Bapak bình thường, nhưng bình thường một cách phi thường

Minh Thần dịch

 
 

Raymond Lee June 1988

Một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên nhất sau khi thành hôn với Muti, cháu gái của Bapak, là đời sống gia đình hoàn toàn bình thường của Bapak. Bapak chưa từng cho mình là 'thánh thiện' – người làm những điều này nọ như bất cứ ai khác, chính những gì xảy ra chung quanh người khiến người trở nên 'phi thường.' Đó là những điều chợt đến với Bapak mà cần phải có, bởi tình trạng của Bapak. Trong trạng thái 'toàn diện.' Chúng ta luôn nhắc nhở mình là phải cảm nhận được latihan, nhưng đối với Bapak thì luôn luôn có latihan, nên tất cả những gì mà người làm đều là latihan.

Anugraha, Widjojo, Kalimantan
Ta có thể thấy được sự phi thường của Bapak trong cách thiên hạ cư xử với người. Như lần cuối khi người tới Anugraha (trung tâm hội nghị của Subud ở Anh), khi thiên hạ tới gặp người từ khắp nơi trên thế giới. Họ đã khóc khi họ chào hỏi người. Nhưng Bapak chỉ tỏ vẻ hoàn toàn bình thường.

Trong lần đến thăm cuối cùng đó, Bapak lấy làm vui mừng vì Anugraha. Trong những lúc latihan, tôi còn nhớ là người đã nói rằng nếu thiên hạ hiểu được Anugraha thực sự tượng trưng cho điều gì, thì sẽ không có chuyện thiếu thốn tiền bạc.

Tôi còn nhớ tới một buổi nói chuyện cách đây lâu về kinh doanh, trong đó người nói căn bản sai trái của kinh doanh là tư lợi của chúng ta. Người nói điều đó trước khi mọi chuyện không được như ý, tuy hồi đó tôi chưa thể nhận thấy như vậy, nhưng Bapak thì đã thấy được.

Anh Lienhard Berger có nói: ''Chỉ bây giờ tôi mới bắt đầu hiểu được những gì đã xảy ra trong kinh doanh...chúng ta đã làm việc không đúng cách, đã đuổi theo những mộng tưởng là mọi việc sẽ xảy ra theo ý mình, và hậu quả là tất cả đã sụp đổ.'' Điều chúng ta thực sự cần phải làm là đặt mình trong một trạng thái luôn sẵn sàng của latihan, mà không mộng tưởng và tham lam.

Bapak đã thất vọng vì chúng ta đã không thể làm được như vậy. Người luôn sẵn sàng. Người có thể thấy được như thế nào mọi chuyện sẽ xảy ra. Như lúc khởi đầu của PTS Widjojo: khu đất của tòa nhà cho thuê mua văn phòng đó xây cất cách xa trung tâm Jakarta, nhưng lúc đó lại không có nhiều người muốn thuê mua. Nhưng khi tòa nhà đó xây cất xong, có rất nhiều người đến thuê mua. Giá thuê mua tăng lên kinh khủng. Năm 1983 Bapak tiếp nhận được là phải xây cất một khách sạn. Người rất phấn khởi và không lúc nào không nói tới chuyện đó. Người muốn bán Widjojo để có tiền cho khách sạn. Nhưng mọi người đều nói: ''Không được đâu Bapak, không thể làm chuyện đó được!'' Nên Bapak cũng đành chịu. Hiện nay đã có một kẻ khác xây cất khách sạn, và đó lại là lúc người ta cần khách sạn, còn thị trường thuê mua văn phòng thì xuống dốc, và nếu không xảy ra một phép mầu thì chúng tôi đã bịthiệt thòi nặng nề.

Với Kalimantan thì cũng y như vậy. Bapak thấy được những gì sẽ xảy ra, và người muốn lôi kéo Subud vào. Hiện nay người ta đang đổ xô đi tìm vàng tại Kalimantan, bởi có những thuyết mới về cách vàng hình thành trong vỏ Trái Đất, về cách kiếm vàng. Hiện nay có 60 công ty đang tìm kiếm vàng, và hàng trăm ngàn những kẻ đãi vàng bất hợp pháp tại những sông ngòi. Bapak đã thấy được tất cả những điều đó. Bapak luôn sẵn sàng, còn chúng ta thì sao?

Lúc Bapak tức giận
 Tôi còn nhớ lại là chỉ thấy Bapak đã tức giận có hai lần. Lần thứ nhất là lúc có một người trong gia đình của Bapak bước vào phòng, Bapak liền nói: ''TỈNH DẬY ĐI!'' để làm cho vị đó bị một cú sốc.

Lần thứ hai là trong lúc có một buổi trắc nghiệm tại Cilandak. Tuy mỉm cười nhưng Bapak bực tức nói: ''Các bạn đã không trả lại 1% của những gì mà Thượng Đế đã ban cho mình, vậy mà các bạn lại than trách.''

Người liền trắc nghiệm: ''Thái độ các bạn nên ra sao trước mặt Thượng Đế?''

Một vài vị nữ thì đứng, những vị khác thì quỳ. Giọng nói của Bapak trở nên kinh khiếp: ''CÚI XUỐNG!'' Đó là lúc thiên hạ không ý thức được, không tuân theo latihan. Còn nếu bị chỉ trích, tất cả những gì Bapak nói chỉ là: ''Cứ như vậy đi, nếu các bạn muốn trách Bapak.''

Thiên hạ thường ngạc nhiên về việc Bapak không thay đổi nhân sự khi có ai đó làm những gì sai trái trong kinh doanh, bởi chắc chắn Bapak đã biết trước. Tuy thế, Thượng Đế cũng cho phép ta làm những gì sai trái, bởi nhờ vậy chúng ta mới học hỏi được. Thượng Đế không đuổi chúng ta đi, mà luôn vui lòng giúp đỡ chúng ta.

Bapak sẽ chúc phúc cho bất cứ ai yêu cầu mình. Người hầu như không bao giờ nói ''không được đâu.'' Đôi khi những điều người khuyên bảo thiên hạ có vẻ trái ngược nhau. Điều này chỉ là Bapak luôn sẵn sàng – sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và tình trạng của mỗi người.

Sự tận tâm của Bapak
Sau khi Bapak qua đời, tôi chợt nhận thức mức cam kết đối với latihan của Bapak: làm hết sức mình. Tôi đại khái thấy được những điều Bapak đã trải qua trong suốt đời người, như thế nào người đã chỉ việc tuân hành trong sự quy thuận hoàn toàn. Ngay cả khi bị gia đình chống đối. Ngay cả khi người được khiến cho hiểu là phải bỏ công ăn việc làm của mình để hoàn toàn đặt mình vào sự định đoạt của Thượng Đế.

Trong những lúc ban đầu, tình trạng của Subud vẫn còn mập mờ. Có một nhóm nào đó được lập nên rồi lại biến mất. Nhưng Bapak vẫn luôn kiên trì. Mọi việc đều có nhịp độ và thời kì của nó, nên Bapak đã phải đợi chờ 30 năm trước khi Subud có thể bành trướng, tuy người đã tiếp nhận được từ lâu là điều đó sẽ xảy ra.

Trong gia đình của Bapak người ta không nói về sự tiếp nhận của mình, người ta đợi chờ thực tại. Chúng ta hiểu được sự khôn ngoan của việc làm đó, bởi lúc còn trẻ Bapak đã tiếp nhận được mình là một nhân vật quan trọng sau này. Người nghĩ có lẽ mình sẽ thành một 'Bupati' – như một thị trưởng, chẳng hạn. Điều đó cho thấy óc tưởng tượng có thể xen vào để bóp méo thực tại của một sự tiếp nhận.

Bapak biết cuộc sống mình có giới hạn, nên người luôn lôi chúng ta đi theo, cho tới khi có lúc chúng ta cảm thấy bị kiệt sức – và đó thực sự là lúc bắt đầu có một sự rung động!

Trong những nói chuyện của mình Bapak đã cho chúng ta một tấm bản đồ, nhưng chúng ta chỉ có thể đi nếu chính mình lên đường. Tất nhiên trên đường đi chúng ta không luôn phân biệt được thế nào là hướng dẫn, và thế nào là sao lãng và cám dỗ. Điều này như là lần đầu tiên mình tập đi xe đạp. Mình làm tất cả những gì làm cho một chiếc xe đạp chạy được, nhưng vẫn còn bị té xe. Mình chỉ thành công khi học được cách giữ thăng bằng. Thế thăng bằng là điều chúng ta phải học, trong kinh doanh cũng như trong tất cả những gì mình làm.

Chúng ta phải thử đi thử lại mà không được bỏ cuộc, chúng ta phải cam kết như Bapak đã làm.

 
     
 
  © 2019 Góc Nhỏ