn, điều gì có thể theo tập trong khi còn sống một cuộc đời bình thường.

Ông còn nhớ được những gì Bapak nói về tương lai?

Tôi còn nhớ là Bapak đã nói tới những cuộc chiến hạn định, nhưng sau đó thì sẽ có một Thời kì Vàng son với những cơ hội mới lạ. Nếu muốn đưa tới cho thế giới một thông điệp mới mẻ, Thượng Đế trước tiên bắt con ngươì phải chịu gian khổ, bởi nếu không thì con người sẽ không hiểu được nhu cầu của mình để cầu xin Thượng Đế cứu giúp mình, cho mình dùng được những cơ may được ban tặng. Nhưng Bapak thực sự tin rằng nếu có quá nhiều người trên thế giới nhưng thức ăn lại không đủ, thì sẽ có một giải pháp hay những tai ương vân vân để tái lập tình trạng quân bình. Nhưng Bapak không muốn làm mọi người phải lo sợ một cách không cần thiết.

Tôi tin là Bapak đã có nói là có nhiều người được khai mở nhưng cũng có nhiều người bỏ cuộc, bởi họ không hiểu gì về latihan. Ông nghĩ thế nào?

Biểu tượng của Subud mang nghĩa là trên căn bản tuy chúng ta đều có những cơ thể của con người, nhưng chưa chắc là chúng ta đã có những linh hồn của con người. Nhiều linh hồn chưa đạt tới trình độ con người; chỉ có rất ít linh hồn đã đạt được một trình độ cao hơn, có lẽ vậy khi họ là hiện thân cho một chủ đích đặc biệt gì đó.

Tiềm năng của mỗi người đều khác nhau: chẳng hạn, những căn nhà lớn thì chứa được nhiều khách. Khi vào Subud, thiên hạ chịu sự quy định của hai điều: tiềm năng phát triển và điều có thể gọi là tính nhạy cảm, cái khả năng chịu sự quy định của óc não. Những ai thường suy tư nhiều có thể trở nên kém nhạy cảm hơn những ai sống với cảm xúc mình nhiều hơn, như các nghệ sĩ. Cả sự di truyền lẫn tình trạng bị quy định của mình có thể khiến họ mất nhiều thời gian hơn trước khi có thể tiếp nhận được tốt.

Có những người khác sẽ nói với các bạn là cuộc sống họ đã hoàn toàn đổi thay với cái latihan đầu tiên. Hiển nhiên, kẻ mất nhiều thời gian nhất mới ý thức được đã có những gì thay đổi, là kẻ cần phải kiên nhẫn nhất, và đó cũng là kẻ rất dễ chán nản nếu muốn hấp tấp.

Bapak cũng cho hay là trước khi ai đó vào Subud, bản chất mình như một vòng tròn mà trung tâm là trí óc, linh hồn là chu vi. Điều này thì ngược lại, khi chúng ta được khai mở. Nếu suốt đời mình chúng ta chỉ tập trung vào những tri giác của thể chất, với trí óc là trung tâm, thì một cuộc cách mạng dữ dội của nội tâm sẽ xảy ra, tuy chúng ta có thể không ý thức được.

Ta có thể chứng tỏ mình kiên nhẫn, hay coi xem mình là hạng người làm vườn nào. Mình muốn bây giờ đào bới lấy hạt giống, hay đợi chờ cho tới khi mọc thành cây cỏ? Mình có chăm sóc và tưới nước đều đặn?

Phần đông thiên hạ hiện nay là có linh hồn thuộc trình độ vật chất. Họ như vật chất vô tri vô giác, thứ vật chất không làm chủ được định mệnh của chính nó. Như một hòn đá, thứ hòn đá không thể tự chuyển động. Một vài hội viên Subud giống như thế. Một vài người trong các bạn là phụ tá, chắc các bạn đã nhận thấy những kẻ đó sẽ được lợi nếu có ai giúp họ, nhưng họ không thể tự giúp mình khi tập một mình. Điều này cũng đúng một phần nào với những linh hồn trình độ thực vật.

Những ai trong chúng ta thuộc trình độ con người thì không có là bao. Nhưng nếu bắt đầu, ngay cả từ chỗ thấp nhất, chúng ta có cơ may lên tới một trình độ cao hơn. Chúng ta có thể nhiều lần cảm thấy như mình đã 'chết' rồi được tái sinh. Nhưng điều này thì không nằm trong quyền hạn của con người, nếu muốn từ trình độ thứ tư đạt tới thứ năm: đây là một điều nằm ngoài sự hiểu biết của mình.

Phái Sufi đã khẳng định vài chuyện khá phi thường. Những điều đó là thật? Ông có thể cho biết những điều đó có nghĩa gì?
Phái Sufi là khía cạnh thần bí của Hồi giáo, sẽ không có ý nghĩa gì nếu không liên quan tới tôn giáo đó. Tuy là một đường lối tu tập có thể đem tới những kết quả đáng kể, nhưng Bapak đã có lần bình luận là bởi những nhà tu hành Sufi thường tập trung vào tim can, nên vài người đã bị bệnh tim.

Có sự khác biệt căn bản này là trong Subud Vị Thầy của chúng ta nằm trong lòng mình. Phái Sufi thì tin rằng phải có một sự truyền thụ qua một 'dây chuyền gồm những con người.'

Ở Cilandak có một kẻ nọ có thể tạo ra lửa vân vân, nhưng pháp thuật của y đã biến mất sau khi y vào Subud...

Theo Bapak, rất nhiều những điều như vậy là thuộc lĩnh vực của tà thuật. Subud có một Pháp Thuật cao siêu làm vô hiệu hóa những sức mạnh đó. Điều đó thì tôi có thể tin được, bởi có lần người ta kêu tôi đến giúp một thanh niên Java trong trạng thái xuất thần nhưng không lấy lại được trạng thái bình thường. Tôi nói là mình sẽ đến ngồi gần y, rồi bắt đầu làm latihan. Sau một phút, y mở mắt ra! Y không còn nhớ được bất cứ những gì đã xảy ra. Điều này cho thấy được tác động của những sức mạnh đó.

Anh Ysband Rogge, một người theo thuyết thần trí, thường cảm thấy cơ thể mình tắm trong ánh sáng, nhưng sau khi được khai mở, anh than phiền là tất cả những điều đó đã biến mất. Bapak nói rằng đó là bởi vì ánh sáng đó đã đi vào nội tâm anh, trở thành cái gì là của anh.

Husein Rofe còn kể nhiều chuyện khác (*) khiến mở tầm mắt, nhưng tiếc là đã không được ghi chép lại. Ông qua đời cách đây vài năm.

_________

(*) Nhân tiện cũng xin được đề cập tới một chuyện ít đươc nhắc tới trong những giai thoại của Subud trong cuốnReflections on Subud của ông: Bapak tiên tri là mình có thể sống tới hơn trăm tuổi, nhưng sẽ chết lúc tuổi hơn 80 sau khi hoàn thành sứ mệnh mình.

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ